GPVMenu

 Phim Công giáo online 

 Lịch Phụng vụ GP Vinh 

 Giờ lễ tại các nhà thờ 

 Quỹ Học bổng NTT 

 Giấy tờ - Chứng chỉ 

 ĐCV Vinh Thanh 


Xem tiếp...
 Gia đình Web Giáo phận 
Lam Hồng (Đức tin & VH)

Phim Công giáo

Thánh Ca Online

ĐCV Vinh Thanh

Hội dòng MTG Vinh

Quỹ Học Bổng NTT

GĐ Thánh Tâm GP Vinh

Doanh nhân GP Vinh

Giáo xứ Bảo Nham

Giáo xứ Hòa Ninh

Giáo xứ Làng Rào

Giáo xứ Nghi Lộc

Giáo xứ Tân Lộc

Giáo xứ Trung Nghĩa

Sinh viên CG Vinh

CĐ Vinh Hà Nội
 Tra cứu bài viết 
Tháng Năm 2024
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
 Thống kê truy cập 
 Khách: 31
 Thành viên: 000
 Tổng cộng 031
 Lượt tr.cập 055747920
 Từ điển online 
TỪ ĐIỂN ONLINE

 Bookmark & Share 

website security
 
Chuyên mục » Tài liệu, sÆ°u khảo 05.05.2024
Vai Trò Người Mẹ về Giáo Dục Ki-tô giáo trong Gia Đình
02.09.2009

“VAI TRÒ NGƯỜI MẸ
VỀ VIỆC GIÁO DỤC KI-TÔ GIÁO
TRONG GIA ĐÌNH”
THEO THƯ MỤC VỤ 2008
CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
----------------------------------
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

LỜI GIỚI THIỆU

Để giúp các Hiền Mẫu Giáo Phận Ban Mê Thuột trong đợt Tĩnh Huấn lần thứ II trong 2 ngày 25-26 tháng 08 năm 2009 vừa qua tại Nhà Thờ Giáo Họ Giu-se thuộc Giáo Xứ Thánh Tâm, Thành Phố Ban Mê Thuột, tôi được mời chia sẻ chủ đề “Vai Trò Người Mẹ về Giáo Dục Ki-tô giáo trong Gia Đình theo Thư Mục Vụ 2008 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.” Để chuẩn bị cho đợt Tĩnh Huấn này, Ban Tổ Chức đã hướng dẫn các Bà Mẹ Công Giáo các Giáo Xứ trong toàn giáo phận tìm hiểu và học hỏi về Thư Mục Vụ 2008 qua các câu hỏi và các câu trả lời. Trong 2 ngày Tĩnh Huấn đã tố chức những cuộc thi chấm điểm và phát thưởng cho đại diện các Giáo Xứ tham dự. Do đó thời lượng dành cho phần trình bày chủ đề cũng bị giới hạn, nên trong bài viết cũng như khi trình bày nội dung vấn đề trước 3.300 Hiền Mẫu vào chiều ngày 25 tháng 8 tôi chỉ lướt qua những phần khác để tập trung vào “vai trò của người mẹ về giáo dục nhân bản và đức tin cho con cái trong gia đình.”

Nghĩ rằng công trình nhỏ bé này có thể giúp ích cho nhiều người ở nhiều nơi, tôi xin gửi tặng các bạn, nhất là các Bà Mẹ Công Giáo ở các giáo phận.

Ngày 30.08.2009

---------------------------------------------------------------

I. VÀO ĐỀ

Ngạn ngữ Tây Phương có câu: “Biết tại sao mới là biết?” tức là “Biết nguyên nhân của sự việc mới là biết?”

Vậy tôi xin phép đặt một câu hỏi có thể là thừa mà có thể là không. Câu hỏi đó là

«Tại sao các Linh Mục Phụ Trách Ban Mục Vụ Giáo Dân Giáo Phận và Ban Điều Hành Giới Hiền Mẫu lại chọn chủ đề «VAI TRÒ NGƯỜI MẸ VỀ VIỆC GIÁO DỤC KI-TÔ GIÁO TRONG GIA ĐÌNH THEO THƯ MỤC VỤ 2008 CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM?».

Xin mời các Mẹ các Chị trả lời câu hỏi trên.

II. TRÌNH BÀY CHỦ ĐỀ

2.1 Để có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi trên, chúng ta chỉ cần đọc lại “Lời Mở” của Thư Mục Vụ 2008 Hội Đồng Giám Mục Việt Nam:

“Tiếp nối tinh thần Thư Chung 2007 về giáo dục Ki-tô giáo, năm nay chúng tôi mời gọi anh chị em hãy cùng với chúng tôi suy tư và hành động để góp phần chấn chỉnh môi trường giáo dục tại gia đình (x. Thư Chung 2007, số 38). Giáo dục tại gia đình là vấn đề quan trọng và cần thiết, tạo tiền đề cho việc phát triển nền giáo dục nói chung, vì gia đình là nền tảng của Giáo Hội và xã hội. Nếu nền tảng gia đình được củng cố chắc chắn, Giáo Hội và xã hội tương lai sẽ phồn thịnh và phát triển. Qua Thư Mục vụ này, chúng tôi muốn bày tỏ mối ưu tư đối với hiện trạng gia đình Việt Nam và nêu lên những đề nghị cụ thể để góp phần canh tân mục vụ trong lãnh vực này, một lãnh vực căn bản của đời sống con người và đời sống Giáo Hội” (1).

2.2 Trong phần trình bày chúng ta sẽ đi vào 3 nội dung cũng là 3 phần của chủ đề:

- Tầm quan trọng của gia đình.

- Tầm quan trọng của việc giáo dục con cái thành người và thành Ki-tô hữu.

- Vai trò quan trọng của người mẹ trong việc giáo dục con cái thành người và thành Ki-tô hữu.

2.2.1 Tầm quan trọng của gia đình.

Không ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của gia đình, vì gia đình là điều kiện cốt yếu và gắn liền với sự hình thành, lớn lên và trưởng thành của một con người, dù người ấy là ai đi nữa.

Trong Phần I của Thư Mục Vụ 2008 về “nền tảng của việc giáo dục gia đình” các Giám Mục Việt Nam đã nêu lên 5 tính chất cũng là 5 giá trị cao quý của gia đình. Những tính chất hay giá trị này làm cho gia đình trở thành quan trọng đối với tất cả mọi người và cách riêng đối với Ki-tô hữu chúng ta. Năm tính chất hay giá trị đó là:

(*) Gia đình trong ý định của Thiên Chúa, là nơi giáo dục tình yêu (số 4).

(*) Gia đình là mái trường đầu tiên của Con Thiên Chúa nhập thể (số 5).

(*) Gia đình diễn tả tình yêu giữa Chúa Giê-su và Giáo Hội (số 6).

(*) Gia đình là môi trường giáo dục tình hiệp thông (số 7).

(*) Gia đình là mái trường giáo dục lòng hiếu thảo và thờ phượng Thiên Chúa (số 8).

Vì các Bà các Chị Hiền Mẫu đã học kỹ Thư Mục Vụ 2008 của HĐGMVN để tham dự cuộc thi sáng nay và vì trọng tâm của bài chia sẻ này là “Vai trò người mẹ về việc giáo dục Ki-tô giáo trong gia đình” nên tôi không triển khai phần nội dung liên quan tới 5 tính chất hay giá trị của gia đình trong các số 4-8 của Thư Mục Vụ.

2.2.2 Tầm quan trọng của việc giáo dục con cái thành người (giáo dục nhân bản) và thành Ki-tô hữu (giáo dục đức tin).

Cũng không ai có thể phủ nhận được tầm quan trọng của giáo dục gia đình. Gia đình càng sa sút về mặt luân lý, đạo đức thì người ta càng ý thức hơn về tầm quan trọng của gia đình và của giáo dục nói chung (2) và giáo dục gia đình nói riêng.

Riêng với các gia đình Việt Nam và trong hoàn cảnh hiện tại đang có nhiều vấn đề nghiêm trọng mà gia đình, Giáo Hội và xã hội cần chung lòng, chung sức giải quyết. Trong Phần II của Thư Mục Vụ 2008 các Giám mục Việt Nam nêu lên: Những khủng hoảng gia đình (số 10); Gia đình trước ảnh hưởng của toàn cầu hóa và di dân (số 11); Hậu quả của một nền giáo dục còn nhiều khiêm khuyết số (số 12)].

Vì thời gian giới hạn và vì trọng tâm của đề tài là “vai trò người mẹ về giáo dục Ki-tô giáo trong gia đình”, nên chúng ta không đi sâu vào những khó khăn, trở ngại trong lãnh vực giáo dục nói chung và giáo dục trong gia đình nói riêng. Chúng ta hãy trở lại với vấn đề giáo dục nhân bản và giáo dục đức tin là trách nhiệm của các bậc làm cha làm mẹ nói chung và của các hiền mẫu nói riêng.

- Giáo dục nhân bản: là dậy dỗ, hướng dẫn, huấn luyện, đào tạo để làm cho (hay giúp) một người

. có hiểu biết hay kiến thức về nhiều (thậm chí mọi) mặt,

. có thái độ và cung cách sống tương xứng với phẩm giá làm người của mình,

. có những phẩm chất tốt đẹp của một thụ tạo cấp cao, tức có:

.trí khôn (biết phân biệt phải trái),

. lương tâm (biết phải làm lành lánh dữ) và

. tự do (biết chọn lựa điều tốt loại bỏ điều xấu).

.ý chí (biết cách đạt cho được điều tốt lành mình muốn)

Đó là nền “giáo dục nhân bản” cần thiết cho hết mọi người, lương cũng như giáo, dân tộc cũng như kinh, ta cũng như tây, nay cũng như xưa.

- Trong Phần III của Thư Mục Vụ 2008 về “một số chỉ dẫn mục vụ” về giáo dục gia đình, các Giám Mục Việt Nam đặt nặng trọng tâm vào 5 lãnh vực. Hai trong năm lãnh vực ấy là giáo dục các đức tính nhân bản và dậy con cái sống theo lương tâm và sự thật:

(*) Giáo dục các đức tính nhân bản:

“Do đời sống công nghiệp và đô thị phát triển, con người thời nay có nguy cơ sống khép kín, thiếu tình yêu và thiếu quan tâm đến tha nhân. Gia đình là môi trường thuận lợi giúp cho các thành viên sống tình liên đới, vị tha, hài hòa và quảng đại. Khi chú trọng giáo dục cho con cái những đức tính nhân bản như khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ, các bậc phụ huynh đang huấn luyện con cái mình “thành người“. Giáo dục nhân bản còn nhằm huấn luyện con người có trách nhiệm đối với tha nhân và công ích, góp phần bảo vệ và phát triển cuộc sống xã hội, tôn trọng thiên nhiên, cổ võ những hoạt động bác ái. Việc vận động mọi thành viên trong gia đình cùng tham gia vào mọi sinh hoạt văn hóa lành mạnh, cũng là đường lối sư phạm cụ thể và hiệu quả để giáo dục nhân bản cho thế hệ tương lai” (số 17).

(*) Dậy con cái sống theo lương tâm và sự thật:

“Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI khẳng định rằng: “Nếu tiến bộ kỹ thuật không đi đôi với tiến bộ trong việc giáo dục đạo đức con người, trong sự tăng trưởng con người nội tâm, thì đó chẳng phải là một sự tiến bộ, nhưng lại là một mối đe dọa đối với con người và thế giới“ (Thông điệp Spe Salvi, số 22). Theo đó, lương tâm ngay chính và đời sống nội tâm sâu xa là yếu tố căn bản cho sự bền vững và phát triển của xã hội. Những hoạt động xã hội, văn hóa, chính trị đều phải xây dựng trên nền tảng lương tâm ngay chính mới mang lại hiệu quả tích cực. Gia đình là môi trường quan trọng và không thể thay thế cho việc huấn luyện này. Người cha người mẹ chính là những nhà huấn luyện lương tâm cho thế hệ tương lai” (số 16).

- Giáo dục đức tin: Đối với các Ki-tô hữu thì chẳng những chúng ta cần được giáo dục về mặt nhân bản (để nên/thành người), mà còn cần được giáo dục về mặt đức tin nữa, để nên/thành những người tín hữu toàn diện. Người Ki-tô hữu toàn diện là người vừa “mộ đạo” vừa “hiểu đạo” và vừa “hành đạo” theo phương châm của Phong Trào Cursillo là một phong trào canh tân đời sống Ki-tô hữu giáo dân, giúp người giáo dân trở thành muối, thành men trong mọi môi trường xã hội và Giáo Hội.

< Hiểu Đạo là có hiểu biết tương đối về Đạo (Giáo Lý, Thánh Kinh). Có hiểu đạo thì mới mộ Đạo được vì “vô tri bất mộ”, cha ông chúng ta đã dậy như thế! Hiểu đạo là chức năng của Trí (khôn).

> Mộ Đạo là yêu mến Chúa và yêu mến Đạo Chúa. Ki-tô giáo là Đạo mạc khải nghĩa là do chính Thiên Chúa đã “thân chinh” nói cho con người biết (mạc khải), và Thiên Chúa của Ki-tô giáo là Thiên Chúa Tình Yêu (3) nên đáng được mọi người yêu mến, ngưỡng mộ. Mộ đạo là chức năng của Trái Tim.

> Hành Đạo hay Sống Đạo là thực thi những điều Chúa và Hội Thánh dậy, nhất là sống yêu thương bác ái và loan báo Tin Mừng để mở rộng Nước Thiên Chúa trong mọi môi trường gia đình, xã hội và Giáo Hội. Sống đạo là chức năng của hai tay (thực hành).

Trong Phần III của Thư Mục Vụ 2008 về “một số chỉ dẫn mục vụ” về giáo dục gia đình, các Giám Mục Việt Nam còn nêu 3 trọng tâm khác của giáo dục đức tin là giáo dục đức tin, giáo dục đức ái và giáo dục về giá trị sự sống:

(*) Giáo dục đức tin: "Cha mẹ được mời gọi để biến tình thương con cái thành dấu chỉ hữu hình cho chúng nhận ra được tình yêu của Thiên Chúa là "nguồn gốc mọi tình phụ tử trên trời đưới đất" (Ep 3,15)" (Tông Huấn Gia Đình, số 14). Thiên chức làm cha mẹ nhắn nhủ những bậc phụ huynh có trách nhiệm thông truyền đức tin cho các thế hệ kế tiếp. Chính cha mẹ là những giáo lý viên đầu tiên cho con cái. Hãy giới thiệu cho con cái biết Thiên Chúa ngay khi con còn bé qua những lời nguyện bập bẹ đơn sơ và cử chỉ đơn giản (làm dấu Thánh Giá, vòng tay, cúi đầu…). Những lời cầu nguyện ngắn gọn, những nội dung giáo lý căn bản, những câu chuyện lấy từ Thánh Kinh, nếu được cha mẹ ân cần chỉ bảo, sẽ tạo nơi các em một nền tảng giáo lý vững chắc và một đời sống thiêng liêng sâu đậm sau này. Trách nhiệm của cha mẹ không dừng lại ở đó, mà còn thể hiện qua việc hướng dẫn, nhắc nhở con em mình đi học giáo lý, tham gia các hội đoàn đạo đức để trưởng thành hơn trong đời sống đức tin” (số 14).

(*) Giáo dục đức ái: “Với những khủng hoảng gia đình trong xã hội hôm nay, chúng ta cần ý thức rằng từ ban đầu gia đình là cấu trúc của tình yêu và gia đình theo đúng thánh ý Chúa phải tồn tại và phát triển trong tình yêu. Do đó gia đình phải là môi trường giáo dục đặc biệt về tình yêu. Giáo dục đức tin phải đi đôi với giáo dục đức ái. Cần giáo dục tình yêu cho con cái biết yêu thương hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, biết yêu thương kính trọng bà con họ hàng, biết yêu thương và kính trọng mọi người. Cũng cần giáo dục con cái biết yêu thương, tôn trọng, nâng đỡ và hy sinh cho nhau. Con người không biết sống yêu thương trong gia đình thì không thể biết sống yêu thương đúng nghĩa trong các môi trường xã hội” (số 15.

(*) Tôn trọng, bảo vệ sự sống: Thánh Kinh nói với chúng ta rằng Thiên Chúa là Đấng hằng sống. Ngài chia sẻ và thông ban sự sống cho con người, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh của Ngài (x. St 1,27). Chính Thiên Chúa chúc lành và nâng niu sự sống con người ngay từ lúc vừa được hình thành trong lòng mẹ. Đến lượt mình, con người được cộng tác với Thiên Chúa để thông ban sự sống mình đã nhận. Mặc dù có khả năng thông truyền sự sống, con người không có quyền hủy hoại sự sống của mình. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết: “Sự sống của con người là thánh thiêng, nó mang tính bất khả xâm phạm được khắc ghi trong lòng người, trong lương tâm con người“ (Thông điệp Tin Mừng sự sống, số 40). Vì sự sống là ân ban của Thiên Chúa, là vốn quý giá nhất của đời người, nên ’Sự sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ một cách tuyệt đối từ giây phút thụ thai“ (Sách GLGHCG, số 2270). Con người dù đẹp hay xấu, dù thông minh hay tối dạ, đều là người đã được Thiên Chúa dựng nên và được Ngài yêu thương. Sự sống của người ấy nằm trong tay Thiên Chúa và Con Thiên Chúa đã chết trên thập giá cho người ấy.” (số 18).

2.2.3 Vai trò quan trọng của người mẹ trong việc giáo dục con cái thành người và thành Ki-tô hữu.

- Tục ngữ Việt Nam có câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” nói lên vai trò quan trọng và có tính quyết định của người mẹ trong việc giúp con cái nên/thành người. Trong đời sống đạo cũng có thể nói: “Con cái sốt sáng đạo đức hay bê trễ lười biếng, phần lớn cũng do cha mẹ, nhất là mẹ, trong gia đình.”

- Chúng ta thử nêu 2 câu hỏi:

* Tại sao người mẹ có vai trò quan trọng như thế trong giáo dục nhân bản và đức tin của con cái?

* Làm thế nào để các bà mẹ chu toàn trách nhiệm hay sứ mạng nặng nề về việc giáo dục nhân bản và đức tin của con cái?

Trả lời câu hỏi 1: “Tại sao người mẹ có vai trò quan trọng như thế trong việc giáo dục nhân bản và đức tin của con cái”, chúng ta có thể khẳng định: Người mẹ có vai trò quan trọng như thế trong việc giáo dục nhân bản và đức tin của con cái, vì những lý do sau đây:

(*) Một là vì người mẹ đã “mang nặng đẻ đau”, đã nuôi dưỡng bào thai và con cái bằng chính sự sống của mình. Có thể nói thêm là người mẹ đã chuyển đức tin, đức cậy và đức mến cho con cái khi chúng mới là bào thai trong lòng mẹ. Rồi những lời ru, những bài ca tiếng hát của người mẹ, khi con trẻ còn được bế ngửa, đều có thể trở thành những kênh chuyển tải sự sống tâm linh của người mẹ sang người con. Một vị thánh nào đó đã nói một câu đáng các bà mẹ trẻ ghi lòng tạc dạ: “Tôi đã được mẹ cho bú đức tin cùng với dòng sữa mẹ.”

Người mẹ cũng là cô giáo đầu tiên của con cái khi dậy chúng nói tiếng “ba” tiếng “má” đầu tiên, khi dậy chúng làm dấu Thánh Giá, cúi mình trước tượng ảnh Chúa và Đức Mẹ, dậy chúng kêu tên Giê-su, Ma-ri-a, Giu-se với lòng cung kính và mến yêu v.v…

(*) Hai là vì người mẹ lo ăn, lo mặc, lo mọi thứ cho con cái. Nói chung trong các gia đình Việt Nam thì người cha thường là người bôn ba bên ngoài (đồng ruộng, cánh rừng hay thương trường) để kiếm tiền cho gia đình; còn người mẹ, -dù cũng lao động, buôn bán-, thì vẫn là người trực tiếp chăm lo cho con cái, từ miếng cơm ngụm nước cho đến cuốn sách, cuốn vở, quần áo, dầy dép… Vì thế mà người mẹ gần gũi với con cái hơn người cha. Nhờ gần gũi với con cái, trai cũng như gái, mà người mẹ có nhiểu ảnh hưởng hơn trên con cái của mình.

(*) Ba là vì người mẹ có cách thể hiện tình thương dễ cảm nhận hơn, do nặng tình nhẹ lý. Nói với trái tim thì trực tiếp và sâu sắc hơn là nói với cái đầu. Ngôn ngữ đặc trưng của phụ nữ nói chung và của các bà mẹ nói riêng là ngôn ngữ của trái tim.

(*) Bốn là vì người mẹ có giác quan thứ 6 nên rất nhạy bén trong việc phát hiện những thay đổi, tác động trên tâm tư, tình cảm, nhịp sống của con. Người mẹ có một thế mạnh lớn hơn so với người cha là vì họ đã được Thiên Chúa phú ban cho một giác quan đặc biệt mà người ta thường gọi là giác quan thứ 6. Nhờ giác quan này mà người mẹ hiểu bằng trực giác.

Trả lời câu hỏi 2: “Làm thế nào để các bà mẹ chu toàn trách nhiệm (hay sứ mạng) nặng nề về việc giáo dục nhân bản và đức tin của con cái? Thú thật tôi không phải nhà chuyên môn về giáo dục (4) nên không dám đưa ra những gì to tát. Chỉ xin chia sẻ một cách đơn sơ mộc mạc với các Mẹ các Chị Hiền Mẫu 5 cách sau đây:

(*) Một là yêu thương con cái và biết cách thể hiện lòng yêu thương ấy. Yêu thương con cái thì người mẹ nào mà lại không yêu thương! Nhưng không phải mọi cách thể hiện tình yêu thương đều giúp con trẻ lớn lên và trưởng thành. Có những bà mẹ yêu thương con cái một cách nào đó khiến con cái trở thành hư hỏng hay không trưởng thành nổi, không biết tự lập, luôn dựa dẫm vào mẹ. Có những người mẹ yêu thương con hết sức nhưng nhìn kỹ vào cách yêu con của họ, ta có thể nói là họ yêu con vì mình chứ không phải vì con (vì lợi ích thật sự và lâu dài của con cái).

Trên mạng www.thegioimevabe.com ngày 23/10/2007 người ta đọc được câu chuyện này:

“Đi làm dâu chưa đầy 1 năm, Hòa đã bị mẹ chồng “đánh tiếng” trả về nhà mẹ đẻ chỉ vì “tội không biết làm gì”. Mặc dù xót con gái, nhưng bà Quyên vẫn phải nhẫn nhịn và sang nói khó với bà thông gia, bởi bà là người hiểu con gái mình hơn ai hết. Trước khi con gái đi lấy chồng, bà đã biết chắc rằng: “ai lấy nó cũng chả sung sướng gì”. Ngày vẫn “ở nhà với mẹ”, Hòa luôn là đứa con được bố mẹ cưng chiều nhất nhà. Dù đã 25 tuổi nhưng cô chưa bao giờ biết đến việc quét nhà, nấu cơm, giặt quần áo… Tệ hơn, những hôm đi chơi về muộn, bố mẹ để phần cơm, hôm nào không ăn thì vẫn nguyên mâm cơm đến sáng, còn nếu có ăn thêm thì bát bẩn, thức ăn thừa cũng vẫn được “giữ nguyên vị trí” để sáng hôm sau… bố mẹ rửa.

“Không lo công ăn việc làm, sáng nào cũng vậy, 10 giờ sáng cô mới thức dậy, chờ đến giờ cơm là xuống ăn, ăn xong đã có bố mẹ dọn rửa. Chả khác gì đi ăn tiệm, mà đi ăn tiệm phải mất tiền mới được phục vụ, còn ở nhà, bố mẹ cô “phục vụ miễn phí”. Khi hàng xóm chứng kiến cảnh ấy đã vài lần nhắc nhỏ mẹ cô “Chiều quá hóa hư đấy”! Nhưng bà Quyên bình thản giấu giếm “đâu có, cháu nó vẫn làm đấy chứ…”

“Không chỉ có vậy, cô con gái rượu được chiều chuộng đến mức trở nên ích kỷ, cô chỉ biết lo chưng diện cho bản thân, bố mẹ ốm không hỏi han, không bao giờ cô biết mua đồng quà tấm bánh về cho gia đình. Đi không hỏi về không chào, Hòa trở thành một “bà tướng” trong nhà. Nhưng điều đáng nói là mặc dù thấy “chướng tai gai mắt”, bà Quyên không hề mắng hay khuyên nhủ, dạy dỗ con để Hòa “được đằng chân lân đằng đầu”, bố cô nói mấy câu khó nghe cô đã bỏ nhà đi hàng tuần lại còn gọi điện thoại cho bố với giọng đầy thách thức “Con thuê nhà trọ ở rồi, bố đừng gọi con nữa, con không về đâu”. Thế là ông bà Quyên lại cuống cuồng đi tìm con rồi không bao giờ dám nặng lời với "con gái rượu" nữa.”

(*) Hai là biết quan tâm và theo sát các bước phát triển thể lý, tâm sinh lý và tâm linh của con cái. Đừng quá thả lỏng mà cũng đứng quá khắt khe với con cái, đừng ép con vào lối suy nghĩ của mình, vào những khuôn khổ do chính mình đưa ra mà không quan tâm xem con mình nghĩ gì, sở thích ra sao và thực tế như thế nào. Câu chuyện sau đây đáng chúng ta suy nghĩ:

“Chị Từ, một giáo viên dạy nghề, đã biến hai cậu con trai của mình thành những đứa trẻ thụ động. Con đường đi đi về về của hai anh em Linh-Phương (Linh học lớp 11, Phương học lớp 8) chỉ là lên xe mẹ đưa đi học và lên xe mẹ đưa về nhà, về đến nhà thì chơi trong nhà, nhiều hôm mẹ có việc đến đón muộn, Phương vẫn đứng chờ ở cổng trường vì nghe lời mẹ dặn “không được tự ý đi về” (mặc dù nhà cách trường mấy trăm mét).

Khi còn nhỏ, 2 anh em răm rắp nghe theo mẹ không kêu ca hay phàn nàn bất cứ điều gì, chúng học giỏi, ngoan ngoãn, gặp người lớn đều chào lễ phép… Nhưng ngoài việc học, việc chào, Linh và Phương chỉ biết có vậy, hỏi có bạn không, cả hai cùng lắc đầu, hỏi có biết chơi trò chơi hay thể thao gì không, cũng không. Không hoạt động trường lớp, tổ dân phố, không giao du bạn bè, không biết làm bất cứ việc gì ngoài việc học…

Ngày Linh vào đại học thì cũng là lúc Phương bước vào trường cấp 3, lúc này mẹ bận rộn hơn, 2 anh em đều có xe riêng tự túc đi học. Như chim được sổ lồng, các em bước vào môi trường mới, mọi thứ thật lạ lẫm, và càng lạ bao nhiêu thì lại càng thu hút và hấp dẫn hai anh em bấy nhiêu. Đỗ đại học, thực hiện xong nguyện vọng của bố mẹ, Linh bỏ bê học hành, bắt đầu học cách chat, cách chơi điện tử… Còn Phương, sau vài lần bạn đến nhà rủ đi học, đi sinh nhật, bị mẹ nói dối “Phương không có nhà”, cậu liền “tranh thủ” lúc mẹ đi làm "chuồn” ra khỏi nhà đi chơi, có những hôm đi nắng quên ăn, cậu bị cảm nắng, may đã được hàng xóm cấp cứu kịp thời.

Cưng chiều con là thiên chức của cha mẹ, nhưng phải biết lúc nào, việc nào nên cưng chiều. Chúng ta không thể để trẻ muốn gì được nấy. Nếu vậy trẻ dễ sinh ra tính háo thắng, tự mãn. Các hoàng tử, công chúa ấy ra xã hội khi gặp cảnh trái ý, nghịch lòng dễ sinh ra chán nản, không đủ mạnh mẽ để chống đỡ những sóng gió của cuộc đời.”

(www.thegioimevabe.com ngày 23/10/2007).

(*) Ba là trở thành người bạn và người cố vấn của con cái. Trở thành bạn để con cái có thể mở lòng ra mà nói hết mọi chuyện với che mẹ, nhất là mẹ. Trở thành người cố vấn để có thể góp ý cho con cái về mọi chuyện và trong mọi lãnh vực. Gần gũi với con cái của mình như thế, các Bà các Chị sẽ biết con cái mong ước gì ở mình và nhờ đó sẽ tránh được nhiều điều đáng tiếc. Trên báo Phụ nữ Việt Nam (không ghi lại ngày tháng năm) có bài “Con cái mong ước gì ở cha mẹ?” như sau:

“Cha mẹ thường chỉ tập trung vào hành vi của con cái mà quên chú ý đến cách cư xử của mình. Trong một cuộc khảo sát tiến hành ở 100.000 đứa trẻ với câu hỏi con cái cần gì nhất ở cha mẹ, 10 câu trả lời dưới đây rất đáng cho các đấng sinh thành phải suy gẫm.

1. Không muốn cha mẹ cãi nhau trước mặt chúng. Trẻ con có khuynh hướng bắt chước bố mẹ. Cách bạn giải quyết những mâu thuẫn, xung đột gia đình sẽ tác động đến tâm lý và hành vi của trẻ. Vì thế, các bậc phụ huynh hãy kiềm chế và xử lý bất đồng trong ôn hòa, nhã nhặn.

2. Muốn cha mẹ đối xử công bằng giữa các thành viên. Đối xử công bằng với con cái không phải là cào bằng mọi thứ. Mỗi đứa con là một cá thể độc lập, nhưng tất cả chúng đều cần tình yêu thương và sự cảm thông như nhau.

3. Cha mẹ là những người lương thiện, thành thật. Khi bạn bảo người tiếp thị qua điện thoại rằng bạn không có ở nhà nhưng thực tế bạn đang ngồi cạnh các con trong phòng khách, bạn đã gieo vào đầu con ý nghĩ không tốt về sự nói dối của người lớn.

4. Cha mẹ là những người bao dung, rộng lượng. Khi bạn có lòng khoan dung với mọi người, trẻ sẽ học được điều đó và áp dụng trong cách cư xử với những người xung quanh.

5. Niềm nở với bạn bè của con. Nếu con đưa bạn về nhà chơi, bạn sẽ dễ dàng nhận biết con mình kết thân với những ai và giúp con định hướng tình bạn. Vì thế, bạn hãy rộng mở cánh cửa đón chào bạn của các con.

6. Cha mẹ xây dựng tinh thần tập thể cho con cái. Mọi thành viên trong gia đình sẽ có trách nhiệm với nhau hơn, gắn bó hơn. Ý thức tập thể sẽ giúp con bạn phát triển tốt hơn trong môi trường học đường.

7. Cha mẹ là những người biết lắng nghe và giải đáp thắc mắc của con. Có bao giờ bạn cảm thấy có lỗi khi nói với con: "Bây giờ bố mẹ bận lắm. Chúng ta hãy nói về việc này sau nhé!". Và vấn đề ấy bị lãng quên, không được đề cập đến dù thời gian "sau này" không biết đã qua bao nhiêu lần. Hãy dành thời gian để giải đáp những thắc mắc của con cái. Nếu bạn không có câu trả lời thì nên ghi nhận lại và giúp con tìm lời giải đáp sau.

8. Không kỷ luật con trước mặt người ngoài Cha mẹ có thể phạt trẻ khi cần thiết nhưng không nên thực hiện trước mặt người lạ, đặc biệt là bạn bè của con. Chúng cũng cần được tôn trọng và đối xử như người lớn.

9. Tập trung vào ưu điểm hơn là khuyết, nhược điểm của con. Bạn hãy ghi nhận những điểm tốt và điểm chưa tốt của con và lựa lúc thích hợp chỉ ra cho chúng thấy để phát huy mặt mạnh và hạn chế mặt yếu.

10. Cha mẹ nhất quán và kiên định. Đôi khi sự linh động và mềm dẻo của bạn không làm hỏng trẻ, nhưng cần cho con cái hiểu tình yêu mà bạn dành cho chúng không thay đổi và những nguyên tắc, những giới hạn bạn đặt ra cho trẻ là nhất quán.

(*) Bốn là cố gắng trở thành tấm gương trong sáng và sống động cho con cái trong lời ăn tiếng nói, trong cách cư xử với mọi người cũng như trong việc sống đạo. “Lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn” cha ông chúng ta đã đúc kết kinh nghiệm ngàn năm thành câu châm ngôn ấy. Có nhiều bậc cha mẹ chỉ biết nói mà không biết làm hoặc tệ hơn nữa là làm ngược lại với lời nói. Trong bài có tựa đề “Làm gương để dậy con” một tác giả (vô danh) đã viết:

“Dùng những tấm gương tốt để dạy dỗ con cái là một phương pháp lý tưởng. Dưới đây là 5 cách để bạn giúp con hoàn thiện bản thân bằng việc cho chúng thấy những điều tốt đẹp từ chính lời nói, việc làm của bạn.

1. Tập cảm thông và tôn trọng. Nếu con gái nghe bạn nói xấu bố chồng mình, làm sao ngăn cản nó không nói xấu đứa em? Hãy cho con gái thấy, ngay cả khi người khác làm bạn bực mình, cách hay nhất là cố gắng hiểu động cơ và bày tỏ cảm thông với người đó, hơn là than phiền sau lưng họ.

2. Tạo ra một sự khác biệt. Khi bạn tham gia hoạt động xã hội ở một trại dưỡng lão, hay có dịp đến thăm trại trẻ mồ côi, hãy dẫn con theo. Cũng tập cho nó tính quan tâm đến người khác bằng cách chia sẻ với bạn bè nó những đồ chơi, sách, truyện… Khi bạn làm một điều tốt và chỉ cho con thấy, bạn đang chứng minh cho trẻ hiểu rằng, có rất nhiều điều tốt đẹp để làm cho cuộc đời.

3. Quý trọng thời gian. Bạn hãy làm một tấm gương sống, cho con thấy cuộc đời rất quý, không nên phí phạm bằng việc chỉ lướt từ kênh truyền hình này qua kênh truyền hình khác. Thay vì để con quen nhìn thấy bạn mê mải trước TV, hãy cho chúng bắt gặp bạn đang đọc một cuốn sách, làm vườn, sáng tạo nghệ thuật, thậm chí đang tập chơi đàn hay sửa một cái tủ, cắm hoa… Nếu muốn nêu gương cho con, đừng có cầm cái điều khiển từ xa hoài nữa.

4. Hãy giữ lời. Để có một đứa con đáng tin cậy, bạn hãy là một người lớn đáng tin cậy. Khi bạn hứa, hãy giữ lời. Có lẽ bạn không lường trước được chuyện gì sẽ nảy sinh trong lòng trẻ khi bạn hứa có mặt tại buổi tiệc mừng sinh nhật con nhưng vì mải làm việc rồi kẹt giữa dòng xe cộ mà để nó chờ đợi mỏi mòn. Hãy cố giữ lời hứa, và nếu chẳng may có chuyện gì làm bạn thất hứa, cứ giải thích những gì xảy ra càng chân thật và rõ ràng càng tốt. Nên nhớ, những lời nói của bạn có một quyền lực mạnh mẽ đối với con cái mình, bởi trẻ hiểu nhiều hơn bạn nghĩ đấy.

5. Tìm thấy niềm vui trong những điều đơn giản. Trẻ em ngày nay bị nhiều thông điệp vật chất vây bủa; chúng dễ nghĩ rằng hạnh phúc tùy thuộc vào thằng người máy, con chó điện tử mới hay cái quần jean mốt nhất…

Làm sao đối phó với tư tưởng này? Hãy chứng minh rằng những điều tốt đẹp nhất thì hoàn toàn không mất tiền mua. Chẳng hạn, gần đến ngày sinh nhật con, thay vì dùng tiền mua một món quà ở chợ, bạn sẽ dành hẳn một ngày chủ nhật để chơi với nó, ở nhà nấu một bữa đặc biệt hay dắt con đi công viên nước… Con bạn cũng nhờ vậy mà hiểu ra có nhiều cách để tổ chức những dịp kỷ niệm mà không phải lo lắng vì những khoản nợ nần.

Tôi xin thêm một điều thứ 6, liên quan tới đời sống đức tin:

6. Hãy làm những gì mà bạn dậy con cái làm hay muốn chúng làm và giải thích cho chúng hiểu tại sao. Bạn muốn con cái bạn đi lễ đi thờ, xưng tội rước lễ thì bạn hãy siêng năng đi lễ đi thờ siêng năng xưng tội rước lễ. Bạn muốn con cái bạn tham gia hội đoàn thì bạn hãy tích cực tham gia hội đoàn. Bạn muốn con cái học giáo lý thì bạn hãy coi trọng việc trau dồi kiến thức về đạo qua khóa/lớp học, qua sách/báo…. Bạn muốn con cái cầu nguyện thì thì bạn hãy cầu nguyện sớm tối. Tóm lại bạn không chỉ nói mà không làm mà bạn vừa làm vừa nói, tốt hơn nữa là làm trước nói sau.

(*) Năm là giúp con cái định hướng cuộc đời và khám phá ra ơn gọi riêng của chúng. Trong kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa thì mỗi người có ơn gọi, sứ mạng riêng trong Giáo Hội và thế giới này. Ơn gọi, bậc sống nào cũng tốt lành, thánh thiện cả. Điều quan trọng là tìm ra ơn gọi và sứ mạng riêng của mình. Nhưng trong các ơn gọi thì theo lời khuyên của Thánh Phao-lô và quan điểm chung của Hội Thánh Công Giáo, ơn gọi tu trì (linh mục và tu sĩ nam nữ) là đáng trọng hơn cả, vì người đi tu thì dành trọn cả cuộc sống, tài năng, sức khỏe, thời gian và mối quan tâm của mình cho Thiên Chúa, cho Giáo Hội và cho tha nhân:

“Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng. Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co. (1 Cr 7,32-35).

Ứng dụng điều này vào Năm Thánh Linh Mục thì xin các Bà các Chị Hiền Mẫu hãy tự hỏi: “Tôi/Chúng ta nên và phải làm gì trong Năm Thánh Linh Mục?” Các Mẹ các Chị muốn có câu trả lời đầy đủ thì xin mời đọc tập Tài Liệu nhỏ có tựa đề “NĂM THÁNH LINH MỤC VỚI GIỚI HIỀN MẪU” của tôi [Sẽ được giới thiệu với Khóa Tĩnh Huấn này]. Tôi chỉ xin đưa vào đây mấy dòng đã viết về việc cổ võ ơn gọi linh mục, tu sĩ:

Điều Giáo Hội, ở mọi thời đại và mọi nơi, mong đợi ở giáo dân nói chung và ở các hiền mẫu nói riêng là việc cầu nguyện cho có nhiều ơn gọi linh mục, tu sĩ cũng như là cổ võ và nuôi dưỡng các ơn gọi linh mục, tu sĩ. Có nhiều cách “khả thi” khác nhau, như:

* Thứ nhất là tối sớm cầu xin Thiên Chúa ban cho Giáo Hội Công giáo nói chung và Giáo Hội Việt Nam nói riêng có nhiều ơn gọi tu trì vì “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,37-38). Hiện nay nhiều Giáo Hội đang phải đương đầu với tình trạng thiếu ơn gọi linh mục, tu sĩ một cách trầm trọng.

* Thứ hai là khuyến khích con em trong gia đình và giáo xứ chọn đời sống tu trì, hiến mình cho Chúa và Hội Thánh. Chúng ta thừa biết rằng các ơn gọi linh mục và tu sĩ thường chỉ xuất hiện trong các gia đình tốt lành, thánh thiện, vì nơi đó chính là vườn ươm ơn gọi tu trì. Và trong việc xây dựng một gia đình tốt lành, đạo đức, sốt sáng thì vai trò người mẹ là số một. Điều đó đã được chứng minh trong lịch sử Giáo hội nói chung và trong tiểu sử của một số vị thánh linh mục nói riêng…

* Thứ ba là đóng góp tiền của cho việc đào tạo các linh mục và tu sĩ trong các chủng viện, học viện nhất là trong giáo phận.

* Thứ bốn là nâng đỡ, nhất là về tài chánh, các chủng sinh, tu sinh trong các chủng viện và học viện.

III. KẾT LUẬN

Đề kết luận cho bài trình bày của tôi, tôi chỉ xin các Hiền Mẫu ghi nhớ châm ngôn này

“Không ai cho cái mình không có”

để suy gẫm và phấn đấu mỗi ngày.

Chúng ta không có hiểu biết cần thiết về đời (tâm sinh lý, giáo dục, giới tính, xã hội, chính trị) cũng như về đạo (giáo lý, thánh kinh, cầu nguyện, hy sinh, hãm mình, từ bỏ) thì làm sao chúng ta cho con cái chúng ta những thứ ấy được.

Chúng ta không có lối sống lương thiện, thắng thắn, tinh thần trách nhiệm, phục vụ, bác ái, yêu thương thì làm sao chúng ta mong con cái chúng ta có những đức tính ấy.

Chúng ta không có lòng đạo sâu sắc hay đời sống tâm linh cao thì làm sao chúng ta có thể chia sẻ và hướng dẫn con cái chúng ta trong lãnh vực này được.

Chúng ta không cầu nguyện hay ít cầu nguyện thì làm sao chúng ta bảo hay ép con cái chúng ta cầu nguyện được.

Vì thế cho nên việc học hỏi và rèn luyện là hết sức cần thiết đối với các bậc làm cha làm mẹ nói chung, đối với các người làm mẹ nói riêng. Nếu cha ông chúng ta đã nói: học ăn, học nói, học gói, học mở thì có nghĩa là chính các bà mẹ cũng cần phải học, chứ không chỉ những người trẻ mới cần phải học. Đức cố Hồng Y Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận đã nói một ý rất hay: “Để làm linh mục, một chủng sinh phải học hành và rèn luyện những 10 năm hoặc nhiều hơn nữa. Thế mà để làm chồng hay làm vợ, làm cha hay làm mẹ, giáo dân chẳng có trường lớp nào!”

IV. CHIA SẺ

4.1 Thư Mục Vụ 2008 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam về môi trường giáo dục gia đình đã đem lại điều tốt lành nào cho các Bà các Chị Hiền Mẫu?

4.2 Cuộc Thi về Thư Mục Vụ 2008 của Hội đồng Giám Mục Việt Nam tạo được những cảm hứng nào về giáo dục gia đình cho các Bà các Chị Hiền Mẫu?

4.3 Bài trình bày chủ đề: “Vai trò người mẹ về việc giáo dục Ki-tô giáo trong gia đình” (theo Thư Mục Vụ 2008 của Hội đồng Giám Mục Việt Nam) gợi lên những áp dụng thực tiễn nào cho cá nhân, gia đình và giới Hiền Mẫu của các Bà các Chị?

Sài-gòn Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 2009

————
Ghi chú:

(1) Thư Mục Vụ 2008 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, số 3.

(2) Trong bài tham luận đọc tại cuộc thảo luận chính sách chung của Khóa họp thứ 34 Tổng Công Nghị Tổ Chức UNES-CO tại Paris, ngày 22.10. 2008», Đức Giám mục Francesco Follo, quan sát viên thường trực Tòa Thánh tại UNESCO khẳng định:

«Sẽ chẳng có gì thay đổi thật sự trong thế giới của chúng ta chừng nào các cư dân thế giới không được tiếp xúc với một hệ thống giáo dục có chất lượng tốt…Cần phải đặt việc đào tạo và giáo dục người trẻ và người trưởng thành vào giữa những ưu tiên của Cộng Đồng Quốc tế». (Zenit, 24.10.2007/Trương Văn Tiến chuyển dịch).

(3) Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều dẫn chứng của Thánh Kinh, ngay cả của Cựu Ước về Thiên Chúa Tình Thương của Ki-tô giáo. Một số ví dụ: Xh 34,4-9; Đnl 7,6-11; Kn 11,23-12,2; Is 43,1-7; Tv 85, 99, 135, Ga 3,16-18; Rm 5,1-11; Gl 2,20 v.v….

(4) Xin đề nghị với các Mẹ các Chị hãy nghiên cứu Phương Pháp Giáo Dục Dự Phòng như được tóm gọn sau đây:

Phương Pháp Giáo Dục Dự Phòng là một Phương Pháp Giáo Dục rất thực tiễn, dựa trên 3 yếu tố: ÁI-TRÍ-ĐẠO.

* Yếu tố thứ nhất là ÁI:

> Cha mẹ yêu thương con cái là lẽ bình thường, nhưng phải làm cho trẻ biết, cảm nhận và xác tín rằng cha mẹ yêu thương chúng. Hạnh phúc cho những bậc cha mẹ được con cái coi như bạn thân của chúng.

< Biết chiều theo những đòi hỏi hợp lý của trẻ.

> E dè, thận trọng và đừng bao giờ trừng phạt vì nóng giận. Thể hiện hình phạt một cách khôn khéo, tỏ lộ đầy yêu thương.

* Yếu tố thứ hai là TRÍ:

< Lo cho con cái được học hành là lẽ đương nhiên, nhưng nên đề ra chỉ tiêu để đạt tới.

> Tránh cách học nhồi sọ, nhồi nhét thông tin, thiếu tự do làm trẻ mất đi tư duy, sáng kiến.

< Giúp con cái đào luyện lương tâm, định hướng tương lai, ý thức về tội.

> Đào luyện các đức tính nhân bản: trung thực, cần cù, chịu khó, hiền hậu, ôn hòa, quảng đại….

* Yếu tố thứ ba là ĐẠO:

< Củng cố đời sống đạo : mỗi thành viên trong gia đình là môn đệ Đức Ki-tô.

> Luôn biết cầu nguyện trong mọi tình huống, nhất là lúc gặp khó khăn.

< Khuyến khích con cái sống tình bạn thân mật với Chúa Giê-su, cương quyết không phạm tội và biết noi gương Chúa.

> Khuyến khích con cái sống bí tích Thánh Thể và Hòa Giải, học giáo lý và sinh hoạt các đoàn thể.

< Khuyến khích con cái làm việc tông đồ giữa các bạn của chúng.



Giêrônimô Nguyễn Văn Nội




  In bài này    Lưu dạng file    Gửi bài này qua Email


Những bài khác:



Gửi bài
Lên đầu trang
  Tin - bài mới nhất 
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Các bài suy niệm & chú giải Lời Chúa
Văn phòng TGM: Thông báo về Thánh lễ cao điểm Năm Thánh kỷ niệm 100 năm thành lập Tuần Chầu Lượt
Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp Giáo chủ Giáo hội Chính thống Czech và Slovak
Giáo xứ Yên Đại: Khai mạc Tuần Chầu lượt trong Năm Thánh Thể Giáo Phận
Vòng loại Cuộc thi Tri thức Tôn giáo Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội 2018: Cử hành và Sống Đức Tin
Chúa nhật Lễ Chúa Thăng Thiên, năm B: Các bài suy niệm & chú giải Lời Chúa
Hội Dòng Chị Em Bác Ái Gioanna Antida Thouret: Thông báo tuyển sinh năm 2018
Giáo xứ Hòa Ninh: Khánh thành nhà thờ giáo họ Minh Lệ
Tòa Giám mục Giáo phận Vinh: Thông báo Lễ Truyền chức Phó tế cho các Đại Chủng sinh khóa XII
Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh: Thông báo Khóa học âm nhạc hè 2018
Thiên chức làm Mẹ của Đức Maria
Di dân Giáo phận Vinh tại Miền Nam: Bế mạc Giải Bóng đá Truyền thống Cúp Phục Sinh lần thứ VII
Thư Rao về việc truyền chức Phó tế cho Thầy G.B. Đoàn Văn Huy
Tuần Chầu lượt tại các giáo xứ Nghi Lộc, Làng Anh và Vĩnh Phước (Hà Tĩnh)
Thánh lễ Cao điểm Tuần Chầu giáo xứ Kẻ Mui: 14 tân tòng lãnh nhận các Bí Tích Khai Tâm

  Hỗ trợ Web GPVinh 

  Nghe Lời Chúa 


  5 phút suy niệm 


  Các Giờ Kinh Phụng Vụ 


  Vị Thánh trong ngày 


  Web Lam Hồng 


  Đăng nhập/Đ. ký 
Bí danh
Mật khẩu
Mã kiểm traMã kiểm tra
Lặp lại mã kiểm tra
Ghi nhớ

  Giáo Lý - Đức Tin 


  Bác ái xã hội - Caritas 


  Tài liệu mới 
  Danh sách các thầy khóa XII được truyền chức Phó tế
  ThÆ° Rao Truyền chức Phó tế khóa XII
  ThÆ° Rao Truyền chức Phó tế khóa 12
  HÆ°á»›ng dẫn Mục vụ Thánh nhạc
  "Sống Và Yêu Thật Lòng" / Lm. Micae – Phaolô Trần Minh Huy, PSS
  Tông Huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu ThÆ°Æ¡ng) của Đức Phanxicô
  Yêu ThÆ°Æ¡ng là sứ mệnh của chúng ta - Để gia đình sống dồi dào
  Văn bản Đàng Thánh Giá do ĐTC chủ sá»± ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 03/04/2015
  Æ n Gọi Và Sứ Mạng Của Gia Đình Trong Giáo Há»™i Và Trong Thế Giá»›i Ngày Nay
  ÄÃ ng Thánh Giá thứ Sáu Tuần Thánh năm Tân Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ - 2015
Xem tiếp...

  Radio Công giáo 



Copyright © 2013 GIAOPHANVINH.NET :: All rights reserved.
Email biên tập: vinhconggiao@gmail.com || Ban quản trị: quantri@giaophanvinh.net