GPVMenu

 Phim Công giáo online 

 Lịch Phụng vụ GP Vinh 

 Giờ lễ tại các nhà thờ 

 Quỹ Học bổng NTT 

 Giấy tờ - Chứng chỉ 

 ĐCV Vinh Thanh 


Xem tiếp...
 Gia đình Web Giáo phận 
Lam Hồng (Đức tin & VH)

Phim Công giáo

Thánh Ca Online

ĐCV Vinh Thanh

Hội dòng MTG Vinh

Quỹ Học Bổng NTT

GĐ Thánh Tâm GP Vinh

Doanh nhân GP Vinh

Giáo xứ Bảo Nham

Giáo xứ Hòa Ninh

Giáo xứ Làng Rào

Giáo xứ Nghi Lộc

Giáo xứ Tân Lộc

Giáo xứ Trung Nghĩa

Sinh viên CG Vinh

CĐ Vinh Hà Nội
 Tra cứu bài viết 
Tháng Năm 2024
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
 Thống kê truy cập 
 Khách: 22
 Thành viên: 000
 Tổng cộng 022
 Lượt tr.cập 055988298
 Từ điển online 
TỪ ĐIỂN ONLINE

 Bookmark & Share 

website security
 
Chuyên mục » Giáo Há»™i CG hoàn vÅ© - Văn kiện 15.05.2024
Tông huấn "Lời Chúa" (Verbum Domini) của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
16.12.2010

Ngày 11/11/2010 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã ban hành Tông Huấn "Lời Chúa" dựa vào các khuyến cáo của Cuộc Họp Thường Lệ Lần Thứ Mười Hai của Thượng Hội Đồng Giám Mục tại Vatican trong các ngày 5-26 tháng Mười năm 2008, năm kính Thánh Phaolô. Chủ đề của cuộc họp đó là “Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội”. Đây là một tông huấn quan trọng của Đức Bênêđíctô XVI, khiến Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterovíc, Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng gọi ngài là “Giáo Hoàng của Lời Chúa” (Zenit, 12/11/2010). Thuật ngữ này quả không ngoa, vì hẳn ai cũng rõ: ngài vốn là chủ tịch của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, một Ủy Ban từng cho công bố một tài liệu quan trọng về việc giải thích Thánh Kinh trong Giáo Hội Công Giáo vào năm 1993. Tài liệu thông sáng này không những được các giới trong Giáo Hội chào đón, mà còn được nhiều học giả bên ngoài Giáo Hội hoan nghênh (xem The Interpretation of The Bible In The Church, edited by J.L. Houlen, SCM Press Limited, London, 1995).

NHẬP ĐỀ

Để niềm vui của chúng ta nên trọn
Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa
Tự ngôn trong Tin Mừng Thánh Gioan làm kim chỉ nam

PHẦN MỘT: LỜI CHÚA

Thiên Chúa lên tiếng
Thiên Chúa trong đối thoại
Chiều kích vũ trụ của lời
Việc tạo dựng con người
Chủ nghĩa hiện thực về lời
Kitô học bằng lời
Chiều kích cánh chung của lời Thiên Chúa
Lời Chúa và Chúa Thánh Thần
Thánh Truyền và Thánh Kinh
Sách Thánh, sự linh hứng và sự thật
Thiên Chúa Ngôi Cha, suối và nguồn của lời
Đáp ứng Vị Thiên Chúa đang nói với ta
Ta được mời gọi bước vào giao ước với Thiên Chúa
Thiên Chúa nghe ta và trả lời các vấn nạn của ta
Đối thoại với Thiên Chúa bằng chính lời của Người
Lời Chúa và đức tin
Tội lỗi là khước từ không nghe lời Chúa
Việc giải thích Thánh Kinh trong Giáo Hội
Giáo Hội là khung cảnh đệ nhất của khoa chú giải Thánh Kinh
"Linh hồn của thần học thánh"
Khai triển việc nghiên cứu Thánh Kinh và huấn quyền của Giáo Hội
Việc giải thích Thánh Kinh theo Công Đồng: một chỉ thị cần lãnh nhận
Sự nguy hiểm của chủ nghĩa nhị nguyên và khoa chú giải bị thế tục hóa
Đức tin và lý trí trong việc tiếp cận Thánh Kinh
Nghĩa chiểu tự và nghĩa thiêng liêng
Cần phải vượt quá “chữ viết”
Tính thống nhất nội tại của Thánh Kinh
Mối tương quan giữa Tân Ước và Cựu Ước
Những đoạn “tối” của Thánh Kinh
Giải thích Sách Thánh một cách cực đoan
Thánh Kinh và việc đại kết
Các hậu quả đối với việc nghiên cứu thần học
Các thánh và việc giải thích Thánh Kinh

PHẦN HAI: LỜI TRONG GIÁO HỘI

Sự hiện diện liên tiếp của Chúa Kitô trong đời sống Giáo Hội
Phụng vụ, khung cảnh tuyệt vời của Lời Thiên Chúa
Lời Thiên Chúa trong phụng vụ thánh
Sách Thánh và các bí tích
Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể
Tính bí tích của lời Chúa
Sách Thánh và Sách Các Bài Đọc
Việc công bố lời Chúa và thừa tác vụ đọc sách
Tầm quan trọng của bài giảng lễ
Sự thích đáng của một cuốn Hướng Dẫn Giảng Lễ
Lời Chúa, Hòa Giải và Xức Dầu Bệnh Nhân
Lời Chúa và Phụng Vụ Các Giờ Kinh
Lời Chúa và Sách Phép Lành
a) Cử hành lời Chúa
b) Lời Chúa và sự im lặng
c) Công bố lời Chúa một cách long trọng
d) Lời Chúa trong các giáo hội Kitô Giáo
e) Chỉ dùng bản văn thánh trong phụng vụ
f) Phụng ca lấy hứng Thánh Kinh
g) Lưu tâm cách riêng tới những người khuyết tật về thính thị
Lời Chúa trong Đời Sống Giáo Hội
Gặp gỡ lời Chúa trong Sách Thánh
Để Thánh Kinh linh hứng hoạt động mục vụ
Chiều kích Thánh Kinh của giáo lý
Việc huấn luyện các Kitô hữu về Thánh Kinh
Sách Thánh trong các cuộc tụ họp đông đảo của Giáo Hội
Lời Chúa và ơn gọi
a) Các thừa tác viên được thụ phong và lời Chúa
b) Lời Chúa và các ứng viên chịu chức thánh
c) Lời Chúa và đời sống tận hiến
d) Lời Chúa và người giáo dân
e) Lời Chúa, hôn nhân và gia đình
Việc đọc Sách Thánh một cách như cầu nguyện và lối đọc “Lectio Divina”
Lời Chúa và việc cầu nguyện với Đức Mẹ
Lời Chúa và Đất Thánh

PHẦN BA: LỜI CHÚA CHO THẾ GIỚI (VERBUM MUNDO)

Công bố cho thế giới “Lời” của hy vọng
Lời Chúa là nguồn suối sứ mệnh của Giáo Hội
Lời Chúa và Nước Chúa
Mọi người đã rửa tội đều có trách nhiệm đối với việc công bố này
Sự cần thiết của truyền giáo ("missio ad gentes")
Việc công bố và việc tân phúc âm hóa
Lời Chúa và chứng nhân Kitô hữu
Lời Chúa và Việc Dấn Thân Vào Thế Giới
Phục vụ Chúa Giêsu trong “những anh em nhỏ bé nhất” (Mt 25:40)
Lời Chúa và cam kết phục vụ công lý trong xã hội
Lời Chúa và đức ái thực tiễn
Việc công bố lời Chúa và giới trẻ
Việc công bố lời Chúa và di dân
Việc công bố lời Chúa và đau khổ
Việc công bố lời Chúa và người nghèo
Việc công bố lời Chúa và việc bảo vệ sáng thế
Lời Chúa và Văn Hóa
Giá trị của văn hóa đối với đời sống nhân loại
Thánh Kinh, qui tắc vĩ đại cho các nền văn hóa
Nhận thức Thánh Kinh trong các trường học và đại học
Lời Chúa và các phương tiện truyền thông xã hội
Sách Thánh và hội nhập văn hóa
Phiên Dịch Thánh Kinh và làm nó được nhiều người sử dụng hơn
Lời Chúa vượt trên mọi giới hạn văn hóa
Lời Chúa và đối thoại liên tôn
Giá trị của đối thoại liên tôn
Đối thoại giữa Kitô hữu và người Hồi Giáo

KẾT LUẬN

Lời dứt khoát của Thiên Chúa
Tân phúc âm hóa và một lối nghe mới
Lời Chúa và niềm vui
"Mater Verbi et Mater laetitiae" (Mẹ của Lời và Mẹ của niềm vui)



NHẬP ĐỀ

1. “Lời Chúa tồn tại đến muôn thuở muôn đời. Lời ấy chính là Tin Mừng đã được rao giảng cho anh em” (1 Pr 1:25; xem Is 40:8). Với lời quả quyết trích từ Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, chúng ta đang đứng trước mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng đã tự mạc khải bằng chính ơn phúc lời Người. Lời tồn tại muôn đời này đã bước vào thời gian. Thiên Chúa nói Lời Người theo ngôn ngữ con người; Lời Người đã “trở thành xác thịt” (Ga 1:14). Đó chính là Tin Mừng. Đó chính là lời công bố đã từ bao thế kỷ qua truyền đến chúng ta ngày nay. Phiên Họp Toàn Thể Thường Lệ Lần Thứ Mười Hai của Thượng Hội Đồng Giám Mục, tổ chức tại Vatican từ ngày 5 tới ngày 26 Tháng Mười Năm 2008, đã lấy chủ đề: “Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội”. Đó là một kinh nghiệm sâu sắc của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Lời của Chúa Cha, Đấng vốn hiện diện tại nơi có 2 hay 3 người tụ họp nhau nhân danh Người (xem Mt 18:20). Với Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng này, tôi muốn đáp ứng lời thỉnh cầu của Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng xin được công bố cho Dân Chúa các thành quả phong phú từng phát sinh từ các buổi thảo luận tại Thượng Hội Đồng cũng như các khuyến cáo do các cố gắng chung của chúng ta đưa ra.[1]Do đó, tôi muốn duyệt lại công trình của Thượng Hội Đồng dựa vào các văn kiện của nó: Bản Sơ Đồ, Tài Liệu Làm Việc, Phúc Trình Trước và Sau Thảo Luận, các bản góp ý, cả những bản được phát biểu tại phòng Thượng Hội Đồng lẫn các bản viết, phúc trình của các nhóm thảo luận nhỏ, Sứ Điệp Sau Cùng gửi Dân Chúa và trên hết, một số đề nghị đặc thù được các nghị phụ coi là có ý nghĩa đặc biệt. Qua đó, tôi muốn chỉ ra các phương thức căn bản để tái khám phá Lời Chúa trong đời sống của Giáo Hội như một nguồn suối bất tận luôn luôn đổi mới. Đồng thời, tôi muốn nói lên niềm hy vọng rằng Lời Chúa sẽ mỗi ngày một trở nên tâm điểm trọn vẹn hơn của mọi sinh hoạt trong Giáo Hội.

2. Trước hết, tôi muốn nhắc tới vẻ đẹp và niềm sảng khoái của cuộc gặp gỡ đổi mới với Chúa Giêsu mà tất cả chúng ta đã cảm nghiệm được trong suốt cuộc họp của Thượng Hội Đồng. Do đó, hiệp nhất với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, tôi xin ngỏ cùng mọi tín hữu bằng lời của Thánh Gioan trong thư thứ nhất của ngài: “chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời: sự sống ấy vẫn hướng về Chúa Cha và nay được tỏ bày cho chúng tôi. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Chúa Giêsu Kitô, con của Người” (1 Ga 1:2-3). Thánh Tông Đồ nói với chúng ta về việc “nghe, thấy, chạm đến và chiêm ngưỡng” (xem 1 Ga 1:1) Lời hằng sống, vì chính sự sống đã được tỏ bày rõ ràng nơi Chúa Kitô. Được mời gọi hiệp thông với Chúa và với nhau, ta phải công bố ơn phúc này. Theo quan điểm rao giảng, trước mặt Giáo Hội và trước mặt thế giới, cuộc họp của Thượng Hội Đồng đã như một nhân chứng cho ta thấy vẻ đẹp khôn thấu của cuộc gặp gỡ Lời Chúa trong hiệp thông Giáo Hội. Chính vì vậy, tôi khuyến khích mọi tín hữu hãy đổi mới cuộc gặp gỡ bản thân và cộng đoàn của họ với Chúa Kitô, Lời hằng sống đã trở nên hữu hình, và trở thành sứ giả của Người, để ơn phúc sự sống và hiệp thông đầy thần linh này được truyền bá trọn vẹn hơn trên khắp thế giới. Thực thế, chia sẻ sự sống Thiên Chúa, tức Ba Ngôi tình yêu, chính là niềm vui trọn vẹn (xem 1 Ga 1:4). Và Giáo Hội được hồng ân và có bổn phận nhất thiết phải truyền đạt niềm vui ấy, một niềm vui vốn phát sinh từ cuộc gặp gỡ với chính ngôi vị Chúa Kitô, Lời Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Trong một thế giới thường coi Thiên Chúa như dư thừa hay xa lạ, ta hãy cùng Thánh Phêrô tuyên xưng rằng chỉ một mình Người mới “có lời hằng sống” (Ga 6:68). Không có ưu tiên nào lớn hơn điều này: giúp con người thời nay có khả năng gặp gỡ Thiên Chúa nhiều hơn, Đấng Thiên Chúa đang nói với ta và đang chia sẻ tình yêu của Người để ta được sống sung mãn (xem Ga 10:10).

Từ Hiến Chế “Lời Chúa” tới Thượng Hội Đồng về Lời Chúa

3. Theo một nghĩa nào đó, với Cuộc Họp Thường Lệ Lần Thứ Mười Hai của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa, ta biết ta đang đề cập tới chính trọng tâm của đời sống Kitô Giáo, trong liên tục tính với cuộc họp trước của Thượng Hội Đồng về Phép Thánh Thể như Nguồn Suối và Tuyệt Đỉnh Đời Sống và Sứ Mệnh của Giáo Hội. Thực thế, Giáo Hội được xây dựng trên Lời Chúa; Giáo Hội được sinh ra và sống bằng Lời ấy.[2]Trong suốt lịch sử của mình, Dân Chúa luôn tìm được sức mạnh nơi Lời Thiên Chúa, và cả ngày nay nữa, cộng đồng Giáo Hội cũng đang lớn lên nhờ nghe, cử hành và học hỏi Lời ấy. Ta phải nhận rằng trong mấy thập niên gần đây, đời sống Giáo Hội đã trở nên nhạy cảm hơn đối với chủ đề này, nhất là đối với mạc khải Kitô Giáo, thánh truyền sống động và Sách Thánh. Bắt đầu với trriều đại của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, ta có thể nói: trong sinh hoạt Giáo Hội, đã có nhiều can thiệp hơn nhằm thúc đẩy người ta ý thức nhiều hơn tới tầm quan trọng của Lời Chúa và việc học hỏi Thánh Kinh,[3]mà đỉnh cao là Công Đồng Vatican II, nhất là việc công bố Hiến Chế Tín Lý về mạc khải Thiên Chúa, tức hiến chế “Lời Chúa” (Dei Verbum). Hiến chế này là dấu mốc lớn trong lịch sử Giáo Hội: “Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng… với lòng biết ơn, nhìn nhận ơn ích lớn lao mà văn kiện này đã đem đến cho đời sống Giáo Hội trên bình diện giải thích, thần học, tu đức, mục vụ và đại kết”.[4] Các năm giữa khoảng thời gian đó cũng đã chứng kiến sự gia tăng ý thức về “chiều kích Ba Ngôi và lịch sử cứu độ của mạc khải” [5] căn cứ vào đó, Chúa Giêsu Kitô đã được nhìn nhận là “đấng trung gian và sự viên mãn của mọi mạc khải”. [6]Giáo Hội không ngừng công bố cho mọi thế hệ biết rằng Chúa Kitô “hoàn tất và hoàn hảo hóa mạc khải. Mọi sự có dính dáng tới sự hiện diện và sự tự mạc khải của Người đều can dự vào việc hoàn thành điều này: lời và việc, các dấu lạ và phép lạ của Người, nhưng trên hết là cái chết và sự phục sinh của Người và sau hết là việc người sai Thần Khí sự thật đến”.[7]

Mọi người đều ý thức được sự thúc đẩy lớn lao mà Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” từng đem lại cho việc làm sống lại sự quan tâm đối với Lời Chúa trong đời sống Giáo Hội, cho suy tư thần học đối với mạc khải Thiên Chúa và cho việc học hỏi Sách Thánh. Trong 40 năm qua, huấn quyền Giáo Hội cũng đã ban hành nhiều tuyên bố về các vấn đề này.[8]Khi cử hành Thượng Hội Đồng này, Giáo Hội, vì ý thức được cuộc hành trình liên tiếp của mình dưới sự dìu dắt của Chúa Thánh Thần, nên đã cảm thấy có bổn phận phải suy gẫm nhiều hơn nữa về chủ đề Lời Chúa, để xem sét lại việc thực thi các chỉ thị của Công Đồng, và để giáp mặt với các thách đố mới mà thời hiện đại đang đặt ra cho các tín hữu Kitô Giáo.

4. Trong kỳ họp lần thứ mười hai, các giám mục khắp thế giới đã tụ họp quanh Lời Chúa và tượng trưng đặt bản văn Thánh Kinh làm tâm điểm cho cuộc họp, ngõ hầu nhấn mạnh như mới điều mà ta liều mình coi như việc đương nhiên trong cuộc sống hàng ngày: đó là sự kiện Thiên Chúa nói và trả lời các vấn nạn của ta.[9]Ta đã cùng nhau lắng nghe và cử hành Lời Chúa. Ta thuật lại cho nhau mọi điều Thiên Chúa làm giữa Dân Người, và ta chia sẻ với nhau mọi hy vọng và quan tâm của ta. Tất cả những việc này giúp ta nhận ra rằng ta chỉ có thể thâm hậu hóa mối liên hệ của ta với Lời Chúa trong cái “chúng tôi” của Giáo Hội, trong việc lắng nghe và chấp nhận lẫn nhau. Bởi đó, ta biết ơn nhiều lời chứng về đời sống Giáo Hội tại nhiều nơi trên thế giới đã được phát biểu trong các đóng góp tại phòng Thượng Hội Đồng. Cũng là điều cảm động được nghe các vị đại biểu anh em từng nhận lời mời của chúng ta đến đây tham dự cuộc họp thượng hội đồng này. Tôi đặc biệt nghĩ tới bài suy gẫm do Đức Bartholomaios I, Thượng Phụ Đại Kết của Constantinople, trình bày với chúng ta, một bài suy gẫm mà các Nghị Phụ đánh giá rất cao.[10]Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử, Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng đã mời một giáo sĩ Do Thái Giáo tới để trình bày với ta lời chứng qúy giá về Thánh Kinh Do Thái, vốn cũng là một phần trong Sách Thánh của ta.[11]

Nhờ thế, ta có thể vui mừng và biết ơn nhìn nhận rằng “trong Giáo Hội ngày nay cũng đang có một Lễ Hiện Xuống, nói cách khác, Giáo Hội cũng đang nói bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, không phải chỉ là bề ngoài, theo nghĩa mọi ngôn ngữ lớn trên thế giới đều có đại diện trong Giáo Hội, nhưng một cách sâu sắc hơn, trong Giáo Hội còn hiện diện nhiều cách cảm nghiệm Thiên Chúa và thế giới khác nhau, rất nhiều nền văn hóa khác nhau, vì chỉ có thế, ta mới nhìn ra sự rộng lớn mênh mông của kinh nhgiệm nhân bản và do đó, sự rộng lớn mênh mông của Lời Chúa..[12]Ta cũng có thể nhìn thấy một lễ Hiện Xuống đang tiếp diễn; nhiều dân tộc vẫn còn đang mong chờ Lời Chúa được công bố trong chính ngôn ngữ và văn hóa của họ.

Tôi làm sao quên không nhắc đến việc: trong suốt Thượng Hội Đồng, chúng ta luôn được chứng tá Thánh Tông Đồ Phaolô tháp tùng! Quả là một ơn quan phòng khi Cuộc Họp Thường Lệ Lần Thứ Mười Hai diễn ra trong năm kính Thánh Tông Đồ vĩ đại của Các Dân Tộc nhân kỷ niệm hai ngàn năm ngày sinh của ngài. Cuộc sống của Thánh Phaolô hoàn toàn được đánh dấu bằng lòng nhiệt thành truyền bá Lời Chúa. Làm sao không bị đánh động bởi những lời đầy khích lệ của ngài nói về chính sứ mệnh rao giảng Lời Chúa của mình: “Tôi làm mọi sự cho Tin Mừng” (1 Cor 9:23); hay, như ngài viết trong Thư Gửi Tín Hữu Rôma: “Tôi không xấu hổ vì Tin Mừng; nó là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu rỗi bất cứ ai có lòng tin” (1:16).

Bất cứ khi nào ta suy niệm Lời Chúa trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội, ta đều không thể không nghĩ tới Thánh Phaolô và cuộc sống của ngài hiến mình cho việc truyền bá sứ điệp cứu rỗi trong Chúa Kitô cho mọi dân tộc.

5. Với tông huấn này, tôi muốn công trình của Thượng Hội Đồng có hiệu quả thực sự đối với đời sống Giáo Hội: trong mối liên hệ bản thân với Sách Thánh, trong việc giải thích chúng trong phụng vụ và giáo lý, và trong việc tìm tòi có tính khoa học, để Thánh Kinh không phải chỉ là lời của quá khứ, mà là lời đang sống và hợp thời. Để đạt được điều đó, tôi muốn trình bày và khai triển công khó của Thượng Hội Đồng bằng cách không ngừng tham chiếu Tự Ngôn trong Tin Mừng Thánh Gioan (Ga 1:1-18), là tự ngôn giúp ta hiểu căn bản đời sống ta: Ngôi Lời, từ nguyên thủy vốn ở với Thiên Chúa, nay đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (xem Ga 1:14). Đây là một bản văn tuyệt vời, một bản văn mang đến cho ta một tổng hợp về toàn bộ niềm tin Kitô Giáo. Từ chính kinh nghiệm bản thân được gặp và bước theo Chúa Kitô, Thánh Gioan, mà truyền thống vốn nhận diện như là “môn đệ được Chúa Giêsu yêu thương” (Ga 13:23; 20:2; 21:7, 20), “đạt được một sự chắc chắn sâu xa: Chúa Giêsu là Sự Khôn Ngoan nhập thể của Thiên Chúa, Người là Lời đời đời đã trở nên con người hay chết”.[13]Ước chi Thánh Gioan, người “đã thấy và đã tin” (xem Ga 20:8) cũng giúp chúng ta biết tựa vào ngực Chúa Kitô (xem Ga 13:25), nguồn máu và nước (xem Ga 19:34) vốn là các biểu tượng của các bí tích trong Giáo Hội. Theo gương Thánh Tông Đồ Gioan và các tác giả linh hứng khác, ước chi ta để Chúa Thánh Thần dẫn ta tới một tình yêu lớn hơn đối với Lời Chúa.

------------------------------------

PHẦN MỘT: LỜI CHÚA

“Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Và Ngôi Lời trở nên xác thịt” (Ga 1:1-14)

Thiên Chúa lên tiếng

Thiên Chúa trong đối thoại

6. Cái mới mẻ của mạc khải Thánh Kinh hệ ở sự kiện: Thiên Chúa đã trở thành Đấng được biết tới nhờ cuộc đối thoại Người muốn có với chúng ta (14). Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” đã diễn tả điều ấy khi nhìn nhận rằng Thiên Chúa vô hình “do sự viên mãn của tình yêu nơi Người, đã nói với con người như bằng hữu, và sống giữa họ, để mời gọi họ và tiếp nhận họ vào hàng ngũ của Người” (15). Ấy thế nhưng, ta sẽ không hiểu đầy đủ sứ điệp trong Tự Ngôn của Thánh Gioan, nếu ta dừng lại ở sự kiện: Thiên Chúa đã bước vào sự hiệp thông đầy yêu thương với chúng ta. Thực vậy, Ngôi Lời Thiên Chúa, nhờ Người “mọi sự được dựng nên” (Ga 1:3) và là Đấng “đã trở nên xác thịt” (Ga 1:14), cũng chính là Ngôi Lời đã có “từ nguyên thủy” (Ga 1:1). Nếu ta hiểu được rằng điều ấy ám chỉ thuở nguyên thủy của Sách Sáng Thế (xem St 1:1), ta sẽ thấy mình giáp mặt với một nguyên thủy tuyệt đối, một nguyên thủy nói với ta về sự sống bên trong của chính Thiên Chúa. Tự ngôn của Thánh Gioan giúp ta nhận ra rằng Ngôi Lời quả vĩnh cửu, và từ vĩnh cửu, vốn là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ hiện hữu mà lại không có Ngôi Lời. Ngôi Lời hiện hữu trước sáng thế. Thành thử, tại tâm điểm sự sống Thiên Chúa, có một hiệp thông, một hiến thân tuyệt đối. “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:16), cũng Thánh Gioan đã nói với ta điều đó tại một chỗ khác, và do đó hướng ta tới “hình ảnh Kitô Giáo về Thiên Chúa và hình ảnh từ đó mà ra về nhân loại và số phận của họ” (16). Thiên Chúa tự mạc khải cho ta như một mầu nhiệm yêu thương bất tận trong đó, Chúa Cha, từ thuở đời đời, thốt ra Lời của Người trong Chúa Thánh Thần. Do đó, Ngôi Lời, Đấng ngay từ khởi thủy đã ở với Thiên Chúa và là Thiên Chúa, mạc khải chính Thiên Chúa trong cuộc đối thoại yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, và mời gọi ta chia sẻ tình yêu ấy. Được dựng nên theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa tình yêu, ta chỉ có thể hiểu được mình khi tiếp nhận Ngôi Lời và chịu để Chúa Thánh Thần làm việc. Dưới ánh sáng mạc khải của Ngôi Lời Thiên Chúa, mọi khó hiểu trong thân phận con người đều được soi sáng một cách dứt khoát.

Loại suy lời Thiên Chúa

7. Dưới ánh sáng những xem sét trên, những xem sét vốn phát sinh từ việc suy niệm mầu nhiệm Kitô Giáo như đã được Tự Ngôn Thánh Gioan phát biểu, giờ đây ta cần sét xem các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã khẳng định những gì về các cách thế khác nhau ta vốn dùng để nói về “lời Thiên Chúa”. Các ngài hoàn toàn đúng khi nhắc tới cuộc hòa tấu lời Chúa, một lời duy nhất nhưng được phát biểu nhiều cách: “một bản thánh ca đa điệu” (17). Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh rằng ngôn ngữ con người hành động một cách loại suy khi nói về lời Chúa. Thực vậy, kiểu phát biểu kia, trong khi nói tới việc Thiên Chúa tự thông đạt, cũng còn có nhiều nghĩa khác nhau nữa cần được xem sét và liên kết với nhau một cách thận trọng, xét theo cả quan điểm suy tư thần học lẫn quan điểm thực hành mục vụ. Như Tự Ngôn Thánh Gioan đã cho ta thấy rõ, Lời (Logos) trước nhất chỉ về Ngôi Lời Hằng Hữu, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Chúa Cha trước khi có thời gian và cùng một bản thể với Người: Lời đã ở với Thiên Chúa, và Lời là Thiên Chúa. Nhưng Thánh Gioan cũng cho ta hay cũng Lời này “đã trở nên xác phàm” (Ga 1:14); bởi thế, Chúa Giêsu Kitô, sinh bởi Trinh Nữ Maria, quả thực là Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở nên đồng bản thể với chúng ta. Do đó, kiểu nói “lời Chúa” ở đây ám chỉ con người Chúa Giêsu Kitô, Con hằng hữu của Chúa Cha, đã sinh ra làm người.

Dù biến cố Chúa Kitô nằm ở tâm điểm mạc khải Thiên Chúa, nhưng ta vẫn cần hiểu rõ rằng chính tạo vật, chính cuốn sách thiên nhiên (liber naturae), cũng là thành phần chủ yếu của cuộc hòa tấu đa điệu này trong đó lời duy nhất được nói lên. Chúng ta cũng tuyên xưng đức tin rằng Thiên Chúa đã nói lời của Người trong lịch sử cứu rỗi; Người đã làm cho lời của Người được nghe; bằng sức mạnh Chúa Thánh Thần, “Người đã nói qua các tiên tri” (18). Như thế, lời Thiên Chúa đã được nói trong suốt lịch sử cứu rỗi, và được nói đầy đủ nhất trong mầu nhiệm nhập thể, chịu chết và sống lại của Con Thiên Chúa. Ngoài ra, lời Chúa cũng là lời được các Tông Đồ rao giảng, theo lệnh của Chúa Giêsu phục sinh: “Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Phúc Âm cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16:15). Như thế, lời Chúa được lưu truyền trong truyền thống sống động của Giáo Hội. Sau cùng, lời Chúa, lời được Thiên Chúa chứng thực và linh hứng, chính là Sách Thánh, là Cựu và Tân Ước. Tất cả những điều trên giúp chúng ta thấy: dù trong Giáo Hội, chúng ta rất tôn kính Sách Thánh, nhưng đức tin Kitô Giáo không phải là một “tôn giáo của sách vở”: Kitô Giáo là “tôn giáo của lời Thiên Chúa”, không phải “là lời viết ra và câm nín, nhưng là Lời nhập thể và sống động” (19). Do đó, Sách Thánh phải được công bố, lắng nghe, đọc, tiếp nhận và cảm nghiệm như là lời Thiên Chúa, trong giòng Tông Truyền mà nó không thể tách biệt được (20).

Như chính các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng tuyên bố, kiểu nói “lời Chúa” được dùng một cách loại suy, và ta nên để ý điều đó. Các tín hữu cần được giúp đỡ nhiều hơn để nắm vững các nghĩa khác nhau của kiểu nói này, nhưng họ cũng cần hiểu nghĩa thống nhất của nó nữa. Theo cả quan điểm thần học, ta cần phải học hỏi xa rộng hơn nữa để biết xem các ý nghĩa khác nhau của kiểu nói này có liên hệ với nhau ra sao, để sự thống nhất trong kế hoạch của Thiên Chúa và, với sự thống nhất này, tính trung tâm của con người Chúa Kitô, được rạng ngời hơn nữa (21).

Chiều kích vũ trụ của lời

8. Khi xem xét ý nghĩa căn bản của lời Chúa theo nghĩa Ngôi Lời Hằng Hữu của Thiên Chúa làm người, Đấng Cứu Độ và Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (22), và khi lắng nghe lời ấy, ta được mạc khải Thánh Kinh dẫn dắt để thấy rằng đó là nền tảng của mọi thực tại. Tự Ngôn Thánh Gioan nói về Lời thần linh rằng “Nhờ Người, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1:3); còn thư gửi tín hữu Côlôxê thì nói về Chúa Kitô, “hoa quả đầu mùa của mọi thụ tạo” (1:15), rằng “muôn vật được tạo thành nhờ Người và cho Người” (1:16). Tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái cũng viết rằng: “Nhờ đức tin, chúng ta hiểu rằng vũ trụ đã được hình thành bởi lời của Thiên Chúa” (11:3).

Đối với chúng ta, lời công bố đó chính là lời tự do. Sách Thánh cho ta biết: mọi sự hiện hữu không hiện hữu cách tình cờ mà là do ý Chúa muốn và là một phần trong kế hoạch của Người, mà ở tâm điểm kế hoạch này là lời mời gọi ta tham gia vào sự sống thiên Chúa trong Chúa Kitô. Sáng thế do Logos, do Ngôi Lời mà ra và do đó mãi mãi mang dấu ấn của Lý Trí sáng tạo vốn ra lệnh và điều hướng nó; các thánh vịnh đã ca ngợi với một niềm chắc chắn đầy hân hoan rằng: “một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33:6); và một lần nữa, “Vì Người đã phán, và muôn loài xuất hiện, Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên” (TV 33:9). Mọi thực tại đều nói lên mầu nhiệm này: “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa; không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 19:1). Như thế, chính Sách Thánh mời gọi chúng ta nhìn nhận Đấng Hóa Công bằng cách chiêm ngưỡng công trình sáng tạo của Người (xem Kn 13:5; Rm 1:19-20). Truyền thống tư duy Kitô Giáo vốn khai triển yếu tố chủ chốt trong bản hòa tấu lời này. Như Thánh Bonaventura, chẳng hạn, người vốn theo truyền thống các Giáo Phụ Hy Lạp mà nhìn ra mọi khả thể sáng thế trong Logos (23), đã nói rằng “mọi tạo vật đều là lời Chúa, vì nó công bố Người” (24). Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” đã tổng hợp các dữ kiện ấy khi cho rằng “Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và duy trì mọi vật bằng chính lời của Người (xem Ga 1:3), đã cho ta chứng cớ mãi mãi về chính Người ngay trong các thực tại tạo dựng” (25).

Việc tạo dựng con người

9. Như thế, thực tại là do lời sinh ra, là thụ tạo của Lời (creatura Verbi), và mọi sự đều được kêu gọi phụng sự lời. Sáng thế là khung cảnh trong đó toàn bộ lịch sử yêu thương giữa Thiên Chúa và tạo vật của Người diễn tiến; bởi thế, việc cứu rỗi con người chính là lý do đứng đàng sau mọi sự. Khi chiêm ngưỡng vũ trụ từ vọng nhìn của lịch sử cứu rỗi, ta hiểu được vị thế độc đáo và nổi bật của con người trong sáng thế: “Thiên Chúa tạo nên con người theo hình ảnh Người, theo hình ảnh mình, Người đã tạo ra họ: Người tạo ra họ có nam có nữ” (St 1:27). Điều ấy giúp ta nhìn nhận đầy đủ các ơn phúc quí giá nhận được từ Đấng Hóa Công: giá trị thân xác, ơn phúc lý trí, tự do và lương tâm. Cả ở đây, ta cũng khám phá ra điều được truyền thống triết học thường gọi là “luật tự nhiên” (26). Thực vậy, “mọi hữu thể nhân bản có ý thức và trách nhiệm đều cảm nghiệm được từ nội tâm lời mời gọi làm điều tốt” (27) và do đó xa lánh điều xấu. Như Thánh Tôma Aquinô từng nói, nguyên lý này chính là căn bản của mọi giới điều khác của luật tự nhiên (28). Lắng nghe lời Chúa sẽ dẫn ta trước nhất và trên hết tới việc biết trân qúi nhu cầu phải sống theo luật vốn “viết sẵn trong trái tim con người” này (xem Rm 2:15; 7:23) (29). Rồi, Chúa Giêsu Kitô đã ban cho nhân loại một luật mới, luật Tin Mừng, một luật tiếp nối và hoàn tất luật tự nhiên một cách ưu việt, bằng cách giải thoát ta khỏi luật tội lỗi. Như Thánh Phaolô từng nói, kết quả là “tôi có thể muốn sự thiện, nhưng tôi không làm được điều đó” (Rm 7:18). Phải có ơn thánh, con người mới có khả năng tham dự vào sự sống Thiên Chúa và thắng vượt tính vị kỷ của mình (30).

Chủ nghĩa hiện thực về lời

10. Ai biết lời Chúa cũng biết đầy đủ tầm ý nghĩa của từng tạo tạo vật. Vì nếu mọi loài “đều tồn tại” trong Đấng vốn “có trước muôn loài” (xem Cl 1:17), thì ai xây dựng cuộc sống mình trên lời của Người quả đã xây nó một cách chắc chắn và bền vững. Lời Chúa giúp ta thay đổi quan niệm của mình về chủ nghĩa hiện thực: người theo chủ nghĩa hiện thực là người biết nhìn nhận lời Chúa chính là nền tảng mọi sự (31). Chủ nghĩa hiện thực này đặc biệt cần trong thời đại ta, khi nhiều sự vật được ta tin dùng để xây dựng đời mình, những sự vật ta muốn đặt hết hy vọng vào, đã chứng tỏ chỉ là phù du. Của cải, khoái lạc và quyền hành, chóng hay chầy, cũng sẽ tỏ ra bất lực, không thể thỏa mãn các khát vọng sâu xa nhất của trái tim con người. Khi xây dựng đời sống mình, ta cần có các nền tảng vững chắc, những nền tảng vẫn tồn tại khi mọi chắc chắn nhân bản đều thất bại. Thực vậy, vì “Muôn lạy Chúa, lời Ngài bền vững đến ngàn đời, trên cõi trời cao. Lòng thành tín Chúa trải bao thế hệ, Ngài củng cố địa cầu, địa cầu tồn tại mãi” (Tv 119:89-90), ai xây dựng trên lời này là xây nhà đời mình trên đá (xem Mt 7:24). Ước chi trái tim ta biết thưa với Chúa mỗi ngày: “Chúa là nơi con ẩn náu, là thuẫn đỡ, con vẫn trông cậy ở lời Ngài” (Tv 119:114) và như Thánh Phêrô, ước chi, trong mọi hoạt động hàng ngày, ta biết phó thác cho Chúa Giêsu Kitô: “vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới” (Lc 5:5).

Kitô học bằng lời

11. Từ cái thoáng nhìn vào mọi thực tại như công trình bàn tay Ba Ngôi Chí Thánh qua lời Thiên Chúa trên đây, ta hiểu được câu viết của tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri; nhưng vào thời sau hết này, Người đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử, Đấng Người đã chỉ định làm người thừa kế mọi sự, nhờ Đấng này Người đã tạo dựng thế giới” (1:1-2). Đẹp đẽ biết bao khi thấy toàn bộ Cựu Ước đối với chúng ta chỉ là lịch sử trong đó Thiên Chúa thông đạt lời của Người: thực thế, “Sau khi ký giao ước với Abraham (x. St 15:18) và với dân Israel qua Môisen (x. Xh 24:8), Người đã dùng lời nói, việc làm mạc khải cho dân Người đã chọn để họ biết Người là Thiên Chúa độc nhất, chân thật và hằng sống, để Israel nghiệm thấy đâu là đường lối Thiên Chúa đối xử với loài người, và để nhờ chính Người phán dạy qua miệng các Tiên Tri, ngày qua ngày, họ thấu hiểu các đường lối ấy cách sâu đậm và rõ ràng hơn, để rồi đem phổ biến rộng rãi nơi các dân tộc (x. Tv 21,28-29; 95,1-3; Is 2,1-4; Gr 3,17) (32).

Sự “hạ cố” này của Thiên Chúa được thể hiện một cách cao vời trong việc nhập thể của Ngôi Lời. Lời hằng hữu, được phát biểu trong sáng thế và được thông truyền trong lịch sử cứu rỗi, trong Chúa Kitô làm người, “sinh bởi người đàn bà” (Gl 4:4). Ở đây, lời được phát biểu chủ yếu không bằng lời nói, quan niệm hay qui luật. Ở đây, ta đứng trước chính con người của Chúa Giêsu. Lịch sử độc đáo và nổi bật của Người là lời dứt khoát Thiên Chúa nói với nhân loại. Bởi thế ta thấy được tại sao “làm Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao cả, nhưng là một gặp gỡ với một biến cố, một con người, một cuộc gặp gỡ mang lại sự sống cho một chân trời mới, một hướng đi mới” (33). Việc đổi mới không ngừng cuộc gặp gỡ này và ý thức về nó làm tâm hồn tín hữu tràn ngập sự thán phục đối với sáng kiến của Thiên Chúa, một sáng kiến mà những con người nhân bản, với một lý trí và một trí tưởng tượng hữu hạn, không bao giờ dám mơ ước. Ta đang nói tới một sự mới mẻ vô tiền khoáng hậu và trí khôn con người không thể nào quan niệm nổi: “lời trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14a). Những lời này không phải là hình tượng của lời nói nữa; chúng dẫn ta tới một kinh nghiệm sống! Thánh Gioan, một chứng nhân tận mắt, nói với ta như thế: “Chúng tôi đã thấy vinh quang của Người, vinh quang của Con Một Chúa Cha, đầy ơn thánh và sự thật” (Ga 1:14b). Đức tin tông truyền làm chứng rằng Lời vĩnh hằng đã trở nên một với chúng ta. Lời Thiên Chúa thực sự đã được phát biểu bằng lời con người.

12. Truyền thống giáo phụ và trung cổ, khi chiêm ngưỡng “Kitô học bằng lời” này, đã dùng một kiểu nói khá gợi cảm: lời đã được “viết tắt” (abbreviated) (34). “Các Giáo Phụ thấy trong bản dịch Hy Lạp bộ Cựu Ước một đoạn từ sách tiên tri Isaia mà Thánh Phaolô cũng có trích dẫn để người ta thấy đường lối mới mẻ của Thiên Chúa đã được Cựu Ước tiên báo ra sao. Trong đoạn ấy, ta đọc thấy: ‘Chúa đã làm cho lời Người ngắn lại, Người đã “viết tắt” nó’” (Is 10:23; Rm 9:28)… Chúa Con là Lời, là Logos: lời vĩnh cửu ấy đã trở nên nhỏ mọn, nhỏ đến có thể vừa tầm với một máng cỏ. Người trở nên một con trẻ, để chúng ta có thể nắm được lời ấy” (35). Giờ đây, lời không những nghe được; không những có một tiếng nói, mà còn có một khuôn mặt, một khuôn mặt ta có thể nhìn được: đó là khuôn mặt của Chúa Giêsu Thành Nadarét (36).

Đọc các trình thuật Tin Mừng, ta thấy nhân tính của Chúa Giêsu đã xuất hiện ra sao với mọi nét độc đáo của nó trong tương quan với lời Thiên Chúa. Bằng nhân tính hoàn hảo của mình, Người thực hiện ý Chúa Cha mọi lúc; Chúa Giêsu nghe tiếng Người và vâng theo tiếng ấy bằng trọn con người của mình; Người biết Chúa Cha và tuân giữ lời Chúa Cha (xem Ga 8:55); Người nói với chúng ta về những gì Chúa Cha đã nói với Người (xem Ga 12:50); “Con đã cho chúng những lời Cha đã cho con” (Ga 17:8). Như thế, Chúa Giêsu cho thấy Người là Lời Thiên Chúa được ban cho chúng ta, nhưng đồng thời, Người là Adong mới, con người chân thực, không bao giờ làm theo ý riêng nhưng luôn theo ý Chúa Cha. Người “càng ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:52). Người lắng nghe, nhập thân và thông đạt cho ta một cách toàn hảo lời của Thiên Chúa (xem Lc 5:1).

Sứ mệnh của Chúa Giêsu tối hậu đã được hoàn tất trong mầu nhiệm vượt qua: ở đây, ta đứng trước “lời thập giá” (1 Cor 1:18). Lời câm lặng; lời trở thành im lặng chết người, vì đã “nói” đến cùng kiệt, chẳng còn giữ lại điều chi cần phải nói cho ta. Các Giáo Phụ, khi suy niệm mầu nhiệm này, đã gán cho Mẹ Thiên Chúa câu nói cảm động sau đây: “Vô lời là Lời của Chúa Cha, Đấng đã làm cho mọi tạo vật nói, vô sinh là mắt của Đấng mà lời nói và cái gật đủ làm mọi sinh vật cử động” (37). Ở đây, tấm tình yêu “lớn hơn” kia, tấm tình yêu hiến mạng sống mình cho bằng hữu (xem Ga 15:13) quả là tấm tình yêu chia sẻ với chúng ta.

Trong mầu nhiệm vĩ đại này, Chúa Giêsu được mạc khải như lời của giao ước mới và trường cửu: tự do Thiên Chúa và tự do con người đã dứt khoát gặp nhau trong thân xác bị đóng đinh của Người, trong một thỏa hiệp bất khả tiêu và có giá trị vĩnh viễn. Chính Chúa Giêsu, trong Bữa Tiệc Ly, khi thiết lập Bí Tích Thánh Thể, đã nói tới một “giao ước mới và trường cửu” qua việc đổ máu mình ra (xem Mt 26:28; Mc 14:24; Lc 22:20), và tự cho thấy Người là Chiên hy sinh thật sự sẽ dứt khoát giải thoát ta khỏi nô lệ (38).

Trong mầu nhiệm vô cùng rực rỡ của phục sinh, sự im lặng này của lời được diễn tả bằng một ý nghĩa chân chính và dứt khoát. Chúa Kitô, Lời nhập thể, chịu đóng đinh và sống lại của Thiên Chúa, là Chúa Tể mọi loài; Người là Đấng chiến thắng, là Đấng Toàn Năng (Pancrator), và do đó, mọi loài được triệu tập trong Người mãi mãi (xem Eph 1:10). Như thế, Chúa Kitô là “ánh sáng thế giới” (Ga 8:12), ánh sáng “chiếu trong bóng tối” (Ga 1:5) và bóng tối không diệt được nó (Ga 1:5). Ở đây ta hiểu được đầy đủ ý nghĩa các lời sau đây của Thánh Vịnh 119: “Lời Ngài là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (câu 105); Lời phục sinh dứt khoát là ánh sáng chỉ đường ta đi. Từ khởi thủy, Kitô hữu đã hiểu rõ rằng trong Chúa Kitô, lời Thiên Chúa vốn hiện diện như một ngôi vị. Lời Thiên Chúa quả là ánh sáng đích thực mà con người cần đến. Trong phục sinh, Con Thiên Chúa thực sự xuất hiện như ánh sáng thế giới. Giờ đây, nhờ sống với Người và trong Người, ta có thể sống trong ánh sáng.

13. Ở đây, ở tâm điểm của “Kitô học bằng lời” này, cũng như trước đây, điều quan trọng là cần nhấn mạnh đến tính thống nhất của kế hoạch Thiên Chúa nơi Lời nhập thể: nghĩa là Tân Ước trình bày mầu nhiệm vượt qua như phù hợp với Sách Thánh và như sự nên trọn của Sách Thánh. Thánh Phaolô, trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, quả quyết rằng Chúa Kitô chết vì tội lỗi ta “đúng như lời Thánh Kinh” (15:3), và Người trỗi dậy vào ngày thứ ba “đúng như lời Thánh Kinh” (15:4). Như thế, Thánh Tông Đồ liên kết biến cố Chúa chịu chết và sống lại với lịch sử của Giao Ước Cũ của Thiên Chúa với dân của Người. Thực vậy, ngài cho ta thấy: từ biến cố ấy, lịch sử nhận được luận lý nội tại và ý nghĩa đích thực của nó. Trong mầu nhiệm vượt qua, “lời của Thánh Kinh” đã nên trọn; nói cách khác, cái chết diễn ra “đúng như lời Thánh Kinh” này là biến cố chứa một logos, một luận lý nội tại: cái chết của Chúa Kitô chứng thực rằng lời Thiên Chúa đã trở nên xác phàm hoàn toàn có tính nhân bản, trở nên “lịch sử” thực sự nhân bản (39).

Tương tự như thế, sự phục sinh của Chúa Giêsu đã diễn ra “vào ngày thứ ba, đúng như lời Thánh Kinh”: vì tín ngưỡng Do Thái vẫn cho rằng sau ngày thứ ba sự mục rữa sẽ xẩy ra, nên lời Thánh Kinh đã nên trọn nơi Chúa Giêsu, Đấng đã trỗi dậy không mục rữa. Như thế, Thánh Phaolô, khi trung thành chuyển giao giáo huấn của các Tông Đồ (xem 1 Cor 15:3), đã nhấn mạnh rằng chiến thắng sự chết của Chúa Kitô xẩy ra nhờ quyền năng sáng tạo của lời Thiên Chúa. Quyền năng thần linh này mang lại niềm hy vọng và niềm vui: tóm tắt, điều này chính là nội dung giải thoát của mạc khải vượt qua. Trong Lễ Phuc Sinh, Thiên Chúa tự mạc khải chính mình và quyền năng của tình yêu Ba Ngôi, một tình yêu phá tan tành quyền lực xấu xa của sự ác và sự chết.

Nhớ lại các yếu tố chủ chốt của đức tin, ta có thể chiêm ngưỡng tính thống nhất sâu sắc nơi Chúa Kitô giữa sáng thế, tân sáng thế và trọn lịch sử cứu rỗi. Như một thí dụ, một thí dụ mà chính Galileo cũng đã sử dụng, ta có thể so sánh vũ trụ như một “cuốn sách” và coi nó như “công trình của một tác giả muốn tự diễn tả về mình qua bản ‘hòa tấu’ của sáng thế. Trong bản hòa tấu này, ở một điểm nào đó, người ta sẽ thấy điều mà ngôn ngữ âm nhạc quen gọi là ‘độc tấu’ (solo), tức một chủ đề dành riêng cho một nhạc cụ hay một giọng hát, một chủ đề quan trọng đến nỗi ý nghĩa của toàn thể tác phẩm phải tùy thuộc vào. ‘Độc tấu’ đó chính là Chúa Giêsu… Con Người gồm tóm trong mình cả đất lẫn trời, cả sáng thế lẫn Đấng Sáng Tạo, cả xác phàm lẫn Thần Khí. Người là trung tâm của vũ trụ và lịch sử, vì nơi Người, cả tác giả lẫn công trình đều hội tụ mà không lẫn lộn (40).

Chiều kích cánh chung của lời Thiên Chúa

14. Trong tất cả các điều trên, Giáo Hội phát biểu rõ ý thức của mình rằng với Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội đứng trước lời dứt khoát của Thiên Chúa: Người là “trước hết và sau hết” (Kh 1:17). Người đã ban cho sáng thế và lịch sử ý nghĩa dứt khoát của chúng; và do đó, ta được mời gọi sống trong thời gian và trong sáng thế của Thiên Chúa theo nhịp điệu cánh chung của lời; “Do đó thời đại Kitô Giáo, vì là giao ước mới và dứt khoát, sẽ không bao giờ qua đi; và trước cuộc xuất hiện vinh quang của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, sẽ không có một mạc khải công khai mới nào khác” (xem 1 Tm 6:14 và Tt 2:13) (41). Thực vậy, như các Nghị Phụ từng ghi nhận tại Thượng Hội Đồng, “sự độc đáo của Kitô Giáo được biểu lộ trong biến cố Chúa Giêsu Kitô, vốn là đỉnh cao của mạc khải, là sự viên mãn của các lời Chúa hứa và là Đấng Trung Gian của cuộc gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa. Người, Đấng ‘mạc khải Thiên Chúa’ (Ga 1:18), chính là lời duy nhất và dứt khoát được ban cho nhân loại” (42). Thánh Gioan Thánh Giá diễn tả chân lý ấy một cách tuyệt vời: “Vì Người đã ban cho ta Con của Người, lời duy nhất của Người, nên Người đã một lần nói hết mọi sự trong một lời duy nhất này, và Người không còn gì khác để nói nữa… vì những gì Người nói trước đây từng phần cho các tiên tri, thì nay Người nói một lần tất cả bằng cách ban cho ta cái Tất Cả ấy là chính Con của Người. Bất cứ ai tra vấn Chúa hay muốn được thị kiến hay mạc khải nào đó nữa đều có tội không những vì hành xử điên rồ mà còn vì đã xúc phạm đến Người, không chịu chăm nhìn một mình Chúa Kitô, mà lại sống với lòng thèm thuồng muốn điều mới lạ” (43).

Thành thử, Thượng Hội Đồng nhấn mạnh tới nhu cầu “giúp đỡ các tín hữu phân biệt được lời Chúa với các mạc khải tư” (44) là các mạc khải có vai trò “không phải là ‘hoàn tất’ mạc khải dứt khoát của Chúa Kitô, mà là giúp người ta sống mạc khải ấy cách đầy đủ hơn trong một giai đoạn nào đó của lịch sử” (45). Giá trị của các mạc khải tư, xét theo yếu tính, khác với giá trị của mạc khải công có tính duy nhất: mạc khải duy nhất này đòi có đức tin; trong mạc khải này, chính Thiên Chúa nói với ta qua ngôn ngữ con người và nhờ sự trung gian của cộng đồng sống động là Giáo Hội. Tiêu chuẩn để phán đoán sự thật của mạc khải tư là hướng nhắm của nó về chính Chúa Kitô. Nếu mạc khải tư làm ta quay mặt khỏi Người, thì chắc chắn nó không phát sinh từ Chúa Thánh Thần, Đấng luôn dẫn ta đi vào Tin Mừng sâu hơn, chứ không ra xa khỏi nó. Mạc khải tư là một trợ giúp cho đức tin. Tính khả tín của nó chỉ có khi nó tái qui chiếu vào mạc khải công duy nhất. Việc Giáo Hội phê chuẩn một mạc khải tư chủ yếu có nghĩa: sứ điệp của nó không chứa một điều gì đi ngược lại đức tin và luân lý; người ta được phép công khai hóa nó và các tín hữu được phép gắn bó với nó một cách khôn ngoan. Một mạc khải tư có thể giới thiệu những nhấn mạnh mới, tạo ra các hình thức đạo đức mới, hay thâm hậu hóa các hình thức cũ. Nó có thể có một đặc điểm tiên tri nào đó (xem 1 Tx 5:19-21) và có thể là một trợ giúp có giá trị giúp ta hiểu và sống Tin Mừng tốt hơn trong một giai đoạn nào đó; do đó, không nên xử lý với nó một cách coi thường. Nó là một trợ giúp được đề nghị ra, chứ không có tính bắt buộc. Dù sao, nó nên được coi như vấn đề nuôi dưỡng đức tin, đức cậy, đức mến vốn là con đường thường hằng của cứu rỗi dành cho mọi người (46).

Lời Chúa và Chúa Thánh Thần

15. Sau khi suy niệm về lời sau cùng và dứt khoát của Thiên Chúa phán với thế giới, giờ đây ta cần nhắc tới sứ mệnh của Chúa Thánh Thần trong tương quan với lời Thiên Chúa. Thực vậy, nếu không có hoạt động của Đấng Bào Chữa (Paraclete), sẽ không có sự hiểu biết chân chính về mạc khải Kitô Giáo. Sở dĩ như thế vì việc Thiên Chúa tự thông đạt chính mình luôn bao gồm mối liên hệ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, Hai Ngôi mà Thánh Irênê Thành Lyon gọi là “hai cánh tay của Chúa Cha” (47). Chính Thánh Kinh cũng nói tới sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong lịch sử cứu rỗi và nhất là trong cuộc đời của Chúa Giêsu: Người được chịu thai trong lòng Trinh Nữ Maria nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần (xem Mt 1:18; Lc 1:35); lúc khởi đầu sứ vụ công khai của mình, bên bờ sông Giođăng, Người thấy Chúa Thánh Thần hiện xuống trên đầu Người dưới hình chim bồ câu (xem Mt 3:16); trong cùng một Thần Khí này, Chúa Giêsu đã hành động, nói năng và hân hoan (xem Lc 10:21); cũng trong Chúa Thánh Thần, Người tự hiến mình (xem Dt 9:14). Theo trình thuật của Thánh Gioan, khi sứ vụ của Người sắp kết thúc, Chúa Giêsu đã minh nhiên liên kết việc Người tự hiến mạng sống mình với việc phái Chúa Thánh Thần xuống trên những kẻ thuộc về Người (Xem Ga 16:7). Chúa Giêsu phục sinh, vẫn mang trong thân xác các dấu vết khổ nạn, đã tuôn đổ Chúa Thánh Thần (xem Ga 20:22), giúp các môn đệ trở thành những người chia sẻ sứ mệnh riêng của mình (xem Ga 20:21). Chúa Thánh Thần có sứ mệnh dạy các môn đệ mọi sự và làm cho các ngài nhớ lại mọi điều Chúa Giêsu từng nói (xem Ga 14:26), vì Chúa Thánh Thần, Thần Khí Sự Thật (xem Ga 20:21) sẽ dẫn các môn đệ vào mọi chân lý (xem Ga 16:13). Sau cùng, trong Tông Đồ Công Vụ, ta đọc thấy: Chúa Thánh Thần hiện xuống trên nhóm Mười Hai, lúc ấy, đang tụ họp cầu nguyện với Đức Mẹ vào ngày Lễ Ngũ Tuần (xem 2:1-4) và thúc đẩy họ tiếp nhận sứ mệnh công bố Tin Mừng cho mọi dân tộc (48).

Như thế, lời Chúa được phát biểu bằng lời con người nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Sứ mệnh của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần không thể tách biệt được và đã tạo ra một nhiệm cục cứu rỗi duy nhất. Cũng một Chúa Thánh Thần từng hành động trong việc nhập thể của Ngôi Lời trong lòng Trinh Nữ Maria cũng là Thần Khí dẫn Chúa Giêsu trong suốt sứ vụ và được hứa ban cho các môn đệ của Người. Cũng một Chúa Thánh Thần từng nói qua các tiên tri đang nâng đỡ và linh hứng cho Giáo Hội trong nhiệm vụ công bố lời Chúa; sau cùng, cũng chính Thần Khí này linh hứng cho các tác giả Sách Thánh.

16. Ý thức được chiều kích thần khí này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã làm nổi bật tầm quan trọng của hoạt động Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo Hội và trong tâm hồn các tín hữu liên quan tới Sách Thánh (49): không có hành động hữu hiệu của “Thánh Thần Chân lý” (Ga 14:16), ta không thể hiểu được lời Chúa. Như Thánh Irênê từng nói: “Những ai không chia sẻ Chúa Thánh Thần sẽ không hút được thực phẩm nuôi sống từ lòng mẹ [Giáo Hội]; họ sẽ không tiếp nhận được gì từ nguồn suối trong lành nhất từ thân thể Chúa Kitô trào ra” (50). Như lời Chúa đã đến với ta từ thân thể Chúa Kitô, từ thân xác Thánh Thể của Người và từ thân thể Sách Thánh, nhờ hành động của Chúa Thánh Thần thế nào, thì nó cũng chỉ có thể được tiếp nhận và hiểu biết thực sự nhờ cùng một Chúa Thánh Thần như thế.

Các tác giả vĩ đại trong truyền thống Kitô Giáo đều đồng loạt nói về vị trí của Chúa Thánh Thần trong tương quan của tín hữu với Sách Thánh. Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng Sách Thánh “cần sự mạc khải của Chúa Thánh Thần, để nhờ khám phá ra ý nghĩa đích thực của sự việc trong đó, ta có thể gặt hái được các lợi ích dồi dào” (51). Thánh Giêrôm cũng xác tín rằng “chúng ta không thể hiểu được Sách Thánh nếu không có sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Đấng đã linh hứng nó” (52). Thánh Grêgôriô Cả nhấn mạnh một cách đẹp đẽ công trình của Chúa Thánh Thần trong việc soạn thảo và giải thích Sách Thánh: “Chính Người đã sáng tạo ra ngôn từ của Sách Thánh, chính Người mạc khải ý nghĩa của chúng” (53). Richard của (đan viện) Saint Victor nhấn mạnh rằng ta cần “đôi mắt bồ câu”, nghĩa là đôi mắt được Chúa Thánh Thần soi dẫn và dạy bảo, để có thể hiểu được bản văn Sách Thánh (54).

Cả ở đây nữa, tôi cũng muốn nhấn mạnh tới chứng tá hết sức có ý nghĩa đối với mối liên hệ giữa Chúa Thánh Thần và Sách Thánh mà ta thấy trong các bản văn phụng vụ, trong đó, lời Chúa được công bố, được nghe và được giải thích cho tín hữu. Ta thấy một chứng tá cho việc ấy trong các kinh nguyện cổ xưa, những kinh nguyện, dưới hình thức kinh epiclesis, tức kinh khẩn cầu Chúa Thánh Thần trước khi công bố các bài đọc: “Lạy Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng con… chúng con khẩn cầu Chúa cho dân này: xin Chúa sai Chúa Thánh Thần xuống trên họ; Xin Chúa Giêsu đến viếng thăm họ, nói với tâm trí mọi người, định hướng lòng họ về đức tin và dẫn đưa linh hồn chúng con về với Chúa, lạy Chúa mọi xót thương” (55). Điều ấy cho thấy rõ ta không thể hiểu được ý nghĩa lời Chúa ngoại trừ mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần hành động trong Giáo Hội và trong tâm hồn tín hữu.

Thánh Truyền và Thánh Kinh

17. Khi tái khẳng định mối liên kết sâu xa giữa Chúa Thánh Thần và lời Chúa, ta cũng đặt căn bản cho việc hiểu tầm quan trọng và giá trị quyết định của Thánh Truyền sống động và của Sách Thánh trong Giáo Hội. Thực vậy, vì Thiên Chúa “yêu thương thế giới đến độ ban Con Một của Người cho họ” (Ga 3:16), nên lời Chúa, lên tiếng trong thời gian, đã được ban cho và “được ủy thác” cho Giáo Hội một cách dứt khoát, để việc công bố ơn cứu độ có thể được thông truyền một cách hữu hiệu ở mọi thời và mọi nơi. Như Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” đã nhắc nhở, chính Chúa Giêsu Kitô “đã truyền cho các Tông Đồ rao giảng Tin Mừng, một Tin Mừng vốn được các tiên tri loan báo trước, được nên trọn trong chính con người của Người và được chính môi miệng Người công bố, cho mọi người như nguồn mọi sự thật và lề luật cứu rỗi, vốn thông truyền ơn phúc của Chúa cho họ. Lệnh truyền đó đã được thi hành một cách trung thành; nó được thực thi bởi các Tông Đồ, những người đã truyền lại bằng lời rao giảng, bằng gương sáng, bằng các huấn lệnh, mà chính các ngài đã tiếp nhận, hoặc từ chính môi miệng Chúa Kitô, từ lối sống và công việc Người làm, hay từ việc các ngài nhận ra nó nhờ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần; nó được thực thi bởi các Tông Đồ và nhiều người khác có quan hệ với các ngài, những người nhờ được Chúa Thánh Thần linh hứng, đã nhất quyết viết sứ điệp cứu độ thành văn” (56).

Công Đồng Vatican II cũng tuyên bố rằng Thánh Truyền có nguồn gốc tông đồ này là một thực tại sống động và đầy năng động: nó “thực hiện nhiều tiến bộ trong Giáo Hội, với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần”; nhưng không theo nghĩa thay đổi sự thật có trong nó, một sự thật trường cửu. Đúng hơn, “đó là việc gia tăng sự hiểu biết thông sáng đối với các thực tại và ngôn từ được chuyển giao”, chờ chiêm niệm và học hỏi, với sự hiểu biết có được từ một kinh nghiệm linh đạo sâu sắc hơn và từ “lời rao giảng của những người, nhờ kế nhiệm chức giám mục, đã lãnh nhận được đặc sủng chân lý chắc chắn” (57).

Truyền Thống sống động là điều chủ yếu giúp Giáo Hội tăng trưởng qua thời gian trong việc hiểu chân lý mạc khải của Thánh Kinh; thực vậy, “nhờ cùng một truyền thống này, trọn bộ qui điển các Sách Thánh đã được Giáo Hội biết đến và chính Thánh Kinh cũng được hiểu cách thấu đáo hơn và không ngừng trở thành hữu hiệu trong Giáo Hội” (58). Cuối cùng, chính Truyền Thống sống động của Giáo Hội đã giúp chúng ta hiểu một cách thoả đáng Thánh Kinh chính là lời của Thiên Chúa. Mặc dù lời Thiên Chúa đi trước và vượt quá Sách Thánh, nhưng Sách Thánh này, vì được Thiên Chúa linh hứng, quả chứa đựng lời Thiên Chúa (xem 2 Tm 3:16) “một cách hết sức độc đáo” (59).

18. Như thế, ta thấy rõ quan trọng biết bao việc Dân Chúa được giảng dạy và huấn luyện để tiếp cận với các Sách Thánh trong liên hệ với Truyền Thống sống động của Giáo Hội và nhận ra trong các sách ấy chính lời của Thiên Chúa. Cổ vũ cách tiếp cận như thế nơi tín hữu là điều rất quan trọng xét theo quan điểm đời sống thiêng liêng. Ở đây, tưởng rất hữu ích khi nhắc lại sự loại suy mà các Giáo Phụ vốn đưa ra giữa lời Chúa đã thành xác phàm và lời đã thành “sách” (60). Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” tiếp nhận truyền thống cổ kính này, một truyền thống, như thánh Ambrôsiô (61), vốn cho rằng: “Thân thể Chúa Con chính là Sách Thánh ta đã tiếp nhận” và sau đó tuyên bố rằng “Lời Chúa, phát biểu bằng ngôn ngữ con người, giống ngôn ngữ con người mọi cách, y hệt như lời của Chúa Cha muôn thuở, khi mặc lấy thân xác yếu đuối của con người nhân bản, đã trở nên giống như họ” (62). Hiểu cách đó, Sách Thánh xuất hiện với ta như một thực tại đơn nhất, dù dưới nhiều hình thức và nội dung khác nhau. Thực vậy, “Qua mọi lời của Sách Thánh, Thiên Chúa chỉ nói một lời duy nhất, do chính Người phán ra, trong đó, Người tự phát biểu về mình một cách trọn vẹn (xem Dt 1:1-3)” (63). Thánh Augustinô đã minh xác về điều này như sau: “Hãy nhớ rằng Thiên Chúa chỉ nói một lời; lời ấy đã diễn biến trong toàn bộ Thánh Kinh, và lời duy nhất đó đã vang dội trên môi miệng mọi tác giả thánh” (64).

Nói tóm lại, nhờ hành động của Chúa Thánh Thần và dưới sự hướng dẫn của huấn quyền, Giáo Hội đã chuyển giao cho mọi thế hệ tất cả những điều đã được mạc khải trong Chúa Kitô. Giáo Hội sống trong sự chắc chắn rằng Chúa của mình, Đấng đã nói trong quá khứ, ngày nay vẫn tiếp tục thông đạt lời Người trong Truyền Thống sống động của mình và trong Sách Thánh. Thực vậy, lời Chúa được ban cho ta trong Sách Thánh như chứng tá linh hứng của mạc khải; cùng với Truyền Thống sống động của Giáo Hội, nó cấu thành qui luật tối cao của đức tin (65).

Sách Thánh, sự linh hứng và sự thật

19. Một ý niệm chủ chốt để hiểu bản văn thánh như chính lời Chúa trong ngôn ngữ con người chắc chắn là ý niệm linh hứng. Ở đây nữa, ta cũng có thể gợi ra một loại suy: như lời Thiên Chúa đã trở thành xác phàm bởi quyền năng Chúa Thánh Thần trong lòng Trinh Nữ Maria thế nào, thì Sách Thánh cũng sinh ra từ lòng Giáo Hội nhờ quyền năng của cùng một Chúa Thánh Thần như vậy. Sách Thánh là “lời Chúa được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần” (66). Do cách này, người ta nhận ra tầm quan trọng trọn vẹn của tác giả nhân bản, người đã viết ra bản văn linh hứng, và nhận ra chính Thiên Chúa mới là tác giả thật sự.

Như các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã quả quyết, chủ đề linh hứng rõ ràng có tính quyết định cho một lối tiếp cận thoả đáng đối với Sách Thánh và việc giải thích chúng cách đúng đắn (67), một việc phải được thực hiện trong cùng một Chúa Thánh Thần mà trong Người các bản văn thánh kia đã được viết ra (68).

Bất cứ khi nào ý thức về sự linh hứng kia yếu đi, ta sẽ liều mình đọc Sách Thánh như một đồ hiếm họa có tính lịch sử, chứ không phải là công trình của Chúa Thánh Thần trong đó, ta nghe chính Chúa nói và nhận ra sự hiện diện của Người trong lịch sử.

Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng nhấn mạnh tới mối liên kết giữa chủ đề linh hứng và chủ đề sự thật của Sách Thánh (69). Một nghiên cứu sâu hơn về diễn trình linh hứng chắc chắn sẽ dẫn tới một hiểu biết lớn hơn về sự thật chứa đựng trong các Sách Thánh. Như giáo huấn của Công Đồng vốn nói về phương diện này, các sách linh hứng dạy ta sự thật: “Cho nên, vì mọi sự được các tác giả linh hứng, hay các nhà truớc tác thánh, quả quyết phải được coi như chính Chúa Thánh Thần quả quyết, nên ta phải nhìn nhận rằng các sách của bộ Thánh Kinh đã dạy một cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm sự thật mà Thiên Chúa, vì để cứu vớt ta, đã muốn thấy nó được giao phó cho Sách Thánh. Do đó, ‘mọi sách thánh đều được Thiên Chúa linh hứng và hữu ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy và huấn luyện về đàng chính trực, hầu người của Chúa nên thập toàn, được trang bị đầy đủ để làm việc lành” (2Tm 3:16-17, bản Hy Lạp) (70).

Chắc chắn, suy tư thần học luôn coi sự linh hứng và sự thật như hai ý niệm chủ chốt đối với khoa chú giải Thánh Kinh trong Giáo Hội. Tuy thế, người ta phải nhìn nhận nhu cầu ngày nay muốn học hỏi một cách trọn vẹn và thoả đáng hơn các thực tại này, ngõ hầu đáp ứng tốt hơn nhu cầu giải thích các bản văn thánh theo bản chất của chúng. Ở đây, tôi tha thiết hy vọng rằng việc tìm tòi trong phạm vi này sẽ có tiến bộ và đem lại thành quả cho cả ngành khoa học Thánh Kinh lẫn đời sống thiêng liêng của tín hữu.

Thiên Chúa Ngôi Cha, suối và nguồn của lời

20. Nhiệm cục mạc khải có khởi nguyên và nguồn gốc nơi Thiên Chúa Ngôi Cha. Qua lời Người “một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33:6). Chính Người đã ban cho ta “ánh sáng để hiểu biết vinh quang Thiên Chúa nơi khuôn mặt Chúa Kitô” (2 Cor 4:6; xem Mt 16:17; Lc 9:29).

Nơi Chúa Con, “Lời thành xác phàm” (xem Ga 1:14), Đấng đến để thực hiện ý Đấng đã sai mình đến (xem Ga 4:34), Thiên Chúa, suối nguồn mọi mạc khải, đã tự tỏ mình ra như Chúa Cha và hoàn tất khoa sư phạm thần linh từng được chuyển tải qua lời các tiên tri và các công trình kỳ diệu thể hiện trong sáng thế và trong lịch sử của dân Người và của toàn thể nhân loại. Việc mạc khải của Thiên Chúa Ngôi Cha đạt tới đỉnh cao ở sự kiện Chúa Con ban Đấng Bào Chữa (xem Ga 14:16), tức Thánh Thần của Chúa Cha và Chúa Con, Đấng dẫn ta “vào mọi sự thật” (Ga 16:13).

Mọi lời Thiên Chúa hứa đều tìm thấy chữ “đúng” (yes) của chúng nơi Chúa Giêsu Kitô (xem 2 Cor 1:20). Như thế, mọi người chúng ta được ban cho khả năng lên đường về với Chúa Cha (xem Ga 14:6), ngõ hầu, kết cục, “Thiên Chúa là mọi sự cho mọi người” (1 Cor 15: 28).

21. Như thập giá Chúa Kitô Đã chứng tỏ, Thiên Chúa cũng nói trong sự im lặng của Người. Sự im lặng này, tức cảm nghiệm về khoảng cách với Chúa Cha toàn năng, là giai đoạn quyết định trong hành trình dương thế của Thiên Chúa Ngôi Con, của Ngôi Lời nhập thể. Bị treo trên cây thập giá, Người than vãn về sự đau khổ do sự im lặng kia tạo ra: “Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ con?” (Mc 15:34; Mt 27:46). Tiến tới vâng lời cho tới hơi thở cuối cùng, trong cõi âm u của sự chết, Chúa Giêsu đã kêu tới Chúa Cha. Nhưng rồi, Người phó mình cho Chúa Cha ở ngay thời khắc vượt qua này, từ cái chết vượt qua sự sống đời đời: “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23:46).

Cảm nghiệm trên của Chúa Giêsu phản ảnh hoàn cảnh của tất cả những ai, sau khi nghe và nhìn nhận lời Chúa, cũng phải giáp mặt với sự im lặng của Thiên Chúa. Đó vốn là cảm nghiệm của muôn vàn thánh nhân và nhà huyền nhiệm, và cả nay nữa nó vẫn là một phần trong cuộc hành trình của nhiều tín hữu. Sự im lặng của Thiên Chúa nối dài những lời trước đó của Người. Trong những giờ phút đen tối ấy, Người nói bằng mầu nhiệm im lặng của Người. Bởi thế, trong cái năng động của mạc khải Kitô Giáo, im lặng xuất hiện như một biểu thức quan trọng của lời Thiên Chúa.

Đáp ứng Vị Thiên Chúa đang nói với ta

Ta được mời gọi bước vào giao ước với Thiên Chúa

22. Khi nhấn mạnh tới nhiều hình thức của lời, ta đã có thể chiêm ngưỡng được một số cách Thiên Chúa dùng để nói và gặp gỡ con người, làm cho Người được biết đến trong đối thoại. Như các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã tuyên bố, điều chắc là “cuộc đối thoại này, khi nói tới mạc khải, kéo theo tính tối thượng của lời Chúa được ngỏ với con người” (71). Mầu nhiệm của Giao Ước nói lên mối liên hệ giữa Thiên Chúa, Đấng lên tiếng mời gọi con người bằng chính lời của Người, và con người, kẻ đáp ứng, dù nó cho thấy rõ đây không phải là vấn đề gặp gỡ giữa hai người đồng trang lứa; điều ta gọi là Cựu Ước và Tân Ước không hề là một khế ước giữa hai bên ngang hàng, nhưng đơn thuần là một hồng ân của Thiên Chúa. Với hồng ân đầy yêu thương này, Thiên Chúa bắc nhịp cầu qua mọi phân cách và làm chúng ta trở nên các “bạn tình” (partners) của Người, hầu tạo nên mầu nhiệm hôn phối đầy yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Trong viễn tượng này, mỗi người trong chúng ta xuất hiện như một chủ thể được lời nói với, thách thức và mời gọi bước vào cuộc đối thoại yêu thương bằng một đáp ứng tự do. Như thế, mỗi người chúng ta đều được Thiên Chúa ban cho khả năng biết nghe và đáp ứng lời Người. Ta được tạo dựng trong lời và ta sống trong lời; ta không thể hiểu được chính ta nếu ta không chịu cởi mở đón nhận cuộc đối thoại này. Lời Thiên Chúa cho ta thấy bản chất hiếu tử và có tương quan của cuộc hiện hữu nhân bản. Thực vậy, ta được ơn thánh mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Con Một Chúa Cha, và được biến đổi trong Người.

Thiên Chúa nghe ta và trả lời các vấn nạn của ta

23. Trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa này, ta hiểu được chính ta và tìm được câu trả lời cho các vấn nạn sâu xa nhất của trái tim ta. Lời Chúa thực sự không thù nghịch đối với ta; nó không làm ngột ngạt các khát vọng của ta, nhưng đúng hơn soi sáng chúng, thanh tẩy chúng và đem chúng đến thỏa mãn hoàn toàn. Trong thời đại ta, việc nhận ra chỉ có Chúa mới đáp ứng các khát vọng trong trái tim mỗi người chúng ta là việc quan trọng biết bao nhiêu! Điều đáng buồn cần phải nói là ngày nay, ở Tây Phương, người ta đang có ý niệm phổ biến cho rằng Thiên Chúa đứng ngoài cuộc sống và các vấn nạn của con người, và sự hiện diện của Người chỉ có thể là một đe dọa đối với quyền tự lập của họ. Ấy thế nhưng, toàn bộ nhiệm cục cứu rỗi đều chứng minh rằng Thiên Chúa lên tiếng và hành động trong lịch sử vì thiện ích ta và để cứu vớt ta một cách toàn diện. Như thế, đứng trên quan điểm mục vụ, điều có tính quyết định là trình bày lời Chúa trong khả năng nó có thể bước vào đối thoại với các vấn nạn thường ngày mà con người gặp phải. Chính Chúa Giêsu đã nói rằng Người tới để chúng ta được sống dồi dào (xem Ga 10:10). Thành thử, ta cần hết sức cố gắng chia sẻ lời Chúa như một cởi mở đối với các vấn nạn của ta, một trả lời cho các câu hỏi của ta, một mở rộng đối với các giá trị của ta và một thoả mãn hoàn toàn đối với các hoài mong của ta. Hoạt động mục vụ của Giáo Hội cần phải làm rõ việc Thiên Chúa lắng nghe các nhu cầu và yêu cầu xin giúp đỡ của ta ra sao. Như Thánh Bonaventura từng nói trong cuốn Breviloquium (Đoản Thoại?): "Hoa trái của Thánh Kinh không phải là bất cứ hoa trái nào, mà là chính sự viên mãn của hạnh phúc đời đời. Thánh Kinh là sách chứa đựng lời ban sự sống đời đời, đến nỗi, ta không phải chỉ tin mà còn có sự sống đời đời nữa, một sự sống trong đó ta sẽ thấy và sẽ yêu, và mọi khát vọng của ta đều được thoả mãn hoàn toàn” (72).

Đối thoại với Thiên Chúa bằng chính lời của Người

24. Lời Chúa lôi cuốn mỗi người chúng ta bước vào cuộc đàm thoại với Chúa: Đấng Thiên Chúa đang nói dạy ta cách để nói với Người. Ở đây, dĩ nhiên ta nghĩ tới Sách Thánh Vịnh, trong đó, Thiên Chúa ban cho ta lời dùng để nói với Người, để đặt đời sống ta trước mặt Người, và do đó, biến chính đời sống trở thành nẻo đường đưa ta tới Thiên Chúa (73). Trong các Thánh Vịnh, mọi tâm tình nhân bản có thể có đều được nói tới, được trình bày một cách tuyệt vời trước nhan thánh Chúa; niềm vui và nỗi đau, nỗi sầu muộn và niềm hy vọng, nỗi sợ sệt và nỗi lắng lo: tất cả đều được nói tới ở đây. Cùng với các Thánh Vịnh, ta cũng thấy nhiều đoạn khác của Sách Thánh nói lên việc ta hướng về Thiên Chúa trong lời kinh chuyển cầu (xem Xh 33:12-16), trong bài ca chiến thắng hân hoan (xem Xh 15) hay trong cơn buồn sầu vì gặp khó khăn trên đường thi hành sứ vụ (xem Gr 20:7-18). Theo cách đó, lời ta thưa với Chúa trở thành chính lời Chúa, và như thế củng cố bản chất đối thoại của mọi mạc khải Kitô Giáo (74), và trọn hiện sinh của ta trở nên một cuộc đối thoại với Thiên Chúa, Đấng nói và nghe, Đấng mời gọi ta và hướng dẫn đời ta. Ở đây, lời Chúa cho ta thấy: trọn cuộc sống ta diễn ra dưới lời mời gọi của Người (75).

Lời Chúa và đức tin

25. "‘Vâng tin’ (Rm 16:26; xem Rm 1:5; 2 Cor 10: 5-6) phải là đáp ứng của ta với Thiên Chúa, Đấng mạc khải. Bằng đức tin, ta tự ý tín thác hoàn toàn nơi Chúa, ‘tâm trí và ý chí ta hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa, Đấng mạc khải’ và sẵn sàng đồng thuận mạc khải của Thiên Chúa” (76). Qua những lời này, Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” muốn nói lên tư thế chính xác mà ta phải có đối với Thiên Chúa. Đáp ứng nhân bản thích đáng đối với vị Thiên Chúa đang nói chính là đức tin. Ở đây, ta thấy rõ điều này “để chấp nhận mạc khải, con người phải mở tâm trí của mình ra đón nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng giúp họ có khả năng hiểu lời Chúa hiện diện trong Sách Thánh” (77). Sự thực, chính việc rao giảng lời Chúa đã phát sinh ra đức tin, nhờ đó, ta đồng tâm nhất trí với chân lý đã được mạc khải cho ta và ta hoàn toàn tín thác vào Chúa Kitô: “Đức tin đến từ điều nghe được, và điều nghe được đến từ lời Chúa Kitô” (Rm 10:17). Trọn lịch sử cứu rỗi đã lần hồi chứng minh cho mối liên kết sâu xa giữa lời Chúa và đức tin, một đức tin vốn phát xuất từ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Như thế, đức tin mang dáng dấp một cuộc gặp gỡ với Đấng ta tín thác trọn đời ta cho Người. Chúa Giêsu Kitô vẫn hiện diện trong lịch sử hôm nay, trong nhiệm thể Người là Giáo Hội; vì thế, hành vi đức tin của ta cùng một lúc vừa có tính bản thân vừa có tính giáo hội.

Tội lỗi là khước từ không nghe lời Chúa

26. Lời Chúa cũng không thể không mạc khải khả thể bi thảm này là tự do con người có thể làm họ rút chân ra khỏi cuộc đối thoại giao ước với Thiên Chúa, cuộc đối thoại mà vì nó ta đã được dựng nên. Lời Chúa cũng cho thấy tội lỗi vốn rình rập trong trái tim con người. Trong cả Cựu Ước và Tân Ước, ta thường đọc thấy tội lỗi được diễn tả là việc từ khước không nghe lời, là bẻ gẫy giao ước và do đó là đóng cửa với Thiên Chúa, Đấng vốn mời gọi ta hiệp thông với Người (78). Sách Thánh cho thấy tội lỗi con người, trong yếu tính, vốn là sự bất tuân và từ khước không nghe. Sự vâng lời căn để của Chúa Giêsu cho đến chết trên thập giá (xem Pl 2:8) đã hoàn toàn lột mặt nạ tội lỗi ấy. Sự vâng lời của Người đã phát sinh ra Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và con người, và ban cho ta khả thể giao hòa. Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến làm của lễ đền vì tội lỗi ta và tội lỗi toàn thế giới (xem 1 Ga 2:2; 4:10; Dt 7:27). Như thế, ta được hiến tặng khả thể cứu chuộc đầy nhân từ và việc khởi đầu một sự sống mới trong Chúa Kitô. Vì lý do đó, điều quan trọng là phải dạy tín hữu biết nhìn nhận rằng cội rễ của tội chính là việc từ khước không nghe lời Thiên Chúa và chấp nhận nơi Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, sự tha thứ vốn có đó để ta bước vào cứu độ.

Đức Maria, “Mẹ Lời Chúa” và “Mẹ đức tin”

27. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng tuyên bố rằng mục tiêu căn bản của Cuộc Họp Thứ Mười Hai này là “đổi mới đức tin của Giáo Hội đối với lời Thiên Chúa”. Để làm được điều đó, ta cần nhìn lên đấng mà nơi ngài hành động qua lại giữa lời Chúa và đức tin đã trở thành hoàn hảo, đó chính là Trinh Nữ Maria, “đấng, bằng tiếng ‘xin vâng’ đối với lời giao ước và sứ mệnh của mình, đã làm trọn một cách hoàn hảo lời mời gọi nhân loại của Thiên Chúa” (79). Thực tại nhân bản, do lời tạo ra, tìm được hình ảnh hoàn hảo nhất của nó trong đức tin vâng lời của Đức Maria. Từ Truyền Tin đến Hiện Xuống, ngài luôn tỏ ra là một người phụ nữ hoàn toàn cởi mở đón nhận ý Thiên Chúa. Ngài là Vô Nhiễm Thai, là đấng được Thiên Chúa làm cho “đầy ơn phúc” (xem Lc 1:28) và vâng phục lời của Người vô điều kiện (xem Lc 1:38). Đức tin vâng lời của ngài đã lên khuôn cho cuộc đời ngài mọi giây mọi phút trước kế hoạch của Thiên Chúa. Là một Trinh Nữ lúc nào cũng chăm chú lắng nghe lời Chúa, ngài sống hoà điệu hoàn toàn với lời ấy; ngài trân qúi trong lòng mọi biến cố của Con mình, nối kết chúng lại với nhau thành như một bức tranh ghép duy nhất (xem Lc 2:19, 51) (80).

Thời ta, tín hữu cần được giúp đỡ để thấy rõ hơn sợi dây nối kết giữa Đức Maria Thành Nadarét và việc nghe lời Chúa với niềm tin trọn vẹn. Tôi cũng khuyến khích các học giả hãy nghiên cứu mối liên hệ giữa Thánh Mẫu Học và nền thần học về lời. Điều này rõ ràng hết sức có ích đối với cả đời sống thiêng liêng lẫn việc nghiên cứu thần học và Thánh Kinh. Thực thế, điều mà sự hiểu biết của đức tin đã giúp ta biết được về Đức Maria nằm ngay ở tâm điểm chân lý Kitô Giáo. Vì người ta sẽ không thể nào quan niệm được sự nhập thể của lời nếu tách biệt nó khỏi sự tự do của người phụ nữ trẻ này, người, nhờ sự đồng thuận của mình, đã nhất quyết hợp tác với việc bước vào thời gian của Đấng Trường Cửu. Đức Maria là hình ảnh của Giáo Hội đang chăm chú lắng nghe lời Thiên Chúa, một lời đang lên xương thịt trong ngài. Đức Maria cũng tượng trưng cho sự cởi mở với Thiên Chúa và tha nhân; cho sự lắng nghe đầy tích cực, một sự lắng nghe biết nội tâm hóa và thẩm thấu, một sự lắng nghe trong đó lời trở thành một lối sống.

28. Ở đây, tôi muốn nhắc đến sự thân quen của Đức Maria đối với lời Chúa. Điều này thấy rõ trong Kinh Ngượi Khen (Magnificat). Trong kinh này, theo một nghĩa nào đó, ta thấy ngài đã đồng nhất hóa với lời, nhập hẳn vào lời; trong ca khúc đức tin đầy kỳ diệu này, Trinh Nữ đã ca bài tán tụng Chúa bằng chính lời của Người: “Kinh Ngượi Khen, bức chân dung vẽ chính linh hồn ngài, có thể nói như vậy, hoàn toàn đã được dệt bằng các sợi chỉ trong Thánh Kinh, những sợi chỉ rút ra từ lời Chúa. Ở đây, ta thấy Đức Maria đã hoàn toàn thân thuộc ra sao đối với lời Chúa, ngài thoải mái vào ra lời ấy. Ngài nói và suy nghĩ bằng lời Chúa; lời Chúa trở thành lời ngài, và lời ngài phát xuất từ lời Chúa. Ở đây, ta thấy tư tưởng của ngài hòa điệu ra sao đối với tư tưởng Thiên Chúa, ý chí của ngài là một với ý Chúa như thế nào. Vì Đức Maria hoàn toàn thấm nhuần lời Chúa, nên ngài có khả năng trở thành Mẹ của Lời Nhập Thể (81).

Đàng khác, nhìn lên Mẹ Thiên Chúa, ta thấy hoạt động của Thiên Chúa trên thế giới luôn mời gọi tự do của ta cam kết như thế nào, vì nhờ đức tin, lời Chúa biến đổi chúng ta. Công việc tông đồ và mục vụ của ta không bao giờ hữu hiệu nếu không học nơi Đức Mẹ cách để Thiên Chúa lên khuôn ta trong ta: “việc lấy lòng sốt sắng và tin yêu lấy Đức Mẹ làm khuôn mẫu và nguyên mẫu cho đức tin của Giáo Hội có một tầm quan trọng hàng đầu trong việc tạo ra trong thời ta một thay đổi điển hình cụ thể trong mối tương quan của Giáo Hội với lời, cả trong việc lắng nghe trong cầu nguyện lẫn trong việc dấn thân một cách quảng đại vào sứ vụ và rao giảng” (82).

Khi chiêm ngưỡng nơi Mẹ Thiên Chúa một cuộc đời hoàn toàn do lời lên khuôn, ta hiểu được rằng cả ta nữa cũng được mời gọi bước vào mầu nhiệm đức tin, nhờ đó, Chúa Kitô tới cư ngụ trong đời ta. Thánh Ambrôsiô nhắc nhở ta rằng xét theo một phương diện nào đó, mọi tín hữu Kitô đều tượng thai và sinh hạ lời Thiên Chúa: mặc dù chỉ có Mẹ Thiên Chúa là tượng thai bằng xương bằng thịt, còn chúng ta, Chúa Kitô là con cái của mọi người chúng ta trong đức tin (83). Như thế, điều xẩy ra cho Đức Maria cũng hàng ngày xẩy ra nơi mỗi người chúng ta, trong việc nghe lời Chúa và trong việc cử hành các bí tích.

Việc giải thích Thánh Kinh trong Giáo Hội

Giáo Hội là khung cảnh đệ nhất của khoa chú giải Thánh Kinh

29. Một chủ đề chính nữa phát sinh trong Thượng Hội Đồng mà giờ đây tôi muốn lưu ý là việc giải thích Thánh Kinh trong Giáo Hội. Sợi dây liên kết nội tại giữa lời và đức tin cho ta thấy rõ:khoa chú giải Thánh Kinh chân chính chỉ có thể có bên trong đức tin của Giáo Hội, một đức tin có khuôn mẫu nơi lời ‘xin vâng’ của Đức Maria. Thánh Bonaventura nói rằng không có đức tin, sẽ không có chìa khóa để mở tung bản văn thánh: “Đây là kiến thức về Chúa Giêsu Kitô, từ Người, như từ một nguồn suối, chẩy ra sự chắc chắn và sự hiểu biết toàn bộ Thánh Kinh. Do đó, không ai có thể đạt được kiến thức về chân lý ấy nếu không trước nhất có đức tin dấn thân vào Chúa Kitô, vốn là ngọn đèn, là cửa và là nền tảng của mọi Sách Thánh” (84). Còn Thánh Tôma Aquinô, khi trích dẫn Thánh Augustinô, đã nhấn mạnh rằng “chữ nghĩa, dù là chữ nghĩa của Tin Mừng, cũng chỉ sát hại, nếu không có ơn thánh bên trong của đức tin chữa lành” (85).

Ở đây, ta có thể chỉ ra tiêu chuẩn căn bản của khoa chú giải Thánh Kinh: khung cảnh đệ nhất để giải thích Thánh Kinh là đời sống Giáo Hội. Điều này không có nghĩa coi ngữ cảnh Giáo Hội như qui luật ngoại tại mà nhà chú giải phải tuân phục, nhưng đúng hơn nó là một điều được chính bản chất của Thánh Kinh cũng như phương thức dần dần thành hình của nó đòi hỏi. “Các truyền thống đức tin hình thành ra ngữ cảnh sống động cho sinh hoạt văn chương của các tác giả Sách Thánh. Việc các truyền thống trên được lồng vào ngữ cảnh này cũng bao hàm việc chia sẻ cả đời sống phụng vụ và đời sống bên ngoài của các cộng đoàn, lẫn thế giới trí thức, thế giới văn hóa và những thăng trầm trong lịch sử các định chế này. Cũng một cách tương tự như thế, việc giải thích Thánh Kinh đòi các nhà chú giải phải tham gia vào đời sống và đức tin của cộng đoàn tín hữu thời họ” (86).

Thành thử, “vì Sách Thánh phải được đọc và giải thích dưới sự soi sáng của cùng một Thần Khí nhờ đó nó đã được viết ra” (87), nên các nhà chú giải, các thần học gia và toàn bộ dân Chúa phải tiếp cận nó trong bản chất thực sự của nó, tức lời Thiên Chúa được chuyển tải tới ta bằng ngôn ngữ con người (xem 1 Tx 2:13). Đó là dữ kiện thường hằng hàm chứa trong chính Thánh Kinh: “Không ai được tự tiện giải thích một lời tiên tri nào trong Sách Thánh, vì lời tiên tri không bao giờ do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2 Pr 1:20-21). Hơn nữa, chính đức tin của Giáo Hội nhận ra lời Chúa trong Thánh Kinh; như Thánh Augustinô đã nói câu đáng nhớ: “Tôi sẽ không tin Tin Mừng, nếu thẩm quyền Giáo Hội Công Giáo không hướng dẫn tôi làm như thế” (88). Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống cho Giáo Hội, đã giúp ta khả năng giải thích Thánh Kinh một cách có thế giá. Thánh Kinh là sách của Giáo Hội, và vị trí chủ yếu của nó trong đời sống Giáo Hội phát sinh ra việc giải thích nó một cách chân chính.

30. Thánh Giêrôm nhắc ta rằng ta không bao giờ được đọc Sách Thánh theo ý riêng mình. Làm như thế, ta sẽ gặp rất nhiều chiếc cửa khép kín và chắc chắn sẽ dễ dàng rơi vào lầm lạc. Thánh Kinh được Dân Chúa viết cho Dân Chúa, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Chỉ trong sự hiệp thông ấy với Dân Chúa, ta mới có thể thực sự, như một “chúng tôi”, bước vào tâm điểm sự thật mà Thiên Chúa muốn chuyển tải cho ta (89). Thánh Giêrôm, người từng nói rằng “không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô” (90), đã quả quyết rằng chiều kích Giáo Hội trong việc giải thích Thánh Kinh không phải là một đòi hỏi được áp đặt từ bên ngoài: Sách ấy là chính tiếng nói của Dân lữ hành Thiên Chúa, và chỉ bên trong đức tin của Dân này, ta mới có cùng một cung điệu để hiểu Sách Thánh, có thể nói như thế. Vì thế, một giải thích chân chính về Thánh Kinh luôn luôn phải hoà điệu với đức tin của Giáo Hội Công Giáo. Chính vì thế, ngài đã viết cho một linh mục: “Hãy bám chặt lấy học lý truyền thống mà cha đã được giảng dạy, để cha có thể giảng giải người ta theo học lý lành mạnh và đánh bại những kẻ nói ngược lại nó” (91).

Tách khỏi đức tin, bất cứ cách tiếp cận bản văn thánh nào cũng chỉ có thể gợi ý cho ta một số yếu tố đáng lưu tâm về bình diện cấu trúc và hình thức bản văn, nhưng người ta đã chứng minh một cách chắc chắn rằng các yếu tố này chỉ là những cố gắng bất toàn về phương diện cấu trúc. Như Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, khi lặp lại nguyên tắc đã được khoa giải thích thánh kinh hiện đại chấp nhận, đã quả quyết rằng: “việc đạt tới sự hiểu biết thích đáng các bản văn thánh chỉ dành cho ai biết lưu tâm đến điều Thánh Kinh nói trên căn bản kinh nghiệm sống” (92). Tất cả những điều này giúp làm rõ mối liên hệ giữa đời sống thiêng liêng và khoa giải thích Thánh Kinh. “Như độc giả trưởng thành trong sự sống Chúa Thánh Thần thế nào, thì khả năng hiểu các thực tại được Thánh Kinh nói tới của họ cũng tăng trưởng như thế” (93). Cường độ trong kinh nghiệm chân chính của Giáo Hội chỉ có thể dẫn tới sự tăng trưởng trong hiểu biết đức tin; ngược lại, đọc Thánh Kinh bằng đức tin cũng sẽ dẫn tới việc tăng trưởng trong chính đời sống Giáo Hội. Ở đây, một lần nữa, ta có thể nhận ra sự thật của câu nói thời danh của Thánh Grêgôriô Cả: “Lời Chúa tăng trưởng cùng với người đọc chúng” (94). Việc lắng nghe lời này dẫn nhập và gia tăng sự hiệp thông giáo hội với tất cả những người đang tiến bước trong đức tin.

"Linh hồn của thần học thánh"

31. "Việc nghiên cứu Sách Thánh phải là chính linh hồn của thần học, có thể nói như thế” (95). Câu trích dẫn từ Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa" này, với thời gian, càng ngày càng trở nên thân quen hơn. Trong thời kỳ sau Công Đồng Vatican II, khoa nghiên cứu thần học và chú giải hay nhắc tới kiểu nói trên như một biểu tượng cho việc lưu tâm mới mẻ đối với Sách Thánh. Cuộc Họp Lần Thứ Mười Hai của Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng hay nhắc tới câu nói thời danh này để diễn tả mối liên hệ giữa việc tìm tòi lịch sử và việc giải thích đức tin liên quan tới bản văn thánh. Các Nghị Phụ vui mừng nhìn nhận rằng việc nghiên cứu lời Chúa trong Giáo Hội đã lớn mạnh trong mấy thập niên qua, và các ngài tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với nhiều nhà chú giải và thần học gia đã tận tụy, dấn thân và đầy khả năng tiếp tục đóng góp đáng kể vào việc hiểu sâu sắc hơn ý nghĩa của Thánh Kinh, khi đề cập tới những vấn đề phức tạp mà khoa nghiên cứu Thánh Kinh gặp phải trong thời đại ta (96). Lời cám ơn chân thành cũng đã được ngỏ với các thành viên của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, cả quá khứ lẫn hiện tại, trong hợp tác gần gũi với Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã tiếp tục cung hiến khả năng chuyên môn của mình để khảo sát nhiều vấn nạn đặc thù do khoa nghiên cứu Thánh Kinh nêu ra. Tương tự như thế, Thượng Hội Đồng cũng cảm thấy có nhu cầu phải nhìn vào tình trạng nghiên cứu Thánh Kinh hiện nay và thế đứng của nó trong lãnh vực thần học. Sự hữu hiệu về mục vụ trong sinh hoạt của Giáo Hội cũng như đời sống thiêng liêng của tín hữu tùy thuộc phần lớn vào thành quả của mối tương quan giữa ngành chú giải và thần học. Vì thế, tôi thấy trình bày ra đây một số suy niệm từng phát sinh ra từ cuộc thảo luận về chủ đề này tại các phiên họp của Thượng Hội Đồng là điều quan trọng.

Khai triển việc nghiên cứu Thánh Kinh và huấn quyền của Giáo Hội

32. Trước hết, ta cần nhìn nhận các lợi ích mà ngành chú giải phê bình lịch sử và một số phương pháp phân tích bản văn mới được khai triển gần đây từng đem lại cho đời sống Giáo Hội (97). Muốn có cái hiểu Công Giáo về Thánh Kinh, việc lưu tâm tới các phương pháp như thế là điều nhất thiết, vì việc này vốn có liên hệ đến chủ nghĩa hiện thực về Nhập Thể: “Việc nhất thiết này là hậu quả của nguyên lý Kitô Giáo từng được phát biểu trong Tin Mừng Thánh Gioan 1:14: Ngôi Lời đã thành xác phàm. Sự kiện lịch sử này chính là chiều kích ‘hiến định’ của đức tin Kitô Giáo. Lịch sử cứu rỗi không phải là thần thoại học, mà là lịch sử đích thực, và do đó, phải được nghiên cứu bằng các phương pháp tìm tòi có tính lịch sử nghiêm túc” (98). Việc nghiên cứu Thánh Kinh đòi hỏi ta phải biết các phương pháp tìm tòi này và các áp dụng thực tiễn của chúng. Đã đành, trong thời hiện đại, người ta đã đánh giá cao hơn nhiều các phương pháp tìm tòi đó, dù không phải nơi nào cũng cùng một mức độ như nhau, song truyền thống lành mạnh của Giáo Hội vẫn luôn tỏ ra quí mến việc nghiên cứu “chữ nghĩa” loại này. Ở đây, ta chỉ cần nhắc tới nền văn hóa đan viện vốn tạo nền tảng tối hậu cho văn hóa Âu Châu; ở gốc rễ nền văn hóa đó, ta thấy có mối quan tâm tới lời. Lòng khao khát Chúa hàm chứa lòng yêu mến đối với lời trong mọi chiều kích của nó: “vì trong lời Thánh Kinh, Thiên Chúa đến với chúng ta và chúng ta đến với Người, nên ta phải học cách đào sâu bí ẩn của ngôn ngữ, cách hiểu cấu trúc của nó và phương thức phát biểu của nó. Do đó, vì cuộc tìm kiếm Thiên Chúa, khoa học thế tục nào dẫn tới việc hiểu ngôn ngữ nhiều hơn đều trở thành quan trọng” (99).

33. Huấn quyền sống động của Giáo Hội, một huấn quyền vốn có nhiệm vụ “cung cấp việc giải thích chân chính lời Chúa, bất kể dưới hình thức chữ viết hay hình thức truyền khẩu” (100), từng can thiệp một cách khôn ngoan và quân bình liên quan tới đáp ứng đúng đắn đối với việc dẫn nhập các phương pháp mới của ngành phân tích lịch sử. Tôi nghĩ cách riêng tới các thông điệp Providentissimus Deus của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII và Divino Afflante Spiritu của Đức Giáo Hoàng Piô XII. Vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Gioan Phaolô II có nhắc lại tầm quan trọng của các văn kiện này nhân kỷ niệm 100 năm và 50 năm ngày chúng được lần lượt công bố (101). Sự can thiệp của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã có công bảo vệ việc giải thích Thánh Kinh của Công Giáo khỏi rơi vào các tấn kích của chủ nghĩa duy lý, tuy nhiên, không khỏi rơi vào việc đi tìm an ổn nơi ý nghĩa thiêng liêng nhưng xa rời lịch sử. Không hề né tránh phương pháp phê bình khoa học, Giáo Hội chỉ lo ngại trước “những định kiến tự cho là có căn bản khoa học, nhưng thực tế đã lén lút làm cho khoa học đi ra ngoài lãnh vực của nó” (102). Về phần ngài, Đức Giáo Hoàng Piô XII phải đương đầu với nhiều tấn kích từ phía những người chủ trương một lối chú giải tự gọi là huyền nhiệm, một lối chú giải bác bỏ bất cứ hình thức tiếp cận có tính khoa học nào. Thông điệp Divino Afflante Spiritu rất thận trọng tránh né bất cứ gợi ý nào về một lưỡng phân giữa “chú giải khoa học” dùng cho khoa hộ giáo và “chú giải thiêng liêng dùng cho nội bộ”; đúng hơn, thông điệp này khẳng định cả “ý nghĩa thần học của nghĩa đen, được định nghĩa một cách có phương pháp” lẫn sự kiện “chính việc xác định nghĩa thiêng liêng… cũng thuộc phạm vi chú giải khoa học” (103). Bằng cách đó, cả hai văn kiện cùng bác bỏ “sự chia cắt giữa nhân bản và thần linh, giữa tìm tòi khoa học và việc tôn kính đức tin, giữa nghĩa đen và nghĩa thiêng liêng” (104). Sự quân bình này sau đó được tài liệu năm 1993 của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh tiếp tục duy trì: “trong công trình giải thích của họ, các nhà chú giải Công Giáo không bao giờ được quên rằng điều họ đang giải thích chính là lời Thiên Chúa. Trách vụ chung của họ sẽ không chu toàn nếu họ mới chỉ xác định được các nguồn, định nghĩa được các hình thức hay giải thích được các thủ tục văn chương. Họ chỉ đạt tới mục tiêu thực sự trong công việc của mình khi giải thích được ý nghĩa của bản văn Thánh Kinh như là lời Thiên Chúa nhắn gửi thời đại ngày nay” (105).

Việc giải thích Thánh Kinh theo Công Đồng: một chỉ thị cần lãnh nhận

34. Trong bối cảnh trên, người ta có thể đánh giá tốt hơn các nguyên tắc lớn trong việc giải thích đúng đắn dành cho ngành chú giải Công Giáo do Công Đồng Vatican II đưa ra, nhất là trong Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa”: “Xét vì trong Sách Thánh, Thiên Chúa nói qua những con người nhân bản theo lối con người, nên các nhà giải thích Sách Thánh, nếu muốn quả quyết điều Thiên Chúa có ý định thông đạt cho ta, nên cẩn thận tìm cho ra ý nghĩa mà các soạn giả thánh thực sự có trong đầu, tức ý nghĩa mà Thiên Chúa có ý định mạc khải qua việc dùng các lời nói của họ” (106). Một đàng, Công Đồng muốn nhấn mạnh tới việc nghiên cứu các văn thể (literary genres) và ngữ cảnh lịch sử như các yếu tố căn bản để hiểu ý nghĩa thực sự của tác giả thánh. Đàng khác, vì Thánh Kinh phải được giải thích trong cùng một Thánh Thần mà trong Người nó đã được viết ra, nên Hiến Chế Tín Lý đưa ra 3 tiêu chuẩn nền tảng để lượng giá chiều kích thần linh của Sách Thánh: 1) bản văn phải được giải thích bằng cách chú ý tới tính thống nhất của toàn bộ Sách Thánh; ngày nay, người ta gọi tiêu chuẩn này là giải thích theo qui điển (canonical exegesis); 2) trình thuật phải lấy từ Truyền Thống sống động của toàn thể Giáo Hội; và cuối cùng, 3) phải tỏ ra tôn trọng nguyên tắc loại suy của đức tin. “Chỉ khi nào biết tôn trọng cả bình diện phương pháp phê bình lịch sử lẫn bình diện thần học, người ta mới có thể nói tới một chú giải thần học, tức một chú giải xứng đáng với Sách này” (107).

Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng rất đúng khi tuyên bố rằng hoa trái tích cực phát sinh từ việc sử dụng phương pháp tìm tòi có tính phê bình lịch sử là điều không thể chối cãi được. Nhưng dù ngành giải thích bác học hiện nay, trong đó có các học giả Công Giáo, rất có khả năng trong lãnh vực phương pháp phê bình lịch sử, nhưng ta vẫn phải nói rằng một chú tâm tương tự cần phải được dành cho chiều kích thần học trong các bản văn thánh, để chúng được hiểu sâu sắc hơn, phù hợp với 3 yếu tố đã được Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” nêu ra (108).

Sự nguy hiểm của chủ nghĩa nhị nguyên và khoa chú giải bị thế tục hóa

35. Về phương diện này, ta nên nhắc tới nguy cơ trầm trọng hiện nay của cách tiếp cận duy nhị nguyên đối với Sách Thánh. Phân biệt hai bình diện tiếp cận Sách Thánh không hề có nghĩa tách biệt chúng hay đặt chúng thành đối lập, cũng không đơn thuần đặt chúng bên cạnh nhau. Chúng chỉ hiện hữu trong hỗ tương mà thôi. Chẳng may, đôi khi người ta dã tách biệt chúng một cách vô bổ, và do đó, đã tạo ra các hàng rào phân rẽ giữa chú giải và thần học, và điều này “diễn ra cả ở bình diện cao nhất của học thuật” (109). Ở đây, tôi muốn nhắc tới các hậu quả đáng lo ngại nhất cần phải tránh. Trước nhất và trên hết, nếu công trình chú giải chỉ giới hạn ở bình diện thứ nhất mà thôi, thì kết cục Thánh Kinh chỉ là một bản văn thuộc quá khứ: “Người ta có thể rút ra được các hệ luận luân lý từ đó, họ có thể học biết lịch sử, nhưng một Sách như thế chỉ nói về quá khứ, và chú giải không còn tính cách thần học thực sự nữa, mà trở thành lịch sử học thuần túy hay lịch sử văn chương” (110). Rõ ràng, lối tiếp cận có tính giản lược ấy không bao giờ có khả năng làm ta hiểu được biến cố mạc khải của Thiên Chúa bằng lời của Người, sự mạc khải đã được truyền lại cho ta trong Truyền Thống sống động và trong Thánh Kinh.

Việc thiếu một nền chú giải đức tin liên quan tới Thánh Kinh không phải chỉ kéo theo một sự trống vắng; thay vào chỗ của nó nhất thiết sẽ có một lối giải thích khác, tức lối giải thích duy nghiệm (positivistic) và thế tục hóa, một lối giải thích xét cho cùng đã dựa trên xác tín cho rằng Đấng Thần Linh không hề can thiệp vào lịch sử con người. Theo lối giải thích này, bất cứ chỗ nào xem ra có sự hiện diện của thần linh, thì đều phải giải thích cách khác, phải giản lược mọi sự thành yếu tố nhân bản. Điều này dẫn tới một lối giải thích hoàn toàn bác bỏ tính lịch sử của yếu tố thần linh (111).

Người ta đã chứng minh được rằng một chủ trương như thế chỉ có hại cho đời sống Giáo Hội, vì nó khiến người ta hoài nghi mọi mầu nhiệm nền tảng của Kitô Giáo và lịch sử tính của chúng, thí dụ như việc thiết lập Phép Thánh Thể và việc phục sinh của Chúa Kitô. Như thế, người ta đã áp đặt một lối giải thích triết học, tức lối giải thích bác bỏ khả thể Đấng Thần Linh có thể bước vào và hiện diện trong lịch sử. Chấp nhận lối giải thích này trong các nghiên cứu thần học nhất thiết sẽ phát sinh ra một lưỡng phân rõ nét giữa một khoa chú giải chỉ giới hạn ở bình diện thứ nhất và nền thần học chỉ nhằm thiêng liêng hóa ý nghĩa của Sách Thánh, một việc khiến người ta không còn tôn trọng đặc điểm lịch sử của mạc khải nữa.

Tất cả những điều ấy nhất thiết cũng sẽ có một tác động tiêu cực trên đời sống thiêng liêng và trên sinh hoạt mục vụ; “như một hậu quả của việc thiếu vắng bình diện thứ hai về phương pháp, một hố phân cách sâu thẳm sẽ mở ra giữa việc chú giải có tính khoa học và việc đọc lời Chúa (lectio divina). Việc ấy sẽ phát sinh ra sự thiếu trong sáng trong việc soạn bài giảng lễ (112). Cũng cần phải nói rằng sự lưỡng phân này có thể tạo ra mơ hồ lẫn lộn và thiếu ổn định trong việc đào luyện trí thức cho các ứng viên đảm nhiệm các thừa tác vụ trong Giáo Hội (113). Tóm lại, “nơi nào chú giải không phải là thần học, Thánh Kinh không thể là linh hồn của thần học, và ngược lại, nơi nào thần học không chủ yếu giải thích Thánh Kinh của Giáo Hội, thần học ấy sẽ không còn căn bản nữa” (114). Bởi thế, ta cần xem sét cẩn thận hơn nữa các định chuẩn mà Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” đã cung cấp về phương diện này.

Đức tin và lý trí trong việc tiếp cận Thánh Kinh

36. Tôi tin rằng điều Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết về vấn đề này trong thông điệp Fides et Ratio của ngài có thể dẫn ta tới một hiểu biết đầy đủ hơn về chú giải và mối tương quan của nó với toàn bộ thần học. Ngài viết rằng ta không nên đánh giá thấp “sự nguy hiểm cố hữu trong việc cố gắng rút tỉa chân lý Thánh Kinh bằng cách chỉ sử dụng một phương pháp, mà bỏ qua nhu cầu cần một lối giải thích có tính toàn bộ hơn, là lối giúp nhà chú giải, cùng với toàn thể Giáo Hội, đạt được một nghĩa đầy đủ hơn về bản văn. Những ai tận tụy với việc nghiên cứu Sách Thánh luôn nên nhớ rằng các phương thức giải thích khác nhau đều có cơ sở triết học riêng của chúng, những cơ sở mà ta cần phải lượng giá cẩn thận trước khi đem áp dụng vào các bản văn thánh” (115).

Suy tư sâu rộng ấy giúp ta thấy rõ một phương thức giải thích Thánh Kinh nhất thiết sẽ đụng đến mối tương quan thích đáng giữa đức tin và lý trí ra sao. Thực vậy, lối giải thích Thánh Kinh bị thế tục hóa chính là sản phẩm của một lý trí toan tính có hệ thống nhằm loại bỏ bất luận khả thể nào cho rằng Thiên Chúa có thể bước vào cuộc sống ta và nói với ta bằng ngôn ngữ con người. Cả ở đây, ta cũng cần phải nhấn mạnh tới việc mở rộng phạm vi của lý trí (116). Khi áp dụng các phương pháp phân tích lịch sử, ta không được chọn bất cứ tiêu chuẩn nào tiên thiên loại bỏ việc Thiên Chúa tự tỏ mình ra trong lịch sử con người. Tóm lại, tính thống nhất của hai bình diện đang dùng để giải thích Sách Thánh giả thiết phải có sự hoà điệu giữa đức tin và lý trí. Một đàng, tính thống nhất đó đòi phải có một đức tin, một đức tin mà để duy trì được mối tương quan đúng đắn với lý trí đúng đắn, không bao giờ được thoái hóa trở thành duy tín (fideism), một thứ chủ nghĩa mà trong lãnh vực Thánh Kinh sẽ kết cục trở thành chủ nghĩa cực đoan. Đàng khác, tính thống nhất ấy còn đòi một lý trí, khi tìm tòi các yếu tố lịch sử có trong Thánh Kinh, biết cởi mở và không tiên thiên bác bỏ bất cứ điều gì không thuộc tham chiếu của mình. Trong bất cứ trường hợp nào, tôn giáo của Lời nhập thể cũng tỏ ra hợp lý một cách sâu sắc đối với bất cứ ai thành thực đi tìm chân lý và ý nghĩa tối hậu của đời mình và lịch sử của mình.

Nghĩa chiểu tự và nghĩa thiêng liêng

37. Như Thượng Hội Đồng đã quả quyết, đóng góp có ý nghĩa đối với việc phục hồi lối giải thích Thánh Kinh cách thỏa đáng cũng có thể phát sinh từ một chú tâm đổi mới đối với các Giáo Phụ và phương thức giải thích của các ngài (117). Các Giáo Phụ trình bày với ta một nền thần học vẫn còn giá trị với ta ngày nay vì ở tâm điểm nền thần học này, ta thấy có viêc nghiên cứu Sách Thánh như là một toàn bộ. Thực vậy, chủ yếu và trong yếu tính, các Giáo Phụ chính là “những nhà chú giải Sách Thánh” (118). Gương sáng của các ngài có thể “dạy các nhà chú giải hiện đại một lối tiếp cận thực sự có tính tôn giáo đối với Thánh Kinh, và cũng thế, một lối giải thích luôn luôn hoà điệu với tiêu chuẩn hiệp thông vào cảm nghiệm của Giáo Hội, là định chế đang lữ hành qua lịch sử dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần” (119).

Dù hiển nhiên không có được các tài nguyên triết học và lịch sử mà các nhà chú giải hiện đại đang sử dụng, nhưng truyền thống giáo phụ và trung cổ vẫn có thể nhận ra những nghĩa khác nhau của Sách Thánh, bắt đầu là nghĩa đen, nghĩa chiểu tự, tức “nghĩa do chính lời Sách Thánh chuyển tải và khoa chú giải khám phá ra, theo các qui luật của khoa giải thích lành mạnh” (120). Thánh Tôma Aquinô, chẳng hạn, viết rằng “mọi nghĩa của Sách Thánh đều đặt căn bản trên nghĩa chiểu tự” (121). Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng thời các giáo phụ và thời trung cổ, mọi hình thức chú giải, kể cả hình thức chiểu tự, cũng đều được tiến hành trên căn bản đức tin, mà không nhất thiết phải phân biệt giữa nghĩa chiểu tự và nghĩa thiêng liêng. Về phương diện này, người ta có thể nhắc tới 2 câu thơ trung cổ diễn tả mối tương quan giữa các nghĩa khác nhau của Sách Thánh:

"Littera gesta docet, quid credas allegoria,
Moralis quid agas, quo tendas anagogia".

(Chữ đen nói tới việc làm; ẩn dụ nói về đức tin;
Luân lý nói tới hành động; loại suy nói về số phận ta) (122).

Ở đây, ta ghi nhận sự thống nhất và mối tương quan qua lại giữa nghĩa đen và nghĩa thiêng liêng, mà ta có thể tái phân thành 3 nghĩa, tức nghĩa nói tới nội dung đức tin, nghĩa nói tới đời sống luân lý và nghĩa nói tới hoài mong cánh chung của ta.

Tóm lại, dù vẫn nhìn nhận giá trị và sự cần thiết, cũng như các giới hạn, của phương pháp phê bình lịch sử, ta vẫn học được từ các Giáo Phụ điều này: việc chú giải chỉ “thực sự trung thành với ý định của chính các bản văn thánh khi nó không những đi vào trái tim của câu nói để tìm ra thực tại đức tin được diễn tả ở đó, mà còn tìm cách nối kết thực tại này với kinh nghiệm đức tin trong thế giới ngày nay của ta” (123). Chỉ trong viễn tượng này, ta mới có thể nhận ra lời Chúa đang sống động và đang nói với mỗi người chúng ta ngay tại đây và lúc này trong đời sống ta. Theo nghĩa này, định nghĩa của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh dành cho nghĩa thiêng liêng, theo cái hiểu của đức tin Kitô Giáo, vẫn còn hoàn toàn giá trị: nó là “nghĩa được bản văn thánh phát biểu khi đọc, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, trong ngữ cảnh mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô và sự sống mới phát sinh từ ngữ cảnh kia. Ngữ cảnh này thực sự hiện hữu. Trong đó, Tân Ước nhìn nhận sự nên trọn của Sách Thánh. Bởi thế, ta được phép đọc lại Thánh Kinh dưới ánh sáng của ngữ cảnh mới này, một ngữ cảnh của sự sống trong Chúa Thánh Thần” (124).

Cần phải vượt quá “chữ viết”

38. Như thế, muốn tái khám phá hành động qua lại giữa các nghĩa khác nhau của Sách Thánh, điều chủ yếu là phải nắm chắc việc bước từ chữ viết qua tinh thần. Đây không phải là một bước tự động, tự phát; đúng hơn, cần phải vượt quá (transcended) chữ viết: “lời Chúa không bao giờ đơn thuần là một với chữ viết trong bản văn. Muốn nắm được lời của Người, phải có một sự vượt quá (chữ viết) và một diễn trình tìm hiểu, được hướng dẫn bởi chuyển động bên trong của toàn bộ tác phẩm, và do đó, phải trở thành một diễn trình sống” (125). Ở đây, ta nhận ra lý do tại sao diễn trình giải thích chân chính không bao giờ đơn thuần chỉ là một diễn trình tri thức mà còn là một diễn trình sống nữa, một diễn trình đòi ta phải dấn thân vào đời sống của Giáo Hội, tức đời sống sống “theo Thần Khí” (Gl 5:16). Như thế, tiêu chuẩn đưa ra tại số 12 của Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” trở nên rõ ràng hơn: việc vượt quá (chữ viết) kia không thể xẩy ra nếu chỉ nhìn từng mảnh văn cá thể, trái lại phải nhìn chúng trong tương quan với toàn bộ Thánh Kinh. Thực vậy, mục tiêu mà ta nhất thiết phải tiến tới là Lời duy nhất. Trong diễn trình này, ta thấy một diễn biến bên trong, vì cuộc quá độ diễn ra trong quyền lực của Chúa Thánh Thần này nhất thiết can dự tới tự do của mỗi người chúng ta. Thánh Phaolô từng sống cuộc quá độ này một cách trọn vẹn trong cuộc sống của ngài. Trong câu của chính ngài: “Chữ viết sát hại, còn Thần Khí thì ban sự sống” (2 Cor 3:6), Thánh Phaolô đã diễn tả bằng những ngôn từ triệt để ý nghĩa của diễn trình vượt quá chữ viết ấy và việc ngài đạt tới chỗ chỉ hiểu nó theo cái toàn bộ. Ngài thấy rằng “Thần Khí tự do có tên riêng, và do đó, tự do ấy có một tiêu chuẩn nội tại: ‘Chúa là Thần Khí và ở đâu có Thần Khí Chúa, ở đấy có tự do’ (2 Cor 3:17). Thần Khí tự do không phải đơn thuần chỉ là ý niệm riêng của nhà chú giải, không phải là cách nhìn riêng của họ. Thần Khí ấy là Chúa Kitô, và Chúa Kitô là Chúa chỉ đường cho ta” (126). Ta biết rằng với cả Thánh Augustinô nữa, câu đó vừa gây ấn tượng vừa có tính giải thoát; ngài tin rằng Thánh Kinh, mà thoạt nhìn ngài cho là lỏng lẻo và có chỗ thô thiển hết sức, nhưng nhờ diễn trình vượt quá chữ viết mà ngài học được nơi Thánh Ambrôsiô trong việc giải thích loại hình (typological interpretation), nên toàn bộ Cựu Ước đã trở thành đường dẫn tới Chúa Giêsu Kitô. Đối với Thánh Augustinô, việc vượt quá nghĩa chiểu tự khiến chữ viết trở thành khả tín, và giúp ngài sau cùng tìm được câu trả lời cho nỗi khắc khoải nội tâm sâu thẳm và lòng thèm khát chân lý của ngài (127).

Tính thống nhất nội tại của Thánh Kinh

39. Trong cuộc quá độ từ chữ viết qua tinh thần và trong truyền thống vĩ đại của Giáo Hội, ta cũng học được cách nhìn ra tính thống nhất của mọi Sách Thánh, một sự thống nhất đặt cơ sở trên sự thống nhất của lời Chúa, vốn thách thức cuộc sống ta và không ngừng mời gọi ta hồi tâm (128). Ở đây, lời của Hugh thuộc (đan viện) Thánh Victor vẫn là một hướng dẫn chắc chắn: “Tất cả các Sách Thánh đều chỉ là một Cuốn Sách. Cuốn Sách duy nhất đó là chính Chúa Kitô, nói về Chúa Kitô và được nên trọn trong Chúa Kitô” (129). Dĩ nhiên, nếu chỉ đơn thuần nhìn theo phương diện lịch sử hay văn chương, thì Thánh Kinh không thể nào là một cuốn sách duy nhất được, mà là một hợp tuyển các bản văn đa dạng được soạn tác trong một ngàn năm hay hơn, và ngay những cuốn cá thể cũng không dễ gì cho thấy một sự thống nhất bên trong; trái lại, ta thấy nhiều chỗ bất nhất rõ ràng giữa chúng với nhau. Đây đương nhiên là trường hợp của Sách Thánh Do Thái mà Kitô hữu chúng ta quen gọi là Cựu Ước. Nhưng còn hơn thế nữa, khi Kitô hữu chúng ta coi Tân Ước và các sách của nó như một thứ chìa khóa giải thích Sách Thánh Do Thái, coi nó như đường dẫn tới Chúa Kitô. Xét chung, Tân Ước không sử dụng hạn từ “sách thánh” (Xem Rm 4:3; 1 Pr 2:6) mà là “các sách thánh” (xem Mt 21:43; Ga 5:39; Rm 1:2, 2 Pr 3:16), ấy thế nhưng chúng vẫn được nhìn trong cái toàn bộ của chúng như lời duy nhất Thiên Chúa dùng nói với chúng ta (130). Điều ấy chứng tỏ: chính ngôi vị Chúa Kitô đã đem lại sự thống nhất cho mọi “Sách Thánh”, làm chúng nên một “Lời”. Với cách đó, ta hiểu được lời lẽ của Số 12 trong Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” nhắc đến tính thống nhất bên trong của toàn bộ Thánh Kinh như tiêu chuẩn quyết định của việc giải thích chính xác bằng đức tin.

Mối tương quan giữa Tân Ước và Cựu Ước

40. Trước tấm phông thống nhất mọi Sách Thánh trong Chúa Kitô, các nhà thần học và cả mục tử nữa đều cần phải ý thức được mối tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước. Trước nhất, Tân Ước hiển nhiên nhìn nhận Cựu Ước là lời Chúa và do đó chấp nhận thẩm quyền của Sách Thánh Do Thái (131). Tân Ước mặc nhiên nhìn nhận Cựu Ước bằng cách sử dụng cùng một ngôn ngữ như nhau và thường hay trích dẫn các đoạn trong Sách Thánh ấy. Nó minh nhiên thừa nhận Sách Thánh Do Thái ở chỗ đã trưng dẫn nhiều phần trong đó làm căn bản cho luận chứng của mình. Trong Tân Ước, một luận chứng đặt căn bản trên Cựu Ước như thế có một giá trị dứt khoát, cao hơn giá trị các luận chứng chỉ có tính nhân bản. Trong Tin Mừng thứ bốn, Chúa Giêsu nói rằng “Không thể bác bỏ Thánh Kinh” (Ga 10:35). Thánh Phaolô thì đặc thù tuyên bố rõ: mạc khải của Cựu Ước vẫn có giá trị đối với Kitô hữu chúng ta (xem Rm 15:4; 1 Cor 10:11) (132). Ta cũng quả quyết rằng “Chúa Giêsu Nadarét là một người Do Thái và Đất Thánh là quê mẹ của Giáo Hội” (133): gốc rễ Kitô Giáo là ở nơi Cựu Ước, và Kitô Giáo liên tục rút tỉa được của nuôi dưỡng từ các gốc rễ này. Do đó, học lý lành mạnh của Kitô Giáo luôn luôn chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa Marcion (nhị nguyên luận) vốn chủ trương đặt Cựu Ước đối nghịch với Tân Ước trong nhiều phương diện (134).

Hơn nữa, chính Tân Ước cũng cho là mình nhất quán với Cựu Ước và tuyên xưng rằng trong mầu nhiệm sống, chết và phục sinh của Chúa Kitô, Sách Thánh của Dân Do Thái đã tìm được sự nên trọn hoàn toàn của chúng. Tuy nhiên, cần nhận xét điều này ý niệm nên trọn của Sách Thánh là một ý niệm phức tạp, vì nó có tới ba chiều kích: chiều kích liên tục về căn bản với mạc khải Cựu Ước, chiều kích gián đọan và chiều kích nên trọn và vượt quá. Mầu nhiệm Chúa Kitô luôn liên tục về ý hướng với tín ngưỡng hy lễ của Cựu Ước, nhưng lại diễn ra một cách khác hẳn, phù hợp với một số lời tuyên bố tiên tri và do đó đạt tới sự toàn hảo chưa bao giờ có. Cựu Ước thì đầy những căng thẳng giữa hai khía cạnh định chế và tiên tri. Mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô hoàn toàn phù hợp với các lời tiên tri và tiên đoán của Sách Thánh Do Thái, dù bằng một cách ít ai dự ứng được; ấy thế nhưng nó lại cho thấy những khía cạnh rõ ràng của một gián đoạn đối với các định chế của Cựu Ước.

41. Những xem xét đó cho thấy tầm quan trọng độc đáo của Cựu Ước đối với Kitô hữu, dù cùng một lúc chúng cho ta thấy sự mới lạ trong lối giải thích có tính Kitô học. Từ thời các Tông Đồ và trong Truyền Thống sống động của mình, Giáo Hội vốn nhấn mạnh tới tính thống nhất của kế hoạch của Thiên Chúa trong hai Giao Ước, qua việc sử dụng hình loại học (typology); thủ tục này không hề có tính võ đoán, nhưng nó nội tại ngay trong các biến cố được các bản văn thánh thuật lại và do đó bao gồm toàn bộ Thánh Kinh. Hình loại học “trong công trình của Thiên Chúa thời Giao Ước cũ, biện phân được những hình ảnh báo trước điều Người sẽ hoàn thành vào thời viên mãn trong con người của Con nhập thể của Người” (135). Nhờ thế, các Kitô hữu đã đọc Cựu Ước dưới ánh sáng Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại. Dù việc giải thích theo hình loại học cho ta thấy nội dung khôn dò của Cựu Ước theo quan điểm Tân Ước, ta đừng quên rằng Cựu Ước vẫn duy trì được giá trị tự tại của nó trong tư cách mạc khải, như chính Chúa chúng ta đã tái khẳng định (xem Mc 12:29-31). Thành thử, “Phải đọc Tân Ước dưới ánh sáng Cựu Ước. Nền giáo lý Kitô Giáo ban sơ luôn luôn sử dụng Cựu Ước (xem 1 Cor 5:6-8; 1 Cor 10:1-11)” (136). Vì lý do đó, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã khẳng định rằng: “Cái hiểu Thánh Kinh của người Do Thái Giáo tỏ ra hữu ích đối với Kitô hữu để họ hiểu và nghiên cứu Sách Thánh” (137).

Thánh Augustinô từng nói một cách thông sáng rằng “Tân Ước dấu ẩn trong Cựu Ước và Cựu Ước được tỏ lộ trong Tân Ước” (138), Cho nên, điều quan trọng là trong cả hai khung cảnh mục vụ và học thuật, mối tương quan gần gũi giữa hai Giao Ước phải được chỉ ra cách rõ ràng, hợp với câu nói của Thánh Grêgôriô Cả: “Điều Cựu Ước hứa, Tân Ước phải biến thành hữu hình; điều Cựu Ước công bố một cách bí nhiệm, Tân Ước phải công bố công khai như đang xẩy ra. Cho nên, Cựu Ước là tiên tri của Tân Ước; và bản chú giải tốt nhất về Cựu Ước chính là Tân Ước” (139).

Những đoạn “tối” của Thánh Kinh

42. Khi thảo luận mối tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước, Thượng Hội Đồng cũng xem xét các đoạn trong Thánh Kinh mà vì tính bạo lực và vô luân thỉnh thoảng có trong chúng, cho nên tỏ ra tối nghĩa và khó hiểu. Ở đây, trước hết và trên hết, ta cần nhớ rằng mạc khải Thánh Kinh bắt rễ sâu trong lịch sử. Chương trình của Thiên Chúa được tỏ lộ một cách tiệm tiến và được hoàn thành một cách chậm chạp, qua nhiều giai đoạn tiếp nối nhau và bất kể các chống đối của con người. Thiên Chúa chọn một dân tộc và kiên nhẫn hướng dẫn và giáo dục họ. Mạc khải vừa với trình độ văn hóa và luân lý của thời xa xưa và do đó diễn tả các sự kiện và phong tục, như gian lận và đánh lừa, và các hành vi bạo lực và tàn sát, mà không minh nhiên lên án tính vô luân của những điều ấy. Điều ấy có thể giải thích bằng ngữ cảnh lịch sử, ấy thế nhưng nó có thể khiến độc giả hiện đại sửng sốt, nhất là nếu họ không chịu tính đến nhiều việc “tối tăm” đã diễn ra trong nhiều thế kỷ trước và cả ngày nay nữa. Nhưng cũng trong Cựu Ước, lời rao giảng của các tiên tri luôn mạnh mẽ thách thức bất cứ thứ bất công và bạo lực nào, bất kể là của tập thể hay của cá nhân, và do đó, trở thành cách Thiên Chúa dùng để huấn luyện dân Người chuẩn bị đón nhận Tin Mừng. Bởi thế, sẽ là một lầm lẫn khi bỏ qua những đoạn Thánh Kinh đối với chúng ta có vấn đề. Đúng hơn, ta nên biết rằng giải thích đúng đắn các đoạn văn đó đòi phải có một trình độ chuyên môn, chỉ có được nhờ một cuộc huấn luyện để giải thích bản văn theo ngữ cảnh văn chương lịch sử và trong viễn tượng Kitô Giáo, một viễn tượng vốn lấy “Tin Mừng và giới răn mới mà Chúa Giêsu Kitô đã đưa ra trong mầu nhiệm vượt qua” làm chìa khóa giải thích (140). Tôi khuyến khích các học giả và mục tử giúp mọi tín hữu tiếp cận các đoạn văn đó bằng một sự giải thích sao cho ý nghĩa của chúng xuất hiện dưới ánh sáng mầu nhiệm Chúa Kitô.

Kitô hữu, người Do Thái Giáo và Sách Thánh

43. Sau khi đã xem sét mối tương quan gần gũi giữa Tân Ước và Cựu Ước, dĩ nhiên bây giờ ta sẽ nhìn tới sợi dây nối kết đặc biệt mà mối tương quan kia phát sinh ra giữa Kitô hữu và tín hữu Do Thái Giáo, một sự nối kết không bao giờ được bỏ qua. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, khi nói tới người Do Thái Giáo, đã gọi họ là “ người ‘anh em thân yêu’ của chúng ta trong đức tin Ápraham, tổ phụ của chúng ta” (141). Nhìn nhận sự kiện này không hề coi thường các điển hình gián đoạn liên quan tới các định chế của Cựu Ước từng được Tân Ước quả quyết, càng không coi thường sự nên trọn của Sách Thánh trong mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, vốn được nhìn nhận là đấng Mêxia và là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự khác biệt sâu xa và căn để này không hề hàm nghĩa một sự thù địch hỗ tương. Trái lại, thí dụ của Thánh Phaolô (xem Rm 9-11) cho ta thấy “thái độ tôn trọng, quí mến và yêu thương đối với dân tộc Do Thái là thái độ duy nhất có tính Kitô Giáo thực sự trong tình thế hiện nay, một tình thế vốn là một phần đầy mầu nhiệm trong kế hoạch hoàn toàn tích cực của Thiên Chúa” (142). Thực vậy, Thánh Phaolô nói về người Do Thái như sau: “theo ơn tuyển chọn, họ là những người được yêu thương, và đó là nhờ các tổ phụ, vì khi Thiên Chúa đã ban ơn, thì Người không hề đổi ý” (Rm 11:28-29).

Thánh Phaolô cũng dùng hình ảnh đáng yêu của cây ôliu để diễn tả mối liên hệ gần gũi giữa Kitô hữu và người Do Thái: Giáo Hội của Dân Ngoại giống như nhành ôliu dại được tháp vào cây ôliu tốt là Dân của Giao Ước (xem Rm 11:17-24). Nói cách khác, ta hút được của nuôi dưỡng từ cùng một gốc rễ thiêng liêng. Ta gặp nhau như anh chị em mà trong một lúc nào đó của lịch sử đã có những mối liên hệ căng thẳng, nhưng hiện nay đang cam kết bắc các nhịp cầu thân ái bền vững (143). Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng nói vào một dịp khác: “Chúng ta có nhiều điều chung với nhau. Cùng với nhau, chúng ta có thể đóng góp nhiều cho hòa bình, công lý và một thế giới huynh đệ và nhân đạo hơn” (144).

Tôi muốn một lần nữa tuyên bố rằng Giáo Hội hết sức trân qúi cuộc đối thoại của mình với người Do Thái. Bất cứ nơi nào thích hợp, ta nên tạo cơ hội để gặp gỡ và trao đổi, công khai cũng như tư riêng, và nhờ thế phát huy sự gia tăng hiểu biết lẫn nhau, quí mến và hợp tác hỗ tương, cũng như nghiên cứu Sách Thánh.

Giải thích Sách Thánh một cách cực đoan

44. Việc chúng ta lưu tâm tới các khía cạnh khác nhau trong đề tài giải thích Sách Thánh, giờ đây, giúp ta xem sét một chủ đề từng xuất hiện nhiều lần trong Thượng Hội Đồng: đó là chủ đề giải thích Sách Thánh theo quan điểm cực đoan (145).

Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, trong tài liệu “Giải Thích Thánh Kinh trong Giáo Hội, đã đưa ra một số hướng dẫn quan trọng. Ở đây, tôi muốn đặc biệt nhắc tới các cách tiếp cận không biết tôn trọng sự chân xác của bản văn Thánh Kinh, mà đi cổ vũ các lối giải thích chủ quan và võ đoán. Chủ nghĩa “duy chiểu tự” (literalism) do cách tiếp cận duy cực đoan cổ vũ thực ra đại biểu cho sự phản bội cả nghĩa chiểu tự lẫn nghĩa thiêng liêng và mở đường cho nhiều hình thức thao túng như phổ biến các lối giải thích Thánh Kinh chống lại Giáo Hội. “Vấn đề căn bản của lối giải thích duy cực đoan là: vì từ khước không chịu lưu tâm tới đặc điểm lịch sử của mạc khải Thánh Kinh, nên nó tự làm cho mình không có khả năng nhìn nhận trọn vẹn chân lý về chính sự nhập thể. Về mối tương quan với Thiên Chúa, chủ nghĩa cực đoan tìm cách xa lánh bất cứ sự gần gũi nào giữa thần thiêng và nhân bản… vì lý do này, họ thường coi bản văn thánh như đã được Chúa Thánh Thần đọc từng lời. Nó không chịu thừa nhận rằng lời Thiên Chúa đã được trình bày bằng ngôn ngữ và biểu thức do nhiều thời kỳ khuôn định” (146). Mặt khác, trong lời, Kitô Giáo nhận ra chính Lời Thiên Chúa, tức Ngôi Lời, Đấng đã tỏ lộ mầu nhiệm của mình qua sự phức tạp và thực tại của lịch sử con người (147). Câu trả lời đúng sự thực cho lối tiếp cận duy cực đoan chính là “lối giải thích Thánh Kinh đầy đức tin”. Lối giải thích, “từng được thực hành từ thời cổ xưa trong Truyền Thống Giáo Hội này, mưu tìm chân lý cứu rỗi cho cuộc sống các Kitô hữu cá thể và cho toàn thể Giáo Hội. Nó nhìn nhận giá trị lịch sử của truyền thống Thánh Kinh. Chính nhờ giá trị của Thánh Kinh như một nhân chứng lịch sử, lối đọc này tìm cách khám phá ra ý nghĩa sống động của Thánh Kinh đối với cuộc sống các tín hữu ngày nay” (148), tuy nhiên vẫn không quên sự trung gian nhân bản của bản văn linh hứng và các văn thể của nó.

Đối thoại giữa các mục tử, thần học gia và nhà chú giải

45. Lối giải thích chân chính bằng đức tin mang lại nhiều hệ quả quan trọng đối với sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội. Thí dụ, chính các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã khuyến cáo phải có một mối tương quan làm việc gần gũi giữa các vị mục tử, các thần học gia và các nhà chú giải. Các Hội Đồng Giám Mục nên cổ vũ những cuộc gặp gỡ như thế với “mục tiêu phát huy sự hiệp thông lớn lao hơn để phục vụ lời Chúa” (149). Sự hợp tác loại này sẽ giúp mọi người chu toàn việc làm của mình một cách hữu hiệu hơn vì lợi ích của toàn thể Giáo Hội. Đối với các học giả cũng thế, xu hướng mục vụ này bao gồm việc tiếp cận bản văn thánh với ý thức rằng đó là sứ điệp mà Chúa muốn ngỏ với ta để cứu rỗi ta. Theo lời của Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa”, thì “các nhà chú giải Công Giáo và những người khác đang làm việc trong lãnh vực thần học thánh nên chuyên chăm làm việc chung với nhau, dưới sự quan tâm của huấn quyền thánh. Nhờ sử dụng các kỹ thuật thích đáng, họ nên cùng nhau bắt tay xem sét và giải thích các bản văn thánh một cách nào đó để càng nhiều thừa tác viên lời Chúa càng hay biết phân phát một cách sung mãn chất nuôi dưỡng của Thánh Kinh cho dân Chúa. Chất nuôi dưỡng này soi sáng tâm trí, tăng cường ý chí và hun đốt trái tim mọi người bằng tình yêu của Thiên Chúa” (150).

Thánh Kinh và việc đại kết

46. Ý thức rằng Giáo Hội xây nền trên Chúa Kitô, Lời nhập thể của Thiên Chúa, nên Thượng Hội Đồng muốn nhấn mạnh tính trung tâm của việc nghiên cứu Thánh Kinh bên trong cuộc đối thoại đại kết nhằm diễn đạt trọn vẹn sự hợp nhất của mọi tín hữu trong Chúa Kitô (151). Chính trong Thánh Kinh đã có lời cầu nguyện cảm động của Chúa Giêsu ngỏ cùng Chúa Cha xin cho các môn đệ nên một, để thế gian tin (xem Ga 17:21). Tất cả những điều này nhằm tăng cường xác tín của ta rằng chỉ nhờ cùng lắng nghe và suy niệm Thánh Kinh, ta mới cảm nghiệm được sự hiệp thông chân thực, dù vẫn chưa trọn vẹn (152); “cùng nhau lắng nghe Thánh Kinh như thế sẽ thúc đẩy ta hướng tới đối thoại trong bác ái và giúp cho cuộc đối thoại chân lý ấy tiến triển” (153). Cùng nhau lắng nghe lời Chúa, tham gia đọc lời Chúa (lectiona divina) trong Thánh Kinh, để lòng mình cảm kích trước sự tươi mát của lời Chúa, một lời không bao giờ già nua xưa cũ, thắng vượt câm điếc đối với những lời không hợp với ý kiến hay định kiến riêng của ta, lắng nghe và học hỏi bên trong việc hiệp thông với các tín hữu mọi thời: tất cả những việc ấy nói lên cách ta tiến tới hợp nhất trong đức tin như một đáp trả đối với việc nghe lời Chúa” (154). Lời của Công Đồng Vatican II khá rõ ràng về phương diện này: “trong chính cuộc đối thoại (đại kết), Sách Thánh là dụng cụ quí giá trong bàn tay quyền năng của Thiên Chúa để đạt được sự hợp nhất kia, một sự hợp nhất mà Đấng Cứu Thế muốn dành cho mọi người” (155). Thành thử, nên có sự gia tăng về nghiên cứu, thảo luận và cử hành đại kết lời của Thiên Chúa, trong khi vẫn tôn trọng một cách thích đáng các qui định hiện thời và sự đa dạng về truyền thống (156). Các cử hành này đẩy mạnh chính nghĩa của phong trào đại kết và khi được thi hành một cách thích đáng, chúng có thể nói lên những giờ phút cô đọng của cầu nguyện chân chính nhằm xin Chúa làm cho mau tới ngày ta có thể ngồi cùng bàn với nhau và uống chung một chén. Tuy nhiên, dù việc cổ vũ cho những buổi cầu nguyện như thế là điều đáng khen và đúng đắn, nhưng ta nên cẩn thận, đừng giới thiệu các cử hành đó như các hình thức thay thế cho việc cử hành Thánh Lễ vào Chúa Nhật hay lễ buộc.

Trong việc nghiên cứu và cầu nguyện này, ta thanh thản nhìn nhận các khía cạnh vẫn còn cần được thăm dò một cách sâu xa hơn và những khía cạnh ta vẫn còn khác nhau, như việc tìm hiểu chủ thể giải thích có thẩm quyền trong Giáo Hội và vai trò quyết định của huấn quyền (157).

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh tới lời tuyên bố của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng về tầm quan trọng đại kết của các bản dịch Thánh Kinh ra các ngôn ngữ khác nhau. Ta biết rằng phiên dịch một bản văn không hề là một trách vụ chỉ có tính kỹ thuật máy móc, nhưng, theo một nghĩa nào đó, nó thuộc công trình giải thích. Về phương diện này, Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô II đã nhận định rằng “bất cứ ai nhớ lại việc các cuộc tranh luận về Thánh Kinh từng ảnh hưởng ra sao đối với việc phân rẽ, nhất là tại Tây Phương, hẳn có thể đánh giá được bước tiến có ý nghĩa mà các bản dịch chung này vốn đại biểu cho” (158). Cổ vũ các bản dịch Thánh Kinh chung là một phần trong công trình đại kết. Tôi xin cám ơn tất cả những người đã dấn thân vào công trình quan trọng này và xin khuyến khích họ kiên trì trong các cố gắng của mình.

Các hậu quả đối với việc nghiên cứu thần học

47. Một hậu quả khác nữa của việc giải thích thỏa đáng bằng đức tin liên quan tới các hệ luận tất yếu của nó đối với việc đào tạo giải thích và thần học, nhất là trong việc đào tạo các ứng viên làm linh mục. Cần phải thận trọng để bảo đảm rằng việc nghiên cứu Sách Thánh phải thực sự là linh hồn của thần học theo nghĩa nhìn nhận nó như là lời Thiên Chúa ngỏ với thế giới ngày nay, ngỏ với Giáo Hội và ngỏ với đích thân mỗi người chúng ta. Điều quan trọng là các tiêu chuẩn ấn định trong Số 12 Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” phải được thực sự lưu ý và trở thành đối tượng cho một nghiên cứu sâu sắc hơn. Không nên khuyến khích ý niệm cho rằng việc tìm tòi có tính bác học phải tỏ ra trung lập đối với Thánh Kinh. Đồng thời với việc học các ngôn ngữ nguyên thủy mà trong đó Sách Thánh đã được viết ra, cũng như các phương pháp giải thích thoả đáng, các sinh viên còn cần phải có một đời sống thiêng liêng sâu sắc, ngõ hầu biết lượng giá điều này: chỉ có thể hiểu được Sách Thánh khi mang nó ra sống mà thôi.

Theo chiều hướng trên, tôi khẩn khoản yêu cầu cho việc nghiên cứu lời Chúa, cả truyền khẩu lẫn bản viết, không ngừng được tiến hành trong tinh thần sâu xa của Giáo Hội, và việc đào tạo học thuật biết lưu tâm đến những can thiệp thích đáng của huấn quyền, là các can thiệp “không cao hơn lời Chúa, nhưng đúng hơn làm tôi tớ cho lời ấy. Huấn quyền chỉ dạy những điều đã được truyền lại. Theo lệnh truyền của Chúa và với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, huấn quyền lắng nghe điều ấy một cách sốt sắng, cung kính gìn giữ nó và trình bày nó một cách trung thành” (159). Do đó, cần thận trọng để những lời giáo huấn đưa ra biết nhìn nhận rằng “Thánh Truyền, Thánh Kinh và huấn quyền của Giáo Hội hết sức gắn bó và liên kết với nhau đến nỗi một trong ba không thể đứng vững nếu không có hai thứ kia” (160). Tôi hy vọng rằng luôn trung thành với giáo huấn của Công Đồng Vatican II, việc nghiên cứu Thánh Kinh, thực hiện bên trong sự hiệp thông của Giáo Hội hoàn vũ, sẽ thực sự là linh hồn của việc nghiên cứu thần học (161).

Các thánh và việc giải thích Thánh Kinh

48. Việc giải thích Thánh Kinh sẽ không đầy đủ nếu nó không gồm việc lắng nghe những người đã thực sự sống lời Chúa, tức các thánh (162). Thực vậy, "viva lectio est vita bonorum" (bài đọc sống động chính là cuộc sống của những người tốt lành) (163). Việc giải thích Thánh Kinh sâu sắc nhất phát sinh từ chính những người từng để mình được lời Chúa lên khuôn qua việc lắng nghe, đọc và chăm chỉ suy niệm.

Chắc chắn không phải tình cờ mà các phong trào tu đức vĩ đại trong lịch sử Giáo Hội đều phát sinh từ việc minh nhiên tham chiếu Sách Thánh. Tôi nghĩ tới trường hợp Thánh Antôn đan viện trưởng, đấng đã xúc động khi nghe Chúa Kitô phán: “Nếu muốn nên trọn lành, con hãy đi, bán hết mọi sự con có rồi cho người nghèo, con sẽ có một kho tàng trên trời; rồi tới theo Thày” (Mt 19:21) (164). Không kém lưu ý, là câu hỏi được Thánh Basiliô Cả đặt ra trong cuốn Moralia: "Đâu là đặc điểm rõ nét của đức tin? Hoàn toàn chắc chắn, không một chút do dự là lời Thiên Chúa linh hứng là lời chân thật… Đâu là đặc điểm rõ nét của tín hữu? Đời họ sống theo cùng một sự chắc chắn hoàn toàn đối với ý nghĩa lời Sách Thánh, không dám thêm hay bớt bất cứ điều gì” (165). Trong Qui Luật của mình, Thánh Bênêđíctô gọi Sách Thánh là “qui luật hoàn hảo nhất đối với cuộc sống con người” (166). Còn Thánh Phanxicô Assisi, theo lời Thomas thành Celano thuật lại, “khi nghe người ta bảo các môn đệ của Chúa Kitô không nên sở hữu vàng, bạc hay tiền, cũng như không nên mang theo bao bị, bánh ăn, cũng như gậy đi đường, cả giầy dép cũng như hai áo khoác… bèn sảng khoái trong Chúa Thánh Thần, lập tức kêu lớn: ‘đó chính là điều tôi muốn có, chính đó là điều tôi hằng cầu xin, hằng tha thiết muốn thực hiện với hết tâm hồn tôi!’” (167). Thánh Clara thành Assisi hoàn toàn cũng có chung một cảm nghiệm như thánh Phanxicô: Bà viết “Hình thức sống của Dòng Chị Em Hèn Mọn là đây: tuân giữ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (168). Thánh Đa Minh cũng thế “ở mọi nơi, luôn tỏ ra mình là người của Tin Mừng, trong lời nói cũng như trong việc làm” (169) và muốn các tu sĩ của mình cũng là “người của Tin Mừng” (170). Thánh Nữ Têrêxa thành Avila của Dòng Cát Minh, đấng luôn dùng các hình ảnh Thánh Kinh để giải thích các cảm nghiệm huyền nhiệm trong các trước tác của mình, vốn nói rằng chính Chúa Giêsu mạc khải cho Bà hay “mọi sự ác trên thế gian đều phát xuất từ việc không biết rõ ràng các chân lý của Sách Thánh” (171). Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu khám phá ra tình yêu như ơn gọi bản thân của mình là nhờ nghiền ngẫm Thánh Kinh nhất là các Chương 12 và 13 trong Thu thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (172); cũng vị thánh này đã mô tả sự lôi cuốn của Sách Thánh: “ngay khi thoáng đọc Tin Mừng, tôi đã lập tức hít được hương thơm đời sống Chúa Giêsu và tôi biết mình phải chạy tới đâu” (173). Mọi vị thánh đều như tia sáng phát ra từ lời Chúa: ta có thể nghĩ tới Thánh Inhaxiô thành Loyola trong cuộc đi tìm chân lý của ngài cũng như trong việc ngài biện phân các loại tinh thần; Thánh Gioan Bosco, trong việc say mê giáo dục thanh thiếu niên; Thánh Gioan Maria Vianey trong ý thức của ngài về sự cao cả của chức linh mục như một hồng ân và một trách nhiệm; Thánh Piô thành Pietrelcina trong việc ngài phục vụ làm khí cụ của lòng thương xót Chúa; Thánh Josemaria Escrivá trong việc giảng dạy về ơn gọi phổ quát phải nên thánh; Chân Phúc Têrêxa thành Calcutta, nhà truyền giáo của tình Chúa yêu thương những người nghèo nhất trong số người nghèo, rồi các vị tử đạo của chủ nghĩa Quốc Xã và chủ nghĩa Cộng Sản, đại biểu bởi Thánh Têrêxa Bênêđícta Thánh Giá (Edith Stein), một nữ tu Dòng Cát Minh, và Chân Phúc Aloysiô Stepinac, Hồng Y Tổng Giám Mục Zagreb.

49. Như thế, sự thánh thiện được lời Chúa linh hứng, theo một nghĩa nào đó, thuộc truyền thống tiên tri, trong đó, lời Thiên Chúa biến chính cuộc sống của vị tiên tri thành người phục vụ của nó. Theo nghĩa này, sự thánh thiện trong Giáo Hội cấu thành một việc giải thích Thánh Kinh mà ta không được xem thường. Chúa Thánh Thần, Đấng linh hứng các tác giả thánh, cũng cùng là Thần Khí từng thúc đẩy các thánh hiến đời mình cho Tin Mừng. Bằng cách ráng học theo gương các ngài, ta quả đang trên đường chắc chắn hướng tới một cuộc giải thích Thánh Kinh đầy sống động và có hiệu quả.

Ta đã được thấy các chứng nhân trực tiếp làm chứng cho mối liên kết giữa sự thánh thiện và lời Chúa này ngay trong lúc có Cuộc Họp Thượng Hội Đồng Lần Thứ Mười Hai, khi 4 vị hiển thánh mới được tôn phong vào ngày 12 tháng Mười tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Đó là các vị: Gaetano Errico, linh mục và người lập ra Tu Hội Truyền Giáo Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria; Mẹ Maria Bernarda Bütler, quê Thụy Sĩ và là một nhà truyền giáo tại Ecuador và Colombia; Nữ Tu Alphonsa Vô Nhiễm Thai, vị thánh đầu tiên sinh tại Ấn Độ được tôn phong; và nữ tín hữu trẻ người Ecuador là Narcisa de Jesús Martillo Morán. Bằng cuộc sống của mình, các vị làm chứng, trước mặt thế giới và Giáo Hội, cho sự sung mãn vĩnh hằng của Tin Mừng Chúa Kitô. Nhờ lời cầu bầu của các vị thánh được tôn phong vào thời điểm cuộc họp của Thượng Hội Đồng về lời Chúa này, ta hãy xin Chúa để chính đời sống ta trở thành “thửa đất tốt” cho Đấng Gieo Hạt Thần Linh trồng lời của Người trên đó, ngõ hầu lời ấy trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện trong ta, “gấp ba mươi, sáu mươi, một trăm lần” (Mt 4:20)

---------------------------------

PHẦN HAI: LỜI TRONG GIÁO HỘI

“Nhưng với những ai đón nhận Người, Người ban cho quyền trở nên con cái Thiên Chúa” (Ga 1:12).

Lời Chúa và Giáo Hội

Giáo Hội lãnh nhận lời

50. Chúa nói lời của Người để những người đã được dựng nên “qua” lời ấy tiếp nhận nó. “Người đến giữa nhà Người” (Ga 1:11): lời Người đâu có phải là một điều hoàn toàn xa lạ với chúng ta; sáng thế đã được Chúa muốn cho có liên hệ thân thiết với chính sự sống Thiên Chúa. Ấy thế nhưng, Tự Ngôn của Tin Mừng Thứ Tư cũng vẫn đặt ta trước sự từ khước lời Chúa bởi “người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1:11). Không đón nhận Người là không lắng nghe tiếng Người, không nên đồng hình đồng dạng với Logos. Mặt khác, bất cứ khi nào con người, dù yếu đuối và tội lỗi, nhưng thành thực mở lòng ra gặp gỡ Chúa Kitô, thì lập tức một sự biến đổi căn để sẽ bắt đầu diễn ra: “Còn những ai đón nhận Người, thì Người cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa” (Ga 1:12). Đón nhận Lời là để Người lên khuôn ta, và do đó, để ta nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, “Con Một Chúa Cha” (Ga 1:14), nhờ quyền lực Chúa Thánh Thần. Đó là khởi đầu của một sáng thế mới; một tạo vật mới đã được sinh ra, một dân tộc mới được ra đời. Những ai biết tin, nghĩa là biết sống vâng theo đức tin, đều “từ Thiên Chúa sinh ra” (Ga 1:13) và được dự phần vào sự sống Thiên Chúa: làm con trong Chúa Con (xem Gl 4:5-6; Rm 8:14-17). Như Thánh Augustinô đã nói một cách đẹp đẽ khi chú giải đoạn trích từ Tin Mừng của Thánh Gioan này: “anh em đã được tạo dựng nhờ lời, thì nay anh em cũng phải được tái tạo nhờ lời vậy” (174). Ở đây ta thoáng thấy khuôn mặt Giáo Hội như một thực tại được xác định bởi việc đón nhận Lời Thiên Chúa, Đấng khi mang lấy xác phàm đã đến dựng lều của Người giữa chúng ta (xem Ga 1:14). Nơi Thiên Chúa ở giữa loài người này, cái Nhà Tạm (xem Xh 26:1) này, từng được tiên báo trong Cựu Ước, nay đã nên trọn trong sự hiện diện dứt khoát của Thiên Chúa giữa chúng ta nơi Chúa Kitô.

Sự hiện diện liên tiếp của Chúa Kitô trong đời sống Giáo Hội

51. Ta không thể hiểu trọn vẹn mối liên hệ giữa Chúa Kitô, Lời Chúa Cha, và Giáo Hội nếu chỉ căn cứ vào các biến cố dĩ vãng; đúng hơn, nó là một mối liên hệ sống động mà đích thân mỗi thành phần tín hữu đều được mời gọi tiến vào. Ta đang nói tới sự hiện diện lời Chúa đối với chúng ta hôm nay: “Này, Thầy ở với các con mãi mãi, cho đến tận cùng thời gian” (Mt 28:20). Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng nói: “Sự liên quan của Chúa Kitô đối với con người muôn thuở được biểu lộ rõ trong nhiệm thể của Người là Giáo Hội. Vì lý do đó, Chúa hứa ban cho các môn đệ Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ ‘làm họ nhớ lại’ và dạy họ hiểu các giới răn của Người (xem Ga 14:26) và sẽ là nguyên lý và suối nguồn bất tận của sự sống mới trên thế giới (xem Ga 3:5-8; Rm 8:1-13) (175). Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” phát biểu mầu nhiệm này bằng cách sử dụng ẩn dụ cuộc đối thoại phu phụ: “Thiên Chúa, Đấng từng nói trong quá khứ, nay vẫn tiếp tục chuyện trò với hiền thê của Con yêu quí mình. Còn Chúa Thánh Thần, mà nhờ Người, tiếng nói sống động của Tin Mừng tiếp tục vang lên trong Giáo Hội, và qua Giáo Hội,vang lên trên thế giới, vẫn đang dẫn dắt các tín hữu tới chân lý trọn vẹn và làm cho lời của Chúa Kitô cư ngụ trong họ với hết mọi nét phong phú của nó”(176).

Ngày nay, Nàng Dâu của Chúa Kitô, một bậc thầy vĩ đại của nghệ thuật lắng nghe, cũng đang tin yêu lặp lại: “Lạy Chúa, xin hãy nói, Giáo Hội của Ngài đang lắng nghe” (177). Vì lý do này, Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa” cố ý bắt đầu bằng những lời sau đây: “bằng cách nghe lời Chúa một cách cung kính và công bố lời ấy một cách tự tin, Thánh Công Đồng này…” (178). Ở đây, ta gặp được câu định nghĩa đầy năng động về đời sống Giáo Hội: Giáo Hội là một cộng đồng nghe và công bố lời Chúa. Giáo Hội hút được sự sống không phải từ chính mình nhưng từ Tin Mừng, và từ Tin Mừng, Giáo Hội khám phá ra như mới chính phương hướng cho cuộc hành trình của mình. Đây là lối tiếp cận mà mọi Kitô hữu cần hiểu và áp dụng cho chính mình: chỉ những ai biết trước nhất đặt mình vào thái độ lắng nghe lời Chúa mới có thể tiến triển để trở thành người loan báo lời ấy (179). Ngày nay, trong lời được công bố và lắng nghe của Chúa, và trong các bí tích, Chúa Giêsu đang lên tiếng với mỗi người chúng ta, ở đây và ngay lúc này: “Thầy là của chúng con, Thầy hiến mình Thầy cho các con”; để ta tiếp nhận và đáp lại rằng: “con là của Chúa” (180). Như thế, Giáo Hội xuất hiện như một môi trường trong đó, nhờ ơn thánh, ta cảm nghiệm được điều Thánh Gioan từng nói với ta trong Tự Ngôn Tin Mừng của ngài: “với những ai đón nhận Người, Người ban cho họ quyền trở nên con cái Thiên Chúa” (Ga 1:12).

Phụng vụ, khung cảnh tuyệt vời của Lời Thiên Chúa

Lời Thiên Chúa trong phụng vụ thánh

52. Khi coi Giáo Hội như "nhà của lời” (181), ta cần trước hết lưu tâm tới phụng vụ thánh, vì phụng vụ chính là khung cảnh tuyệt vời trong đó Thiên Chúa nói với chúng ta trong chính cuộc sống của ta; ngày nay, Người nói với dân Người, những người đang lắng nghe và đáp lại. Từ bản chất, mọi hành vi phụng vụ đều chìm ngập trong Sách Thánh. Theo lời Hiến Chế “Thánh Công Đồng”, “Sách Thánh có tầm quan trọng hết sức lớn lao trong việc cử hành phụng vụ. Từ Sách Thánh, các bài đọc được lấy ra để được giải thích trong bài giảng lễ, cả các thánh vịnh dùng để ca hát nữa. Từ Sách Thánh, các lời cầu xin, các kinh nguyện và phụng ca có được sự linh hứng và chất liệu của chúng. Từ Sách Thánh, các hành vi và dấu hiệu phụng vụ rút tỉa được ý nghĩa của chúng” (182). Còn hơn thế nữa, ta phải nói rằng chính Chúa Kitô “hiện diện nơi lời của Người, vì chính người lên tiếng khi Sách Thánh được đọc lên trong Giáo Hội” (183). Thực thế, “việc cử hành phụng vụ trở thành việc trình bày lời Chúa cách liên tục, trọn vẹn và hữu hiệu. Lời Chúa, khi được liên tục công bố trong phụng vụ, luôn là lời sống động và hữu hiệu nhờ quyền lực Chúa Thánh Thần. Nó diễn tả tình yêu của Chúa Cha, một tình yêu bao giờ cũng có hiệu lực đối với chúng ta” (184). Giáo Hội luôn nhận ra rằng trong hành động phụng vụ, lời Chúa đi đôi với hành động bên trong của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho lời ấy thành hữu hiệu trong tâm hồn tín hữu. Nhờ Đấng Bảo Trợ, “lời Chúa trở nên nền tảng cho việc cử hành phụng vụ, và là qui luật và sự nâng đỡ cho trọn đời sống ta. Hành động của cùng một Chúa Thánh Thần này … sẽ đem đến cá nhân mỗi người mọi sự mà trong lúc công bố lời Chúa từng được nói tới vì lợi ích của toàn thể cộng đoàn. Khi tăng cường sự hợp nhất mọi người, Chúa Thánh Thần cũng đồng thời cổ vũ tính đa dạng của ơn phúc và đẩy xa hơn nữa việc làm có tính đa dạng của các ơn phúc này” (185).

Như thế, để hiểu lời Chúa, ta cần biết lượng giá và cảm nghiệm được ý nghĩa và giá trị chủ yếu của hành động phụng vụ. Một cái hiểu đầy đức tin về Sách Thánh luôn phải tái qui chiếu trở lại phụng vụ, trong đó, lời Chúa được cử hành như một lời hợp thời và sống động: “Trong phụng vụ, Giáo Hội luôn trung thành gắn bó với cách Chúa Kitô đọc và giải thích Sách Thánh, bắt đầu với việc Người vào hội đường và yêu cầu mọi người tìm kiếm Sách Thánh (186).

Ở đây, ta được thấy khoa sư phạm đầy khôn ngoan của Giáo Hội; khoa sư phạm này công bố và lắng nghe Sách Thánh theo nhịp điệu của năm phụng vụ. Việc trải dài lời Chúa trong thời gian này trước nhất diễn ra trong việc cử hành Thánh Thể và trong Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Ở tâm điểm mọi điều ấy, ta thấy mầu nhiệm vượt qua ngời sáng lên và quanh mầu nhiệm ấy, tỏa sáng mọi mầu nhiệm của Chúa Kitô và lịch sử cứu rỗi trở thành hiện tại một cách bí tích: “Nhờ nhắc lại các mầu nhiệm cứu chuộc cách đó, Giáo Hội mở tung cho các tín hữu mọi kho lẫm của hành động cứu rỗi và công nghiệp của Chúa mình, và làm chúng trở thành hiện tại đối với mọi thời, giúp tín hữu bước vào tiếp xúc với chúng và được tràn đầy ơn cứu độ” (187). Vì lý do này, tôi khuyến khích các Mục Tử của Giáo Hội và mọi người dấn thân vào công trình mục vụ hãy lo liệu để mọi tín hữu học cách biết thưởng ngoạn ý nghĩa thâm hậu của lời Chúa đang được biểu lộ hàng năm trong phụng vụ, mạc khải cho ta các màu nhiệm nền tảng của đức tin. Điều này, ngược lại, chính là nền tảng của lối tiếp cận chính xác đối với Sách Thánh.

Sách Thánh và các bí tích

53. Khi thảo luận tầm quan trọng của phụng vụ đối với việc hiểu lời Chúa, Thượng Hội Đồng Các Giám Mục đã làm nổi bật mối tương quan giữa Sách Thánh và hành động của các bí tích. Ngày nay, đang có nhu cầu lớn muốn tìm tòi sâu xa hơn mối tương quan giữa lời và bí tích trong hoạt động mục vụ của Giáo Hội và trong suy tư thần học (188). Chắc chắn “phụng vụ lời Chúa là yếu tố quyết định trong việc cử hành mỗi bí tích của Giáo Hội” (189); Tuy nhiên, trong thực hành mục vụ, tín hữu không luôn luôn ý thức được mối dây nối kết ấy; họ cũng không đánh giá được tính thống nhất giữa cử chỉ và lời nói. “Nhiệm vụ của linh mục và phó tế, nhất là khi họ cử hành các bí tích, là phải giải thích tính thống nhất giữa lời và bí tích trong thừa tác vụ của Giáo Hội” (190). Mối tương quan giữa lời và cử chỉ bí tích chính là biểu thức phụng vụ của hoạt động Thiên Chúa trong lịch sử cứu rỗi xét theo đặc điểm thực hiện (performative character) của lời. Trong lịch sử cứu rỗi, không hề có sự phân rẽ giữa điều Chúa nói và điều Người làm. Lời Người luôn tỏ ra sống động và linh hoạt (xem Dt 4:12) như chính hạn từ Hípri dabar đã chỉ rõ. Trong hành động phụng vụ, ta cũng thấy lời Người thực hiện đầy đủ những gì nó nói ra. Khi giáo dục Dân Chúa biết khám phá ra đặc điểm thực hiện của lời Chúa trong phụng vụ, ta sẽ giúp họ biết nhận ra hoạt động của Người trong lịch sử cứu rỗi và trong cuộc sống cá nhân của họ.

Lời Chúa và Bí Tích Thánh Thể

54. Những điều vừa nói một cách tổng quát về mối tương quan giữa lời và bí tích sẽ có ý nghĩa sâu xa hơn khi ta xét tới việc cử hành Bí Tích Thánh Thể. Tính thống nhất sâu sắc giữa lời và Bí Tích Thánh Thể đặt cơ sở trên chính chứng tá của Sách Thánh (xem Ga 6; Lc 24), được các Giáo Phụ chứng thực và được Công Đồng Vatican II tái khẳng định (191). Ở đây, ta nghĩ tới lời Chúa Giêsu phán về bánh ban sự sống tại hội đường Caphácnaum (xem Ga 6:22-69), với việc so sánh hàm ẩn giữa Môsê và Chúa Giêsu, giữa người từng nói mặt đối mặt với Thiên Chúa (xemXh 33:11) và Đấng làm Thiên Chúa được biết đến (xem Ga 1:18). Lời Chúa Giêsu về bánh có ý nói tới ơn phúc của Thiên Chúa, mà Môsê nhận được cho dân ông với manna trong sa mạc, nhưng thực sự cũng là Tôra, lời ban sự sống của Thiên Chúa (xem Tv 119; Cn 9:5). Bằng chính con người mình, Chúa Giêsu làm nên trọn hình ảnh xưa: “Bánh Thiên Chúa là bánh từ trời, ban sự sống cho thế gian”… “Ta là bánh sự sống” (Ga 6:33-35). Ở đây, “lề luật đã trở nên một ngôi vị. Khi ta gặp gỡ Chúa Giêsu, ta được dưỡng nuôi bằng chính Thiên Chúa hằng sống, có thể nói như thế; ta thực sự ăn ‘bánh bởi trời’” (192). Trong bài giảng tại Caphácnaum, Tự Ngôn của Thánh Gioan được nâng lên một bình diện sâu sắc hơn. Logos của Thiên Chúa trở nên xác phàm, còn ở đây xác phàm ấy trở nên “bánh” ban sự sống cho thế gian (xem Ga 6:51), có ý ám chỉ việc tự hiến của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm thập giá, được củng cố bằng các lời nói về máu Người, được ban làm của uống (xem 6:53). Mầu nhiệm Thánh Thể tỏ lộ manna đích thật, bánh thực sự bởi trời: nó chính là Logos của Thiên Chúa đã thành xác phàm, tự hiến cho ta trong mầu nhiệm vượt qua.

Trình thuật của Thánh Luca về các môn đệ trên đường đi Emmau giúp ta suy niệm xa hơn về mối liên kết giữa việc nghe lời Chúa và việc bẻ bánh (xem Lc 24:13-35). Chúa Giêsu tiến gần lại các môn đệ sau ngày Sabát, lắng nghe họ nói về những hy vọng đã tan tành, và khi đang cùng đi một hành trình với họ, Người “giải thích cho họ mọi điều trong Sách Thánh liên quan đến Người” (24:27). Hai môn đệ bắt đầu nhìn Sách Thánh một cách mới hẳn khi cùng đi với người lữ khách lạ lẫm nhưng xem ra hết sức quen thuộc với đời họ này. Những điều xẩy ra trong mấy ngày qua xem ra không còn là thất bại đối với họ nữa, nhưng là một sự nên trọn và là một khởi đầu mới. Ấy thế nhưng, rõ ràng ngay những lời ấy cũng chưa đủ cho hai môn đệ. Tin Mừng Luca thuật lại rằng “con mắt của họ mở ra và họ nhận ra Người” (24:31) chỉ sau khi Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ, trong khi trước đó “mắt họ không nhận ra Người” (24:16). Sự hiện diện của Chúa Giêsu, đầu tiên bằng lời và sau đó bằng hành vi bẻ bánh, đã làm cho các môn đệ nhận ra Người. Giờ đây, họ có khả năng đánh giá theo cách mới tất cả những gì họ từng được cảm nghiệm với Người trước đây: “trái tim ta đã không bừng bừng trong ta khi Người nói với ta trên đường trong khi mở Sách Thánh cho ta đó sao?” (24:32).

55. Từ các trình thuật này, ta thấy rõ chính Sách Thánh chỉ cho ta biết đánh giá mối liên kết không thể nào bẻ gẫy giữa nó và Thánh Thể. “Không bao giờ có thể quên được rằng lời Chúa, được Giáo Hội đọc và công bố, có mục tiêu là hy lễ của giao ước mới và bàn tiệc ơn thánh là Phép Thánh Thể” (193). Lời Chúa và Phép Thánh Thể gắn bó với nhau một cách sâu xa đến độ ta không thể hiểu được thực tại này mà không có thực tại kia: lời Chúa đã mặc lấy xác phàm một cách bí tích trong biến cố Thánh Thể. Thánh Thể mở đường cho ta hiểu Sách Thánh, cũng thế, về phần mình Sách Thánh soi sáng và giải thích mầu nhiệm Thánh Thể. Nếu không thừa nhận sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Thánh Thể, cái hiểu của ta về Sách Thánh sẽ mãi mãi không đầy đủ. Vì lý do này, “Giáo Hội vốn tôn kính lời Chúa và mầu nhiệm Thánh Thể với cùng một lòng tôn kính, dù không cùng một sự thờ phượng, và nhấn mạnh cũng như phê chuẩn lòng tôn kính ấy luôn luôn và ở mọi nơi. Được Đấng Sáng Lập ra mình thúc giục, Giáo Hội không bao giờ ngưng cử hành mầu nhiệm vượt qua này của Người bằng việc đến với nhau để đọc ‘những điều liên quan tới Người trong Sách Thánh’ (Lc 24:27) và tiến hành công trình cứu rỗi qua việc cử hành lễ tưởng niệm Người và qua các bí tích” (194).

Tính bí tích của lời Chúa

56. Suy niệm về đặc điểm thực hiện của lời Chúa trong hành động bí tích và việc mỗi ngày biết đánh giá nhiều hơn mối tương quan giữa lời Chúa và Thánh Thể còn dẫn ta tới một chủ đề có ý nghĩa nữa từng được nêu ra tại Thượng Hội Đồng, đó là tính bí tích của lời Chúa (195). Ở đây, thiết tưởng sẽ có ích nếu ta nhớ lại rằng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng nhắc tới “đặc điểm bí tích của mạc khải” và cách riêng tới “dấu chỉ của Phép Thánh Thể trong đó sự hợp nhất bất khả tiêu giữa điều chỉ dấu và điều được chỉ dấu giúp ta nắm vững các sâu sắc của mầu nhiệm” (196). Ta sẽ thấy ra rằng ở tâm điểm tính bí tích của lời Chúa chính là mầu nhiệm nhập thể: “Lời thành xác phàm” (Ga 1:14), thực tại của mầu nhiệm mạc khải đã được biếu tặng ta trong “xác phàm” Chúa Con. Lời của Thiên Chúa nay có thể được đức tin lĩnh hội nhờ “dấu chỉ” là lời và hành động con người. Đức tin nhìn nhận Lời của Thiên Chúa bằng cách chấp nhận các lời và hành động Người dùng để tự mạc khải cho chúng ta. Đặc điểm bí tích của mạc khải, ngược lại, chỉ cho ta thấy lịch sử cứu rỗi, thấy cách thế lời Chúa bước vào thời gian và không gian và nói với con người, những chủ thể được mời gọi đón nhận hồng ân của Người trong đức tin.

Như thế, ta có thể hiểu tính bí tích của lời Chúa bằng cách so sánh với sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô dưới các hình bánh và rượu đã được truyền phép (197). Khi tiến lên bàn thờ và tham dự tiệc Thánh Thể, ta thực sự dự phần vào mình và máu Chúa Kitô. Việc công bố lời Chúa lúc cử hành kéo theo việc nhìn nhận rằng chính Chúa Giêsu đang hiện diện, rằng Người nói với ta (198), và Người muốn được ta nghe Người. Thánh Giêrôm nói tới cách ta phải tiếp cận cả Thánh Thể lẫn lời Chúa như sau: “Chúng ta đang đọc Sách Thánh. Đối với tôi, Tin Mừng là Thân Thể Chúa Kitô; đối với tôi, Sách Thánh là giáo huấn của Người. Và khi Người nói: Ai không ăn thịt Ta và uống máu Ta (xem Ga 6:53), thì dù những lời này được hiểu về Mầu Nhiệm (Thánh Thể), nhưng thân thể và máu Chúa Kitô quả là lời Sách Thánh, giáo huấn của Thiên Chúa. Khi ta tiếp cận Mầu Nhiệm (Thánh Thể), nếu một vụn rơi xuống đất, ta bối rối lo lắng. Ấy thế mà khi nghe lời Chúa, và Lời Thiên Chúa cùng Mình và Máu Chúa Kitô ồ ạt đổ vào tai ta, nhưng ta lại không hề chú ý, há ta lại không cảm thấy liều lĩnh quá hay sao?” (199). Hiện diện thực sự dưới hình bánh và rượu, Chúa Kitô cũng hiên diện tương tự như thế trong lời được công bố trong phụng vụ. Như thế, hiểu sâu xa hơn tính bí tích của lời Chúa sẽ dẫn ta tới một cái hiểu thống nhất hơn về mầu nhiệm mạc khải, vốn xẩy ra qua “việc làm và lời nói có liên hệ mật thiết với nhau” (200); biết đánh giá điều đó nhất định sẽ đem lại nhiều lợi ích cho đời sống thiêng liêng của tín hữu và sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội.

Sách Thánh và Sách Các Bài Đọc

57. Khi nhấn mạnh tới mối liên kết giữa lời Chúa và Thánh Thể, Thượng Hội Đồng cũng rất đúng khi muốn kêu gọi ta chú ý tới một số khía cạnh của việc cử hành có liên hệ tới việc phục vụ lời Chúa. Trước nhất, tôi muốn nhắc tới tầm quan trọng của Sách Các Bài Đọc. Cuộc canh tân do Công Đồng Vatican II kêu gọi (201) đã mang lại kết quả qua việc ta tiếp xúc phong phú hơn với Sách Thánh mà hiện nay được cung cấp dồi dào, nhất là trong Thánh Lễ Chúa Nhật. Cấu trúc hiện nay của Sách Các Bài Đọc không những cho thấy nhiều bản văn quan trọng hơn của Sách Thánh được cung cấp thường xuyên hơn, mà còn giúp ta hiểu tính thống nhất trong kế hoạch của Thiên Chúa nhờ tác động qua lại giữa các bài đọc Cựu Ước và Tân Ước, một tác động qua lại “trong đó, Chúa Kitô là khuôn mặt trung tâm, được tưởng niệm trong mầu nhiệm vượt qua của Người” (202). Bất cứ các khó khăn còn tồn đọng nào chưa giúp ta nhìn ra mối tương quan giữa các bài đọc này cần phải được giải quyết dưới ánh sáng lối giải thích hợp qui điển (canonical interpretation) nghĩa là phải qui chiếu tới tính thống nhất cố hữu của Thánh Kinh như một toàn bộ. Bất cứ khi nào cần, các cơ quan và nhóm có khả năng nên cung cấp các ấn phẩm nhằm trình bày mối liên hệ qua lại giữa các bài đọc của Sách Các Bài Đọc, tất cả những ấn phẩm này nên được công bố cho hội nghị phụng vụ tùy theo nhu cầu phụng vụ của từng thời kỳ. Các vấn đề hay khó khăn khác nên được trình cho Bộ Phụng Thờ Thánh và Kỷ Luật Bí Tích.

Chúng ta cũng không nên bỏ qua sự kiện này là Sách Các Bài Đọc hiện nay thuộc Nghi Lễ La Tinh vốn có một ý nghĩa đại kết, vì nó cũng đang được sử dụng và trân quí bởi nhiều cộng đồng chưa hoàn toàn hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo. Vấn đề Sách Các Bài Đọc vốn được xem sét cách khác trong nền phụng vụ của các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương; Thượng Hội Đồng yêu cầu rằng vấn đề này cần được “xem sét một cách có thẩm quyền” (203), phù hợp với truyền thống và năng quyền riêng của các Giáo Hội độc lập, cũng như quan tâm tới ngữ cảnh đại kết.

Việc công bố lời Chúa và thừa tác vụ đọc sách

58. Thượng Hội Đồng về Thánh Thể đã từng kêu gọi phải thận trọng hơn trong việc công bố lời Chúa (204). Như đã biết, trong truyền thống La Tinh, dù Tin Mừng do linh mục hay phó tế công bố, nhưng bài đọc một và bài đọc hai do một người được chỉ định đọc sách, cả nam lẫn nữa, công bố. Tôi muốn nhắc lại lời các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng khi các ngài nhấn mạnh một lần nữa nhu cầu huấn luyện thích đáng (205) cho những người thi hành nhiệm vụ (munus) đọc sách trong các cử hành phụng vụ (206), và đặc biệt những người thi hành thừa tác vụ (ministry) đọc sách, một thừa tác vụ tự nó vốn thuộc giáo dân theo nghi lễ La Tinh. Tất cả những ai được trao phó nhiệm vụ này, ngay cả những người không được lập (instituted) vào thừa tác vụ đọc sách, phải là người thực sự xứng đáng và được huấn luyện cẩn thận. Việc giáo dục này phải đặt nặng thánh kinh và phụng vụ cũng như kỹ thuật: “Mục đích của việc huấn luyện về Thánh Kinh là để giúp người đọc sách có khả năng hiểu các bài đọc trong bối cảnh của chúng và nhờ ánh sáng đức tin, họ nhận thức được điểm chính yếu trong sứ điệp mạc khải. Việc huấn luyện về phụng vụ phải trang bị cho người đọc sách nắm vững phần nào ý nghĩa và cấu trúc của phụng vụ lời Chúa và tầm ý nghĩa trong mối liên kết của nó với phụng vụ Thánh Thể. Việc chuẩn bị kỹ thuật nên giúp người đọc sách có kỹ năng trong nghệ thuật đọc trước công chúng, nhờ sức mạnh của giọng nói hay với sự trợ giúp của dụng cụ âm thanh” (207).

Tầm quan trọng của bài giảng lễ

59. Mỗi thành phần Dân Chúa “đều có bổn phận và trách nhiệm khác nhau liên quan tới lời Chúa. Theo đó, tín hữu lắng nghe lời Chúa và suy niệm lời ấy, nhưng những ai có nhiệm vụ giảng dạy nhờ đã được truyền chức thánh hay đã được trao phó việc thi hành thừa tác vụ này” tức các giám mục, linh mục và phó tế “sẽ giảng giải lời Chúa” (208). Bởi thế, ta hiểu được việc Thượng Hội Đồng rất chú ý tới bài giảng lễ. Trong Tông Huấn Sacramentum Caritatis, tôi đã nhấn mạnh rằng “vì tầm quan trọng của lời Chúa, phẩm tính bài giảng cần được cải thiện. Bài giảng lễ ‘là một phần của hành động phụng vụ’ và có mục tiêu phát huy một cái hiểu lời Chúa sâu sắc hơn để nó mang lại hoa trái cho đời sống tín hữu” (209). Bài giảng lễ là phương tiện đem lại sự sống cho một đoạn Sách Thánh theo nghĩa giúp tín hữu hiểu ra rằng lời Chúa hiện diện và hành động trong cuộc sống hàng ngày của họ. Nó nên dẫn đến việc hiểu biết mầu nhiệm đang được cử hành, đóng vai trò thúc đẩy nhận lãnh sứ mệnh và chuẩn bị cộng đoàn cho phần tuyên xưng đức tin, cho lời nguyện chung và cho phụng vụ Thánh Thể. Thành thử, những ai có trọng trách giảng dạy do thừa tác vụ chuyên biệt phải coi trọng trách nhiệm này. Cần phải tránh những bài giảng chung chung và trừu tượng chỉ có tác dụng làm mờ nhạt tính minh bạch của lời Chúa, cũng phải tránh những kiểu giảng giải vòng vèo vô bổ nhằm lôi kéo chú ý vào người giảng chứ không vào trọng tâm của sứ điệp Tin Mừng. Tín hữu phải nhận ra một cách rõ ràng rằng vị giảng thuyết thực sự có ý nguyện tha thiết muốn trình bày Chúa Kitô, Đấng phải nằm ở trọng tâm mọi bài giảng. Vì lý do này, các vị giảng thuyết cần tiếp xúc một cách gần gũi và thường xuyên với bản văn thánh (210); họ nên chuẩn bị bài giảng bằng cách suy niệm và cầu nguyện, để có thể giảng với xác tín và lòng say mê. Thượng Hội Đồng yêu cầu ta nên để ý những câu hỏi như sau: “Sách Thánh đang được công bố muốn nói gì? Nó nói đích danh điều gì với bản thân tôi? Tôi phải nói gì với cộng đoàn dưới ánh sáng hoàn cảnh cụ thể của họ?” (211). Vị giảng thuyết “phải là người trước nhất nghe lời Chúa, lời mà ngài sẽ công bố” (212) vì như Thánh Augustinô từng nói: “Người giảng dạy lời Chúa ở bên ngoài mà không nghe lời ấy trong nội tâm chắc chắn là người vô bổ (barren)” (213). Bài giảng Chúa Nhật và lễ trọng phải được chuẩn bị kỹ càng, nhưng trong các thánh lễ ngày thường có giáo dân, vẫn không quên cung cấp những suy niệm vắn tắt và hợp thời giúp tín hữu chào đón lời Chúa vừa được công bố và đem lại ích lợi cho đời sống hàng ngày của họ.

Sự thích đáng của một cuốn Hướng Dẫn Giảng Lễ

60. Nghệ thuật giảng dựa trên Sách Các Bài Đọc muốn tốt phải là một nghệ thuật cần được vun trồng. Do đó, để liên tục với ý muốn được Thượng Hội Đồng trước phát biểu (214), tôi yêu cầu các cơ quan có năng quyền, dựa vào đường hướng của cuốn Hợp Tuyển Thánh Thể (215) cũng sẽ chuẩn bị các ấn phẩm có tính thực tiễn giúp các thừa tác viên thi hành trách vụ của họ cách tốt nhất: thí dụ một cuốn Hướng Dẫn Giảng Lễ chẳng hạn, trong đó, các vị giảng thuyết có thể tìm được sự trợ giúp hữu ích trong việc chuẩn bị thi hành thừa tác vụ của mình. Như Thánh Giêrôm từng nhắc nhở ta, việc giảng lễ cần đi đôi với chứng tá một đời sống tốt lành: “hành động của anh em không được mâu thuẫn với lời anh em nói, kẻo khi anh em đang giảng trong nhà thờ, có người dám nghĩ: ‘như thế tại sao ông không hành động như thế đi?’… nơi vị linh mục của Chúa Kitô, tư tưởng và lời nói phải đi đôi với nhau” (216).

Lời Chúa, Hòa Giải và Xức Dầu Bệnh Nhân

61. Dù Thánh Thể chắc chắn vẫn là trung tâm đối với mối liên hệ giữa lời Chúa và các bí tích, ta vẫn phải nhấn mạnh tầm quan trọng của Sách Thánh trong các bí tích khác, nhất là các bí tích chữa lành, tức Bí Tích Hòa Giải và Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Vai trò của Sách Thánh trong các bí tích này thường bị bỏ qua, ấy thế nhưng ta cần phải dành cho chúng một chỗ đứng thích đáng. Ta không bao giờ được quên rằng: “lời Chúa là lời hoà giải, vì trong lời ấy, Thiên Chúa đã giao hòa mọi sự với chính Người (xem 2 Cor 5:18-20; Eph 1:10). Sự tha thứ đầy yêu thương của Thiên Chúa, thành xác phàm nơi Chúa Giêsu, đã làm tội nhân trỗi dậy” (217). “Qua lời Chúa, Kitô hữu nhận được ánh sáng để nhìn ra tội lỗi mình và được mời gọi hồi tâm và tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa” (218). Muốn cảm nghiệm một cách sâu sắc hơn sức mạnh hòa giải của lời Chúa, các hối nhân cá thể phải được khuyến khích chuẩn bị việc xưng tội bằng cách đọc hay lắng nghe những lời khuyên của Thánh Kinh như những lời được cung cấp trong nghi thức. Khi ăn năn tội, điều tốt là hối nhân nên sử dụng “lời cầu nguyện dựa vào lời lẽ của Sách Thánh” (219), như những lời đã được ghi trong nghi thức. Khi có thể, điều tốt là trong một số dịp đặc biệt trong năm, hay bất cứ khi nào có cơ hội, việc xưng tội cá thể của một số hối nhân nên diễn ra trong buổi cử hành thống hối như đã được dự trù trong nghi thức, với điều kiện phải tôn trọng các truyền thống phụng vụ khác nhau; ở đây, phải dành nhiều thì giờ hơn cho việc cử hành lời Chúa qua việc dùng các bài đọc thích hợp.

Trong trường hợp Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân cũng thế, không nên quên rằng: “sức mạnh chữa lành của lời Chúa là lời mời gọi liên tục để người lắng nghe đích thân hồi tâm” (220). Sách Thánh chứa vô số các trang nói tới sự an ủi, nâng đỡ và chữa lành mà Chúa muốn mang đến. Một cách riêng, ta có thể nghĩ tới sự gần gũi của Chúa Giêsu đối với người đang đau khổ và cách mà Người, trong tư cách Lời nhập thể của Thiên Chúa, đã gánh lấy đau khổ của ta và chịu đau đớn vì thương yêu ta, nhờ thế đã mang lại ý nghĩa cho bệnh tật và sự chết. Điều tốt là trong các giáo xứ và bệnh viện, tùy theo hoàn cảnh, nên tổ chức các buổi cả cộng đoàn cử hành Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Trong những dịp này, phải dành nhiều chỗ hơn cho việc cử hành lời Chúa và giúp người bệnh chịu đựng đau đớn trong đức tin, trong kết hợp với lễ hy sinh cứu chuộc của Chúa Kitô, Đấng đã giải thoát ta khỏi sự ác.

Lời Chúa và Phụng Vụ Các Giờ Kinh

62. Trong các hình thức cầu nguyện biết nhấn mạnh tới Sách Thánh, Phụng Vụ Các Giờ Kinh hiển nhiên có một chỗ đứng. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng gọi nó là “hình thức ưu tuyển của việc nghe lời Chúa, theo nghĩa nó giúp tín hữu tiếp xúc với Sách Thánh và Truyền Thống sống động của Giáo Hội” (221). Trên hết, ta nên suy niệm về phẩm tính thần học và giáo hội học sâu xa của lối cầu nguyện này. “Trong Phụng Vụ các Giờ Kinh, Giáo Hội, khi thực thi chức vụ tư tế của Đấng làm Đầu mình, đã ‘không ngừng’ (1 Tx 5:17) dâng lên Thiên Chúa lễ hy sinh ngợi khen nghĩa là hoa trái miệng lưỡi tuyên xưng danh Người (xem Dt 13:15). Lối cầu nguyện này chính là ‘giọng nói của một nàng dâu thỏ thẻ cùng chú rể mình, nó chính là lối cầu nguyện mà chính Chúa Kitô, cùng với Nhiệm Thể Mình, ngỏ cùng Chúa Cha’” (222). Về phương diện này, Công Đồng Vatican II tuyên bố rằng “tất cả những ai tham gia lối cầu nguyện này không những chu toàn bổn phận của Giáo Hội, mà còn chung chia vinh dự lớn được làm hiền thê của Chúa Kitô; vì nhờ cử hành lời ngợi ca Thiên Chúa, họ đứng trước ngai của Người nhân danh Giáo Hội, Mẹ của họ” (223). Phụng Vụ các Giờ Kinh, trong tư cách lời cầu nguyện công khai của Giáo Hội, nêu ra lý tưởng thánh hóa người Kitô hữu cho ngày sống của họ, được đánh dấu bằng nhịp độ nghe lời Chúa và đọc các Thánh Vịnh; bằng cách này, mọi sinh hoạt đều tìm được điểm qui chiếu trong lời ca ngợi dâng lên Thiên Chúa.

Những ai, vì bậc sống của mình, buộc phải đọc Phụng Vụ Các Giờ Kinh nên thi hành nhiệm vụ này một cách trung thành vì lợi ích của thể Giáo Hội. Các giám mục, linh mục và phó tế đang chuẩn bị thụ phong linh mục, tất cả những ai được Giáo Hội trao trọng trách cử hành phụng vụ này, buộc phải cầu các Giờ Kinh này hàng ngày (224). Còn đối với việc bó buộc cử hành phụng vụ này trong các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương độc lập, thì phải tuân theo các qui định riêng của luật lệ họ (225). Tôi cũng khuyến khích các cộng đoàn sống đời tận hiến nêu gương sáng trong việc cử hành Phụng Vụ Các Giờ Kinh, và nhờ thế, trở thành điểm qui chiếu và gây cảm hứng cho đời sống thiêng liêng và mục vụ của toàn thể Giáo Hội.

Thượng Hội Đồng yêu cầu để lối cầu nguyện này trở nên phổ biến hơn trong Dân Chúa, nhất là việc đọc các Giờ Kinh Sáng và Kinh Tối. Điều này nhất định sẽ dẫn tới việc làm quen hơn nữa với lời Chúa nơi các tín hữu. Cũng cần nhấn mạnh tới giá trị của Phụng Vụ Các Giờ Kinh đối với Giờ Kinh Tối Thứ Nhất của các Chúa Nhật và Lễ Trọng, đặc biệt trong các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương. Để đạt mục đích này, tôi khuyên, bất cứ khi nào có thể, các giáo xứ và và các cộng toàn tu sĩ nên cổ vũ lối cầu nguyện này với sự tham dự của tín hữu giáo dân.

Lời Chúa và Sách Phép Lành

63. Cũng thế, khi sử dụng Sách Phép Lành, cần lưu ý đến phần dành cho việc công bố, nghe và vắn tắt giải thích lời Chúa. Thực vậy, trong các trường hợp được Giáo Hội dự trù và được tín hữu yêu cầu, hành vi chúc lành không nên bị coi như một điều đơn độc tách biệt nhưng có liên hệ, theo mức độ riêng của nó, với đời sống phụng vụ của Dân Chúa. Theo nghĩa ấy, trong tư cách một dấu chỉ thánh thực sự, nó “đã rút tỉa được ý nghĩa và tính hiệu lực từ chính lời Thiên Chúa đang được công bố” (226). Như thế, điều cũng quan trọng là sử dụng các hoàn cảnh này làm phương tiện đánh thức một lần nữa nơi tín hữu lòng đói khát mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (xem Mt 4:4).

Các gợi ý và đề nghị thực tiễn để cổ vũ việc tham gia trọn vẹn hơn vào phụng vụ

64. Sau khi thảo luận một số yếu tố căn bản trong mối liên hệ giữa phụng vụ và lời Chúa, giờ đây, tôi muốn tiếp nhận và khai triển một số đề nghị và gợi ý được các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đưa ra nhằm mục đích làm cho Dân Chúa mỗi ngày một thân quen hơn với lời Chúa trong bối cảnh sinh hoạt phụng vụ hay, trong bất cứ hoàn cảnh nào, với việc qui chiếu vào sinh hoạt ấy.

a) Cử hành lời Chúa

65. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng khuyến khích mọi mục tử phát huy thời giờ dành cho việc cử hành lời Chúa trong các cộng đoàn được ủy thác cho các ngài (227). Các cử hành này là những dịp tuyệt vời để gặp gỡ Chúa. Thực hành này chắc chắn mang lợi ích lại cho tín hữu và nên được coi như yếu tố quan trọng của việc huấn luyện phụng vụ. Các cử hành loại này đặc biệt có ý nghĩa đối với việc chuẩn bị Thánh Thể Chúa Nhật; chúng cũng là cách giúp tín hữu đào sâu hơn vào sự phong phú của Sách Các Bài Đọc, biết cầu nguyện và suy niệm Sách Thánh, nhất là trong các mùa phụng vụ lớn là Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, Mùa Chay và Mùa Phục Sinh.

Các buổi cử hành lời Chúa phải được đặc biệt khuyến cáo nhất là trong các cộng đoàn, vì thiếu giáo sĩ, nên không thể cử hành được hy lễ Thánh Thể vào các Chúa Nhật và ngày lễ buộc. Nhớ đến các chỉ dẫn đã được nêu ra trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis liên quan tới các cuộc cử hành Chúa Nhật mà không có linh mục (228), tôi xin khuyên các vị có thẩm quyền hãy soạn ra các sách hướng dẫn nghi thức, căn cứ vào kinh nghiệm của các giáo hội đặc thù. Trong những hoàn cảnh như thế, việc ấy sẽ cổ vũ các buổi cử hành lời Chúa có khả năng nuôi dưỡng đức tin của tín hữu, trong khi tránh được nguy cơ lẫn lộn hình thức cử hành này với việc cử hành Thánh Thể: “trái lại, chúng là những giây phút tuyệt vời để cầu xin Chúa sai tới các linh mục thánh thiện như lòng Người mong muốn” (229). Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng khuyến cáo việc cử hành lời Chúa trong các cuộc hành hương, các ngày lễ đặc biệt, các tuần đại phúc bình dân, các buổi tĩnh huấn thiêng liêng và các ngày đặc biệt dành cho thống hối, đền tạ hay xin tha thứ. Các biểu thức khác nhau của lòng đạo đức bình dân, dù không phải là các hành vi phụng vụ và không được lẫn lộn chúng với các cuộc cử hành phụng vụ, tuy nhiên vẫn nên được các cuộc cử hành này gây cảm hứng và trên hết phải dành chỗ thích đáng cho việc công bố và nghe lời Chúa; “lòng đạo đức bình dân có thể tìm thấy nơi lời Chúa một nguồn linh hứng bất tận, những mẫu mực cầu nguyện khó có thể vượt qua và những điểm phong phú để suy niệm” (230).

b) Lời Chúa và sự im lặng

66. Trong các góp ý của mình, số đông các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của im lặng trong tương quan với lời Chúa và việc tiếp nhận nó trong đời sống tín hữu (231). Thực vậy, lời Chúa chỉ có thể nói và nghe trong im lặng, cả bề ngoài lẫn bề trong. Thời đại ta không phải là thời đại người ta cổ vũ việc tĩnh tâm; có lúc, ta có cảm tưởng người ta sợ phải tách mình, dù chỉ là giây lát, ra khỏi các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngày nay, vì lý do đó, điều cần thiết là phải giáo dục Dân Chúa biết giá trị của sự im lặng. Tái khám phá tính trung tâm của lời Thiên Chúa trong đời sống Giáo Hội cũng có nghĩa là tái khám phá cảm thức tĩnh tâm và thanh thản nội tâm. Truyền thống vĩ đại của các Giáo Phụ dạy ta rằng các mầu nhiệm của Chúa Kitô đều bao gồm sự im lặng (232). Chỉ trong im lặng, lời Chúa mới tìm được nơi cư ngụ trong ta, như đã tìm được nơi Đức Maria, người phụ nữ của lời nhưng một cách không thể tách biệt, cũng là người phụ nữ của im lặng. Các nền phụng vụ của ta phải làm dễ thái độ lắng nghe chân chính này: Lời càng lên cao, ta càng thiếu lời (Verbo crescente, verba deficiunt) (233).

Tầm quan trọng của điều ấy thấy rõ một cách đặc biệt trong Phụng Vụ Lời Chúa, “một phụng vụ nên được cử hành một cách thiên về suy niệm” (234). Khi được yêu cầu, im lặng phải được coi là “một phần của việc cử hành” (235). Do đó, tôi xin khuyến khích các mục tử cổ vũ các giây phút tĩnh lặng nhờ thế, với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, lời Chúa tìm được sự nghinh đón trong trái tim ta.

c) Công bố lời Chúa một cách long trọng

67. Một gợi ý nữa được nêu ra trong Thượng Hội Đồng là việc công bố lời Chúa, cách riêng Tin Mừng, phải được thực hiện cách long trọng hơn, nhất là trong các ngày lễ phụng vụ lớn, bằng cách sử dụng Sách Tin Mừng để rước kiệu trong nghi thức đầu lễ và sau đó, được một phó tế hay một linh mục cung nghinh lên bục đọc sách để công bố. Việc này sẽ giúp Dân Chúa hiểu ra rằng “đọc Tin Mừng là đỉnh cao của phụng vụ lời Chúa” (236). Theo các chỉ dẫn trong Ordo Lectionum Missae (Qui định các bài đọc trong Thánh Lễ), điều tốt đẹp là lời Chúa, nhất là Tin Mừng, sẽ được tăng giá trị nhờ được công bố bằng cách hát, đặc biệt trong một số lễ trọng. Lời chào, lời công bố khởi đầu: “Tin mừng Chúa Giêsu theo Thánh…” và những lời kết thúc “Tin Mừng của Chúa” (một số nơi: Đó là Lời Chúa) rất có thể được hát như là cách nhấn mạnh tầm quan trọng của điều được đọc (237).

d) Lời Chúa trong các giáo hội Kitô Giáo

68. Để làm dễ việc nghe lời Chúa, ta cần xem sét các biện pháp có thể giúp kéo chú ý của tín hữu. Nên chứng tỏ có sự quan tâm tới việc vang âm nhà thờ (church acoustics), dĩ nhiên phải tôn trọng thích đáng các qui luật phụng vụ và kiến trúc. “Trong việc xây dựng các nhà thờ, khi được trợ giúp một cách thích đáng, các giám mục nên thận trọng để chúng thích ứng với việc công bố lời Chúa, với việc suy niệm và với việc cử hành Thánh Thể. Các nơi thánh, ngay dù xa hẳn hành vi phụng vụ, cũng nên có nhiều tính diễn cảm (eloquent) và trình bày mầu nhiệm Kitô Giáo liên quan tới lời Chúa” (238).

Phải đặc biệt chú trọng tới bục đọc sách (ambo) như là không gian phụng vụ từ đó lời Chúa được công bố. Nên đặt nó ở một nơi ai cũng thấy rõ khiến tín hữu tự nhiên chú tâm tới nó trong phần phụng vụ lời Chúa. Nó nên ở một nơi nhất định và được trang trí một cách hài hòa thẩm mỹ đối với bàn thờ, để nói lên một cách hữu hình ý nghĩa thần học của chiếc bàn kép cả lời Chúa lẫn Thánh Thể. Các bài đọc, thánh vịnh đáp ca và kinh Exultet (Hãy Vui Lên) phải được công bố từ bục đọc sách; bục này cũng có thể được sử dụng cho bài giảng và phần lời nguyện giáo dân (239). Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng đề nghị các nhà thờ nên dành một chỗ danh dự để đặt Sách Thánh, ngay cả ở bên ngoài các cử hành phụng vụ (240). Cuốn sách chứa lời Chúa đương nhiên phải được hưởng chỗ danh dự ai cũng thấy ở bên trong đền thờ Kitô Giáo, mà không phương hại tới vị trí trung tâm dành riêng cho Nhà Chầu để chứa Mình Thánh Chúa (241).

e) Chỉ dùng bản văn thánh trong phụng vụ

69. Thượng Hội Đồng cũng tái khẳng định một cách rõ ràng một điểm vốn đã được luật phụng vụ qui định (242) tức việc không bao giờ được thay thế các bài đọc rút từ Sách Thánh bằng các bản văn khác, dù các bản văn khác này có ý nghĩa đến bao nhiêu về phương diện thiêng liêng hay mục vụ: “Không một bản văn tu đức hay văn chương nào có thể ngang tầm giá trị và sự phong phú chứa đựng trong Sách Thánh, tức lời Chúa” (243). Đây là một qui luật rất cổ xưa của Giáo Hội mà ta cần duy trì (244). Đứng trước một số lạm dụng, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng lặp lại tầm quan trọng của việc không bao giờ được dùng các bài đọc khác thay thế cho Sách Thánh (245). Cũng cần ghi nhớ rằng Thánh Vịnh Đáp Ca cũng là lời Chúa, và do đó, không được thay thế nó bằng các bản văn khác; thực sự, điều thích hợp hơn cả là hát thánh vịnh này.

f) Phụng ca lấy hứng Thánh Kinh

70. Như một phần trong việc nâng cao lời Chúa trong phụng vụ, ta cũng nên lưu tâm tới việc sử dụng các ca khúc trong những lúc cần, theo một nghi lễ đặc biệt nào đó. Ưu tiên nên dành cho các ca khúc rõ ràng lấy cảm hứng từ Thánh Kinh và là các ca khúc diễn đạt vẻ đẹp của lời Chúa qua sự hòa hợp giữa nhạc và lời. Ta nên cố gắng hết sức để sử dụng tối đa các ca khúc từng được lưu truyền tới ta từ truyền thống của Giáo Hội, một truyền thống luôn tôn trọng tiêu chuẩn vừa nói. Tôi nghĩ cách riêng tới sự quan trọng của lối hát Grêgôrianô (246).

g) Lưu tâm cách riêng tới những người khuyết tật về thính thị

71. Ở đây, tôi cÅ©ng muốn nhắc lại khuyến cáo của Thượng Há»™i Đồng khi cho rằng cần lÆ°u tâm đặc biệt tá»›i những ai gặp khó khăn trong việc tham gia tích cá»±c vào phụng vụ; thí dụ, tôi nghÄ© tá»›i những người khuyết tật về thính thị. Tôi khuyến khích các cá»™ng đồng Kitô Giáo chúng ta cung ứng mọi trợ giúp thá»±c tiá»…n có thể có cho các anh chị em Ä‘ang chịu các khuyết tật này, để cả họ nữa cÅ©ng có khả năng cảm nhận được sá»± tiếp xúc sống Ä‘á»™ng vá»›i lời Chúa (247). 

Lời Chúa trong Đời Sống Giáo Hội

Gặp gỡ lời Chúa trong Sách Thánh

72. Nếu phụng vụ quả thực là nơi ưu tuyển để công bố, lắng nghe và cử hành lời Chúa, thì cuộc gặp gỡ này quả thực cũng phải được chuẩn bị trong tâm hồn các tín hữu và sau đó được họ thâm hậu và hội nhập trên hết. Đời sống Kitô hữu được ghi dấu bằng cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, Đấng hằng kêu gọi ta bước chân theo Người. Vì thế, Thượng Hội Đồng thường hay nói tới sự quan trọng của việc chăm sóc mục vụ trong các cộng đồng Kitô Giáo như là khung cảnh thích đáng để cuộc hành trình cá nhân và cộng đoàn dựa trên lời Chúa có thể diễn ra và thực sự được dùng làm căn bản cho đời sống thiêng liêng của ta. Cùng với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, tôi tha thiết hy vọng được thấy sự bừng nở “một mùa mới đầy yêu mến hơn đối với Sách Thánh nơi mọi thành phần Dân Chúa để việc đọc Sách Thánh một cách đầy cầu nguyện và đầy đức tin của họ, với thời gian, sẽ thâm hậu hóa mối liên hệ bản thân của họ với Chúa Giêsu” (248).

Suốt trong lịch sử Giáo Hội, nhiều vị thánh từng nói về nhu cầu phải hiểu biết Thánh Kinh để lớn mạnh trong tình yêu Chúa Kitô. Điều ấy rất rõ rệt nơi các Giáo Phụ. Trong tâm tình yêu mến lời Chúa của ngài, Thánh Giêrôm hay tự hỏi: “Làm sao người ta có thể sống mà không hiểu biết chi về Thánh Kinh, mà nhờ nó, ta mới biết được chính Chúa Kitô, Đấng vốn là sự sống của tín hữu?” (249). Ngài biết rõ rằng Thánh Kinh là phương tiện “nhờ đó, Thiên Chúa nói với tín hữu hàng ngày” (250). Lời khuyên ngài ngỏ với mệnh phụ Rôma là Leta về việc dưỡng dục con gái bà như sau: “Bà phải chắc chắn việc con bà mỗi ngày học một đoạn Sách Thánh… Việc cầu nguyện phải tiếp nối việc đọc, và việc đọc tiếp nối việc cầu nguyện… để ở chỗ đầy nữ trang và lụa là, cô ấy vẫn yêu mến Sách Thánh” (251). Lời khuyên của Thánh Giêrôm ngỏ với linh mục Nepotian cũng có thể áp dụng cho ta: “Hãy thường xuyên đọc Sách Thánh; thực vậy, Sách Thánh không bao giờ nên rời tay cha. Hãy học ở đó điều cha có nhiệm vụ phải dạy” (252). Ta hãy noi gương vị đại thánh này, người đã hiến cả đời để nghiên cứu Thánh Kinh và đã đem lại cho Giáo Hội bản dịch La Tinh, tức Bản Phổ Thông, cũng như gương của tất cả các thánh, những người vốn biến cuộc gặp gỡ Chúa Kitô thành trung tâm đời sống thiêng liêng của họ. Ta hãy canh tân các cố gắng của ta để hiểu sâu xa lời mà Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội của Người: nhờ thế, ta có thể vươn tới “tiêu chuẩn cao trong lối sống Kitô Giáo bình thường” (253), một lối sống từng được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đưa ra nhân dịp khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba của Kitô Giáo, và vốn nhận được chất nuôi dưỡng bất biến từ việc chăm chú lắng nghe lời Chúa.

Để Thánh Kinh linh hứng hoạt động mục vụ

73. Cùng với các dòng trên, Thượng Hội Đồng cũng kêu gọi phải có một cam kết mục vụ nhằm nhấn mạnh tính trung tâm của lời Chúa trong đời sống Giáo Hội, và khuyến cáo việc tổ chức một việc “tông đồ Thánh Kinh” lớn hơn, không hẳn song song với các hình thức hoạt động mục vụ khác, nhưng như một phương tiện để Thánh Kinh linh hứng mọi hoạt động mục vụ (254). Việc này không có nghĩa hội họp thêm đây đó trong giáo xứ hay giáo phận, mà đúng hơn, nên soát lại các hoạt động bình thường của các cộng đoàn Kitô hữu nơi giáo xứ, trong các hiệp hội và phong trào, để xem xem chúng có thực sự quan tâm tới việc phát huy cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Kitô hay không, Đấng vốn hiến thân cho ta trong lời của Người. Vì “dốt Thánh Kinh là dốt Chúa Kitô” (255), nên việc biến Thánh Kinh thành linh hứng cho mọi chương trình mục vụ bình thường hay bất thường sẽ dẫn người ta tới một ý thức lớn hơn về con người Chúa Kitô, Đấng đã mạc khải Chúa Cha và là sự viên mãn của mạc khải Thiên Chúa.

Vì thế, tôi khuyến khích các mục tử và tín hữu nhìn nhận tầm quan trọng của việc nhấn mạnh này đối với Thánh Kinh: đây cũng là cách tốt nhất để bàn tới một số vấn đề mục vụ từng được thảo luận tại Thượng Hội Đồng và có liên quan tới việc lan tràn các giáo phái đang phổ biến cách đọc Sách Thánh đầy méo mó và có tính cách thao túng. Nơi nào tín hữu không được trợ giúp để nhận biết Thánh Kinh theo đức tin của Giáo Hội và dựa vào truyền thống sống động của Giáo Hội, thì khoảng chân không về mục vụ này sẽ trở thành mảnh đất mầu mỡ để các thực tại như giáo phái bắt rễ. Cần phải dự trù việc chuẩn bị thích đáng để các linh mục và giáo dân có khả năng dạy dỗ Dân Chúa trong cách tiếp cận chân chính đối với Thánh Kinh.

Hơn nữa, như đã được đưa ra trong các phiên họp của Thượng Hội Đồng, điều tốt đẹp là hoạt động mục vụ cũng nên ủng hộ việc lớn mạnh của các cộng đồng nhỏ, “được các gia đình thành lập hay dựa trên các giáo xứ hoặc liên kết với một số phong trào trong Giáo Hội và các cộng đoàn tân lập” (256), là các thực thể có khả năng giúp ta cổ vũ việc huấn luyện, việc cầu nguyện và hiểu biết Thánh Kinh phù hợp với đức tin Giáo Hội.

Chiều kích Thánh Kinh của giáo lý

74. Một khía cạnh quan trọng trong hoạt động mục vụ của Giáo Hội, nếu được sử dụng một cách khôn ngoan, có thể giúp tái khám phá tính trung tâm của lời Chúa là giáo lý, là khoa cần liên tục đi đôi với hành trình đức tin của Dân Chúa, dưới các hình thức và trình độ khác nhau. Theo một nghĩa nào đó, mô tả của Thánh Luca (xem Lc 24:13-35) về các môn đệ gặp Chúa Giêsu trên đường Emmau đã đại biểu cho một mẫu mực giáo lý đặt trọng tâm vào “việc giải thích Thánh Kinh”, một giải thích mà chỉ một mình Chúa Giêsu mới ban cho được (xem Lc 24:27-28), vì Người cho thấy nó đã được nên trọn trong chính con người của Người (257). Như thế, niềm hy vọng chiến thắng trên mọi thất bại đã được tái sinh, làm cho các môn đệ trở thành các nhân chứng đầy xác tín và khả tín của Chúa Phục Sinh.

Cuốn Chỉ Dẫn Giáo Lý Tổng Quát chứa đựng nhiều hướng dẫn giá trị cho một nền giáo lý lấy hứng từ Thánh Kinh và tôi từng khuyến khích việc tham khảo các hướng dẫn này (258). Ở đây, tôi muốn trước hết và trên hết nhấn mạnh rằng giáo lý “phải được thấm nhuần não trạng (mindset), tinh thần và quan điểm của Thánh Kinh và Tin Mừng qua việc cần mẫn tiếp xúc với chính các bản văn; thế nhưng điều ầy cũng có nghĩa phải nhớ rằng giáo lý càng phong phú và có hiệu quả hơn nhờ đọc bản văn bằng tâm trí của Giáo Hội” (259), và bằng việc rút tỉa cảm hứng từ hai ngàn năm suy niệm và sống thực của Giáo Hội. Kiến thức về các nhân vật, các biến cố và các câu nói của Thánh Kinh vì thế nên được khuyến khích; việc này cũng có thể được phát huy bằng cách học thuộc lòng một cách sáng suốt một số đoạn văn đặc biệt có tính diễn cảm các mầu nhiệm Kitô Giáo. Các công trình giáo lý luôn bao hàm việc tiếp cận Thánh Kinh trong đức tin và trong Truyền Thống của Giáo Hội, để lời Thánh Kinh được nhận thức là sống động, giống như Chúa Kitô đang sống động ngày nay ở bất cư nơi nào có hai hay ba người tụ họp vì danh Người (Xem Mt 18:20). Giáo lý phải sinh động thông truyền lịch sử cứu rỗi và nội dung đức tin của Giáo Hội, và nhờ thế giúp mọi thành phần tín hữu nhận ra rằng lịch sử ấy cũng lả một phần cuộc sống của họ.

Ở đây, điều quan trọng là phải nhấn mạnh mối tương quan giữa Sách Thánh và Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, như cuốn Chỉ Dẫn Giáo Lý Tổng Quát đã nói rõ: “Thực vậy, Sách Thánh như ‘lời Thiên Chúa được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần’, và Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo, như biểu thức quan trọng hiện thời của Truyền Thống Sống Động trong Giáo Hội và là chuẩn mức chắc chắn cho việc giảng dạy đức tin, đều được kêu gọi nuôi dưỡng giáo lý trong Giáo Hội ngày nay, theo cách riêng và theo thẩm quyền chuyên biệt của chúng” (260).

Việc huấn luyện các Kitô hữu về Thánh Kinh

75. Để thực hiện được mục tiêu do Thượng Hội Đồng đưa ra, tức việc nhấn mạnh nhiều hơn tới Thánh Kinh trong sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội, mọi Kitô hữu, nhất là các giáo lý viên, cần tiếp nhận được một sự huấn luyện thích đáng. Như kinh nghiệm của Giáo Hội đã chứng minh: phương tiện giá trị nhất để đạt được mục đích vừa rồi là cần phải chú trọng tới hình thức tông đồ Thánh Kinh (biblical apostolate). Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng khuyến cáo rằng: nếu có thể, bằng cách sử dụng các cơ cấu học thuật hiện có, nên thiết lập ra các trung tâm huấn luyện để huấn luyện giáo dân và các nhà truyền giáo giúp họ hiểu, sống và công bố lời Chúa. Ngoài ra, nơi nào có thể, nên thiết lập ra các viện chuyên môn để nghiên cứu Thánh Kinh giúp cho các nhà chú giải nắm vững được một cái hiểu vững chắc về thần học và biết đánh giá chính xác các bối cảnh trong đó họ đang thi hành sứ mệnh của mình (261).

Sách Thánh trong các cuộc tụ họp đông đảo của Giáo Hội

76. Trong một loạt các sáng kiến có thể áp dụng, Thượng Hội Đồng có gợi ý rằng trong các cuộc tụ họp cấp giáo phận, cấp quốc gia hay cấp quốc tế, cần phải nhấn mạnh nhiều hơn tới tầm quan trọng của lời Chúa, tới việc chăm chú lắng nghe lời ấy, và tới việc đọc Thánh Kinh một cách đầy đức tin và cầu nguyện. Trong các Đại Hội Thánh Thể, ở cấp quốc gia cũng như cấp quốc tế, trong các Ngày Giới Trẻ Thế Giới và các cuộc tụ họp khác, điều đáng ca ngợi là dành nhiều chỗ hơn để cử hành lời Chúa và nhiều thời khắc hơn để huấn luyện dựa vào Thánh Kinh (262).

Lời Chúa và ơn gọi

77. Khi nhấn mạnh tới lời mời nội tại của đức tin hướng tới một mối tương quan mỗi ngày một sâu đậm hơn với Chúa Kitô, lời Thiên Chúa ở giữa chúng ta, Thượng Hội Đồng cũng nhấn mạnh rằng lời này đích thân mời gọi mỗi người chúng ta, mạc khải cho ta thấy: chính đời sống ta là một ơn gọi của Thiên Chúa. Nói cách khác, càng lớn lên trong mối tương quan bản thân với Chúa Giêsu, ta càng hiểu ra rằng Người đang kêu gọi ta nên thánh trong và qua các chọn lựa dứt khoát mà ta đã dùng để đáp lại tình yêu của Người trong đời ta, qua việc nhận lấy các trách nhiệm và thừa tác vụ góp phần vào việc xây dựng Giáo Hội. Đó là lý do tại sao Thượng Hội Đồng hay khuyến khích mọi Kitô hữu lớn lên trong mối tương quan của họ với lời Chúa, không những chỉ vì Phép Rửa của họ mà còn phù hợp với ơn gọi bước vào các bậc sống khác nhau nữa. Ở đây, ta đụng tới một trong các điểm then chốt trong giáo huấn của Công Đồng Vatican II, là điểm nhấn mạnh rằng mỗi thành phần tín hữu đều được kêu gọi nên thánh tùy theo bậc sống của mình (263). Ơn gọi nên thánh của ta được chính Sách Thánh mạc khải: “Hãy thánh thiện như Ta là Đấng thánh thiện” (Lv 11:44; 19:2; 20:7). Còn Thánh Phaolô thì nhấn mạnh tới căn bản Kitô học của ơn gọi này: trong Chúa Kitô, Chúa Cha “đã chọn ta trước khi dựng nên thế giới, để ta trở nên thánh thiện và không tì vết trước mặt Người” (Eph 1:4). Lời chào mà Thánh Phaolô ngỏ với các anh chị em của ngài tại cộng đoàn Rôma có thể được coi như ngỏ với mỗi người chúng ta: “Với mọi người Chúa thương, những người vốn được gọi là thánh: ơn thánh và bình an của Chúa Cha và của Chúa Giêsu Kitô ở cùng anh chị em!” (Rm 1:7)

a) Các thừa tác viên được thụ phong và lời Chúa

78. Trước nhất, tôi muốn nói với các thừa tác viên được thụ phong của Giáo Hội, để nhắc nhở họ lời tuyên bố của Thượng Hội Đồng rằng: “lời Chúa là điều không thể miễn chước trong việc đào luyện tâm hồn một mục tử tốt và là thừa tác viên của lời Chúa” (264). Các giám mục, linh mục và phó tế khó có thể nghĩ rằng họ có thể sống thực ơn kêu gọi và sứ vụ của mình mà không cần một cam kết dứt khoát và đổi mới đối với việc nên thánh, mà một trong các trụ cột của nó là việc tiếp xúc với lời Chúa.

79. Đối với những vị được kêu gọi vào hàng giám mục, những vị vốn là sứ giả có thẩm quyền hơn hết của lời Chúa, tôi muốn nhắc lại lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Pastores Gregis của ngài. Đối với việc nuôi dưỡng và tiến triển của đời sống thiêng liêng, các giám mục phải luôn đặt “lên hàng đầu việc đọc và suy niệm lời Chúa. Mọi giám mục phải phó thác và cảm thấy mình được phó thác cho ‘Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có tính xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến’ (Cv 20:32). Trước khi trở nên người chuyển giao lời Chúa, giám mục phải cùng với các linh mục của mình, và quả cũng như mọi thành phần tín hữu và như chính Giáo Hội, trở thành người lắng nghe lời Chúa. Ngài phải cư ngụ ‘bên trong’ lời Chúa và tự để mình được lời Chúa che chở và nuôi dưỡng như thể bởi lòng mẹ vậy” (265). Với mọi anh em giám mục của tôi, tôi xin khuyên anh em nên đích thân năng đọc và nghiên cứu Sách Thánh, theo gương Đức Maria, Virgo Audiens (Nữ Trinh lắng nghe) và là Nữ Vương Các Tông Đồ.

80. Với các linh mục nữa, tôi xin nhắc lại lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Pastores Dabo Vobis, từng tuyên bố rằng “Linh mục trước hết là thừa tác viên của lời Chúa, được thánh hiến và sai đi để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, kêu gọi mọi người vâng theo đức tin và dẫn dắt tín hữu tới việc hiểu biết và tham dự mỗi ngày một hơn vào sự thông hiệp mầu nhiệm Thiên Chúa, như đã được mạc khải và thông truyền cho ta nơi Chúa Kitô. Vì lý do đó, linh mục phải trước nhất khai triển một sự thân quen cao độ với lời Chúa. Có kiến thức về các khía cạnh ngữ học và chú giải của Thánh Kinh chưa đủ, dù cần thiết. Linh mục còn cần tiếp cận lời Chúa với một tâm hồn ngoan ngoãn và năng cầu nguyện, để lời ấy vào sâu trong tư tưởng, trong xúc cảm của ngài và tạo ra một cái nhìn mới ở trong ngài, tức “tâm trí Chúa Kitô” (1 Cor 2:16)” (266). Thành thử, lời của linh mục, các quyết định và tác phong của ngài phải càng ngày càng trở nên một phản ảnh, một công bố và một nhân chứng của Tin Mừng; “Chỉ khi nào ngài ‘cư ngụ’trong lời Chúa, linh mục mới trở nên môn đệ hoàn hảo của Chúa. Chỉ lúc đó, ngài mới biết chân lý và thực sự tự do” (267).

Tóm lại, ơn gọi linh mục đòi ta phải được thánh hiến "trong chân lý”. Chúa Giêsu tuyên bố rõ điều đó về các môn đệ của Người: “Xin Cha thánh hóa chúng trong chân lý; lời Cha là chân lý. Như Cha đã sai con đến thế gian, con cũng sai chúng vào thế gian như vậy” (Ga 17:17-18). Theo một nghĩa, môn đệ “được kéo vào vòng thân mật với Thiên Chúa nhờ biết dìm mình trong lời của Người. Có thể nói được rằng lời Thiên Chúa là bể tắm thanh tẩy, là sức mạnh sáng tạo thay đổi các môn đệ và làm họ thuộc về Thiên Chúa” (268). Và vì Chúa Kitô là chính Lời Thiên Chúa đã thành xác phàm (Ga 1:14), là “Chân Lý” (Ga 14:6), nên lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha, “Xin Cha thánh hóa chúng trong chân lý”, có một ý nghĩa hết sức sâu xa: “Xin Cha biến chúng nên một với Con, Đấng Kitô. Xin Cha cột chúng chặt lại với Con. Xin Cha kéo chúng vào trong Con. Vì chỉ có một linh mục trong Giao Ước Mới, là chính Chúa Giêsu Kitô” (269). Các linh mục vì thế cần lớn mạnh không ngừng trong ý thức của mình về thực tại này.

81. Tôi cũng muốn đề cập tới vị trí của lời Chúa trong đời sống những người được kêu gọi vào hàng phó tế, không những như bước cuối cùng tiến tới chức linh mục, nhưng cả như một phục vụ vĩnh viễn. Cuốn Chỉ Dẫn Đối Với Hàng Phó Tế Vĩnh Viễn có tuyên bố rằng “căn tính thần học của phó tế rõ ràng cung cấp cho ta nhiều nét trong nền linh đạo chuyên biệt này, một nền linh đạo được chủ yếu trình bày như nền linh đạo phục vụ. Mẫu mực tuyệt hảo chính là Chúa Kitô như một người tôi tớ, sống hoàn toàn để phục vụ Thiên Chúa, vì lợi ích của nhân loại” (270). Theo viễn tượng này, người ta thấy, trong các chiều kích khác nhau của thừa tác vụ phó tế, “yếu tố riêng trong linh đạo phó tế chính là lời Chúa, lời mà phó tế được kêu gọi làm người giảng giải có thẩm quyền, tin điều ông giảng, dạy điều ông tin, và sống điều ông dạy” (271). Do đó, tôi khuyên các phó tế nuôi dưỡng đời sống mình bằng việc đọc Sách Thánh một cách đầy lòng tin, đi đôi với nghiên cứu và cầu nguyện. Họ nên được dẫn khởi vào “Sách Thánh và việc giải thích đúng đắn về nó; vào mối tương quan giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền; cách riêng vào việc sử dụng Sách Thánh trong việc giảng giải, trong việc giáo lý và trong sinh hoạt mục vụ nói chung” (272).

b) Lời Chúa và các ứng viên chịu chức thánh

82. Thượng Hội Đồng gán một tầm quan trọng đặc biệt cho vai trò quyết định mà lời Chúa phải có trong đời sống thiêng liêng của các ứng viên lãnh nhận thừa tác vụ linh mục: “Các ứng viên chịu chức linh mục phải học biết yêu mến lời Chúa. Sách Thánh, do đó, phải là linh hồn của việc đào luyện thần học, và phải nhấn mạnh tới tác động qua lại không thể miễn chước giữa chú giải, thần học, linh đạo và sứ vụ” (273). Những ai đang mong mỏi lãnh thừa tác vụ linh mục đều được mời gọi bước vào mối liên hệ có tính bản thân sâu sắc đối với lời Chúa, nhất là trong việc đọc lời Chúa (lectio divina), để mối liên hệ này, ngược lại, sẽ nuôi dưỡng ơn gọi của họ: Chính trong ánh sáng và sức mạnh của lời Chúa mà ơn gọi chuyên biệt của ta được biện phân và trân quí, yêu mến và bước theo, mà sứ vụ riêng của ta được thực thi, qua việc nuôi dưỡng tâm hồn ta bằng tư tưởng của Chúa, ngõ hầu đức tin, như lời đáp trả của ta đối với lời Chúa, trở nên tiêu chuẩn mới để phán đoán và đánh giá con người cũng như sự vật, biến cố cũng như vấn đề (274).

Một lưu tâm như thế đối với việc đọc Thánh Kinh một cách đầy cầu nguyện, bất cứ cách nào, cũng không được dẫn tới một lưỡng phân đối với việc học tập chú giải vốn là một phần trong diễn trình đào luyện. Thượng Hội Đồng khuyên nên giúp các chủng sinh để họ nhìn thấy mối tương quan giữa việc học hỏi về Thánh Kinh và việc cầu nguyện bằng Thánh Kinh. Học hỏi về Thánh Kinh phải dẫn tới một ý thức lớn hơn về mầu nhiệm mạc khải thánh và phát huy một thái độ đáp trả trong cầu nguyện với Chúa là Đấng đang nói với ta. Ngược lại, một đời sống cầu nguyện chân chính nhất định sẽ nuôi dưỡng trong tâm hồn các ứng viên một niềm khát khao biết Chúa nhiều hơn, Đấng đã dùng lời của Người mà tự mạc khải như tình yêu vô hạn. Do đó, phải thận trọng hết sức để bảo đảm rằng các chủng sinh luôn luôn vun sới tính hỗ tương ấy giữa việc học hỏi và việc cầu nguyện trong đời sống họ. Để đạt được mục tiêu này, cần phải dẫn nhập các ứng viên vào việc học hỏi Sách Thánh bằng các phương pháp thiên về phương thức tổng hợp này.

c) Lời Chúa và đời sống tận hiến

83. Đối với đời sống tận hiến, trước nhất Thượng Hội Đồng nhắc nhở rằng đời sống ấy “phát sinh từ việc nghe lời Chúa và chấp nhận Tin Mừng làm qui luật sống” (275). Một đời sống tận hiến cho việc bước theo Chúa Kitô trong đức thanh tịnh, khó nghèo và vâng lời, do đó, trở thành “một cuộc chú giải lời Chúa cách sống động” (276). Chúa Thánh Thần, mà trong Người Sách Thánh đã được viết ra, cũng là một Chúa Thánh Thần đã soi sáng “lời Chúa bằng một ánh sáng mới cho các vị sáng lập nam nữ. Mọi đặc sủng và mọi qui luật đều nẩy sinh từ nó và tìm cách diễn tả nó” (277), do đó, đã mở ra những nẻo đường mới cho lối sống Kitô giáo đánh dấu bằng tính triệt để của Tin Mừng.

Ở đây, tôi muốn nhắc tới điều này là truyền thống vĩ đại của đan viện luôn coi việc suy niệm lời Chúa là một phần chủ yếu trong linh đạo chuyên biệt của mình, nhất là dưới hình thức đọc lời Chúa (lectio divina). Hiện nay cũng thế, cả biểu thức cũ lẫn biểu thức mới của việc tận hiến chuyên biệt đều được kêu gọi trở thành trường dạy cách sống liêng thiêng chân chính, nơi Sách Thánh được đọc theo Chúa Thánh Thần trong lòng Giáo Hội, vì lợi ích của toàn thể Dân Chúa. Do đó, Thượng Hội Đồng khuyên các cộng đồng sống đời tận hiến luôn dự trù việc giảng dạy vững chắc về cách đọc Sách Thánh trong đức tin (278).

Một lần nữa, tôi muốn nhắc lại sự ân cần và lòng biết ơn mà Thượng Hội Đồng đã phát biểu đối với các hình thức sống chiêm niệm mà đặc sủng chuyên biệt là dành phần lớn ngày sống cho việc bắt chước Mẹ Thiên Chúa, Đấng đã chuyên chăm suy gẫm lời nói và việc làm của Con mình (xem Lc 2:19, 51) và Maria làng Bêtania, người đã ngồi dưới chân Chúa và chăm chú lắng nghe lời Người (xem Lc 10:38). Tôi nghĩ cách riêng tới các đan sĩ và nữ tu dòng kín, những người nhờ cách biệt với thế gian đã được kết hợp mật thiết hơn với Chúa Kitô, trái tim của thế giới. Hơn bao giờ hết, Giáo Hội cần nhiều chứng nhân nam nữ quyết tâm “không đặt điều gì trước tình yêu Chúa Kitô” (279). Thế giới ngày nay thường quá ngụp lặn trong các sinh hoạt bên ngoài đến liều mình mất hết hướng đi. Các tu sĩ chiêm niệm nam nữ, qua đời sống cầu nguyện, chăm chú lắng nghe và suy niệm lời Chúa của mình, nhắc nhở ta rằng con người không chỉ sống nguyên bởi cơm bánh mà còn bằng mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (xem Mt 4:4). Như thế, mọi tín hữu nên ý thức cách rõ ràng rằng hình thức sống này “cho thế giới ngày nay thấy rõ điều gì là điều quan trọng nhất, đúng ra, là điều duy nhất cần thiết: chỉ có một lý do tối hậu làm cho đời sống đáng sống, đó là Thiên Chúa và tình yêu khôn lường của Người” (280).

d) Lời Chúa và người giáo dân

84. Thượng Hội Đồng hay nói tới giáo dân và cám ơn họ về hoạt động quảng đại của họ trong việc loan truyền Tin Mừng trong nhiều khung cảnh của cuộc sống hàng ngày, tại nơi làm việc và tại học đường, trong gia đình và trong môi trường giáo dục (281). Vốn bắt nguồn từ Phép Rửa, trách nhiệm này cần được khai triển qua lối sống Kitô Giáo mỗi ngày một ý thức hơn, một lối sống có khả năng “giải thích được lý do của niềm hy vọng” trong ta (xem 1Pr 3:15). Trong Tin Mừng Thánh Mátthêu, Chúa Giêsu chỉ rõ rằng “cánh đồng là thế giới, còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời” (13:38). Những lời này áp dụng một cách đặc biệt cho hàng ngũ giáo dân Kitô Giáo, những người sống thực ơn gọi chuyên biệt nên thánh của họ bằng một cuộc sống trong Chúa Thánh Thần, được phát biểu “cách đặc biệt qua việc họ dấn thân vào việc thế sự và tham gia các sinh hoạt trần thế” (282). Cần phải huấn luyện để người giáo dân biện phân được ý Chúa qua việc làm quen với lời của Người, được đọc và học tập trong Giáo Hội dưới sự hướng dẫn của các mục tử hợp pháp của Giáo Hội. Họ có thể nhận được sự huấn luyện này trong các trường linh đạo lớn của Giáo Hội, tất cả các trường này đều đặt cơ sở trên Sách Thánh. Bất cứ ở đâu có thể, các giáo phận cũng nên tạo cơ hội để liên tục huấn luyện các giáo dân đang được trao phó các trách nhiệm chuyên biệt trong Giáo Hội (283).

e) Lời Chúa, hôn nhân và gia đình

85. Thượng Hội Đồng cũng cảm thấy cần phải nhấn mạnh mối tương quan giữa lời Chúa, hôn nhân và gia đình Kitô hữu. Thực thế, “với việc công bố lời Chúa, Giáo Hội cho gia đình Kitô hữu thấy căn tính đích thực của nó, nó là gì và nó phải là gì để phù hợp với kế hoạch của Chúa (284). Thành thử, không bao giờ quên rằng lời Chúa nằm ở chính nguồn gốc của hôn nhân (xem St 2:24) và chính Chúa Giêsu đã biến hôn nhân thành một trong các định chế của Vương Quốc Người (xem Mt 19:4-8), nâng lên hàng bí tích một điều vốn được khắc ghi trong bản chất con người ngay từ thuở ban đầu. “Khi cử hành bí tích, người đàn ông và người đàn bà nói lên lời tự hiến cho nhau đầy tính tiên tri, tức lời nên ‘một thân xác’, vốn là dấu chỉ mầu nhiệm kết hợp của Chúa Kitô với Giáo Hội (xem Eph 5:31-32)” (285). Lòng trung thành với lời Chúa khiến chúng ta quả quyết rằng ngày nay, định chế này đang bị não trạng hiện đại tấn công nhiều cách. Đứng trước sự mơ hồ lẫn lộn khá phổ quát ngày nay trong lãnh vực cảm giới, và việc xuất hiện lối suy nghĩ nhằm tầm thường hóa thân xác con người và sự dị biệt giới tính, lời Chúa tái khẳng định sự tốt lành nguyên thủy của con người, được dựng nên có nam có nữ và được mời gọi bước vào một tình yêu trung thành, hỗ tương và sinh nhiều hoa trái.

Mầu nhiệm hôn nhân vĩ đại chính là nguồn suối sinh ra trách nhiệm chủ yếu mà cha mẹ phải có đối với con cái. Một phần của vai trò làm cha mẹ cách chân chính là chuyển giao và làm chứng cho ý nghĩa sống trong Chúa Kitô: qua lòng trung thành của mình và sự hợp nhất của cuộc sống gia đình, vợ chồng là những người đầu hết công bố lời Chúa cho con cái. Cộng đồng Giáo Hội phải nâng đỡ và trợ giúp họ trong việc cổ vũ cầu nguyện trong gia đình, chăm chú nghe lời Chúa và học biết Thánh Kinh. Để đạt được mục tiêu này, Thượng Hội Đồng thúc giục mọi gia hộ nên có một cuốn Sách Thánh, đặt tại một nơi xứng đáng và dùng để đọc và cầu nguyện. Bất cứ sự trợ giúp nào cần tới trong phạm vi này đều có thể được các linh mục, phó tế và các giáo dân có huấn luyện đàng hoàng cung cấp. Thượng Hội Đồng cũng khuyến cáo việc thành lập các cộng đoàn gia đình nho nhỏ làm nơi vun sới việc cầu nguyện chung và suy niệm các đoạn Thánh Kinh (286). Các cặp vợ chồng cũng nên nhớ điều này: “lời Chúa là một nâng đỡ quí giá giữa các gian nan thử thách xẩy ra trong cuộc sống hôn nhân và cuộc sống gia đình” (287).

Ở đây, tôi muốn làm nổi bật các khuyến cáo của Thượng Hội Đồng liên quan tới vai trò của phụ nữ đối với lời Chúa. Ngày nay, hơn hẳn quá khứ, “thiên tài nữ giới” (288), nói theo kiểu nói của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã và đang đóng góp lớn lao vào việc hiểu Thánh Kinh và vào toàn bộ đời sống Giáo Hội, và đây cũng là trường hợp đang xẩy ra cho lãnh vực nghiên cứu Sách Thánh. Thượng Hội Đồng lưu ý đặc biệt tới vai trò không thể thiếu của phụ nữ trong gia đình, trong giáo dục, trong giáo lý và thông truyền các giá trị. “Họ có một năng khiếu dẫn dắt người ta nghe lời Chúa, vui hưởng mối liên hệ bản thân với Thiên Chúa, và cho thấy ý nghĩa tha thứ và chia sẻ theo tinh thần Tin Mừng” (289). Họ cũng là các sứ giả của yêu thương, khuôn mẫu lòng từ nhân và là những người kiến tạo hòa bình; họ thông truyền cho ta sự ấm áp và tình nhân đạo trong một thế giới thường hay quá phán đoán người ta theo các tiêu chuẩn tàn bạo của bóc lột và lợi nhuận.

Việc đọc Sách Thánh một cách như cầu nguyện và lối đọc “Lectio Divina”

86. Thượng Hội Đồng thường hay nhấn mạnh tới việc cần phải có một cách tiếp cận như cầu nguyện đối với bản văn thánh, coi việc này như yếu tố căn bản cho đời sống thiêng liêng của mọi tín hữu, có mặt trong các thừa tác vụ và bậc sống khác nhau, với sự đặc biệt nhắc tới lối đọc “lectio divina” (290). Lời Chúa nằm ở nền tảng mọi nền linh đạo Kitô Giáo đúng nghĩa. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng do đó đã tiếp nhận các lời sau đây của Hiến Chế Tín Lý “Lời Chúa”: “Hãy để người tín hữu hân hoan đi tới với chính bản văn thánh, bất kể trong phụng vụ thánh, là phụng vụ đầy lời Chúa, hay khi đọc sách thiêng liêng hoặc khi làm những thao tác thích đáng và những hình thức trợ giúp khác, những trợ giúp hiện đang hết sức phổ quát khắp nơi trong thời đại ta, với sự chuẩn y và hướng dẫn của các mục tử Giáo Hội. Tuy nhiên, họ hãy nhớ rằng việc cầu nguyện luôn nên đi đôi với việc đọc Sách Thánh” (291). Công Đồng, do đó, đã tìm cách biến thành của mình truyền thống giáo phụ cao cả luôn khuyến khích người ta tiếp cận Sách Thánh trong đối thoại với Thiên Chúa. Như Thánh Augustinô, chẳng hạn, quen nói rằng: “Lời cầu nguyện của anh chị em chính là lời anh chị em nói với Chúa. Khi anh chị em đọc Sách Thánh, Chúa nói với anh chị em; khi anh chị em cầu nguyện, anh chị em nói với Chúa” (292). Origen, một trong các bậc thầy vĩ đại của lối đọc sách thánh này, chủ trương rằng muốn hiểu Thánh Kinh, hơn nữa muốn nghiên cứu nó, người ta cần phải gần gũi với Chúa Kitô và cầu nguyện. Thực thế, Origen xác tín rằng cách tốt nhất để biết Chúa Kitô là bằng tình yêu, và sẽ không thể có scientia Christi (khoa học về Chúa Kitô) chân chính nếu không tăng trưởng trong tình yêu của Người. Trong Thư Gửi Grêgôriô của ông, nhà thần học trứ danh của thành Alexandria này đưa ra lời khuyên sau: “Con hãy chăm chỉ đọc Sách Thánh; hãy kiên trì làm việc đó. Hãy thực hiện việc đọc của con với ý hướng tin và làm vui lòng Chúa. Nếu trong lúc đọc, mà thấy có cánh cửa đóng, thì con hãy gõ và cửa ấy sẽ mở cho con nhờ người canh cửa mà chính Chúa Giêsu từng nói về: ‘người canh cổng sẽ mở cổng cho ông ta’. Khi chăm chỉ đọc sách thánh (lectio divina) kiểu này, con hãy siêng năng và với niềm tín thác không lay chuyển vào Chúa cố tìm hiểu ý nghĩa Sách Thánh, mà ý nghĩa trọn vẹn phần lớn khá bí ẩn. Tuy nhiên, con không nên hài lòng với việc gõ cửa và tìm kiếm: muốn hiểu sự việc của Chúa, điều tuyệt đối cần là oratio (cầu nguyện). Chính vì thế, Chúa Cứu Thế đã nói với chúng ta đừng chỉ ‘tìm thì các con sẽ thấy’ và ‘hãy gõ thì cửa sẽ mở cho các con’ nhưng còn phải ‘xin thì các con sẽ nhận được’” (293).

Tuy nhiên, về phương diện này, ta phải tránh nguy cơ của phương thức chủ nghĩa cá nhân, và phải nhớ rằng lời Chúa đã được ban cho ta chính là để xây dựng hiệp thông, để kết hợp ta trong Chân Lý theo nẻo đường của Chúa. Dù đây là lời nói đích danh với mỗi người trong chúng ta, song nó cũng là lời để xây dựng cộng đoàn, để xây dựng Giáo Hội. Cho nên, bản văn thánh phải được luôn luôn tiếp cận trong hiệp thông Giáo Hội. Thực thế, “một lối đọc Sách Thánh có tính cộng đoàn là điều cực kỳ quan trọng, vì chủ thể sống động trong Sách Thánh là Dân Chúa, là Giáo Hội… Sách Thánh không thuộc quá khứ, vì chủ thể của nó, tức Dân Chúa mà chính Người linh hứng, luôn là một và do đó lời Chúa cũng luôn sinh động nơi chủ thể sống động. Như thế, điều quan trọng là phải đọc và cảm nghiệm Sách Thánh trong hiệp thông với Giáo Hội, nghĩa là, với mọi chứng nhân vĩ đại của lời này, bắt đầu với các Cha Ông đầu hết cho tới các vị thánh của thời ta, cho tới huấn quyền hiện nay” (294).

Vì lý do đó, nơi ưu tuyển để đọc Sách Thánh theo lối cầu nguyện là phụng vụ, nhất là phụng vụ Thánh Thể, trong đó, khi ta cử hành Mình cùng Máu Chúa Kitô trong bí tích, chính lời Chúa hiện diện và hành động giữa chúng ta. Theo một nghĩa, cách đọc sách thánh theo lối cầu nguyện, cả cá nhân lẫn cộng đoàn, phải luôn luôn có liên hệ tới việc cử hành Thánh Thể. Việc thờ lạy Thánh Thể chuẩn bị cho, đi đôi với và theo sau phụng vụ Thánh Thể thế nào (295), thì việc đọc Sách Thánh theo lối cầu nguyện, cả cá nhân lẫn cộng đoàn, cũng chuẩn bị cho, đi đôi với và thâm hậu hóa điều Giáo Hội cử hành khi Giáo Hội công bố lời Chúa trong khung cảnh phụng vụ như vậy. Nhờ liên hệ lối đọc “lectio divina” với phụng vụ một cách gần gũi như thế, ta có thể nắm vững các tiêu chuẩn hướng dẫn việc thực hành này trong lãnh vực chăm sóc mục vụ và trong đời sống thiêng liêng của Dân Chúa.

87. Các tài liệu đưa ra trước và trong Thượng Hội Đồng có nhắc tới một số phương pháp tiếp cận Sách Thánh một cách đầy đức tin và nhiều hoa trái. Tuy thế, lưu ý hơn cả vẫn dành cho lối đọc “lectio divina”, là lối đọc thực sự “có khả năng mở toang các kho tàng lời Chúa cho tín hữu, nhưng cũng phát sinh ra cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, lời hằng sống của Thiên Chúa” (296). Ở đây, tôi muốn duyệt lại những bước căn bản của thủ tục này. Nó khởi đầu bằng việc đọc (lectio) một bản văn, việc này dẫn ta tới ước muốn được hiểu nội dung của nó: tự nó, bản văn Sách Thánh muốn nói gì? Không đặt câu hỏi này, người ta luôn gặp nguy cơ biến bản văn thành cái cớ để không chịu đi quá chính các ý tưởng của mình. Sau đó, là suy niệm (meditatio), tức đặt câu hỏi: bản văn Sách Thánh muốn nói gì với chúng ta? Ở đây, mỗi người, trong tư cách cá nhân cũng như trong tư cách thành viên của một cộng đoàn, phải để cho mình được đánh động và thách thức. Sau phần này tới phần cầu nguyện (oratio) tức phần đặt câu hỏi: Ta phải nói gì với Chúa để đáp lại lời Người? Cầu nguyện, hoặc cầu xin, hay cầu bầu, hoặc tạ ơn và ngượi khen, là phương cách hàng đầu nhờ đó lời Chúa biến đổi ta. Cuối cùng, lối đọc “lectio divina” kết thúc bằng sự chiêm niệm (contemplatio), một giai đoạn trong đó, ta tiếp nhận như một hồng ân lối nhìn và phán đoán thực tại của Người, và tự vấn xem Chúa đang yêu cầu ta phải hồi tâm, hồi trí, thay đổi đời sống ra sao? Trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô dạy ta: “Anh em đừng đồng hình đồng dạng với thế gian, nhưng hãy biến đổi bằng một cuộc canh tân tâm trí để anh em có thể chứng tỏ được đâu là ý Chúa, đâu là điều tốt, điều chấp nhận được và là điều hoàn hảo” (12:2). Chiêm niệm nhằm mục tiêu tạo ra trong ta một lối nhìn thực tại thực sự khôn ngoan và biết biện phân, như Thiên Chúa nhìn nó, và khuôn đúc trong ta “tâm trí của Chúa Kitô” (1 Cor 2:16). Ở đây, lời Chúa xuất hiện như một tiêu chuẩn để biện phân: nó “sống động và linh hoạt, sắc hơn kiếm hai lưỡi, xuyên thấu chỗ phân chia linh hồn và thần trí, xương và tủy, và biện phân được ý nghĩ và ý hướng của trái tim” (Dt 4:12). Ta cũng nên hết sức cố gắng nhớ rằng diễn trình trong lối đọc “lectio divina” không kết thúc trước khi nó hành động (actio), tức việc nó thúc đẩy tín hữu hiến đời mình cho người khác trong tình bác ái. Ta tìm được một tổng hợp và thành toàn tuyệt diệu cho diễn trình này nơi Mẹ Thiên Chúa. Đối với mọi thành phần tín hữu, Đức Maria là khuôn mẫu của việc ngoan ngoãn chấp nhận lời Thiên Chúa, vì ngài “giữ mọi điều ấy, suy đi nghĩ lại trong tâm hồn” (Lc 2:19; xem 2:51); trong kế hoạch của Thiên Chúa, ngài tìm thấy mối liên kết sâu xa hợp nhất mọi biến cố, mọi hành động và sự vật tưởng như rời rạc (297).

Tôi cũng muốn nhắc lại điều Thượng Hội Đồng đề nghị về sự quan trọng của việc đích thân đọc Sách Thánh, cũng là một thực hành cho phép ta được hưởng ơn toàn xá hoặc cho ta hoặc cho các linh hồn đã qua đời, theo các điều kiện thường lệ của Giáo Hội (298). Tập tục ơn toàn xá (299) có ý nói tới tín lý công nghiệp bất tận của Chúa Kitô, mà Giáo Hội, trong tư cách thừa tác viên của ơn chuộc tội, được quyền ban phát và áp dụng. Nhưng nó cũng có ý nói tới việc hiệp thông các thánh và dạy ta rằng “Ở bất cứ mức độ ta kết hợp với Chúa Kitô thế nào, ta cũng kết hợp với nhau như thế, và sự sống thiêng liêng của mỗi người có thể có ích cho người khác” (300). Theo cái nhìn này, việc đọc lời Chúa nâng đỡ ta trên hành trình thống hối và trở về, giúp ta thâm hậu hóa cảm thức thuộc về Giáo Hội, và giúp ta lớn lên trong sự thân quen với lời Chúa. Như Thánh Ambrôsiô từng nói: “khi ta tiếp nhận Sách Thánh trong đức tin và đọc nó với Giáo Hội, ta bước đi một lần nữa với Chúa trong Địa Đàng” (301).

Lời Chúa và việc cầu nguyện với Đức Mẹ

88. Lưu tâm tới mối liên kết không thể nào phân ly giữa lời Chúa và Đức Maria Thành Nadarét, cùng với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, tôi khẩn khoản yêu cầu để việc cầu nguyện với Đức Mẹ được khuyến khích nơi tín hữu, nhất là trong đời sống gia đình, vì đây là một trợ giúp để ta suy niệm các mầu nhiệm thánh trong Sách Thánh. Thí dụ, trợ giúp hữu ích nhất chính là việc đọc riêng hay đọc chung Kinh Mân Côi (302) là kinh suy đi nghĩ lại các mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Kitô trong sự kết hợp với Đức Mẹ (303), và là kinh Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II muốn làm phong phú thêm bằng các mầu nhiệm sự sáng (304). Điều thích hợp là khi tuyên đọc từng mầu nhiệm, ta nên kèm theo một đoạn Sách Thánh ngắn liên quan tới mầu nhiệm ấy, để khuyến khích việc học thuộc lòng các đoạn Sách Thánh ngắn có liên quan tới các mầu nhiệm về cuộc đời Chúa Kitô.

Thượng Hội Đồng cũng khuyến cáo rằng tín hữu nên được khuyến khích đọc kinh Truyền Tin. Kinh này, vừa đơn giản vừa sâu sắc, giúp ta “hàng ngày tưởng niệm mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể” (305). Việc Dân Chúa, các gia đình cũng như các cộng đoàn sống tận hiến, trung thành với kinh kính Đức Mẹ mà theo truyền thống được đọc vào lúc mặt trời mọc, vào giữa ngọ và vào lúc mặt tời lặn này chỉ có thể là một việc làm đúng. Vì trong kinh Truyền Tin, ta xin Chúa ban cho ta, qua lời cầu bầu của Đức Mẹ, được bắt chước ngài trong việc thực thi ý Chúa và biết nghinh đón lời của Người vào cuộc sống ta. Thực hành này có thể giúp ta tăng trưởng lòng yêu mến chân chính đối với mầu nhiệm nhập thể.

Các kinh cầu nguyện thời xưa của Phương Đông Kitô Giáo nhằm chiêm niệm toàn bộ lịch sử cứu rỗi dưới ánh sáng Theotokos, Mẹ Thiên Chúa, cũng đáng được biết, được đánh giá và sử dụng. Ở đây, ta cần nhắc tới các kinh Akathist và Paraklesis. Các thánh ca ngượi khen này, được hát dưới hình thức kinh cầu (litanies) và thấm đượm đức tin của Giáo Hội và đầy qui chiếu vào Thánh Kinh, sẽ giúp tín hữu suy niệm các mầu nhiệm của Chúa Giêsu trong kết hợp với Đức Mẹ. Cách riêng, ca khúc Akathist (gọi thế vì khi hát, người ta đứng) dâng lên Mẹ Thiên Chúa, là ca khúc đại biểu cho một trong những biểu thức cao đẹp nhất của lòng sùng kính Đức Mẹ trong truyền thống Byzantine (306). Cầu nguyện bằng những lời này mở rộng tâm hồn ta và qui hướng nó về một sự bình an từ trên cao, từ Thiên Chúa, một sự bình an là chính Chúa Kitô, Đấng đã từ Đức Mẹ sinh ra để cứu chuộc chúng ta.

Lời Chúa và Đất Thánh

89. Sau khi nhớ tới Lời Thiên Chúa đã thành xác phàm trong lòng Đức Maria Thành Nadarét, giờ đây trái tim ta hướng về mảnh đất nơi mầu nhiệm cứu chuộc chúng ta đã được hình thành, và từ đó lời Thiên Chúa đã lan truyền cho đến tận cùng thế giới. Nhờ quyền lực của Chúa Thánh Thần, Ngôi Lời đã trở nên xác phàm ở một thời điểm và một nơi chốn đặc thù, tại một giải đất bên bờ Đế Quốc Rôma. Càng biết đánh giá tính đại đồng và tính độc đáo của con người Chúa Kitô, ta càng biết ơn nhìn về mảnh đất nơi Chúa Giêsu đã sinh ra, đã sống và đã hiến mạng sống cho ta. Những viên đá Chúa Cứu Chuộc ta đã dẵm lên vẫn còn mang đầy kỷ niệm của Người và tiếp tục “hô to lên” Tin Mừng của Người. Vì lý do đó, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhắc lại thuật ngữ hết sức thích hợp gọi Đất Thánh là “Tin Mừng Thứ Năm” (307). Thực quan trọng biết bao việc phải có các cộng đoàn Kitô hữu tại những nơi đó, bất chấp nhiều khó khăn hiện nay! Thượng Hội Đồng bày tỏ sự gần gũi sâu xa của mình với mọi Kitô hữu đang cư ngụ trên lãnh thổ của Chúa Giêsu và đang làm chứng cho niềm tin của họ vào Chúa Phục Sinh. Các Kitô hữu tại đó đang được kêu gọi phục vụ không những như “ngọn hải đăng của đức tin đối với Giáoo Hội hoàn vũ, mà còn như chất men hoà hợp, khôn ngoan, và quân bình trong đời sống của một xã hội theo truyền thống và hiện vẫn còn tiếp tục có đặc điểm đa nguyên, đa sắc tộc và đa tôn giáo” (308).

Ngày nay, Đất Thánh vẫn còn là mục tiêu hành hương của người Kitô hữu, một nơi để cầu nguyện và đền tội, như từng được chứng thực từ thời xa xưa bởi các tác giả như Thánh Giêrôm (309). Càng hướng mắt và lòng ta về Giêrusalem trần gian, lòng khao khát của ta càng bừng cháy đối với Giêrusalem trên trời, mục tiêu đích thực của mọi cuộc hành hương, cùng với ước mong tha thiết của ta được thấy Danh Chúa Giêsu, Danh đem lại sự cứu độ, được mọi người nhìn nhận (xem Cv 4:12).

--------------------------

PHẦN BA: LỜI CHÚA CHO THẾ GIỚI
(VERBUM MUNDO)

"Chưa có ai thấy Thiên Chúa bao giờ. Chính Con Một vốn là Thiên Chúa, Đấng ở gần tâm hồn Chúa Cha, đã tỏ cho chúng ta biết Người” (Ga 1:18)

Sứ Mệnh của Giáo Hội: Công Bố Lời Chúa cho Thế Giới

Lời Chúa đến từ Chúa Cha và trở về cùng Chúa Cha

90. Thánh Gioan đã phát biểu một cách mạnh mẽ sự nghịch lý căn bản trong đức tin của Giáo Hội. Một đàng, ngài nói rằng “chưa có ai thấy Thiên Chúa bao giờ” (Ga 1:18; xem 1 Ga 4:12). Trí tưởng tượng của ta, các ý niệm của ta hay ngôn từ của ta không hề bao giờ xác định được hay nắm được thực tại vô biên của Đấng Tối Cao. Người luôn luôn là Deus semper maior (Thiên Chúa luôn luôn cao cả). Ấy thế nhưng, Thánh Gioan cũng bảo ta rằng Ngôi Lời quả thực đã “trở nên xác phàm” (Ga 1:14). Con Một duy nhất, Đấng hằng ở với Chúa Cha, đã tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa, Đấng “chưa có ai thấy bao giờ” (Ga 1:18). Chúa Giêsu Kitô đến với chúng ta “đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1:14), để ban cho chúng ta các hồng ân ấy (xem Ga 1:17); và “từ nguồn viên mãn của Người, ta nhận được hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1:16). Trong Tự Ngôn Tin Mừng của mình, Thánh Gioan đã chiêm ngưỡng Ngôi Lời từ lúc ở với Thiên Chúa cho tới khi trở nên xác phàm và trở về cùng Chúa Cha với nhân tính của chúng ta, mà Người đã mặc lấy mãi mãi. Trong việc từ Thiên Chúa mà đến và trở về cùng Thiên Chúa này (xem Ga 13:3; 16;28; 17:8, 10), Chúa Kitô được trình bày như Đấng “nói với ta” về Thiên Chúa (xem Ga 1:18). Thực vậy, như Thánh Irênê thành Lyons từng nói, Chúa Con “là Đấng mạc khải Chúa Cha” (310). Có thể nói rằng Chúa Giêsu thành Nadarét là “người chú giải” Thiên Chúa, Đấng “chưa ai thấy bao giờ”. “Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1:15). Ở đây, ta thấy ứng nghiệm lời tiên tri Isaia về tính đầy hiệu quả của lời Chúa: như mưa và tuyết từ trời rơi xuống để tưới và làm cho trái đất ra mầu mỡ, lời Chúa cũng thế “sẽ không tay không trở về với Ta, nhưng sẽ hoàn thành điều Ta dự trù, và sẽ thịnh nở trong điều vì đó ta đã gửi lời ấy đến” (xem Is 55:10 và tiếp theo). Chúa Giêsu Kitô là chính lời dứt khoát và có hiệu quả ấy, một lời đã đến từ Chúa Cha và trở về cùng Người, hoàn toàn thực hiện được ý Người trong thế giới.

Công bố cho thế giới “Lời” của hy vọng

91. Lời Chúa đã ban xuống trên ta sự sống Thiên Chúa, một sự sống đã hiển dung khuôn mặt thế giới, làm mọi sự nên mới (xem Kh 21:5). Lời của Người làm ta dấn thân không phải chỉ như người nghe mạc khải Thiên Chúa, mà còn là sứ giả của nó nữa. Đấng Chúa Cha đã sai đến để thực hiện ý của Người (xem Ga 5:36-38; 6:38-40; 7:16-18) lôi kéo chúng ta tới Người và làm chúng ta thành một thành phần trong cuộc sống và sứ vụ của Người. Thần Khí Đấng Phuc Sinh ban cho ta sức mạnh để công bố lời Chúa khắp nơi bằng chính chứng tá cuộc sống chúng ta. Điều này đã được cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên cảm nghiệm, họ thấy lời Chúa được truyền bá nhờ giảng dạy và làm chứng (xem Cv 6:7). Ở đây, ta có thể nghĩ riêng tới cuộc đời của Tông Đồ Phaolô, người được chiếm cứ hoàn toàn bởi Chúa (xem Pl 3:12) - “Không còn phải là tôi sống nữa, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20) - và bởi sứ mạng của Người: “vô phúc cho tôi nếu tôi không công bố Tin Mừng!” (1 Cor 9:16). Thánh Phaolô biết rõ rằng điều được mạc khải nơi Chúa Kitô thực là ơn cứu rỗi cho mọi người, giải phóng họ khỏi ách nô lệ tội lỗi hầu được hưởng tự do dành cho con cái Thiên Chúa. Điều được Giáo Hội công bố cho thế giới chính là Lời của Hy Vọng (xem 1 Pr 3:15); để có thể sống trọn vẹn từng giây phút, con người cần “niềm hy vọng lớn lao” vốn là “Thiên Chúa, Đấng có khuôn mặt con người và đã “yêu ta đến tận cùng’ (Ga 13:1)” (311). Đó là lý do tại sao Giáo Hội, tự bản chất, vốn có tính truyền giáo. Ta không thể giữ riêng cho ta các lời có sự sống đời đời từng được ban cho ta nhờ cuộc gặp gỡ của ta với Chúa Giêsu Kitô: chúng được dự kiến dành cho mọi người, mọi người đàn ông và mọi người đàn bà. Mọi người ngày nay, bất luận biết hay không biết, đều cần sứ điệp này. Cũng như vào thời tiên tri Amos, xin Chúa làm trổ sinh giữa chúng ta lòng thèm khát lời Chúa (xem Am 8:11). Trách nhiệm của chúng ta là phải nhờ ơn Chúa, chuyển giao cho người khác điều chính chúng ta đã tiếp nhận được.

Lời Chúa là nguồn suối sứ mệnh của Giáo Hội

92. Thượng Hội Đồng đã mạnh mẽ tái khẳng định nhu cầu phải có một cuộc canh tân trong Giáo Hội đối với ý thức truyền giáo vốn có nơi Dân Chúa từ buổi đầu. Các Kitô hữu đầu tiên đã coi việc giảng giải có tính truyền giáo của họ như một cấp thiết bắt nguồn từ chính bản chất đức tin của họ: Thiên Chúa mà họ tin chính là Thiên Chúa của mọi người, Thiên Chúa duy nhất chân thật, Đấng đã tự mạc khải trong lịch sử Israel và sau cùng nơi Con Một của Người. Như thế, Con Một này đã đưa ra lời đáp trả mà mọi con người, cả nam lẫn nữ, vốn chờ mong trong hữu thể sâu thẳm của họ. Các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi cảm thấy rằng đức tin của họ không phải là thành phần của một truyền thống văn hóa đặc thù, khác biệt từ dân tộc này qua dân tộc khác, nhưng thay vào đó, nó thuộc lãnh vực chân lý, là điều liên quan đến mọi người như nhau.

Một lần nữa, cũng chính Thánh Phaolô đã dùng cả đời mình mà làm sáng tỏ ý nghĩa của sứ mệnh Kitô Giáo và tính phổ quát nền tảng của nó. Ở đây, ta có thể nghĩ tới đoạn Sách Tông Đồ Công Vụ liên quan tới Hội Đồng Arêôpagô ở Athêna (xem 17:16-34). Vị Tông Đồ Dân Ngoại mở cuộc đối thoại với nhiều người thuộc các nền văn hóa khác nhau vì ngài ý thức rõ rằng mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng ai cũng biết nhưng không biết rõ, Đấng mọi người đều biết, nhưng biết một cách mù mờ, thực sự đã được mạc khải trong lịch sử: “Đấng quí vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quí vị” (Cv 17:23). Trên thực tế, sự mới mẻ trong lời công bố của Kitô Giáo là thế này ta có thể nói với mọi dân tộc: “Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra. Bằng người thật. Và giờ đây, đường dẫn tới Người đã được mở ra. Tính mới lạ của sứ điệp Kitô Giáo không hệ ở một ý niệm mà là một sự kiện: Thiên Chúa đã tự tỏ mình ra” (312).

Lời Chúa và Nước Chúa

93. Thành thử, không nên coi sứ mệnh của Giáo Hội như một yếu tố tùy thích hay phụ thuộc trong đời sống Giáo Hội. Đúng hơn, nó hàm nghĩa để cho Chúa Thánh Thần hội nhập ta vào chính Chúa Kitô và do đó, chia sẻ cùng một sứ mệnh riêng của Người: “Như Cha Ta đã sai Ta, Ta cũng sai các con đi” (Ga 20:21) để chia sẻ lời Chúa bằng trọn cả đời sống ta. Chính lời Chúa đang thúc đẩy ta hướng về anh chị em chúng ta: chính lời Chúa đang soi sáng, thanh tẩy, làm ta hồi tâm; ta chỉ là đầy tớ của nó.

Như thế, ta cần khám phá ra như mới tính khẩn trương và vẻ đẹp của việc công bố lời Chúa cho Nước Chúa hiện đến, Nước mà chính Chúa Kitô đã rao giảng. Nhờ thế, ta càng hiểu rõ hơn điều, mà các Giáo Phụ biết rất rõ, là việc công bố Lời Chúa lấy Nước Chúa làm nội dung (xem Mc 1:14-15), Nước mà theo thuật ngữ đáng ghi nhớ của Origen (313), vốn là chính con người Chúa Giêsu (Autobasileia). Người ban tặng sự cứu rỗi cho mọi người thuộc mọi thời đại. Tất cả chúng ta đều nhìn nhận ánh sáng Chúa Kitô cần chiếu rọi đến bao nhiêu mọi lãnh vực của đời sống con người: gia đình, trường học, văn hóa, việc làm, việc giải trí và nhiều khía cạnh khác của đời sống xã hội (314). Đây không hẳn là vấn đề rao giảng lời an ủi, mà đúng hơn là lời làm gián đoạn, là lời mời gọi người ta trở lại và là lời mở lối cho cuộc gặp gỡ với Đấng mà nhờ Người một nhân loại mới đang nở hoa.

Mọi người đã rửa tội đều có trách nhiệm đối với việc công bố này

94. Vì toàn Dân Chúa đều là người được “sai” đi, nên Thượng Hội Đồng tái khẳng định rằng “sứ mệnh công bố lời Chúa là trách nhiệm của mọi môn đệ Chúa Giêsu Kitô căn cứ vào Phép Rửa của họ” (315). Không một người tin Chúa Kitô nào lại có thể cảm thấy mình được miễn chuẩn khỏi trách nhiệm này, một trách nhiệm vốn phát sinh từ sự kiện ta thuộc về Nhiệm Thể Chúa Kitô một cách bí tích. Phải làm sống lại một ý thức về điều ấy trong mọi gia đình, mọi giáo xứ, cộng đoàn, hiệp hội và phong trào trong Giáo Hội. Như thế, trong tư cách một mầu nhiệm hiệp thông, Giáo Hội hoàn toàn có tính truyền giáo và tùy theo bậc sống riêng của mình, mọi người đều được kêu gọi đóng góp rõ ràng vào việc công bố Chúa Kitô.

Phù hợp với sứ mệnh đặc thù của mình, các giám mục và linh mục là những người đầu tiên được kêu gọi sống một cuộc sống hoàn toàn phục vụ lời Chúa, công bố Tin Mừng, cử hành các bí tích và đào tạo tín hữu trong việc nhận thức Thánh Kinh một cách chân chính. Các phó tế cũng phải cảm thấy mình được kêu gọi hợp tác vào trách vụ phúc âm hóa này, phù hợp với sứ mệnh riêng của họ.

Trong suốt lịch sử Giáo Hội, lối sống thánh hiến vốn nổi bật trong việc minh nhiên đảm nhiệm trách vụ công bố và rao giảng lời Chúa trong công tác missio ad gentes (sai đi tới các dân tộc, tức truyền giáo) và trong nhiều hoàn cảnh hết sức khó khăn, đã luôn sẵn sàng thích ứng với các tình thế mới cũng như can đảm và mạnh dạn tiến bước vào những con đường mới mẻ để đương đầu với các thách đố mới nhằm công bố lời Chúa cách hữu hiệu (316).

Giáo dân cũng được kêu gọi thực thi vai trò tiên tri riêng của mình, một vai trò phát sinh trực tiếp từ Phép Rửa của họ, và làm chứng cho Tin Mừng trong đời sống hàng ngày, nơi họ sinh sống. Về phương diện này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng bày tỏ “lòng quí mến, biết ơn và khích lệ lớn lao nhất đối với công tác phục vụ việc phúc âm hóa mà rất nhiều tín hữu giáo dân, nhất là nữ giới nói riêng, đang cung cấp một cách quảng đại và đầy dấn thân trong các cộng đoàn của họ trên khắp thế giới, theo gương Thánh Nữ Maria Mađalêna, chứng nhân đầu hết của niềm vui Phục Sinh” (317). Thượng Hội Đồng cũng nhìn nhận với lòng biết ơn các phong trào trong Giáo Hội và nhiều cộng đoàn mới mẻ đang là một lực lượng lớn lao cho việc phúc âm hóa trong thời đại ta và là một động viên lớn cho việc khai triển thêm nhiều cách mới để công bố Tin Mừng (318).

Sự cần thiết của truyền giáo ("missio ad gentes")

95. Khi kêu gọi mọi tín hữu công bố lời Chúa, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng tái khẳng định nhu cầu cần có dấn thân dứt khoát vào việc truyền giáo, cả trong thời đại ta nữa. Giáo Hội không thể nào tự giới hạn công tác mục vụ của mình vào việc chỉ chăm sóc những người đã biết Tin Mừng của Chúa Kitô rồi. Việc vươn tay ra truyền giáo là dấu chỉ rõ ràng một cộng đoàn Giáo Hội nào đó đã trưởng thành. Các Nghị Phụ cũng nhấn mạnh rằng lời Chúa là sự thật cứu rỗi mà mọi người thuộc mọi thời đại cần được nghe. Vì lý do đó, nó cần được minh nhiên công bố. Giáo Hội phải ra đi để gặp mỗi người trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần (xem 1 Cor 2:5) và tiếp tục việc bênh vực có tính tiên tri đối với quyền và sự tự do được nghe lời Chúa của người ta, trong khi vẫn không ngừng tìm ra những phương cách hữu hiệu nhất để công bố lời Chúa, dù liều mình bị bách hại” (319). Giáo Hội cảm thấy có bổn phận phải công bố cho mọi người nam nữ lời cứu rỗi (xem Rm 1:14).

Việc công bố và việc tân phúc âm hóa

96. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, khi tiếp nhận các lời có tính tiên tri của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, đã có nhiều cách khác nhau để nhắc nhở tín hữu nhớ tới nhu cầu phải có một mùa truyền giáo mới cho toàn thể Dân Chúa (320). Ở bình minh thiên niên kỷ thứ ba, không những vẫn còn nhiều người chưa biết Tin Mừng, nhưng ngay cả một số đông Kitô hữu vẫn cần lời Chúa một lần nữa được công bố một cách đầy thuyết phục cho họ, để họ cảm nhận được một cách cụ thể sức mạnh của Tin Mừng. Nhiều anh chị em của ta “đã được rửa tội, nhưng chưa được phúc âm hóa một cách tạm đủ” (321). Trong nhiều trường hợp, có những dân tộc có thời rất phong phú về đức tin và ơn gọi, nhưng nay đang mất dần căn tính của mình vì ảnh hưởng của nền văn hóa bị thế tục hóa (322). Nhu cầu tân phúc âm hóa, một nhu cầu mà vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi cảm nhận một cách sâu xa, cần được tái khẳng định một cách dũng cảm, trong niềm chắc chắn rằng lời Chúa là lời hữu hiệu. Vốn chắc chắn về lòng trung thành với Chúa của mình, Giáo Hội không bao giờ mỏi mệt trong việc công bố tin mừng của Phúc Âm và mời gọi mọi Kitô hữu khám phá như mới sự quyến rũ trong việc theo chân Chúa Kitô.

Lời Chúa và chứng nhân Kitô hữu

97. Các chân trời mênh mông trong sứ mệnh của Giáo Hội và sự phức tạp trong tình hình ngày nay đòi phải có những cách thế mới để thông truyền lời Chúa cách hữu hiệu. Chúa Thánh Thần, Đấng chủ đạo của mọi việc phúc âm hóa, luôn hướng dẫn Giáo Hội của Chúa Kitô trong hoạt động này. Ấy thế nhưng, điều quan trọng là mọi hình thức công bố, trước nhất, phải ghi nhớ mối tương quan nội tại giữa việc thông truyền lời Chúa và việc làm chứng của Kitô hữu. Tính khả tín của việc công bố của ta tùy thuộc điều ấy. Một đàng, lời Chúa phải thông truyền mọi điều chính Chúa đã nói với ta. Đàng khác, điều không thể nào miễn chước được là bằng việc làm chứng, ta phải làm cho lời kia được khả tín, kẻo nó chỉ xuất hiện như một thứ triết lý đẹp đẽ hay một điều không tưởng, thay vì là một thực tại có thể sống và ban sự sống. Tính hỗ tương giữa lời Chúa và việc làm chứng này phản ảnh cách thế Thiên Chúa dùng để tự thông truyền chính mình qua việc nhập thể của Lời Người. Lời Chúa đến với mọi người “qua cuộc gặp gỡ và làm chứng chân chính của người trưởng thành, qua ảnh hưởng tích cực của bạn bè và trong tình đồng hành của cộng đoàn Giáo Hội” (324).

Có một tương quan gần gũi giữa lời chứng của Sách Thánh, trong tư cách tự chứng thực lời Chúa, và việc làm chứng bằng đời sống các tín hữu. Điều này bao hàm và dẫn tới điều kia. Việc làm chứng của Kitô hữu thông truyền lời đã được chứng thực trong Sách Thánh. Về phần mình, Sách Thánh giải thích việc làm chứng mà Kitô hữu được mời gọi đưa ra bằng chính cuộc sống họ. Những ai gặp được các chứng nhân khả tín của Tin Mừng như thế sẽ hiểu được rằng lời Chúa hữu hiệu biết bao đối với những ai tiếp nhận nó.

98. Trong hành động qua lại giữa chứng nhân và lời Chúa, ta hiểu được điều Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi. Trách nhiệm của ta không giới hạn vào việc gợi ra các giá trị chung cho thế giới; đúng hơn, ta cần tiến tới chỗ minh nhiên công bố lời Chúa. Chỉ bằng cách đó, ta mới trung thành với mệnh lệnh của Chúa Kitô: “Tin Mừng được các chứng nhân bằng đời sống công bố chẳng chóng thì chày cũng phải được lời của sự sống công bố. Không có việc phúc âm hóa thực sự nếu thánh danh, giáo huấn, cuộc đời, các lời hứa, Vương Quốc và mầu nhiệm Chúa Giêsu Thành Nadarét, Con Thiên Chúa, không được công bố” (325).

Sự kiện việc công bố lời Chúa đòi phải có sự làm chứng bằng đời sống là một dữ kiện vốn hiện diện một cách rõ ràng trong ý thức Kitô hữu từ buổi đầu. Chính Chúa Kitô đã là một chứng nhân trung thành và chân thực (xem Cv 1:5; 3:14), chính Người đã làm chứng cho Sự Thật (xem Ga 18:37). Ở đây, tôi muốn nhắc lại man vàn chứng từ mà chúng ta đã có hồng ân nghe được trong suốt cuộc họp của Thượng Hội Đồng. Chúng ta hết sức cảm động được nghe các câu truyện của những người sống đức tin của mình và làm chứng một cách xuất sắc cho Tin Mừng dù dưới các chế độ thù nghịch với Kitô Giáo hay trong các tình thế bị bách hại. Không hoàn cảnh nào như thế làm ta sợ hãi. Chính Chúa Giêsu đã nói cùng các môn đệ của Người: “Tôi tớ không lớn hơn chủ mình. Nếu họ bách hại Thầy, họ cũng sẽ bách hại các con” (Ga 15:20). Vì lý do này, tôi muốn cùng với toàn hể Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa một ca khúc ngượi khen vì chứng tá của nhiều anh chị em chúng ta, những người, ngay trong thời đại ta, đã hiến mạng sống mình để thông truyền sự thật về tình yêu Thiên Chúa từng được mạc khải cho ta trong Chúa Kitô chịu đóng đinh và đã sống lại. Tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn của toàn thể Giáo Hội đối với các Kitô hữu đã không lùi bước trước trở ngại và cả bách hại nữa vì Tin Mừng. Tôi cũng ôm hôn với tình âu yếm anh em sâu đậm các tín hữu của mọi cộng đồng Kitô Giáo, nhất là tại Á Châu và Phi Châu, những người hiện đang liều mạng sống của mình hay kỳ thị xã hội vì đức tin của mình. Ở đây, ta gặp tinh thần đích thực của Tin Mừng, một tinh thần từng công bố là hạnh phúc bất cứ ai chịu bách hại vì danh Chúa Giêsu Kitô (xem Mt 5:11). Làm thế rồi, một lần nữa chúng ta kêu gọi chính phủ các quốc gia hãy bảo đảm nền tự do lương tâm và nền tự do tôn giáo, cũng như khả năng được phát biểu đức tin của người ta cách công khai (326).

Lời Chúa và Việc Dấn Thân Vào Thế Giới

Phục vụ Chúa Giêsu trong “những anh em nhỏ bé nhất” (Mt 25:40)

99. Lời Chúa dõi sáng cuộc nhân sinh và khuấy động lương tâm ta để ta nhìn sâu hơn vào chính đời sống mình, lý do vì mọi lịch sử nhân bản đều nằm dưới sự phán xét của Thiên Chúa: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, và mọi thiên thần hầu hạ Người, Người sẽ ngự trên ngai vinh hiển của mình. Mọi dân tộc đều tụ họp trước nhan Người” (Mt 25:31-32).

Ngày nay, ta thường có khuynh hướng dừng lại một cách phiến diện trước sự quan trọng của giây phút đang qua, như thể nó chẳng có liên quan gì tới tương lai. Tin Mừng, trái lại, nhắc ta nhớ rằng mọi giây phút đời ta đều quan trọng và phải được sống một cách sâu đậm, với nhận thức rằng mọi người rồi ra sẽ phải tính sổ đời mình. Trong chương hai mươi lăm của Tin Mừng Thánh Mátthêu, Con Người sẽ coi bất cứ điều gì ta làm hay không làm cho “những anh em hèn mọn nhất” (xem 25:40,45) như là làm hay không làm cho chính Người: “Ta đói, các con đã cho Ta ăn, Ta khát, các con đã cho Ta uống, Ta là khách lạ, các con đã nghinh đón Ta, Ta trần truồng các con đã mặc cho Ta, Ta ốm đau các con đã thăm viếng Ta, Ta ngồi tù các con đã đến với Ta” (25:35-36). Lời Chúa đã đích thân nhấn mạnh tới nhu cầu ta phải dấn thân vào thế giới và trách nhiệm của ta trước Chúa Kitô, Chúa của lịch sử. Khi công bố lời Chúa, ta hãy khích lệ lẫn nhau làm điều tốt và cam kết phục vụ công lý, hòa giải và hoà bình.

Lời Chúa và cam kết phục vụ công lý trong xã hội

100. Lời Chúa linh hứng con người, cả nam lẫn nữ, để họ xây dựng các liên hệ dựa trên sự chính trực và công lý, và chứng thực các giá trị vĩ đại dưới mắt Thiên Chúa đối với mọi cố gắng nhằm tạo ra một thế giới công chính hơn và đáng sống hơn (327). Lời Chúa không hàm hồ chút nào khi tố cáo mọi bất công và cổ vũ sự liên đới và bình đẳng (328). Dưới ánh sáng lời Chúa, ta hãy biện phân “các dấu chỉ thời đại” hiện diện trong lịch sử, và đừng chạy trốn việc cam kết dấn thân đối với những người đang đau khổ và là nạn nhân của các hình thức vị kỷ.

Thượng Hội Đồng nhắc ta nhớ rằng dấn thân cho công lý và thay đổi thế giới là yếu tố chủ yếu của việc phúc âm hóa. Theo lời Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, ta phải “vươn tay ra và có thể nói lật nhào bằng sức mạnh của Tin Mừng các tiêu chuẩn phán đoán, các tư lợi, các khuôn mẫu tư duy, các nguồn cảm hứng và các lối sống của nhân loại đi ngược lại lời Chúa và kế hoạch cứu rỗi của Người” (329).

Vì lý do này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng muốn ngỏ một lời đặc biệt với những ai đang góp phần vào đời sống chính trị và xã hội. Việc phúc âm hóa và loan truyền lời Chúa phải linh hứng hoạt động của họ trên thế giới, vì họ đang làm việc vì ích chung thực sự bằng cách tôn trọng và cổ vũ phẩm giá mọi con người. Chắc chắn, trách nhiệm trực tiếp của Giáo Hội không phải là tạo ra một xã hội công chính hơn, dù Giáo Hội có quyền và có bổn phận can thiệp vào các vấn đề đạo đức và luân lý liên quan tới thiện ích của các cá nhân và dân tộc. Nhiệm vụ hàng đầu của tín hữu giáo dân, nhờ được đào tạo trong trường Tin Mừng, là phải trực tiếp can dự vào sinh hoạt chính trị và xã hội. Vì lý do này, Thượng Hội Đồng khuyến cáo để các tín hữu giáo dân nhận được một sự huấn luyện thích đáng về các nguyên tắc của giáo huấn xã hội của Giáo Hội (330).

101. Tôi cũng muốn kêu gọi mọi người lưu ý tới sự quan trọng của việc bảo vệ và phát huy nhân quyền của mọi con người, dựa trên luật tự nhiên vốn viết sẵn trong tâm hồn con người, là các quyền tự chúng có tính “phổ quát, bất khả xâm phạm và bất khả nhượng” (331). Giáo Hội bày tỏ niềm hy vọng rằng nhờ việc thừa nhận các quyền này, nhân phẩm sẽ được nhìn nhận một cách hữu hiệu hơn và được phát huy một cách phổ quát (332), vì nó là dấu ấn rõ rệt được Đấng Tạo Hóa khắc khi trên các tạo vật của Người, được Chúa Kitô tiếp nhận và cứu chuộc qua việc nhập thể, qua cái chết và sự sống lại của Người. Việc truyền bá lời Chúa chắc chắn sẽ tăng cường cho việc nhìn nhận và tôn trọng nhân quyền của mọi con người (333).

Công bố lời Chúa, hòa giải và hòa bình giữa các dân tộc

102. Giữa nhiều lãnh vực cần phải dấn thân, Thượng Hội Đồng khẩn thiết kêu gọi việc cổ vũ hòa giải và hòa bình. Trong bối cảnh hiện nay, hơn bao giờ hết, ta cần phải tái khám phá ra lời Thiên Chúa làm nguồn suối cho hòa giải và hòa bình, vì trong lời ấy, Thiên Chúa hòa giải mọi sự với Người (xem 2 Cor 5:18-20; Eph 1:10): Chúa Kitô “là hòa bình của ta” (Eph 2:14), là Đấng giật sập mọi bức tường chia rẽ. Một số tham luận tại Thượng Hội Đồng đã cung cấp cho ta nhiều tài liệu về các tranh chấp và căng thẳng trầm trọng và đầy bạo lực đang xẩy ra trên hành tinh ta. Có lúc, những thù nghịch này còn mang cả dáng dấp tranh chấp tôn giáo nữa. Ở đây, tôi muốn khẳng định một lần nữa rằng tôn giáo không bao giời biện minh cho bất khoan dung hay chiến tranh. Ta không thể nhân danh Chúa mà giết người! (334). Mỗi tôn giáo phải khích lệ quyền được sử dụng lý trí và cổ vũ các giá trị đạo đức biết củng cố việc sống chung dân sự.

Trung thành với công việc hòa giải được Thiên Chúa thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và sống lại, người Công Giáo cũng như mọi người thiện chí nam nữ phải cam kết trở thành điển hình của hòa giải để xây dựng cho được một xã hội công chính và hòa bình (335). Chúng ta không bao giờ được quên rằng “ở đâu lời con người trở thành bất lực vì sự thắng thế của tranh chấp bạo lực và chiến tranh, thì sức mạnh tiên tri của lời Chúa vẫn không lay chuyển, vẫn nhắc ta nhớ rằng hòa bình là điều có thể thực hiện được và chính chúng ta phải trở thành khí cụ của hòa giải và hòa bình” (336).

Lời Chúa và đức ái thực tiễn

103. Cam kết đối với công lý, hòa giải và hòa bình tìm thấy căn bản tối hậu và sự nên trọn của nó trong tình yêu đã được mạc khải cho ta nơi Chúa Kitô. Nhờ nghe các chứng từ đưa ra tại Thượng Hội Đồng, ta thấy rõ hơn mối liên kết giữa việc nghe lời Chúa một cách đầy yêu thương và việc phục vụ quên mình các anh chị em của ta; mọi tín hữu đều nên nhìn ra nhu cầu phải “diễn dịch lời ta đã nghe thành cử chỉ yêu thương, vì đây là cách duy nhất làm cho việc công bố Tin Mừng trở thành khả tín, bất chấp các yếu hèn nhân bản vốn thấy rõ nơi các cá nhân” (337). Chúa Giêsu khi sống trên trần gian này luôn làm điều tốt (xem Cv 10:38). Ngoan ngoãn lắng nghe lời Chúa trong Giáo Hội sẽ làm sống dậy “đức ái và công bình đối với mọi người, nhất là đối với người nghèo” (338). Ta không bao giờ nên quên rằng “tình yêu – caritas – luôn chứng tỏ là cần thiết, ngay trong xã hội công chính nhất… bất cứ ai muốn loại bỏ tình yêu đều là người đang chuẩn bị loại bỏ chính con người đúng nghĩa” (339). Vì thế, tôi khích lệ các tín hữu thường xuyên suy niệm ca khúc tình yêu của Thánh Tông Đồ Phaolô để nhận được ơn linh hứng từ đó: “Tình yêu thì nhẫn nại và nhân hậu; tình yêu không ghen tuông hay khoác lác; nó không tự đắc hay thô lỗ. Tình yêu không khăng khăng theo ý mình; nó không nóng giận hay nuôi hận thù; không mừng khi thấy sự gian ác nhưng vui khi thấy sự thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Tình yêu không bao giờ chấm dứt” (1 Cor 13:4-8).

Tình yêu người lân cận, vốn bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, phải thấy ta luôn dấn thân trong tư cách cá nhân và cộng đoàn Giáo Hội, cả địa phương lẫn hoàn cầu. Như Thánh Augustinô từng nói: “điều chủ yếu là phải hiểu rằng tình yêu là sự viên mãn của Lề Luật vì nó là tất cả Thánh Kinh… Bất cứ ai cho rằng mình hiểu Thánh Kinh hay bất cứ phần nào trong đó, nhưng lại không cố gắng, như một hệ luận, để tăng trưởng trong tình yêu kép, tức yêu Chúa và yêu tha nhân, thì nên hiểu rõ điều này: họ chưa thực sự hiểu sách ấy” (340).

Việc công bố lời Chúa và giới trẻ

104. Thượng Hội Đồng đặc biệt chú ý tới việc công bố lời Chúa cho thế hệ trẻ. Người trẻ vốn là các thành viên tích cực của Giáo Hội. Họ đại diện cho tương lai Giáo Hội. Ta thường gặp nơi họ sự cởi mở tự phát đối với việc nghe lời Chúa và một lòng ước mong thành thật được biết Chúa Giêsu. Tuổi trẻ là thời gian dành cho những câu hỏi chân thực và không tài nào dẹp bỏ về ý nghĩa đời người và hướng đi cho chính đời ta. Chỉ có Thiên Chúa mới đưa ra được câu trả lời chân thật cho các câu hỏi ấy. Việc quan tâm tới giới trẻ đòi ta phải can đảm và rõ ràng trong sứ điệp ta muốn công bố; ta cần giúp họ có được sự tự tin và thân quen với Sách Thánh để Sách này trở thành la bàn chỉ đường cho họ đi theo (341). Người trẻ cần các nhân chứng và thầy dạy biết cùng bước đi với họ, dạy họ biết yêu Tin Mừng và chia sẻ nó, nhất là với người đồng trang lứa, và nhờ thế trở thành các sứ giả chân chính và đáng tin cậy (342).

Lời Chúa cần được trình bày sao đó để có thể phát sinh ra các hệ luận cho ơn gọi của từng người và giúp người trẻ chọn được hướng đi cho đời họ, trong đó, có hướng đi tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa (343). Ơn gọi chân chính sống tận hiến hay làm linh mục sẽ tìm được đất mầu mỡ nhờ việc tiếp xúc đầy đức tin với lời Chúa. Một lần nữa, tôi nhắc lại lời kêu gọi mà tôi từng đưa ra vào buổi đầu triều đại giáo hoàng của tôi là hãy mở rộng cửa cho Thiên Chúa: “Nếu ta để Chúa Kitô bước vào đời ta, ta không mất gì, không mất gì, tuyệt đối không mất gì trong số những điều làm đời sống ta được tự do, tươi đẹp và vĩ đại. Không! Vì chỉ trong tình bạn này, tiềm năng lớn lao của cuộc hiện sinh nhân bản mới được tỏ lộ thực sự… Hỡi các bạn trẻ thân yêu: đừng sợ Chúa Kitô! Người không lấy mất điều gì đâu, nhưng Người cho các bạn mọi sự. Khi ta hiến mình cho Người, ta sẽ nhận lại gấp trăm. Vâng, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô – và các bạn sẽ tìm được sự sống đích thực” (344).

Việc công bố lời Chúa và di dân

105. Lời Chúa khiến ta lưu ý tới lịch sử và các thực tại đang xẩy tới. Khi xem sét sứ mệnh phúc âm hóa của Giáo Hội, Thượng Hội Đồng cũng đã quyết định đề cập tới hiện tượng phức tạp của các phong trào di dân, một hiện tượng trong mấy năm gần đây đã đạt tới một tỷ lệ chưa từng có. Vấn đề này đặt ra nhiều vấn nạn hết sức tế nhị liên quan đến an ninh các quốc gia và việc nghinh đón những người tìm nơi tị nạn hay tìm các điều kiện sống, y tế và làm việc tốt đẹp hơn. Số rất đông những người không biết gì về Chúa Kitô hay có một vốn hiểu biết về Người không đầy đủ đang định cư tại các quốc gia vốn có truyền thống Kitô Giáo. Đồng thời, nhiều người từ các quốc gia có dấu ấn đức tin Kitô Giáo sâu xa đã di cư tới các quốc gia, nơi vẫn cần phải công bố Chúa Kitô và đòi được tân phúc âm hóa. Các tình huống ấy đưa lại nhiều khả thể mới cho việc loan truyền lời Chúa. Về phương diện này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng tuyên bố rằng di dân có quyền được nghe tin mừng Phúc Âm (kerygma), một tin mừng cần được đề nghị, chứ không áp đặt. Và nếu họ là Kitô hữu, họ đòi các hình thức chăm lo mục vụ giúp họ có khả năng lớn mạnh trong đức tin và ngược lại, trở thành các sứ giả của Tin Mừng. Vì tính phức tạp của hiện tượng này, điều chủ yếu là phải động viên mọi giáo phận liên hệ để các phong trào di dân cũng được coi như một dịp may giúp ta khám phá ra các hình thức hiện diện và công bố mới. Điều cũng cần thiết là các giáo phận phải đảm bảo tới mức có thể để các anh chị em này nhận được sự nghinh đón và lưu tâm thỏa đáng, ngõ hầu, được ơn Chúa đánh động, họ có khả năng trở thành sứ giả của lời Chúa và chứng nhân của Chúa Giêsu Phục Sinh, vốn là hy vọng của thế giới (345).

Việc công bố lời Chúa và đau khổ

106. Trong lúc Thượng Hội Đồng làm việc, các Nghị Phụ cũng đã xem sét nhu cầu phải công bố lời Chúa cho tất cả những ai đang đau khổ, cả về phương diện thể lý, tâm lý lẫn tâm linh. Chính trong những lúc đau khổ, các câu hỏi tối hậu về ý nghĩa đời người mới càng được cảm nhận một cách sắc cạnh. Nếu lời lẽ con người tỏ ra câm lặng trước mầu nhiệm sự ác và đau khổ, và nếu xã hội ta tỏ ra chỉ trân quí sự sống khi nó tương hợp với một số tiêu chuẩn như có hiệu năng hay mang lại hạnh phúc, thì lời Chúa giúp ta thấy rằng ngay những giây phút (đau khổ) này cũng được tình yêu Thiên Chúa “vỗ về”. Đức tin phát sinh từ cuộc gặp gỡ với lời Chúa sẽ giúp ta hiểu ra rằng sự sống nhân bản đáng được sống trọn vẹn, ngay lúc nó yếu đi vì bịnh hoạn và đau đớn. Thiên Chúa dựng nên ta để ta hạnh phúc và để ta sống, trong khi đó, bịnh hoạn và chết chóc bước vào thế giới này là do hậu quả của tội (xem Kn 2:23-24). Ấy thế nhưng Cha sự sống là thầy thuốc tuyệt hảo của nhân loại, và Người không ngừng cúi mình một cách trìu mến trên nhân loại đau khổ. Ta chiêm ngưỡng đỉnh cao việc Thiên Chúa gần gũi với các đau khổ của ta trong chính Chúa Giêsu: “ Lời nhập thể. Người đau khổ và chết cho ta. Bằng sự thống khổ và cái chết của Người, Người lãnh lấy sự yếu hèn của ta cho Người và hoàn toàn biến đổi nó” (346).

Sự gần gũi của Chúa Giêsu với người đau khổ có tính thường hằng: nó kéo dài trong thời gian nhờ hành động của Chúa Thánh Thần trong sứ mệnh của Giáo Hội, trong lời Chúa và trong các bí tích, nơi những con người thiện chí, cả nam lẫn nữ, và trong các sáng kiến bác ái được thực thi bằng tình yêu anh em của các cộng đoàn, nhờ thế làm khuôn mặt đích thực và tình yêu Thiên Chúa được mọi người biết đến. Thượng Hội Đồng cám ơn Thiên Chúa vì các chứng tá chói sáng, đôi khi dấu ẩn, của rất nhiều Kitô hữu - gồm linh mục, tu sĩ và giáo dân - những người đã cho Chúa Kitô, vị thầy thuốc đích thực của cả hồn lẫn xác, mượn tay và vẫn tiếp tục cho Người mượn tay chân, mắt mũi và tâm hồn. Thượng Hội Đồng huấn dụ mọi người tiếp tục chăm sóc những người bịnh hoạn yếu đau và đem họ tới sự hiện diện thông ban sự sống của Chúa Giêsu trong lời Chúa và trong Thánh Thể. Nên giúp đỡ những người đau khổ để họ đọc Sách Thánh và hiểu ra rằng tình trạng của họ giúp họ có khả năng tham dự một cách đặc biệt vào sự đau khổ cứu chuộc của Chúa Kitô để cứu rỗi thế giới (xem 2 Cor 4:8-11, 14) (347).

Việc công bố lời Chúa và người nghèo

107. Sách Thánh tỏ lộ tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa đối với người nghèo và người thiếu thốn (xem Mt 25:31-46). Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng hay nói tới sự quan trọng của việc giúp đỡ các anh chị em này khả năng nghe sứ điệp Tin Mừng và cảm nghiệm được sự gần gũi của các mục tử và cộng đoàn của họ. Thực thế, “người nghèo là những người trước hết có quyền được nghe công bố Tin Mừng; họ cần không những cơm bánh, mà còn là các lời hằng sống” (348). Phó tế phục vụ bác ái, một thừa tác vụ không bao giờ được thiếu trong các giáo hội của ta, phải luôn gắn bó với việc công bố lời Chúa và cử hành các mầu nhiệm thánh (349). Ấy thế nhưng, ta cũng cần nhìn nhận và đánh giá sự kiện này là người nghèo chính là các tác nhân của phúc âm hóa. Trong Thánh Kinh, người nghèo thực sự là người hoàn toàn phó thác vào Thiên Chúa; trong Tin Mừng, Chúa Giêsu gọi họ là người có phúc, “vì Nước Trời là của họ” (Mt 5:3; xem Lc 6:20). Chúa đề cao tâm hồn đơn thành của những ai tìm thấy nơi Thiên Chúa các kho tàng đích thực, đặt hy vọng nơi Người, chứ không nơi những sự việc đời này. Giáo Hội không thể làm người nghèo thất vọng: “Các mục tử được kêu gọi lắng nghe họ, học hỏi nơi họ, hướng dẫn họ trong đức tin của họ và khuyến khích họ lãnh trách nhiệm đối với đời sống họ” (350).

Giáo Hội cũng biết rằng sự nghèo khó có thể hiện hữu như một nhân đức, một nhân đức cần được vun sới và tự do chọn lấy, như man vàn thánh nhân đã làm. Nghèo khó cũng có thể hiện hữu như một thiếu thốn (indigence), thường phát sinh do bất công hay vị kỷ, biểu hiệu rõ rệt trong đói khát và túng thiếu, và như một nguồn của tranh chấp. Trong việc công bố lời Chúa, Giáo Hội biết rằng “một vòng tròn nhân đức” phải được cổ vũ giữa sự nghèo khó tự ý chọn và sự nghèo khó cần bị đánh bại; ta cần tái khám phá ra “sự tiết chế và tình liên đới, những giá trị của Tin Mừng đồng thời có tính phổ quát… Điều này khiến ta đưa ra các quyết định có tính hợp công lý và điều độ” (351).

Việc công bố lời Chúa và việc bảo vệ sáng thế

108. Dấn thân vào thế giới, như đã được lời Chúa đòi hỏi, khiến ta nhìn bằng con mắt mới toàn vũ trụ đã được tạo dựng, một vũ trụ đầy các dấu vết của lời mà qua đó mọi vật đã được dựng nên (xem Ga 1:2). Trong tư cách những con người nam nữ tin vào và công bố Tin Mừng, ta có trách nhiệm đối với tạo vật. Mạc khải giúp ta biết kế hoạch Thiên Chúa dành cho vũ trụ, nhưng nó cũng dẫn ta tới việc tố giác thái độ lầm lẫn kia từ khước không chịu nhìn mọi thực tại tạo dựng như là phản ảnh của Đấng Tạo Hóa, mà thay vào đó, chỉ là vật chất thô sơ cần khai thác không hề kiêng dè. Con người như thế thiếu hẳn lòng khiêm nhường chủ yếu giúp họ khả năng nhận ra tạo vật như hồng phúc Chúa ban, hồng phúc mà ta phải tiếp nhận và sử dụng phù hợp với kế hoạch của Người. Thay vào đó, sự ngạo mạn của con người nhân bản sống “như thể Thiên Chúa không hiện hữu” dẫn họ tới việc khai thác và làm biến dạng khuôn mặt thiên nhiên, không coi nó như công trình do bàn tay của lời sáng tạo làm nên. Trong ngữ cảnh thần học này, tôi muốn nhắc lại tuyên bố của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng. Các vị muốn nhắc nhở ta rằng: “chấp nhận lời Chúa, lời được Sách Thánh và Truyền Thống sống động của Giáo Hội chứng thực, làm phát sinh ra một cách nhìn sự vật thật mới mẻ, cổ vũ một sinh thái chân chính, một sinh thái bắt rễ sâu trong việc vâng phục của đức tin… [và] khai triển ra một nhạy cảm thần học đổi mới đối với sự tốt lành của mọi vật, vốn được tạo nên trong Chúa Kitô” (352). Ta cần được cải huấn trong sự thán phục và trong khả năng biết nhận ra vẻ đẹp vốn được biểu lộ trong các thực tại tạo dựng (353).

Lời Chúa và Văn Hóa

Giá trị của văn hóa đối với đời sống nhân loại

Lời công bố của Thánh Gioan rằng Ngôi Lời đã thành xác phàm cho ta thấy mối liên kết không thể phân rẽ giữa lời Chúa và lời con người mà Người dùng để thông đạt với ta. Trong ngữ cảnh này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã xem sét mối tương quan giữa lời Chúa và văn hóa. Thiên Chúa không tự mạc khải Người cách trừu tượng, nhưng bằng cách sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh và lối phát biểu vốn gắn bó với nhiều nền văn hóa khác nhau. Mối tương quan này đã chứng tỏ là nhiều hoa trái, như lịch sử Giáo Hội đã chứng thực một cách phong phú. Ngày nay, nó đang đi vào một giai đoạn mới nhờ việc lan truyền Tin Mừng và việc Tin Mừng bén rễ bên trong các nền văn hóa khác nhau, cũng như do nhiều phát triển gần đây trong nền văn hóa Tây Phương. Trước nhất, nó đòi phải có sự thừa nhận tầm quan trọng của văn hóa đúng nghĩa đối với cuộc sống mọi người, nam cũng như nữ. Trong nhiều khía cạnh khác nhau của nó, hiện tượng văn hóa là một dữ kiện chủ yếu của kinh nghiệm nhân bản. “Con người luôn sống theo nền văn hóa riêng của họ, và nền văn hóa này ngược lại tạo ra giữa nhiều con người một sợi dây liên kết riêng của họ, một sợi dây xác định ra đặc điểm liên nhân bản và xã hội cho cuộc hiện sinh nhân bản” (354).

Qua các thế kỷ, lời Chúa luôn linh hứng các nền văn hóa khác nhau, làm phát sinh ra các giá trị luân lý nền tảng, các biểu thức nghệ thuật xuất chúng và các lối sống điển hình (355). Do đó, khi nhìn vào cuộc gặp gỡ đổi mới giữa Thánh Kinh và văn hóa, tôi muốn trấn an tất cả những ai đang là thành phần của thế giới văn hóa rằng họ không có chi phải sợ trước sự cởi mở của lời Chúa, một sự cởi mở không bao giờ tiêu diệt nền văn hóa đích thực, nhưng đúng hơn, là một kích thích không thôi trong việc tìm ra các hình thức phát biểu thích hợp hơn, có ý nghĩa và nhân đạo hơn. Mọi nền văn hóa chân chính, nếu thực sự để phục vụ nhân loại, đều phải cởi mở đối với tính siêu việt và sau cùng, đối với Thiên Chúa.

Thánh Kinh, qui tắc vĩ đại cho các nền văn hóa

109.Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh nhiều tới sự quan trọng của việc cổ vũ một nhận thức thích đáng về Thánh Kinh nơi những người dấn thân trong lãnh vực văn hóa, cả trong các ngữ cảnh thế tục và nơi những người không có tín ngưỡng (356). Sách Thánh chứa đựng nhiều giá trị nhân học và triết học vốn gây ảnh hưởng tích cực đối với nhân loại như một toàn thể (357). Cảm thức coi Thánh Kinh như qui tắc vĩ đại cho các nền văn hóa cần được phục hồi trọn vẹn.

Nhận thức Thánh Kinh trong các trường học và đại học

110. Một khung cảnh đặc thù cho cuộc gặp gỡ giữa lời Chúa và văn hóa là khung cảnh trường học và đại học. Các mục tử nên đặc biệt lưu ý đến môi trường này, cổ vũ một nhận thức sâu sắc hơn về Thánh Kinh và việc nắm vững các hệ luận văn hóa phong phú của nó cả cho thời nay nữa. Các trung tâm nghiên cứu, được các nhóm Công Giáo hỗ trợ, đang góp phần rõ rệt vào việc cổ vũ văn hóa và giáo dục, và việc này cần được thừa nhận. Việc giáo dục tôn giáo cũng không được lãng quên, và các thầy cô dạy môn này phải được huấn luyện cẩn thận. Việc giáo dục tôn giáo này thường là cơ hội duy nhất học sinh và sinh viên có được để gặp gỡ sứ điệp đức tin. Trong việc giảng dạy tôn giáo, cần phải nhấn mạnh tới nhận thức về Sách Thánh, như phương tiện để vượt qua các thành kiến cũ và mới, và giúp cho chân lý của nó được biết tốt hơn (358).

Sách Thánh trong các phát biểu nghệ thuật

111. Mối tương quan giữa lời Chúa và văn hóa tìm được biểu thức trong nhiều lãnh vực, nhất là trong nghệ thuật. Vì lý do này, truyền thống vĩ đại của cả Đông lẫn Tây đều luôn luôn quí chuộng các tác phẩm nghệ thuật được Sách Thánh linh hứng, thí dụ các nghệ thuật tạo hình và kiến trúc, văn chương và âm nhạc. Tôi cũng nghĩ tới ngôn ngữ cổ xưa được phát biểu qua ảnh tượng (icons) mà từ truyền thống Đông Phương đã từ từ truyền bá ra khắp hế giới. Cùng với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, toàn thể Giáo Hội bày tỏ sự đánh giá, lòng quí chuộng và thán phục của mình đối với các nghệ sĩ vì “say mê cái đẹp” từng rút cảm hứng từ các bản văn thánh. Họ đã đóng góp vào việc trang hoàng các nhà thờ, vào việc cử hành đức tin của ta, vào việc làm đẹp nền phụng vụ của ta và nhiều người trong số họ đã giúp biến thành khả thức (perceptible), trong thời gian và không gian, các thực tại vốn vô hình và trường cửu (359). Tôi khuyến khích các cơ quan và nhóm có khả năng cổ vũ trong Giáo Hội một sự đào tạo vững chắc cho các nghệ sĩ về phương diện Sách Thánh dưới ánh sáng truyền thống sống động và huấn quyền của Giáo Hội.

Lời Chúa và các phương tiện truyền thông xã hội

112. Nối kết với mối tương quan giữa lời Chúa và văn hóa là nhu cầu phải biết sử dụng một cách cẩn thận và thông minh các phương tiện truyền thông, cả cũ lẫn mới. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng kêu gọi ta phải có một nhận thức thích đáng về các phương tiện này; các ngài ghi nhận sự phát triển mau chóng và các bình diện tác động qua lại khác nhau của chúng, và yêu cầu phải đưa ra nhiều cố gắng hơn nữa để có được hiểu biết chuyên môn trong các bộ phận liên hệ khác nhau, nhất là trong bộ phận các phương tiện truyền thông mới, như liên mạng (internet) chẳng hạn. Giáo Hội vốn hiện diện một cách có ý nghĩa trong thế giới truyền thông đại chúng, và huấn quyền Giáo Hội, bắt đầu từ Công Đồng Vatican II, thường xuyên can thiệp vào chủ đề này (360). Khám phá ra các phương pháp mới để thông truyền sứ điệp Tin Mừng luôn là một phần của chương trình nối vòng tay lớn do các tín hữu chủ động nhằm phúc âm hóa một cách liên tục. Ngày nay, truyền thông diễn tiến nhờ một hệ thống có tính hoàn cầu, và do đó mang lại một ý nghĩa mới cho lời của Chúa Kitô: “Điều Thầy nói với các con trong bóng tối, các con hãy nói nó nơi ánh sáng; và điều các con nghe thì thầm, hãy công bố nó trên mái nhà” (Mt 10:27). Lời Chúa nên vang dội không những trong các phương tiện truyền thông in ấn, nhưng còn trong các hình thức truyền thông khác nữa (361). Vì lý do đó, cùng với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với những người Công Giáo đang thực hiện nhiều cố gắng nghiêm chỉnh nhằm cổ vũ sự hiện diện đầy ý nghĩa trong thế giới truyền thông đại chúng, và tôi yêu cầu nên có một dấn thân rộng lớn và có giá trị hơn trước đây về phương diện này (362).

Ngày nay, trong số các hình thức truyền thông đại chúng mới, ta cần nhìn nhận vai trò ngày càng lớn của liên mạng, hiện đang đại biểu cho một nghị hội mới nhằm làm cho Tin Mừng được nhiều người nghe. Ấy thế nhưng, ta cũng cần ý thức điều này: thế giới ảo (virtual world) sẽ không bao giờ có khả năng thay thế được thế giới thật, và việc phúc âm hóa sẽ chỉ có khả năng sử dụng thế giới ảo do các phương tiện truyền hông mới cung ứng để tạo ra các liên hệ có ý nghĩa nếu có thể cung ứng được một tiếp xúc có tính bản thân, là điều luôn cấp thiết. Trong thế giới liên mạng, một hệ thống giúp cho hàng tỷ hình ảnh xuất hiện trên hàng triệu màn ảnh khắp thế giới, khuôn mặt Chúa Kitô cần được nhìn thấy và tiếng Người cần được lắng nghe, vì “nếu không có chỗ dành cho Chúa Kitô, thì cũng không có chỗ dành cho con người” (363).

Sách Thánh và hội nhập văn hóa

113.Mầu nhiệm nhập thể cho ta thấy dù Thiên Chúa luôn thông đạt trong một lịch sử cụ thể, tiếp nhận qui tắc văn văn hóa dính kết trong đó, nhưng cùng một lời có thể và phải được chuyển giao trong nhiều nền văn hóa khác nhau, biến đổi các nền văn hóa này ngay từ bên trong, nhờ điều được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI gọi là phúc âm hóa các nền văn hóa (364). Như chính đức tin Kitô Giáo, lời Chúa có một đặc điểm liên văn hóa sâu sắc; nó có khả năng gặp gỡ nhiều nền văn hóa khác nhau và ngược lại, giúp các nền văn hóa này gặp gỡ nhau (365).

Ở đây, ta cũng có thể đánh giá được sự quan trọng của việc hội nhập văn hóa của Tin Mừng (366). Giáo Hội hoàn toàn xác tín rằng lời Chúa cố hữu vẫn có khả năng nói với mọi con người nhân bản trong chính ngữ cảnh văn hóa riêng của họ: “xác tín này phát sinh từ chính Sách Thánh, là Sách ngay từ Cuốn Sáng Thế, đã tiếp nhận một quan điểm phổ quát (xem St 1:27-28), sau đó vẫn duy trì quan điểm này trong lời chúc phúc hứa ban cho mọi dân tộc qua Ápraham và con cháu ông (xem St 12:3; 18:18), và củng cố nó một cách dứt khoát khi mở rộng việc công bố Tin Mừng đến ‘mọi dân tộc’” (367). Vì lý do này, không nên lẫn lộn việc hội nhập văn hóa với diễn trình thích ứng hời hợt bên ngoài, càng không nên lẫn lộn nó với chủ nghĩa chiết trung bừa bãi chỉ nhằm làm loãng tính độc đáo của Tin Mừng để được người ta chấp nhận dễ dàng hơn (368). Mẫu mực hội nhập văn hóa chân chính chính là việc nhập thể của Ngôi Lời: “Hội nhập văn hóa sẽ thực sự phản ảnh được việc nhập thể của Ngôi Lời khi một nền văn hóa, nhờ được Tin Mừng biến đổi và tái sinh, đem lại được từ truyền thống sống động của mình các phát biểu độc đáo về lối sống, lối cử hành và lối suy tư Kitô Giáo” (369), dùng làm chất men ngay trong nền văn hóa địa phương, nâng cao semina Verbi (hạt giống lời Chúa) và mọi yều tố tích cực hiện diện trong nền văn hóa ấy, do đó, mở cửa nền văn hóa ấy cho các giá trị của Tin Mừng bước vào (370).

Phiên Dịch Thánh Kinh và làm nó được nhiều người sử dụng hơn

114. Việc hội nhập văn hóa lời Chúa là một phần cấu thành ra sứ mệnh của Giáo Hội trong thế giới, và giây phút có tính quyết định trong diễn trình ấy chính là việc phổ biến Sách Thánh qua công trình phiên dịch nó sang các ngôn ngữ khác nhau. Ở đây, ta nên luôn luôn nhớ rằng công việc phiên dịch Sách Thánh đã từng được đảm nhiệm “từ thời Cựu Ước khi bản văn Hípri của Sách Thánh được phiên dịch bằng lời sang tiếng Aram (xem Nh 8:8, 12) và sau đó bằng chữ viết sang tiếng Hy Lạp. Dĩ nhiên, một bản dịch luôn luôn hơn một bản sao chép đơn thuần từ nguyên bản. Việc chuyển dịch từ ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác nhất thiết bao gồm một thay đổi ngữ cảnh văn hóa: các ý niệm không còn y hệt (identical) và các biểu tượng sẽ có một ý nghĩa khác, vì chúng xuất hiện trong bối cảnh truyền thống tư duy và lối sống khác” (371).

Tại Thượng Hội Đồng, người ta thấy rõ: một số Giáo Hội địa phương vẫn còn thiếu một bản dịch đầy đủ bộ Thánh Kinh sang ngôn ngữ riêng của họ. Biết bao người ngày nay đang đói khát lời Chúa, ấy thế mà họ vẫn chưa có “cơ hội rộng rãi sử dụng Sách Thánh” (372) như Công Đồng Vatican II ước muốn! Vì lý do này, Thượng Hội Đồng cho rằng việc quan trọng hơn cả là huấn luyện các nhà chuyên môn để họ dấn thân vào việc phiên dịch Sách Thánh sang các ngôn ngữ khác nhau (373). Tôi muốn khuyến khích việc đầu tư tài nguyện vào lãnh vực này. Cách riêng, tôi muốn khuyến cáo việc hỗ trợ công trình của Liên Hội Thánh Kinh Công Giáo nhằm mục tiêu gia tăng hơn nữa con số các bản dịch Sách Thánh và việc truyền bá chúng (374). Vì chính bản chất của một công trình như thế, nó cần được tiến hành với sự hợp tác hết sức có thể với các Hiệp Hội Thánh Kinh khác nhau.

Lời Chúa vượt trên mọi giới hạn văn hóa

115. Trong các phiên thảo luận của mình về mối tương quan giữa lời Chúa và các nền văn hóa, Cuộc Họp của Thượng Hội Đồng cảm thấy cần phải tái khẳng định một điều mà các Kitô hữu ban đầu từng cảm nghiệm ngay từ ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 2:1-2). Lời Chúa có khả năng đi vào và tìm ra biểu thức trong nhiều nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau, ấy thế nhưng cùng một lời nói ấy đã thắng vượt các giới hạn của các nền văn hóa cá biệt để tạo ra sự hiệp thông giữa nhiều dân tộc khác nhau. Lời Chúa kêu mời ta tiến về một hiệp thông mỗi lúc một bao quát hơn. “Ta vượt thoát các giới hạn trong chính cảm nghiệm của ta để bước vào thực tại thực sự phổ quát. Bước vào hiệp thông với lời Chúa, là ta bước vào hiệp thông của Giáo hội, một hiệp thông sống lời Chúa… Nó có nghĩa đi quá bên kia các giới hạn của nền văn hóa cá thể mà bước vào tính phổ quát vốn nối kết tất cả, hợp nhất tất cả, làm tất cả chúng ta nên anh chị em” (375). Việc công bố công trình của Chúa như thế luôn đòi hỏi ở ta trước tiên một cuộc xuất hành mới, để ta để lại phía sau chính các tiêu chuẩn và trí tưởng tượng hữu hạn của mình và dành chỗ cho Chúa Kitô hiện diện.

Lời Chúa và đối thoại liên tôn

Giá trị của đối thoại liên tôn

116. Giáo Hội coi phần chủ yếu trong việc công bố lời Chúa là hệ ở việc gặp gỡ, đối thoại và hợp tác với mọi người thiện chí, nhất là với tín hữu của các truyền thống tôn giáo khác nhau của nhân loại. Điều này phải diễn ra mà không có những hình thức như duy chiết trung và duy tương đối, mà là theo những đường hướng mà Tuyên Ngôn Nostra Aetate của Công Đồng Vatican II đã đưa ra và sau đó được huấn quyền của nhiều vị Giáo Hoàng khai triển (376). Ngày nay, nhịp độ hoàn cầu hóa mau chóng đã làm cho người thuộc các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau có thể tiếp xúc với nhau một cách gần gũi hơn. Điều này cho thấy một cơ hội đầy quan phòng để chứng tỏ việc tính tôn giáo chân thực có thể cổ vũ dễ dàng xiết bao các liên hệ huynh đệ phổ quát. Trong các xã hội thế tục hóa của ta hiện nay, điều rất quan trọng là các tôn giáo cần có khả năng cổ vũ được một não trạng biết coi Đấng Toàn Năng là nền tảng của mọi điều thiện, là nguồn bất tận của đời sống luân lý, và là thành lũy của cảm thức sâu xa về tình anh em phổ quát.

Thí dụ, trong truyền thống Do Thái và Kitô Giáo, người ta thấy một chứng tá cảm động về tình yêu của Thiên Chúa dành cho mọi dân tộc: trong giao ước với Nôê, Người liên kết họ trong một cái ôm hôn vĩ đại được biểu tượng bằng “vòng cung (cầu vồng) trên mây” (St 9:13, 14, 16) và, theo lời các tiên tri, Người muốn tụ tập họ thành một gia đình duy nhất (xem Is 2:2 và tiếp theo; 42:6; 66:18-21; Gr 4:2; Tv 47). Chứng cớ của sự liên kết chặt chẽ giữa mối liên hệ với Thiên Chúa và nền đạo đức học yêu thương mọi người đều được tìm thấy trong nhiều truyền thống tôn giáo lớn.

Đối thoại giữa Kitô hữu và người Hồi Giáo

117. Trong số các tôn giáo khác nhau, Giáo Hội cũng nhìn người Hồi Giáo với lòng kính trọng; họ là những người thờ lạy Thiên Chúa duy nhất (377). Họ mong đợi Ápraham và thờ phượng Thiên Chúa trên hết mọi sự bằng cầu nguyện, bố thí và ăn chay. Ta nhìn nhận rằng tryền thống Hồi Giáo bao gồm vô vàn nhân vật, biểu tượng và chủ đề trong Thánh Kinh. Nhờ các cố gắng do Đấng Đáng Kính Gioan Phaolô II khởi sự, tôi bày tỏ niềm hy vọng rằng các mối liên hệ đầy đức tin từng được thiết lập giữa các Kitô hữu và người Hồi Giáo trong nhiều năm qua sẽ tiếp tục khai triển trong tinh thần đối thoại thành thực và tôn trọng nhau (378). Trong cuộc đối thoại này, Thượng Hội Đồng yêu cầu có một suy tư sâu sắc hơn về việc tôn trọng sự sống như một giá trị nền tảng, các quyền bất khả nhượng của nam giới và nữ giới, và phẩm giá bình đẳng của họ. Căn cứ vào sự phân biệt quan trọng cần phải có giữa trật tự xã hội chính trị và trật tự tôn giáo, các tôn giáo khác nhau phải đóng góp đặc biệt vào ích chung. Thượng Hội Đồng yêu cầu các hội đồng giám mục, bất cứ khi nào thích hợp và hữu ích, cần khích lệ những cuộc gặp gỡ nhằm giúp các Kitô hữu và người Hồi Giáo đến với nhau để hiểu biết nhau hơn, ngõ hầu cổ vũ các giá trị mà xã hội đương cần cho một cuộc sống chung hòa bình và tích cực (379).

Đối thoại với các tôn giáo khác

118. Ở đây nữa, tôi cũng xin nói lên lòng kính trọng của Giáo Hội đối với các tôn giáo cổ xưa và các truyền thống tâm linh của nhiều lục địa. Các định chế này chứa đựng nhiều giá trị có thể thăng tiến một cách lớn lao sự hiểu biết nhau giữa các cá nhân và các dân tộc (380). Ta thường hay nhận ra một sự hòa hợp về giá trị cũng được phát biểu trong các sách tôn giáo của họ, như trong Phật Giáo, có việc tôn trọng sự sống, việc chiêm niệm, sự thanh tĩnh, sự đơn thành; trong Ấn Độ Giáo, có cảm thức về thánh thiêng, về hy lễ và chay tịnh; rồi trong Khổng Giáo, có các giá trị gia đình và xã hội. Chúng ta cũng hài lòng tìm thấy nơi các kinh nghiệm tôn giáo khác một quan tâm chân chính đối sự siêu việt của Thiên Chúa, được họ nhìn nhận là Đấng Hóa Công, cũng như việc tôn trọng sự sống, hôn nhân và gia đình, và một cảm thức mạnh về liên đới.

Đối thoại và tự do tôn giáo

119. Dù sao đi nữa, đối thoại cũng sẽ tỏ ra vô ích nếu nó không bao gồm lòng tôn trọng chân thực đối với mỗi con người và khả năng để họ tự do thực hành tôn giáo của họ. Bởi thế, khi khuyến khích sự hợp tác giữa các tín hữu của các tôn giáo khác nhau, Thượng Hội Đồng cũng chỉ rõ “nhu cầu phải có tự do để tuyên xưng tôn giáo của người ta, cả tư riêng lẫn nơi công cộng, và phải bảo đảm tự do lương tâm cho mọi tín hữu” (381): thực vậy, “tôn trọng và đối thoại đòi có sự hỗ tương ở mọi lãnh vực, nhất là trong lãnh vực liên quan tới các tự do căn bản, đặc biệt hơn phải kể đến tự do tôn giáo. Tôn trọng và đối thoại như thế sẽ cổ vũ hòa bình và hiểu biết nhau giữa các dân tộc” (382).

-----------------------------

KẾT LUẬN

Lời dứt khoát của Thiên Chúa

120. Để kết thúc các suy tư mà tôi vừa dùng để tìm cách thu thập và xem sét đầy đủ hơn các thành quả phong phú của Cuộc Họp Thường Lệ Lần Thứ Mười Hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa trong Đời Sống và Sứ Vụ của Giáo Hội, tôi muốn một lần nữa khuyến khích toàn thể Dân Chúa, các mục tử, các người sống đời tận hiến và các giáo dân hãy trở nên thân quen hơn với Sách Thánh. Ta không bao giờ nên quên rằng mọi nền linh đạo Kitô Giáo chân chính và sống động đều đặt căn bản trên lời Chúa được công bố, được chấp nhận, được cử hành và được suy niệm trong Giáo Hội. Mối liên hệ với lời Chúa có tính đào sâu này sẽ diễn ra một cách hào hứng hơn nếu ta biết ý thức rằng trong Sách Thánh và Truyền Thống sống động của Giáo Hội, ta đứng trước lời dứt khoát của Thiên Chúa phán trên vũ trụ và trên lịch sử.

Tự Ngôn của Tin Mừng Thánh Gioan dẫn ta tới việc suy đi nghĩ lại sự kiện này: mọi sự hiện hữu đều hiện hữu dưới dấu chỉ của Lời. Lời phát xuất thẳng từ Chúa Cha mà ra, đến cư ngụ giữa chúng ta và rồi quay về cùng Chúa Cha ngõ hầu đem theo với Người cả sáng thế vốn đã được tạo nên nơi Người và cho Người. Nay Giáo Hội đang tiến hành sứ vụ của mình trong niềm hoài mong tha thiết được thấy Lang Quân của mình mau xuất hiện cánh chung: “Thần Khí và Tân Nương nói: ‘Xin hãy đến!’” (Kh 22:17). Lòng hoài mong này không bao giờ có tính thụ động; đúng hơn, nó là lực thúc đẩy truyền giáo ra đi công bố lời Chúa, lời vốn chữa lành và cứu chuộc mọi người. Cả ngày nay nữa, Chúa Giêsu Phục Sinh cũng đang nói với ta: “Hãy đi khắp thế giới và công bố Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16:15).

Tân phúc âm hóa và một lối nghe mới

121. Như thế, thời đại ta cần phải được đánh dấu ngày một hơn bằng một lối nghe mới đối với lời Chúa và một lối tân phúc âm hóa. Phục hồi tính trung tâm của lời Chúa trong đời sống Kitô Giáo sẽ dẫn chúng ta tới việc biết đánh giá như mới ý nghĩa sâu xa nhất trong lời kêu gọi mạnh mẽ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: là theo đuổi missio ad gentes (việc truyền giáo) và mạnh bạo dấn thân vào việc tân phúc âm hóa, nhất là giữa các dân tộc nơi Tin Mừng bị lãng quên hay đang gặp dửng dưng do hậu quả của chủ nghĩa duy tục phổ quát. Xin Chúa Thánh Thần làm sống dậy sự khát khao lời Chúa, và làm trổi sinh nhiều sứ giả và nhân chứng nhiệt thành của Tin Mừng.

Theo gương vị Tông Đồ Vĩ Đại của Dân Ngoại, người đã thay đổi dòng đời của mình sau khi nghe tiếng Chúa (xem Cv 9:1-30), ta hãy nghe lời Chúa như đang nói với ta, lúc này và tại đây, lúc nào cũng đích danh. Ta được Công Vụ Tông Đồ thuật lại: Chúa Thánh Thần đặt riêng Phaolô và Barnaba cho việc công bố và truyền bá Tin Mừng (xem 13:2). Cả ngày nay nữa, Chúa Thánh Thần cũng không ngừng kêu gọi cho có những người nghe và những vị giảng thuyết lời Chúa đầy xác tín và thuyết phục.

Lời Chúa và niềm vui

122. Việc cởi mở của ta với lời Chúa càng lớn thì ta càng có khả năng nhận thức rằng cả nay nữa, mầu nhiệm Hiện Xuống vẫn đang xẩy ra trong Giáo Hội của Chúa. Thần Khí Chúa vẫn tiếp tục đổ tràn ơn phúc của Người trên Giáo Hội để hướng dẫn ta vào mọi chân lý, để cho ta thấy ý nghĩa Sách Thánh và làm ta trở thành sứ giả khả tín của lời cứu rỗi trước mặt thế giới. Như thế, ta đã trở lại với Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan. Trong lời Chúa, ta cũng đã nghe, ta cũng đã nhìn và đã đụng tới Lời ban sự sống. Nhờ ơn thánh, ta đã nghinh đón lời công bố rằng sự sống đời đời đã được mạc khải, và do đó, ta đã tiến tới việc nhận ra sự hiệp thông của ta với nhau, với những người đã đi trước chúng ta được ghi dấu bằng dấu chỉ đức tin, và với mọi người trên khắp thế giới đang nghe lời Chúa, đang cử hành Thánh Thể, và đang đem đời sống mình ra làm chứng cho tình yêu. Thánh Gioan Tông Đồ nhắc nhở ta rằng: lời công bố này đã được chia sẻ với ta để “niềm vui của ta được hoàn toàn” (1 Ga 1:4).

Cuộc hội họp của Thượng Hội Đồng giúp ta khả năng cảm nghiệm được mọi điều Thánh Gioan nói đến: việc công bố lời tạo ra hiệp thông và mang lại niềm vui. Đây là một niềm vui sâu xa bắt nguồn từ chính trung tâm sự sống Ba Ngôi và được thông truyền cho ta nơi Chúa Con. Niềm vui này là một hồng ân khôn tả mà thế giới không thể nào ban tặng được. Người ta có thể tổ chức các cuộc cử hành lễ lạc, nhưng niềm vui thì không. Theo Sách Thánh, niềm vui là hoa trái của Chúa Thánh Thần (xem Gl 5:22), Đấng giúp ta bước vào lời Chúa và giúp lời Chúa bước vào trong ta và đem lại hoa trái sự sống đời đời. Qua việc công bố lời Chúa nhờ quyền lực Chúa Thánh Thần, ta cũng muốn chia sẻ nguồn suối của niềm vui đích thực, không phải thứ niềm vui hời hợt mau qua, nhưng là niềm vui phát sinh từ việc ý thức rằng chỉ một mình Chúa Giêsu mới có lời hằng sống (xem Ga 6:68).

"Mater Verbi et Mater laetitiae" (Mẹ của Lời và Mẹ của niềm vui)

123. Tương quan chặt chẽ giữa lời Chúa và niềm vui khá hiển nhiên nơi Mẹ Thiên Chúa. Ta hãy nhớ lại lời Thánh Nữ Êlisabét: “Phúc cho người tin rằng sẽ có sự nên trọn đối với điều Chúa đã nói với họ” (Lc 1:45). Đức Maria có phúc vì ngài có đức tin, vì ngài đã tin, và trong đức tin này, ngài đã tiếp nhận Lời Chúa trong lòng mình để rồi ban Người cho thế giới. Niềm vui phát sinh từ Lời Chúa nay có thể trải dài tới tận những người, nhờ đức tin, biết để mình được lời Chúa thay đổi. Tin Mừng Luca trình bày mầu nhiệm nghe và vui này trong hai bản văn. Chúa Giêsu nói: “Mẹ và anh em tôi là những ai nghe lời Thiên Chúa và thực hành nó” (8:21). Và khi trả lời người đàn bà trong đám đông lên tiếng chúc phúc lòng đã cưu mang Người và vú đã cho Người bú, Chúa Giêsu bật mí niềm vui thực sự: “Đúng hơn phúc cho những ai nghe lời Thiên Chúa và vâng theo nó!” (11:28). Chúa Giêsu chỉ cho thấy rõ sự cao cả thực sự của Đức Maria, khiến mỗi người chúng ta có thể đạt tới được mối phúc vốn phát sinh từ việc tiếp nhận lời Chúa và đem nó ra thực hành. Tôi xin nhắc nhở mọi Kitô hữu rằng mối liên hệ bản thân và cộng đoàn của ta với Thiên Chúa tùy thuộc ở việc ta càng ngày càng thân quen với lời Chúa. Sau cùng, tôi hướng về mọi người nam nữ, kể cả những người đã rời xa Giáo Hội, đã từ bỏ đức tin hay chưa bao giờ nghe công bố ơn cứu độ. Đối với mọi người, Chúa từng nói: “Này, Ta đang đứng ngoài cửa và gõ, nếu bất cứ ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào với họ và ăn với họ, và họ sẽ ăn với Ta” (Kh 3:20).

Mong sao mọi ngày trong đời ta đều được lên khuôn bởi cuộc gặp gỡ đổi mới với Chúa Kitô, Lời của Chúa Cha đã thành Xác Phàm: Người đứng ở nguyên khởi và kết thúc, và “trong Người mọi sự đều tồn tại” (Cl 1:17).Ta hãy lặng thinh để nghe lời Chúa và suy niệm về lời ấy, để nhờ hành động của Chúa Thánh Thần, nó ở mãi trong trái tim ta và nói với ta mọi ngày trong đời Ta. Bằng cách đó, Giáo Hội sẽ luôn được canh tân và tươi trẻ trở lại, nhờ lời Chúa hiện diện mãi mãi (xem 1Pr 1:25; Is 40:8). Nhờ thế, cả chúng ta nữa sẽ bước vào cuộc đối thoại tân hôn vĩ đại vốn kết thúc Sách Thánh: “Thần Khí và Tân Nương cùng nói: ‘Xin Ngài ngự đến!’ Ai nghe, hãy nói: ‘Xin Ngài ngự đến!’ Đấng làm chứng về những điều đó phán rằng: ‘Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến’. Amen, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến” (Kh 22: 17, 20).

Ban hành tại Rôma, tại Đền Thờ Thánh Phêrô, ngày 30 tháng 9, Ngày Lễ Thánh Giêrôm, năm 2010, năm thứ 6 Triều Giáo Hoàng của tôi.


BÊNÊĐÍCTÔ XVI



[1] Cf. Propositio 1.

[2] Cf. Twelfth Ordinary General Assembly of the Synod of Bishops, Instrumentum Laboris, 27.

[3] Cf. Leo XIII, Encyclical Letter Providentissimus Deus (18 November 1893): ASS 26 (1893-94), 269-292; Benedict XV, Encyclical Letter Spiritus Paraclitus (15 September 1920): AAS 12 (1920), 385-422; PIUS XII, Encyclical Letter Divino Afflante Spiritu (30 September 1943): AAS 35 (1943), 297-325.

[4] Propositio 2.

[5] Ibid.

[6] Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 2.

[7] Ibid., 4

[8] Noteworthy among various kinds of interventions are: Paul VI, Apostolic Letter Summi Dei Verbum (4 November 1963): AAS 55 (1963), 979-995; Motu Proprio Sedula Cura (27 June 1971): AAS 63 (1971), 665-669; John Paul II, General Audience (1 May 1985): L’Osservatore Romano, 2-3 May 1985, p. 6; Address on the Interpretation of the Bible in the Church (23 April 1993): AAS 86 (1994), 232-243; Benedict XVI, Address to the International Congress held on the Fortieth Anniversary of “Dei Verbum” (16 September 2005): AAS 97 (2005), 957; Angelus (6 November 2005): Insegnamenti I (2005), 759-760. Also worthy of mention are the interventions of the Pontifical Biblical Commission, De Sacra Scriptura et Christologia (1984): Enchiridion Vaticanum 9, Nos. 1208-1339; Unity and Diversity in the Church (11 April 1988): Enchiridion Vaticanum 11, Nos. 544-643; The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993): Enchiridion Vaticanum 13, Nos. 2846-3150; The Jewish People and their Sacred Scriptures in the Christian Bible (24 May 2001): Enchiridion Vaticanum 20, Nos. 733-1150; The Bible and Morality. Biblical Roots of Christian Conduct (11 May 2008): Vatican City, 2008.

[9] Cf. Benedict XVI, Address to the Roman Curia (22 December 2008): AAS 101 (2009), 49.

[10] Cf. Propositio 37.

[11] Cf. Pontifical Biblical Commission, The Jewish People and their Sacred Scriptures in the Christian Bible (24 May 2001): Enchiridion Vaticanum 20, Nos. 733-1150.

[12] Benedict XVI, Address to the Roman Curia (22 December 2008): AAS 101 (2009), 50.

[13] Cf. Benedict XVI, Angelus (4 January 2009): Insegnamenti V, 1 (2009), 13.

[14] Cf. Relatio ante disceptationem, I.

[15] Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 2.

[16] Benedict XVI, Encyclical Letter Deus Caritas Est (25 December 2005), 1: AAS 98 (2006), 217-218.

[17] Instrumentum Laboris, 9.

[18] Nicene-Constantinopolitan Creed: DS 150.

[19] Saint Bernard of Clairvaux, Homilia super missus est, IV, 11: PL 183, 86B.

[20] Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 10.

[21] Cf. Propositio 3.

[22] Cf. Congregation for the doctrine of the faith, Declaration on the Unicity and Salvific Universality of Jesus Christ and of the Church Dominus Iesus (6 August 2000), 13-15: AAS 92 (2000), 754-756.

[23] Cf. In Hexaemeron, XX, 5: Opera Omnia V, Quaracchi 1891, pp. 425-426; Breviloquium I, 8: Opera Omnia V, Quaracchi 1891, pp. 216-217.

[24] Itinerarium mentis in Deum, II, 12: Opera Omnia V, Quaracchi 1891, pp. 302-303; cf. Commentarius in librum Ecclesiastes, Cap. 1, vers. 11; Quaestiones, II, 3: Opera Omnia VI, Quaracchi 1891, p. 16.

[25] Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 3; cf. First Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Catholic Faith Dei Filius, Chap. 2, De Revelatione: DS 3004.

[26] Cf. Propositio 13.

[27] International Theological Commission, In Search of a Universal Ethics: A New Look at the Natural Law, Vatican City, 2009, No. 39.

[28] Cf. Summa Theologiae, Ia-IIae, q. 94, a. 2.

[29] Cf. Pontifical Biblical Commission, The Bible and Morality, Biblical Roots of Christian Conduct (11 May 2008), Vatican City, 2008, Nos. 13, 32, 109.

[30] Cf. International Theological Commission, In Search of a Universal Ethics: A New Look at the Natural Law, Vatican City, 2009, No. 102.

[31] Cf. Benedict XVI, Homily during the Celebration of Terce at the Beginning of the First General Congregation of the Synod of Bishops (6 October 2008): AAS 100 (2008), 758-761.

[32] Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 14.

[33] Benedict XVI, Encyclical Letter Deus Caritas Est (25 December 2005), 1: AAS 98 (2006), 217-218.

[34] “Ho Logos pachynetai (or: brachynetai)”. Cf. Origen, Peri Archon, I, 2,8: SC 252, 127-129.

[35] Benedict XVI, Homily on the Solemnity of the Birth of the Lord (24 December 2006): AAS 99 (2007), 12.

[36] Cf. Final Message, II, 4-6.

[37] Maximus the Confessor, Life of Mary, No. 89: Testi mariani del primo millennio, 2, Rome, 1989, p. 253.

[38] Cf. Benedict XVI, Post-Synodal Apostolic Exhortation Sacramentum Caritatis (22 February 2007), 9-10: AAS 99 (2007), 111-112.

[39] Benedict XVI, General Audience (15 April 2009): L’Osservatore Romano, 16 April 2009, p.1.

[40] Id., Homily for the Solemnity of Epiphany (6 January 2009): L’Osservatore Romano, 7-8 January 2009, p. 8.

[41] Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 4.

[42] Propositio 4.

[43] Saint John of the Cross, Ascent of Mount Carmel, II, 22.

[44] Propositio 47.

[45] Catechism of the Catholic Church, 67.

[46] Cf. Congregation for the doctrine of the Faith, The Message of Fatima (26 June 2000): Enchiridion Vaticanum 19, Nos. 974-1021.

[47] Adversus Haereses, IV, 7, 4: PG 7, 992-993; V, 1, 3: PG 7, 1123; V, 6, 1: PG 7, 1137; V, 28, 4: PG 7, 1200.

[48] Cf. Benedict XVI, Post-Synodal Apostolic Exhortation Sacramentum Caritatis (22 February 2007), 12: AAS 99 (2007), 113-114.

[49] Cf. Propositio 5.

[50] Adversus Haereses, III, 24, 1: PG 7, 966.

[51] Homiliae in Genesim, XXII, 1: PG 53, 175.

[52] Epistula 120, 10: CSEL 55, 500-506.

[53] Homiliae in Ezechielem, I, VII, 17: CC 142, p. 94.

[54] “Oculi ergo devotae animae sunt columbarum quia sensus eius per Spiritum sanctum sunt illuminati et edocti, spiritualia sapientes. Nunc quidem aperitur animae talis sensus, ut intellegat Scripturas”: Richard of Saint Victor, Explicatio in Cantica Canticorum, 15: PL 196, 450B and D.

[55] Sacramentarium Serapionis II (XX): Didascalia et Constitutiones Apostolorum, ed F.X. Funk, II, Paderborn, 1906, p. 161.

[56] Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 7.

[57] Ibid., 8.

[58] Ibid.

[59] Cf. Propositio 3.

[60] Cf. Final Message II, 5.

[61] Expositio Evangelii secundum Lucam, 6, 33: PL 15, 1677.

[62] Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 13.

[63] Catechism of the Catholic Church, 102; Cf. also Rupert of Deutz, De Operibus Spiritus Sancti, I, 6: SC 131:72-74.

[64] Enarrationes in Psalmos, 103, IV, 1: PL 37, 1378. Similar statements in ORIGEN, In Iohannem V, 5-6: SC 120, pp. 380-384.

[65] Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 21.

[66] Ibid., 9.

[67] Cf. Propositiones 5 and 12.

[68] Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 12.

[69] Cf. Propositio 12.

[70] Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 11.

[71] Propositio 4.

[72] Prol: Opera Omnia V, Quaracchi 1891, pp. 201-202.

[73] Cf. Benedict XVI, Address to Representatives of the World of Culture at the “Collège des Bernardins” in Paris (12 September 2008): AAS 100 (2008), 721-730.

[74] Cf. Propositio 4.

[75] Cf. Relatio post disceptationem, 12.

[76] Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 5.

[77] Propositio 4.

[78] For example: Dt 28:1-2,15,45; 32:1; among the prophets, see: Jer 7:22-28; Ez 2:8; 3:10; 6:3; 13:2; up to the latest: cf. Zech 3:8. For Saint Paul, cf. Rom 10:14-18; 1 Th 2:13.

[79] Propositio 55.

[80] Cf. Benedict XVI, Post-Synodal Apostolic Exhortation Sacramentum Caritatis (22 February 2007), 33: AAS 99 (2007), 132-133.

[81] Id., Encyclical Letter Deus Caritas Est (25 December 2005), 41: AAS 98 (2006), 251.

[82] Propositio 55.

[83] Cf. Expositio Evangelii secundum Lucam, 2, 19: PL 15, 1559-1560.

[84] Breviloquium, Prol.: Opera Omnia, V, Quaracchi 1891, pp. 201-202.

[85] Summa Theologiae, Ia-IIae, q. 106, art. 2.

[86] Pontifical biblical commission, The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993), III, A, 3: Enchiridion Vaticanum 13, No. 3035.

[87] Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 12.

[88] Contra epistulam Manichaei quam vocant fundamenti, V, 6: PL 42, 176.

[89] Cf. BenedictXVI, General Audience (14 November 2007): Insegnamenti III 2 (2007), 586-591.

[90] Commentariorum in Isaiam libri, Prol.: PL 24, 17.

[91] Epistula 52:7: CSEL 54, p. 426.

[92] Pontifical Biblical Commission, The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993), II, A, 2: Enchiridion Vaticanum 13, No. 2988.

[93] Ibid., II, A, 2: Enchiridion Vaticanum 13, No. 2991.

[94] Homiliae in Ezechielem I, VII, 8: PL 76, 843D.

[95] Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 24; cf. Leo XIII, Encyclical Letter Providentissimus Deus (18 November 1893), Pars II, sub fine: ASS 26 (1893-94), 269-292; BenedictXV, Encyclical Letter Spiritus Paraclitus (15 September 1920), Pars III: AAS 12 (1920), 385-422.

[96] Cf. Propositio 26.

[97] Cf. Pontifical Biblical Commission, The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993), A-B: Enchiridion Vaticanum 13, Nos. 2846-3150.

[98] Benedict XVI, Intervention in the Fourteenth General Congregation of the Synod (14 October 2008): Insegnamenti IV, 2 (2008), 492; cf. Propositio 25.

[99] Id., Address to Representatives of the World of Culture at the “Collège des Bernardins” in Paris (12 September 2008): AAS 100 (2008), 722-723.

[100] Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 10.

[101] Cf. John Paul II, Address for the Celebration of the Centenary of the Encyclical Providentissimus Deus and the Fiftieth Anniversary of the Encyclical Divino Afflante Spiritu (23 April 1993): AAS 86 (1994), 232-243.

[102] Ibid., 4: AAS 86 (1994), 235.

[103] Ibid., 5: AAS 86 (1994), 235.

[104] Ibid., 5: AAS 86 (1994), 236.

[105] Pontifical Biblical Commission, The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993), III, C, 1: Enchiridion Vaticanum 13, No. 3065.

[106] No. 12.

[107] Benedict XVI, Intervention at the Fourteenth General Congregation of the Synod (14 October 2008): Insegnamenti IV, 2 (2008), 493; cf. Propositio 25.

[108] Cf. Propositio 26.

[109] Propositio 27.

[110] Benedict XVI, Intervention at the Fourteenth General Congregation of the Synod (14 October 2008): Insegnamenti IV, 2 (2008), 493; cf. Propositio 26.

[111] Cf. ibid.

[112] Ibid.

[113] Cf. Propositio 27.

[114] Benedict XVI, Intervention at the Fourteenth General Congregation of the Synod (14 October 2008): Insegnamenti IV, 2 (2008), 493-494.

[115] John Paul II, Encyclical Letter Fides et Ratio (14 September 1998), 55: AAS 91 (1999), 49-50.

[116] Cf. Benedict XVI, Address to the Fourth National Ecclesial Congress in Italy (19 October 2006): AAS 98 (2006), 804-815.

[117] Cf. Propositio 6.

[118] Cf. Saint Augustine, De libero arbitrio, III, XXI, 59: PL 32, 1300; De Trinitate, II, I, 2: PL 42, 845.

[119] Congregation for Catholic Education, Instruction Inspectis Dierum (10 November 1989), 26: AAS 82 (1990), 618.

[120] Catechism of the Catholic Church, 116.

[121] Summa Theologiae, I, q. 1, art. 10, ad 1.

[122] Catechism of the Catholic Church, 118.

[123] Pontifical Biblical Commission, The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993), II, A, 2: Enchiridion Vaticanum 13, No. 2987.

[124] Ibid., II, B, 2: Enchiridion Vaticanum 13, No. 3003.

[125] Benedict XVI, Address to Representatives of the World of Culture at the “Collège des Bernardins” in Paris (12 September 2008): AAS 100 (2008), 726.

[126] Ibid.

[127] Cf. Id., General Audience (9 January 2008): Insegnamenti IV, 1 (2008), 41-45.

[128] Cf. Propositio 29.

[129] De Arca Noe, 2, 8: PL 176, 642C-D.

[130] Cf. Benedict XVI, Address to Representatives of the World of Culture at the “Collège des Bernardins” in Paris (12 September 2008): AAS 100 (2008), 725.

[131] Cf. Propositio 10; Pontifical Biblical Commission, The Jewish People and their Sacred Scriptures in the Christian Bible (24 May 2001): Enchiridion Vaticanum 20, Nos. 748-755.

[132] Cf. Catechism of the Catholic Church, 121-122.

[133] Propositio 52.

[134] Cf. Pontifical Biblical Commission, The Jewish People and their Sacred Scriptures in the Christian Bible (24 May 2001), 19: Enchiridion Vaticanum 20, Nos. 799-801; Origen, Homily on Numbers 9, 4: SC 415, 238-242.

[135] Catechism of the Catholic Church, 128.

[136] Ibid., 129.

[137] Propositio 52.

[138] Quaestiones in Heptateuchum, 2, 73: PL 34, 623.

[139] Homiliae in Ezechielem I, VI, 15: PL 76, 836B.

[140] Propositio 29.

[141] John paul II, Message to the Chief Rabbi of Rome (22 May 2004): Insegnamenti XXVII, 1 (2004), p. 655.

[142] Cf. Pontifical Biblical Commission, The Jewish People and their Sacred Scriptures in the Christian Bible (24 May 2001), 87: Enchiridion Vaticanum 20, No. 1150.

[143] Cf. Benedict XVI, Farewell Discourse at Ben Gurion International Airport in Tel Aviv (15 May 2009): Insegnamenti, V, 1 (2009), 847-849.

[144] John Paul II, Address to the Chief Rabbis of Israel (23 March 2000): Insegnamenti XXIII, 1 (2000), 434.

[145] Cf. Propositiones 46 and 47.

[146] Pontifical Biblical Commission, The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993), I, F: Enchiridion Vaticanum 13, No. 2974.

[147] Cf. Benedict XVI, Address to Representatives of the World of Culture at the “Collège des Bernardins” in Paris (12 September 2008): AAS 100 (2008), 726.

[148] Propositio 46.

[149] Propositio 28.

[150] Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 23.

[151] It should be recalled, however, that with regard to the so-called deuterocanonical books of the Old Testament and their inspiration, Catholics and Orthodox do not have exactly the same biblical canon as Anglicans and Protestants.

[152] Cf.Relatio post disceptationem, 36.

[153] Propositio 36.

[154] Cf. Benedict XVI, Address to the Eleventh Ordinary Council of the General Secretariat of the Synod of Bishops (25 January 2007): AAS 99 (2007), 85-86.

[155] Second Vatican Ecumenical Council, Decree on Ecumenism Unitatis Redintegratio, 21.

[156] Cf. Propositio 36.

[157] Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 10.

[158] Encyclical Letter Ut Unum Sint (25 May 1995), 44: AAS 87 (1995), 947.

[159] Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 10.

[160] Ibid.

[161] Cf. ibid., 24.

[162] Cf. Propositio 22.

[163] Saint Gregory the Great,Moralia in Job XXIV, VIII, 16: PL 76, 295.

[164] Cf. Saint Athanasius,Vita Antonii, II: PL 73:127.

[165] Moralia, Regula LXXX, XXII: PG 31, 867.

[166] Rule, 73, 3: SC 182, 672.

[167] Thomas of Celano,First Life of Saint Francis, IX, 22: FF 356.

[168] Rule, I, 1-2: FF 2750.

[169] Blessed Jordan of Saxony, Libellus de principiis Ordinis Praedicatorum, 104; Monumenta Fratrum Praedicatorum Historica, Rome, 1935, 16, p. 75.

[170] Order of Friars Preacher, First Constitutions or Consuetudines, II, XXXI.

[171] Vita, 40, 1.

[172] Cf. Story of a Soul, Ms B, 254.

[173] Ibid., Ms C, 35v.

[174] In Iohannis Evangelium Tractatus, I, 12: PL 35, 1385.

[175] Encyclical Letter Veritatis Splendor (6 August 1993), 25: AAS 85 (1993), 1153.

[176] Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 8.

[177] Relatio post disceptationem, 11.

[178] No. 1.

[179] BenedictXVI, Address to the International Congress “Sacred Scripture in the Life of the Church” (16 September 2005): AAS 97 (2005), 956.

[180] Cf. Relatio post disceptationem, 10.

[181] Final Message, III, 6.

[182] Second Vatican Ecumenical Council, Constitution on the Sacred Liturgy Sacrosanctum Concilium, 24.

[183] Ibid., 7.

[184] Ordo Lectionum Missae, 4.

[185] Ibid, 9.

[186] Ibid., 3; cf. Lk 4:16-21; 24:25-35, 44-49.

[187] Second Vatican Ecumenical Council, Constitution on Sacred Liturgy Sacrosanctum Concilium, 102.

[188] Cf. Benedict XVI, Post-Synodal Apostolic Exhortation Sacramentum Caritatis (22 February 2007), 44-45: AAS 99 (2007) 139-141.

[189] Pontifical Biblical Commission, The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993) IV, C, 1: Enchiridion Vaticanum 13, No. 3123.

[190] Ibid., III, B, 3: Enchiridion Vaticanum 13, No. 3056.

[191] Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Constitution on the Sacred Liturgy Sacrosanctum Concilium, 48, 51, 56; Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 21, 26; Decree on the Missionary Activity of the Church Ad Gentes, 6, 15; Decree on the Ministry and Life of Priests Presbyterorum Ordinis, 18; Decree on the Renewal of the Religious Life Perfectae Caritatis, 6. In the Church’s great Tradition we find significant expressions such as “Corpus Christi intelligitur etiam […] Scriptura Dei” (“God’s Scripture is also understood as the Body of Christ”): Waltramus, De Unitate Ecclesiae Conservanda, 1, 14, ed. W. Schwenkenbecher, Hanoverae, 1883, p. 33; “The flesh of the Lord is true food and his blood true drink; this is the true good that is reserved for us in this present life, to nourish ourselves with his flesh and drink his blood, not only in the Eucharist but also in reading sacred Scripture. Indeed, true food and true drink is the word of God which we derive from the Scriptures”: Saint Jerome, Commentarius in Ecclesiasten, III: PL 23, 1092A.

[192] J. Ratzinger (Benedict XVI), Jesus of Nazareth, New York, 2007, 268.

[193] Ordo Lectionum Missae, 10.

[194] Ibid.

[195] Cf. Propositio 7.

[196] Encyclical Letter Fides et Ratio (14 September 1998), 13: AAS 91 (1999), 16.

[197] Cf. Catechism of the Catholic Church, 1373-1374.

[198] Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Constitution on Sacred Liturgy Sacrosanctum Concilium, 7.

[199] In Psalmum 147: CCL 78, 337-338.

[200] Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 2.

[201] Cf. Constitution on Sacred Liturgy Sacrosanctum Concilium, 107-108.

[202] Ordo Lectionum Missae, 66.

[203] Propositio 16.

[204] Benedict XVI, Post-Synodal Apostolic Exhortation Sacramentum Caritatis (22 February 2007), 45: AAS 99 (2007), 140-141.

[205] Cf. Propositio 14.

[206] Cf. Code of Canon Law, cc. 230 §2; 204 §1.

[207] Ordo Lectionum Missae, 55

[208] Ibid., 8.

[209] No. 46: AAS 99 (2007), 141.

[210] Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 25.

[211] Propositio 15.

[212] Ibid.

[213] Sermo 179, 1: PL 38, 966.

[214] Cf. Benedict XVI, Post-Synodal Apostolic Exhortation Sacramentum Caritatis (22 February 2007), 93: AAS 99 (2007), 177.

[215] Congregation for Divine Worship and the Discipline of the Sacraments, Compendium Eucharisticum (25 March 2009), Vatican City, 2009.

[216] Epistula 52, 7: CSEL 54, 426-427.

[217] Propositio 8.

[218] The Rite of Penance, 17.

[219] Ibid., 19.

[220] Propositio 8.

[221] Propositio 19.

[222] Principles and Norms for the Liturgy of the Hours, III, 15.

[223] Constitution on Sacred Liturgy Sacrosanctum Concilium, 85.

[224] Cf. Code of Canon Law, cc. 276 § 3, 1174 § 1.

[225] Cf. Code of Canons of the Eastern Churches, cc. 377; 473 § 1 and 2, 1°; 538 § 1; 881 § 1.

[226] Book of Blessings, Introduction, 21.

[227] Cf. Propositio 18; Second Vatican Ecumenical Council, Constitution on Sacred the Liturgy Sacrosanctum Concilium, 35.

[228] Cf. Benedict XVI, Post-Synodal Apostolic Exhortation Sacramentum Caritatis (22 February 2007), 745: AAS 99 (2007), 162-163.

[229] Ibid.

[230] Congregation for Divine Worship and the Discipline of the Sacraments, Directory of Popular Piety and the Liturgy, Principles and Guidelines (17 December 2001), 87: Enchiridion Vaticanum 20, No. 2461.

[231] Cf. Propositio 14.

[232] Cf. Saint Ignatius of Antioch, Ad Ephesios, XV, 2: Patres Apostolici, ed. F.X. Funk, Tubingae, 1901, I, 224.

[233] Saint Augustine, Sermo 288, 5: PL 38, 1307; Sermo 120, 2: PL 38, 677.

[234] General Instruction of the Roman Missal, 56

[235] Ibid., 45; cf.Second Vatican Ecumenical Council, Constitution on Sacred Liturgy Sacrosanctum Concilium, 30.

[236] Ordo Lectionum Missae, 13.

[237] Cf. ibid., 17.

[238] Propositio 40.

[239] Cf . General Instruction of the Roman Missal, 309.

[240] Cf. Propositio 14.

[241] Benedict XVI, Post-Synodal Apostolic Exhortation Sacramentum Caritatis (22 February 2007), 69: AAS 99 (2007), 157.

[242] Cf. General Instruction of the Roman Missal, 57.

[243] Propositio 14.

[244] Cf. Canon 36 of the Synod of Hippo, in the year 399: DS 186.

[245] Cf. John Paul II, Apostolic Letter Vicesimus Quintus Annus (4 December 1988), 13: AAS 81 (1989) 910; Congregation for Divine Worship and the Discipline of the Sacraments, InstructionRedemptionis Sacramentum (25 March 2004), 62: Enchiridion Vaticanum 22, No. 2248.

[246] Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Constitution on Sacred Liturgy Sacrosanctum Concilium, 116; General Instruction of the Roman Missal, 41.

[247] Cf. Propositio 14.

[248] Propositio 9.

[249] Epistula 30, 7: CSEL 54, p. 246.

[250] Id., Epistula 133, 13: CSEL 56, p. 260.

[251] Id., Epistula 107, 9, 12: CSEL 55, pp. 300, 302.

[252] Id., Epistula 52, 7: CSEL 54, p. 426.

[253] John PaulII, Apostolic Letter Novo Millennio Ineunte (6 January 2001), 31: AAS 93 (2001), 287-288.

[254] Propositio 30; cf. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 24.

[255] Saint Jerome, Commentariorum in Isaiam libri, Prol.: PL 24, 17B.

[256] Propositio 21.

[257] Cf. Propositio 23.

[258] Cf. Congregation for the Clergy, General Catechetical Directory (15 August 1997), 94-96; Enchiridion Vaticanum, 16, Nos. 875-878; John Paul II, Apostolic Exhortation Catechesi Tradendae (16 October 1979), 27: AAS 71 (1979), 1298-1299.

[259] Ibid., 127: Enchiridion Vaticanum 16, No. 935; cf. John Paul II, Apostolic Exhortation Catechesi Tradendae (16 October 1979), 27: AAS 71 (1979), 1299.

[260] Ibid., 128: Enchiridion Vaticanum 16, No. 936.

[261] Cf. Propositio 33.

[262] Cf. Propositio 45.

[263] Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on the Church Lumen Gentium, 39-42.

[264] Propositio 31.

[265] No. 15: AAS 96 (2004), 846-847.

[266] No. 26: AAS 84 (1992), 698.

[267] Ibid.

[268] Benedict XVI, Homily at the Chrism Mass (9 April 2009): AAS 101 (2009), 355.

[269] Ibid., 356.

[270] Congregation for Catholic Education, Fundamental Norms for the Formation of Permanent Deacons (22 February 1998), 11: Enchiridion Vaticanum 17, Nos. 174-175.

[271] Ibid., 74: Enchiridion Vaticanum 17, No. 263.

[272] Ibid., 81: Enchiridion Vaticanum 17, No. 271.

[273] Propositio 32.

[274] Cf. John Paul II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Pastores Dabo Vobis (25 March 1992), 47: AAS 84 (1992), 740-742.

[275] Propositio 24.

[276] Benedict XVI, Homily for the World Day of Consecrated Life (2 February 2008): AAS 100 (2008), 133; cf. John Paul II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Vita Consecrata (25 March 1996), 82: AAS 88 (1996), 458-460.

[277] Congregation for Institutes of Consecrated Life and for Societies of Apostolic Life, Instruction Starting Afresh from Christ: A Renewed Commitment to Consecrated Life in the Third Millennium (19 May 2002), 24: Enchiridion Vaticanum 21, No. 447.

[278] Cf. Propositio 24.

[279] Saint Benedict, Rule, IV, 21: SC 181, 456-458.

[280] Benedict XVI, Address at Heiligenkreuz Abbey (9 September 2007): AAS 99 (2007), 856.

[281] Cf. Propositio 30.

[282] John Paul II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Christifideles Laici (30 December 1988), 17: AAS 81 (1989), 418.

[283] Cf. Propositio 33.

[284] John Paul II, Post-Synodal Apostolic Exhortation Familiaris Consortio (22 November 1981), 49: AAS 74 (1982), 140-141.

[285] Propositio 20.

[286] Cf. Propositio 21.

[287] Propositio 20.

[288] Cf. Apostolic Letter Mulieris Dignitatem (15 August 1988), 31: AAS 80 (1988), 1727-1729.

[289] Propositio 17.

[290] Propositiones 9 and 22.

[291] No. 25.

[292] Enarrationes in Psalmos, 85, 7: PL 37, 1086.

[293] Origen, Epistola ad Gregorium, 3: PG 11, 92.

[294] Benedict XVI, Address to the Students of the Roman Major Seminary (19 February 2007): AAS 99 (2007), 253-254.

[295] Cf. Id., Post-Synodal Apostolic Exhortation Sacramentum Caritatis (22 February 2007), 66; AAS 99 (2007), 155-156.

[296] Final Message, III, 9.

[297] Ibid.

[298] “Plenaria indulgentia conceditur christifideli qui Sacram Scripturam, iuxta textum a competenti auctoritate adprobatum, cum veneratione divino eloquio debita et ad modum lectionis spiritalis, per dimidiam saltem horam legerit; si per minus tempus id egerit indulgentia erit partialis”: apostolic penitentiary, Enchiridion Indulgentiarum. Normae et Concessiones (16 July 1999), 30, §1.

[299] Cf. Catechism of the Catholic Church, 1471-1479.

[300] Paul VI, Apostolic Constitution Indulgentiarum Doctrina (1 January 1967): AAS 59 (1967), 18-19.

[301] Cf. Epistula 49, 3: PL 16, 1204A.

[302] Cf. Congregation for Divine Worship and the Discipline of the Sacraments, Directory on Popular Piety and the Liturgy. Principles and Orientations (17 December 2001), 197-202: Enchiridion Vaticanum 20, Nos. 2638-2643.

[303] Cf. Propositio 55.

[304] Cf. John Paul II, Apostolic Letter Rosarium Virginis Mariae (16 October 2002): AAS 95 (2003), 5-36.

[305] Propositio 55.

[306] Cf. Congregation for Divine Worship and the Discipline of the Sacraments, Directory on Popular Piety and the Liturgy. Principles and Orientations (17 December 2001), 207: Enchiridion Vaticanum 20, Nos. 2656-2657.

[307] Cf. Propositio 51.

[308] Benedict XVI, Homily at Mass in the Valley of Josaphat, Jerusalem (12 May 2009): AAS 101 (2009), 473.

[309] Cf. Epistola 108, 14: CSEL 55, pp. 324-325.

[310] Adversus Haereses, IV, 20, 7: PG 7, 1037.

[311] BenedictXVI, Encyclical Letter Spe Salvi (30 November 2007), 31: AAS 99 (2007), 1010.

[312] Benedict XVI, Address to Representatives of the World of Culture at the “Collège des Bernardins” in Paris (12 September 2008): AAS 100 (2008), 730.

[313] Cf. In Evangelium secundum Matthaeum 17:7: PG 13, 1197B; Saint Jerome, Translatio homiliarum Origenis in Lucam, 36: PL 26, 324-325.

[314] Cf. Benedict XVI, Homily for the Opening of the Twelfth Ordinary General Assembly of the Synod of Bishops (5 October 2008): AAS 100 (2008), 757.

[315] Propositio 38.

[316] Cf. Congregation for Institutes of consecrated life and for societies of apostolic life, Instruction Starting Afresh from Christ: A Renewed Commitment to Consecrated Life in the Third Millennium (19 May 2002), 36: Enchiridion Vaticanum 21, Nos. 488-491.

[317] Propositio 30.

[318] Cf. Propositio 38.

[319] Cf. Propositio 49.

[320] Cf. John Paul II, Encyclical Letter Redemptoris Missio (7 December 1990): AAS 83 (1991), 294-340; Apostolic Letter Novo Millennio Ineunte (6 January 2001), 40: AAS 93 (2001), 294-295.

[321] Propositio 38.

[322] Cf.Benedict XVI, Homily for the Opening of the Twelfth Ordinary General Assembly of the Synod of Bishops (5 October 2008): AAS 100 (2008), 753-757.

[323] Propositio 38.

[324] Final Message, IV, 12.

[325] Paul VI, Apostolic Exhortation Evangelii Nuntiandi (8 December 1975), 22: AAS 68 (1976), 20.

[326] Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Declaration on Religious Freedom Dignitatis Humanae, 2 and 7.

[327] Cf. Propositio 39.

[328] Cf. Benedict XVI, Message for the 2009 World Day of Peace (8 December 2008): Insegnamenti IV, 2 (2008), 792-802.

[329] Apostolic Exhortation Evangelii Nuntiandi (8 December 1975), 19: AAS 68 (1976), 18.

[330] Cf. Propositio 39.

[331] John XXIII, Encyclical Letter Pacem in Terris (11 April 1963), 1: AAS 55 (1963), 259.

[332] John Paul II, Encyclical letter Centesimus Annus (1 May 1991), 47: AAS 83 (1991), 851-852; Address to the General Assembly of the United Nations (2 October 1979), 13: AAS 71 (1979), 1152-1153.

[333] Cf. Compendium of the Social Doctrine of the Church, 152-159.

[334] Cf. Benedict XVI, Message for the 2007 World Day of Peace (8 December 2006), 10: Insegnamenti II, 2 (2006), 780.

[335] Cf. Propositio 8.

[336] Benedict XVI, Homily (25 January 2009): Insegnamenti V, 1 (2009), 141.

[337] Id., Homily at the Conclusion of the Twelfth Ordinary General Assembly of the Synod of Bishops (26 October 2008): AAS 100 (2008), 779.

[338] Propositio 11.

[339] Benedict XVI, Encyclical letter Deus Caritas Est (25 December 2005), 28: AAS 98 (2006), 240.

[340] De Doctrina Christiana, I, 35, 39 – 36, 40: PL 34, 34.

[341] Cf. Benedict XVI, Message for the Twenty-first World Youth Day (22 February 2006): AAS 98 (2006), 282-286.

[342] Cf. Propositio 34.

[343] Cf. ibid.

[344] Homily (24 April 2005): AAS 97 (2005), 712.

[345] Cf. Propositio 38.

[346] Benedict XVI, Homily for the Seventeenth World Day of the Sick (11 February 2009): Insegnamenti V, 1 (2009), 232.

[347] Cf. Propositio 35.

[348] Propositio 11.

[349] Cf. Benedict XVI, Encyclical Letter Deus Caritas Est (25 December 2005), 25: AAS 98 (2006), 236-237.

[350] Propositio 11.

[351] Benedict XVI, Homily (1 January 2009): Insegnamenti V, 1 (2009), 236-237.

[352] Propositio 54.

[353] Cf. Benedict XVI, Post-Synodal Apostolic Exhortation Sacramentum Caritatis (22 February 2007), 92: AAS 99 (2007), 176-177.

[354] John Paul II, Address to UNESCO (2 June 1980), 6: AAS 72 (1980), 738.

[355] Cf. Propositio 41.

[356] Cf. ibid.

[357] John Paul II, Encyclical Letter Fides et Ratio (14 September 1998), 80: AAS 91 (1999), 67-68.

[358] Cf. Lineamenta 23.

[359] Cf. Propositio 40.

[360] Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Decree on the Instruments of Social Communication Inter Mirifica; pontifical council for social communications, Pastoral Instruction Communio et Progressio (23 May 1971): AAS 63 (1971), 596-656; John Paul II, Apostolic Letter The Rapid Development (24 January 2005): AAS 97 (2005) 265-274; pontifical council for social communications, Pastoral Instruction Aetatis novae (22 February 1992): AAS 84 (1992), 447-468; The Church and Internet (22 February 2002): Enchiridion Vaticanum 21, Nos. 66-95; Ethics in Internet (22 February 2002): Enchiridion Vaticanum 21, Nos. 96-127.

[361] Cf. Final Message, IV, 11; Benedict XVI, Message for the 2009 World Day of Social Communications (24 January 2009): Insegnamenti V, 1 (2009), 123-127.

[362] Cf. Propositio 44.

[363] John Paul II, Message for the XXXVI World Communications Day (24 January 2002): Insegnamenti XXV, 1 (2002), 94-95.

[364] Cf. Apostolic Exhortation Evangelii Nuntiandi (8 December 1975), 20: AAS 68 (1976), 18-19.

[365] Cf. Benedict XVI, Post-Synodal Apostolic Exhortation Sacramentum Caritatis (22 February 2007), 78: AAS 99 (2007), 165.

[366] Cf. Propositio 48.

[367] Pontifical Biblical Commission, The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993), IV, B: Enchiridion Vaticanum, 13, No. 3112.

[368] Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Decree on the Church’s Missionary Activity Ad Gentes, 22; Pontifical Biblical Commission, The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993), IV, B: Enchiridion Vaticanum, 13, Nos. 3111-3117.

[369] John Paul II, Address to the Bishops of Kenya (7 May 1980), 6: AAS 72 (1980), 497.

[370] Cf. Instrumentum Laboris, 56.

[371] Pontifical Biblical Commission, The Interpretation of the Bible in the Church (15 April 1993), IV, B: Enchiridion Vaticanum 13, No. 3113.

[372] Second Vatican Ecumenical Council, Dogmatic Constitution on Divine Revelation Dei Verbum, 22.

[373] Cf. Propositio 42.

[374] Cf. Propositio 43.

[375] Benedict XVI, Homily during the Celebration of Terce at the beginning of the First General Congregation of the Synod of Bishops (6 October 2008): AAS 100 (2008), 760.

[376] Among numerous interventions of various genres, see: John Paul II, Encyclical Letter Dominum et Vivificantem (18 May 1986): AAS 78 (1986), 809-900; Encyclical Letter Redemptoris Missio (7 December 1990): AAS 83 (1991), 249-340; Addresses and Homilies in Assisi for the 27 October 1986 Day of Prayer for Peace: Insegnamenti IX, 2 (1986), 1249-1273; Day of Prayer for World Peace (24 January 2002): Insegnamenti XXV, 1 (2002), 97-108; Congregation for the Doctrine of the Faith, Declaration Dominus Iesus on the Unicity and Salvific Universality of Jesus Christ and of the Church (6 August 2000): AAS 92 (2000), 742-765.

[377] Cf. Second Vatican Ecumenical Council, Declaration on the Relation of the Church to Non-Christian Religions Nostra Aetate, 3.

[378] Cf. Benedict XVI, Address to Ambassadors of Predominantly Muslim Countries Accredited to the Holy See (25 September 2006): AAS 98 (2006), 704-706.

[379] Cf. Propositio 53.

[380] Cf. Propositio 50.

[381] Ibid..

[382] John Paul II, Address at the Meeting with Young Muslims in Casablanca, Morocco (19 August 1985), 5: AAS 78 (1986), 99.



  In bài này    Lưu dạng file    Gửi bài này qua Email


Những bài khác:



Gửi bài
Lên đầu trang
  Tin - bài mới nhất 
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Các bài suy niệm & chú giải Lời Chúa
Văn phòng TGM: Thông báo về Thánh lễ cao điểm Năm Thánh kỷ niệm 100 năm thành lập Tuần Chầu Lượt
Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp Giáo chủ Giáo hội Chính thống Czech và Slovak
Giáo xứ Yên Đại: Khai mạc Tuần Chầu lượt trong Năm Thánh Thể Giáo Phận
Vòng loại Cuộc thi Tri thức Tôn giáo Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội 2018: Cử hành và Sống Đức Tin
Chúa nhật Lễ Chúa Thăng Thiên, năm B: Các bài suy niệm & chú giải Lời Chúa
Hội Dòng Chị Em Bác Ái Gioanna Antida Thouret: Thông báo tuyển sinh năm 2018
Giáo xứ Hòa Ninh: Khánh thành nhà thờ giáo họ Minh Lệ
Tòa Giám mục Giáo phận Vinh: Thông báo Lễ Truyền chức Phó tế cho các Đại Chủng sinh khóa XII
Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh: Thông báo Khóa học âm nhạc hè 2018
Thiên chức làm Mẹ của Đức Maria
Di dân Giáo phận Vinh tại Miền Nam: Bế mạc Giải Bóng đá Truyền thống Cúp Phục Sinh lần thứ VII
Thư Rao về việc truyền chức Phó tế cho Thầy G.B. Đoàn Văn Huy
Tuần Chầu lượt tại các giáo xứ Nghi Lộc, Làng Anh và Vĩnh Phước (Hà Tĩnh)
Thánh lễ Cao điểm Tuần Chầu giáo xứ Kẻ Mui: 14 tân tòng lãnh nhận các Bí Tích Khai Tâm

  Hỗ trợ Web GPVinh 

  Nghe Lời Chúa 


  5 phút suy niệm 


  Các Giờ Kinh Phụng Vụ 


  Vị Thánh trong ngày 


  Web Lam Hồng 


  Đăng nhập/Đ. ký 
Bí danh
Mật khẩu
Mã kiểm traMã kiểm tra
Lặp lại mã kiểm tra
Ghi nhớ

  Giáo Lý - Đức Tin 


  Bác ái xã hội - Caritas 


  Tài liệu mới 
  Danh sách các thầy khóa XII được truyền chức Phó tế
  ThÆ° Rao Truyền chức Phó tế khóa XII
  ThÆ° Rao Truyền chức Phó tế khóa 12
  HÆ°á»›ng dẫn Mục vụ Thánh nhạc
  "Sống Và Yêu Thật Lòng" / Lm. Micae – Phaolô Trần Minh Huy, PSS
  Tông Huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu ThÆ°Æ¡ng) của Đức Phanxicô
  Yêu ThÆ°Æ¡ng là sứ mệnh của chúng ta - Để gia đình sống dồi dào
  Văn bản Đàng Thánh Giá do ĐTC chủ sá»± ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 03/04/2015
  Æ n Gọi Và Sứ Mạng Của Gia Đình Trong Giáo Há»™i Và Trong Thế Giá»›i Ngày Nay
  ÄÃ ng Thánh Giá thứ Sáu Tuần Thánh năm Tân Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ - 2015
Xem tiếp...

  Radio Công giáo 



Copyright © 2013 GIAOPHANVINH.NET :: All rights reserved.
Email biên tập: vinhconggiao@gmail.com || Ban quản trị: quantri@giaophanvinh.net