GPVMenu

 Phim Công giáo online 

 Lịch Phụng vụ GP Vinh 

 Giờ lễ tại các nhà thờ 

 Quỹ Học bổng NTT 

 Giấy tờ - Chứng chỉ 

 ĐCV Vinh Thanh 


Xem tiếp...
 Gia đình Web Giáo phận 
Lam Hồng (Đức tin & VH)

Phim Công giáo

Thánh Ca Online

ĐCV Vinh Thanh

Hội dòng MTG Vinh

Quỹ Học Bổng NTT

GĐ Thánh Tâm GP Vinh

Doanh nhân GP Vinh

Giáo xứ Bảo Nham

Giáo xứ Hòa Ninh

Giáo xứ Làng Rào

Giáo xứ Nghi Lộc

Giáo xứ Tân Lộc

Giáo xứ Trung Nghĩa

Sinh viên CG Vinh

CĐ Vinh Hà Nội
 Tra cứu bài viết 
Tháng Năm 2024
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
 Thống kê truy cập 
 Khách: 30
 Thành viên: 000
 Tổng cộng 030
 Lượt tr.cập 055703119
 Từ điển online 
TỪ ĐIỂN ONLINE

 Bookmark & Share 

website security
 
Chuyên mục » Tài liệu, sÆ°u khảo 04.05.2024
Từ kinh nghiệm truyền giáo ở Việt Nam và Hàn Quốc đến việc xây dựng văn hóa Nhân bản Tâm linh
20.03.2009

NHẬP ĐỀ

Chúng ta đã cùng nhau suy nghĩ về hiệu quả truyền giáo ở Việc Nam trong khoảng 50 năm gần đây với nghi vấn rằng: hiệu quả ấy chưa cao như lòng mong ước, và tìm ra một vài nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hiệu quả và gợi ý cần phải trở lại với Đức Giêsu Kitô. Tuy nhiên, những suy tư này có lẽ còn nặng tính lý thuyết, cần được chứng minh bằng chính thực tế của hoạt động truyền giáo.

Vì thế, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá vài kinh nghiệm truyền giáo ở Việt Nam và Hàn Quốc, để thấy rằng việc truyền giáo tác động lên xã hội, ảnh hưởng rất nhiều đến nền văn hoá dân tộc và có thể thay đổi cả đất nước. Do đó, muốn cho việc truyền giáo hiện nay ở Việt Nam có kết quả tốt đẹp, cần xây dựng một nền nhân bản mới.

Bài trình bày bao gồm mấy điểm chính sau đây:

1. Hiệu quả việc truyền giáo ở Việt Nam trong bối cảnh văn hoá và lịch sử
2. Phân tích khái quát hiệu quả truyền giáo ở Hàn Quốc trong 50 năm gần đây
3. Xây dựng một nền văn hoá nhân bản mới cho tín hữu Việt Nam

1. HIỆU QUẢ VIỆC TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH VĂN HOÁ VÀ LỊCH SỬ

Chúng tôi đã trình bày khá chi tiết công cuộc truyền giáo ở Việt Nam trong cuốn Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2005, đặc biệt trong chương 10 và 11, từ trang 184-225. Ở đây chúng tôi xin tóm tắt vài điểm chính như sau:

1.1. Bối cảnh văn hoá và lịch sử

Bối cảnh lịch sử:

Sau khi Lê Lợi thắng quân Minh, triều đại nhà Lê kéo dài 360 năm (1428-1788). Xã hội Việt Nam vào thế kỷ XV ổn định, nông nghiệp phục hồi và phát triển. Sang thế kỷ XVI, nhà Lê suy yếu vì các vua ham mê tửu sắc, triều đình thiếu người tài trí, xã hội bắt đầu hỗn loạn. Dân chúng khốn khổ vì những cuộc chiến tranh loạn lạc liên miên giữa họ Trịnh phò Lê và họ Mạc. Sau khi họ Trịnh chiếm lại được thành Thăng Long, vào năm 1592, nhà Lê được khôi phục, nhưng mọi quyền lực đều nằm trong tay họ Trịnh. Chiến tranh Lê-Mạc chưa chấm dứt thì cuộc chiến tranh đẫm máu giữa hai thế lực Trịnh-Nguyễn lại diễn ra, rồi đến cuộc chiến giữa anh em nhà Tây Sơn với chúa Nguyễn từ năm 1776 cho đến khi chúa Nguyễn Ánh thắng Tây Sơn và thống nhất sơn hà năm 1802. Cuộc sống người dân trong thời kỳ này vô cùng khốn khổ, sinh mạng con người bị coi thường, đời sống kinh tế kiệt quệ vì sưu cao thuế nặng để chi phí cho chiến tranh.

Từ những năm 1802-1856, xã hội tạm yên ổn, nhưng thay vì cởi mở như Minh Trị Thiên Hoàng ở Nhật Bản (Mutsuhito, 1852-1912), các vua triều Nguyễn lại dùng chính sách bế quan toả cảng đối với người nước ngoài, hoàn toàn theo quan điểm chính trị của Trung Quốc, nên đời sống dân chúng vẫn hết sức khó khăn, dân trí lạc hậu. Cuộc chiến tranh giữa Pháp-Việt bùng nổ vào năm 1858. Những cuộc tàn sát tập thể tín hữu Kitô giáo ở Ba Giồng, Hữu Đạo, Biên Hoà, Bà Rịa (1861), Nam Định, Hưng Yên (Bắc kỳ), Búng, Long Thành, Tân Triều, Trảng Bàng (Tây Ninh) (1862) đã là lý do để người Pháp vin vào đó đánh chiếm miền Nam Việt Nam. Năm 1862, Việt Nam phải ký Hoà ước Nhâm Tuất nhường 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ cho Pháp.

Năm 1867, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Bộ. Năm 1868, Phong trào Văn Thân với khẩu hiệu “Bình Tây Sát Tả” để chống Pháp và sát hại người Công giáo nổi lên ở Nghệ An, Nam Định và lan dần khắp nước. Năm 1873, Pháp đánh chiếm thành Hà Nội lần đầu và một số tỉnh ở miền Bắc. Năm 1874, Việt Nam phải ký Hoà ước Giáp Tuất nhường đứt cho Pháp 6 tỉnh Nam kỳ, đồng thời người dân được tự do truyền đạo và theo đạo. Hàng chục ngàn người Công giáo bị sát hại do phong trào Văn Thân, nhất là trong những năm 1885-1886.

Năm 1882, Pháp chiếm Hà Nội lần II và các tỉnh miền Bắc dẫn đến hoà ước Giáp Thân năm 1884, đặt miền Bắc dưới sự bảo hộ của người Pháp, Nam kỳ là thuộc địa Pháp và Trung kỳ thuộc quyền cai trị của triều đình Huế cho tới năm 1945, khi Đảng Cộng Sản giành được chính quyền, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Bối cảnh văn hoá:

Chủ quyền chính trị thay đổi liên miên nhưng bối cảnh văn hoá hầu như không thay đổi từ năm 1428 đến 1945. Dân tộc ta tổ chức xã hội theo tư tưởng Nho giáo dựa trên Tam cương, Ngũ thường. Vua là chủ thể tối cao của đất nước mà mọi người phải tôn thờ vì vua là Con Trời (Thiên Tử). Vua nắm toàn quyền sinh sát trong tay, bắt ai chết là người đó phải chết. Chỉ có vua nắm độc quyền về tôn giáo để phong thần cho các vị thần linh và từ đó dân chúng mới được phép tôn thờ.Triều đình lấy chữ Hán của người Trung Hoa làm chữ chính thức và tổ chức các khoa thi dựa trên các sách kinh điển của nền giáo dục Trung Quốc như Tứ Thư, Ngũ Kinh. Phật giáo có ảnh hưởng nhiều trên dân chúng và những biến thể của đạo Lão như các hình thức thờ các thần vật, bùa chú mê tín rất phổ biến trong dân gian (x. Toan Ánh, Tín ngưỡng Việt Nam, Quyển Thượng và Quyển Hạ, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1992).

Gia đình theo chế độ đa thê, trọng nam khinh nữ với những hình phạt rất nặng nề dành cho các phụ nữ hoang thai, gian dâm. Xã hội còn nhiều hủ tục như tục tảo hôn, tục cho phép đàn ông bỏ vợ vì một số lý do không chính đáng (thất xuất) như: không con, không thờ cha mẹ chồng, đa ngôn, trộm cắp, ghen tuông, có ác tật, dâm dật (x. Toan Ánh, Con người Việt Nam, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1992, tr. 215). Nhiều trò vui, lễ hội mang tính phóng đãng (x. Toan Ánh, Hội Hè Đình Đám, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1992, tr. 244-279).

Cách tổ chức làng xã dù có thay đổi ít nhiều dưới các thời vua chúa khác nhau, nhưng các sinh hoạt và các tục lệ hầu như vẫn giữ nguyên, nhiều khi “phép vua thua lệ làng” (x. Toan Ánh, Làng Xóm Việt Nam, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1992, ).

Trong bối cảnh lịch sử và văn hoá như thế, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô được loan báo cho dân tộc Việt Nam.

1.2. Các giai đoạn truyền giáo

Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam tạm chia thành những giai đoạn sau đây:

- Giai đoạn khai sinh (1533-1615) và mở đạo chính thức (1615-1659)

Khởi đầu vào năm 1533, một người nước ngoài tên là Inêkhu đã đến truyền giáo tại làng Ninh Cường, huyện Nam Châu và làng Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ (tỉnh Nam Định ngày nay).

Tiếp đó, các vị thừa sai Dòng Tên đã đến truyền đạo ở cả 2 miền Nam Bắc, lấy sông Gianh làm ranh giới, phía Bắc gọi là Đàng Ngoài do vua Lê chúa Trịnh nắm quyền, phía Nam gọi là Đàng Trong do các chúa Nguyễn cai quản.

Từ năm 1615, các linh mục F. Buzomi, D. Cavalho đến Cửa Hàn, Đà Nẵng, tiếp theo là các linh mục F. Pina, C. Borri và A. de Rhodes (Đắc Lộ). Ở Đàng Ngoài có linh mục G. Baldinotti, P. Marques và cả A. de Rhodes đến Cửa Bạng, Thanh Hoá, ngày 19-3-1627. Để hỗ trợ cho việc truyền giáo, các thừa sai đã biên soạn giáo lý, sáng tác kinh nguyện, thơ văn bằng chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ với sự trợ giúp của các thầy giảng có học thức như cụ Gioakim, sư cụ Chùa Phao, sư cụ Manuel, cụ nghè Giuse, đặc biệt là 2 tác phẩm của cha Đắc Lộ ấn hành ở Rôma năm 1651: Phép giảng Tám ngày và Từ điển Việt Bồ La, các thánh truyện bằng chữ Nôm của G. Majorica.

Vào năm 1665, sau 37 năm truyền giáo ở Đàng Ngoài với 25 linh mục và 5 trợ sĩ, và sau 50 năm ở Đàng Trong với 39 linh mục và 01 trợ sĩ, các thừa sai Dòng Tên rửa tội khoảng 100.000 tín hữu (trong đó có 20.000 ở Đàng Trong) (x. Công giáo và Dân tộc, Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm, NXB Tôn Giáo, 1996, tr. 86).

- Giai đoạn hình thành (1659-1802)

Năm 1659, Đức Thánh Cha Alexander VII lập 2 giáo phận ở Việt Nam (Đàng Trong và Đàng Ngoài) và đặt 2 vị giám mục đầu tiên thuộc Hội Truyền giáo Paris (MEP) làm đại diện Tông Toà. Đức cha Lambert de la Motte ở Đàng Trong và F. Pallu ở Đàng Ngoài.

Dù có những sắc chỉ cấm đạo của vua chúa kèm theo những cuộc bách hại dưới thời các chúa Trịnh ở miền Bắc, các chúa Nguyễn ở miền Nam hoặc của vua Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn ở miền Trung, các giám mục và các thừa sai vẫn miệt mài truyền đạo, và Giáo hội Việt Nam vẫn không ngừng phát triển.

Vào năm 1802, Giáo hội Việt Nam có 3 giáo phận với 121 linh mục Việt Nam và 320.000 tín hữu, chiếm tỷ lệ khoảng 3% dân số. Giáo phận Đàng Trong có 60.000 giáo dân, Tây Đàng Ngoài có 120.000 giáo dân và Đông Đàng Ngoài 140.000 giáo dân.

- Giai đoạn thử thách (1802-1886)

Sau khi vua Gia Long lên ngôi thống nhất đất nước năm 1802, cho đến khi phong trào Văn Thân ngưng tàn sát người Công giáo (1885-1886), có thể gọi đây là giai đoạn thử thách với các cuộc bách hại triền miên của vua quan lẫn một phần dân chúng chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, thù ghét sự xâm lăng của người Pháp và hiểu lầm người Công giáo đi với Pháp để phản bội đất nước.

Nhưng đây cũng là giai đoạn truyền giáo rất thành công vì người tín hữu Việt Nam đã tìm được con đường sống trong cái lẽ tử sinh của kiếp người, giới thiệu được nền văn hoá Công giáo cho dân tộc. Đây cũng là thời kỳ truyền giáo hiệu quả nhất. Trong vòng 80 năm, dân số Công giáo tăng gấp đôi và tỷ lệ tăng từ 3% lên đến 7%.

Vào cuối thời kỳ này, Giáo hội Việt Nam có 9 giáo phận, 4 giáo phận ở Đàng Trong và 5 giáo phận ở Đàng Ngoài, với 9 giám mục, 219 linh mục thừa sai, 356 linh mục Việt Nam, 1.246 chủng sinh, 156 thầy giảng, 1.399 nữ tu, 930 nhà thờ, 292 cơ sở bác ái, và 648.435 giáo dân, chiếm tỷ lệ khoảng 7% dân số (x. Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2005, tr. 195).

- Giai đoạn phát triển (1886-1960)

Sau hoà ước 1884, Việt Nam được chia thành 3 kỳ: Nam kỳ, Bắc kỳ và Trung kỳ. Người Công giáo được tự do theo đạo, xây dựng các cơ sở vật chất, nhiều giáo phận mới được thành lập, số tín hữu tăng nhanh. Tính đến năm 1939, Giáo hội Việt Nam có 16 giáo phận, 17 giám mục, 1.544.765 giáo dân trên tổng số 26.500.000 người chiếm 7,5% (x. Bảng 12, phần Phụ lục, tr. 26).

Sau Hiệp định Genève 1954, Việt Nam chia thành 2 miền Nam Bắc, lấy sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 làm ranh giới, với hai ý thức hệ đối nghịch nhau. Trong thời gian này, có khoảng 650.000 tín hữu từ miền Bắc di cư vào miền Nam.

Ngày 24-11-1960, Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã thiết lập Hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam với 3 giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Một số giáo phận mới được thành lập. Giáo hội Việt Nam lúc này có 20 giáo phận, 23 giám mục, 2.094.540 tín hữu, 1.944 linh mục, 5.789 tu sĩ nam nữ và 1.530 chủng sinh trên tổng số 30.172.000 dân, chiếm tỷ lệ 6,9% dân số (x. Bảng 12, phần Phụ lục, tr. 26).

Giai đoạn này dù được tự do theo đạo, xây dựng được nhiều nhà thờ, cơ sở giáo dục, xã hội, thậm chí được chính quyền nâng đỡ, nhưng số người theo đạo lại không nhiều. Tỷ lệ giảm từ 7% xuống 6,9% dân số.

- Giai đoạn trưởng thành (từ 1960 đến nay)

Trong giai đoạn này, cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc với hai ý thức hệ kéo dài từ năm 1963 đến 1975. Do số tín hữu tăng nên hai giáo tỉnh Huế và Sài Gòn lại được chia nhỏ để lập thêm nhiều giáo phận: Đà Nẵng, Ban Mê Thuột, Xuân Lộc, Phú Cường, Phan Thiết. Vào cuối năm 1975, Giáo hội Việt Nam có 25 giáo phận.

Ánh sáng từ Công đồng Vatican II (1962-1965) đã lan toả trên các giáo phận miền Nam theo đường hướng mục vụ và đại kết với các hoạt động của nhiều hội đoàn Công giáo Tiến hành trong xã hội, với hàng ngàn trường học các cấp được xây dựng trong khi miền Bắc vẫn giữ nếp sống âm thầm dưới chế độ Cộng sản với nhiều khó khăn và thử thách.

Chiến thắng của Cộng sản miền Bắc đã dẫn đến việc chính quyền miền Nam sụp đổ và thống nhất đất nước, ngày 30-4-1975, đưa Giáo hội Việt Nam vào một giai đoạn mới. Dù có khó khăn về vật chất vì các phương tiện hoạt động mục vụ, các cơ sở hoạt động xã hội và kinh tế ở miền Nam đều bị Nhà nước tiếp thu và quản lý, nhưng Giáo hội Việt Nam lại thấy đây là dịp Thiên Chúa thanh tẩy mình khỏi những vướng bận vật chất để chú ý hơn đến tinh thần sống đạo, học hỏi Lời Chúa, cầu nguyện, dạy giáo lý cũng như phổ biến đời sống đức tin, văn hoá, đạo đức của người Việt Nam cho toàn thể gia đình nhân loại, qua việc gần 1 triệu người đã di tản từ 1975-1990, sang rất nhiều nước trên thế giới.

Từ năm 1990 đến nay, qua chính sách cởi mở của Nhà Nước đối với tôn giáo, Giáo hội Công giáo Việt Nam có nhiều tự do hơn để tổ chức các hoạt động tôn giáo cũng như các hoạt động bác ái xã hội. Số tín hữu bắt đầu gia tăng so với tỷ lệ dân số, dù sự gia tăng không nhiều. Tính đến 31-12-2007, Giáo hội Công giáo Việt Nam có 26 giáo phận, 2 Hồng y, 2 Tổng Giám mục, 38 giám mục, 3.510 linh mục, 14.968 tu sĩ nam nữ, 6.087.659 tín hữu trên tổng số 25.154.900 người, chiếm 7,15% dân số. Trong gần 50 năm qua, GHCGVN đã có thêm 5 giáo phận mới, số tín hữu tăng gấp 3, số linh mục tu sĩ tăng gấp đôi.

Hiện nay, nếu tính thêm số tín hữu Công giáo (khoảng 1 triệu) và số người Việt ở nước ngoài (khoảng 3 triệu) mà Giáo hội Việt Nam phần nào chịu trách nhiệm loan báo Tin Mừng, tổng số tín hữu là 7 triệu trên 89 triệu người Việt, chiếm tỷ lệ 7,86 % (x. Hội Đồng Giám mục Việt nam, Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2005, Phụ lục: Cộng đồng Công giáo Việt Nam Hải ngoại, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 867-902).

1.3. Truyền giáo và nền văn hoá Việt Nam

Xét về mặt văn hoá, công cuộc truyền giáo ở Việt Nam đã đóng góp rất lớn hay có thể nói đã giải phóng người Việt khỏi lệ thuộc nền văn hoá Trung Hoa.

Từ khi bị người Tàu đô hộ vào năm 179 TCN cho đến 1615, khi Tin Mừng được các nhà truyền giáo Tây Phương loan báo, hầu như mọi người dân Việt, từ vua quan đến dân chúng, chịu ảnh hưởng nặng nề của nền văn hoá Trung Hoa. Dầu vậy, ý thức phản kháng của dân tộc Việt vẫn âm ỉ bày tỏ qua cách sống (thuốc Nam - thuốc Bắc), cách ăn mặc (mặc váy-mặc quần), chữ viết (chữ Nôm thế kỷ 11 – chữ Hán) nên người Việt không mất nước và không bị đồng hoá so với dân tộc Chiêm Thành ở miền Trung Việt Nam.

* Các nhà truyền giáo đã dạy cho người Việt giá trị vô cùng cao quý của con người trong những thế kỷ chiến tranh liên miên mà mạng người bị coi rẻ như cỏ rác. Tin vào Thiên Chúa và vào Đức Giêsu Kitô họ sẽ được sống muôn đời dù vua chúa có thể dùng họ như những món đồ chơi trong cuộc tranh giành quyền lực.

Sống dưới chế độ dân chủ chuyên chế, vua được tôn là thiên tử (con trời), có toàn quyền sinh sát: vua bắt bầy tôi chết mà người đó không chịu chết là người đó bất trung (quân xử thần tử, thần bất tử bất trung). Còn Kitô hữu lại được dạy mọi người đều bình đẳng, đều là anh em trong đại gia đình nhân loại, có Thiên Chúa là Cha nên ai cũng phải tôn trọng quyền sống của con người. Đức Giêsu mới là “Thiên Tử” thật sự, nhưng lại tự nguyện chết để cứu độ chúng ta, nên người Kitô hữu sẵn sàng hy sinh mạng sống để phục vụ Chúa và mọi người.

* Sống trong một xã hội theo chế độ đa thê (trai thì năm thê bảy thiếp), trọng nam khinh nữ (nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô), các Kitô hữu thời đó làm chứng cho sự thật về quyền bình đẳng giới tính, về hôn nhân một vợ một chồng, về hạnh phúc gia đình dựa trên tình yêu chung thuỷ và tình yêu Thiên Chúa. Hạnh phúc này biểu lộ trong đời sống gia đình của người Công giáo với những tiếng cười tiếng hát và trong đời sống cộng đồng, với những công việc cũng như trò vui mà nam nữ được tham dự như nhau.

* Sống trong xã hội mà học thức là một cái gì quý giá chỉ dành cho một thiểu số được ưu đãi, giàu sang, thì người tín hữu lại muốn phổ biến sự khôn ngoan của Thiên Chúa cho mọi người. Mỗi làng ngày xưa chỉ có một vài người đi học để viết được cái văn tự bán nhà bán đất, làm sổ đinh sổ điền thay cho cả làng; nếu may mắn hơn thì thi đỗ làm quan. 99% dân số còn lại đều mù chữ, thất học. Trái lại, người Công giáo ai cũng được học, ai cũng biết chữ. Lúc đầu học chữ Hán, chữ Nôm, sau lại cùng nhau khám phá và truyền bá thứ chữ dễ đọc hơn, dễ viết hơn là chữ Quốc Ngữ, như chúng ta đang dùng, để phổ biến sự thật cho mọi người. Hàng trăm bộ sách Hán Nôm, hàng ngàn cuốn sách Quốc Ngữ của người Công giáo còn để lại trong kho tàng văn hoá dân tộc như muốn chứng minh điều đó.

Đời sống hằng ngày với những kinh sách, với những tuồng kịch diễn mỗi ngày lễ trọng, mỗi mùa phụng vụ giúp cho tất cả từ trẻ đến già đều biết chữ nghĩa, trở thành người có văn hoá và dạy văn hoá cho đồng bào. Chỉ trong vòng 200 năm, tính từ khi tiếng Việt được khai sinh chính thức với cuốn Từ điển Việt-Bồ-La và sách Phép giảng Tám ngày của Linh mục Đắc Lộ, vào năm 1651, cho đến lúc tờ Gia Định báo, tờ báo tiếng Việt đầu tiên, ra mắt ở miền Nam năm 1865, ta mới thấy nếp sống văn hoá của người Công giáo ảnh hưởng nhanh chóng và mạnh mẽ đến xã hội Việt Nam như thế nào.

* Nhờ chữ viết, nhất là nhờ các vị thừa sai dạy cho biết khoa học, kỹ thuật Tây Phương, tín hữu Công giáo trở thành những người truyền bá sự thật của Thiên Chúa ghi khắc trong vũ trụ vạn vật. Thời đó, mỗi làng có vài ba cái ao: tắm rửa, ăn uống đều lấy nước từ đó. Người Công giáo hiểu rằng cần phải gìn giữ thể xác của mình cho khoẻ mạnh, cho xứng đáng với ơn Chúa, nên dạy bảo nhau cần phải lọc nước bằng than, cát, sỏi mới được dùng, rồi phải đun sôi mới nên uống. Cách đây năm bảy chục năm, cứ 10 đứa trẻ thì may ra có 3 đứa sống quá 1 tuổi, rất nhiều đứa bị chết yểu vì bệnh tật. Vì dùng nước ao tù nên cả làng cứ 100 người thì có khoảng 90 đến 95 người toét mắt, lúc nào cũng che miếng vải đen sùm sụp trước mắt. Nhưng con cái người Công giáo đứa nào cũng khoẻ mạnh, đẹp đẽ nên nhiều người lương cho người Công giáo con của mình để nó được sống. Nhiều chàng trai bên lương chỉ muốn lấy vợ Công giáo vì người nào đôi mắt cũng đẹp. Còn những cô gái ngoại đạo lại muốn lấy chồng Công giáo để gia đình có những đứa con khoẻ mạnh và hoà thuận yêu thương nhau trong đời sống một vợ một chồng.

* Với những chữ “tả đạo” thích trên trán, người Công giáo không thể đi học, không thể buôn bán trong xã hội. Lúc bấy giờ họ hiểu rằng mình phải yêu thương nhau, phải đoàn kết và chia sẻ nghề nghiệp cho nhau. Làm ra hàng gì thì phải thật tốt, bán ra cái gì thì phải thật rẻ. Nhờ vậy ai cũng muốn trao đổi hàng hoá với người Công giáo, và họ đã vượt qua được giai đoạn khó khăn.

* Bị bắt bớ quá thì người tín hữu trốn vào rừng sâu làm rẫy, như ở La Vang, Trà Kiệu, nhờ thế mà mở mang bờ cõi đất nước. Với lý lịch “tả đạo”, khó sống ở miền Bắc, tín hữu phải đi vào miền Trung, miền Nam theo đoàn quân viễn chinh và trở thành những người mở đường, dựng nước. Chính trong miền Nam, sống với những người có thể nói là đầu trộm đuôi cướp theo chính sách di dân thời xưa, người Công giáo lại cảm thấy dễ thở hơn, dù phải hy sinh rất nhiều, phải chiến đấu với từng đàn thú dữ, với những đám muỗi bay dày như đám mây. Người Công giáo trở thành những người tiên phong với tinh thần hào phóng, thân thiện của người phương Nam thuở trước. Người tín hữu chia sẻ tình yêu thương với hết mọi người, cùng quên đi những quá khứ xấu xa, những lý lịch đen tối của nhau để sống hoà thuận bên nhau, chỉ cần gọi nhau là anh Hai, chị Ba, cô Tư, chú Tám và coi nhau như một đại gia đình của Thiên Chúa.

* Các nhà Nho tiền bối như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh với phong trào Đông Du; Lương Văn Can, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã hô hào dân chúng bỏ búi tóc, cắt móng tay, mặc Âu phục, học chữ Quốc Ngữ, sống đời gia đình một vợ một chồng như người Công giáo. Tất cả phong trào ấy đã làm cho đất nước của chúng ta phát triển.

Những sự thật về giá trị và quyền lợi căn bản của con người, về bình đẳng nam nữ, về sự chung thuỷ trong gia đình, về giá trị của khoa học, kỹ thuật… mà chúng ta thấy dường như hiển nhiên, rõ ràng trong thời đại ngày nay, thì các bậc tiền bối Công giáo đã phải vất vả truyền giảng cho người đương thời với mình bằng biết bao nỗi tủi nhục, hy sinh và có khi bằng cả sự sống quý báu.

Nếu hiểu văn hoá là hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần, do con người sáng tạo và tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tiễn khi tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội của mình (x. Trần Ngọc Thêm, Tìm hiểu về Bản sắc Văn hoá Việt Nam, NXB TP. Hồ Chí Minh, 2004, tr. 20-27), thì người tín hữu Công giáo Việt Nam trong những giai đoạn truyền giáo vừa qua, từ 1659-1885, đã xây dựng một nền văn hoá mới cho dân tộc. Nền văn hoá này lấy con người làm gốc, nên tạm gọi là nền văn hoá nhân bản, với những nét chính yếu sơ khởi cần được phát triển thêm trong tương lai.

Để làm sáng tỏ thêm mối liên hệ giữa truyền giáo và văn hoá, chúng tôi xin giới thiệu một thí dụ khác. Đó là công cuộc truyền giáo của Giáo hội Hàn Quốc trong 50 năm gần đây với bối cảnh lịch sử, văn hoá có rất nhiều điểm tương đồng với Giáo hội Việt Nam.

2. TRÌNH BÀY VÀ PHÂN TÍCH KHÁI QUÁT VỀ KẾT QUẢ TRUYỀN GIÁO Ở HÀN QUỐC TRONG 50 NĂM GẦN ĐÂY

2.1. Bối cảnh lịch sử và văn hoá

(x. NN., Trịnh Huy Hoá biên dịch, Đối thoại với các nền văn hoá Triều Tiên, NXB Trẻ, TP.HCM, 2001)

Hàn Quốc là một quốc gia nằm ở bán đảo Triều Tiên, phía Bắc giáp Trung Quốc và Nga, phía Đông giáp biển Nhật Bản, gồm hai miền Nam Bắc theo hai thể chế chính trị khác nhau, lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới. Bắc Hàn hiện nay theo chế độ Cộng sản, với tên nước là Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Nam Hàn theo chế độ Tư bản, với tên nước là Cộng hoà Hàn Quốc.

Hàn Quốc lập nước vào khoảng năm 3.000 TCN với tên nước là Choson (Triều Tiên). Những người dân ở bán đảo này là những người châu Á tiền sử sống dưới ảnh hưởng của nền văn hoá Trung Quốc. Năm 108 TCN, nhà Hán ở Trung Quốc, chiếm nửa phần phía Bắc của bán đảo. Các bộ lạc Đại Hàn đã chiếm lại một phần lãnh thổ vào năm 75 TCN và lập nên các vương quốc Silla (57 TCN), Koguryo (37 TCN) và Paekche (18 TCN), tồn tại trong 700 năm. Từ năm 668-917, các vua triều Silla chiến thắng nhà Đường ở Trung Quốc, thống nhất đất nước, mở ra một thời hoàng kim cho dân tộc Hàn.

Thủ lĩnh Wang Kon chiếm được vương quốc năm 918 và lập nên triều đại Koryo (Korea), kéo dài từ 918-1392. Sau đó tướng Yi Songgye đã giành quyền và lập nên triều đại Yi (1392-1910) và chuyển đô về Hanyang (Seoul hiện nay). Từ năm 1592-1598, Đại Hàn bị tàn phá nặng nề do cuộc chiến tranh xâm lăng của Nhật Bản và từ năm 1600-1894, người Trung Hoa xâm chiếm Đại Hàn và buộc cống nộp. Đến năm 1910, người Nhật lại chiếm đóng Đại Hàn sau khi Nhật thắng Liên Xô trong cuộc chiến 1904-1905. Từ những ngày đầu lập nước cho đến thế kỷ XX, người dân Hàn Quốc chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hoá Trung Hoa: xã hội được tổ chức theo Khổng giáo, dân chúng theo Phật giáo và thờ kính ông bà tổ tiên với ảnh hưởng của tín ngưỡng Shaman.

Năm 1945, Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, Nhật bại trận, Đại Hàn bị chia cắt thành hai miền: ở phía Bắc vĩ tuyến 38, Liên Xô tiếp quản lập thành Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (1-5-1948), với thủ đô là Pyonnyang. Ở phía Nam vĩ tuyến 38, Hoa Kỳ tiếp quản năm 1948, với thủ đô là Seoul. Cuộc chiến Nam Bắc đã xảy ra do sự đối kháng của hai ý thức hệ Cộng sản và Tư bản đã tàn phá đất nước nặng nề (1950-1953). Từ đầu thế kỷ XX, người dân Hàn Quốc biết đến nền văn hoá Tây phương.

2.2. Công cuộc truyền giáo

Công giáo được truyền vào Đại Hàn từ năm 1784, qua các tín hữu giáo dân học đạo ở Trung Quốc. Dù chưa có linh mục cai quản nhưng vào năm 1794, đã có khoảng 4.000 tín hữu. Điều này cho thấy sức sống mãnh liệt và tinh thần truyền đạo của tín hữu Hàn Quốc. Năm 1857, số tín hữu là 15.000 người. Giáo hội Hàn Quốc trải qua 4 cuộc bách hại nặng nề trong thế kỷ XIX, nhiều ngàn người đã bị giết. Vào năm 1984, 103 vị thánh Tử đạo đã được tôn phong thuộc các thời kỳ bách hại này.

Năm 1883, người dân Hàn Quốc được tự do tôn giáo khi chính sách bế quan toả cảng được tháo gỡ nhưng trong thực tế việc truyền giáo không thu được kết quả vì dân chúng vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của Tam giáo Đông Phương. Trong Thế Chiến thứ II, hầu hết các thừa sai nước ngoài bị bắt bớ và bị trục xuất, nhiều chủng viện bị đóng cửa và nhà thờ bị phá huỷ. Sau khi được giải phóng khỏi ách thống trị của Nhật Bản, Giáo hội Hàn Quốc ở miền Nam mới được tự do tôn giáo thật sự và từ sau cuộc chiến Nam Bắc Hàn, Giáo hội Nam Hàn mới thật sự có những thành công lớn lao về mặt truyền giáo đáng chúng ta nghiên cứu.

Giáo hội Bắc Hàn có khoảng 100.000 tín hữu (theo Thống kê của Toà Thánh Vatican năm 1969) trên tổng số 23.761.000 dân. Nhưng sau cuộc chiến Nam Bắc, việc theo đạo Kitô chỉ được thể hiện trong nội bộ gia đình và bị ngăn cản dữ dội cho đến ngày nay.

Giáo hội Nam Hàn hiện có 3 giáo tỉnh, 12 giáo phận, 1 giáo phận quân đội, 1 Hồng y, 5 Tổng Giám mục, 24 Giám mục, 1.471 giáo xứ, 3.525 linh mục (2.947 triều, 578 dòng), 1.702 chủng sinh, 636 nam tu sĩ, 8.828 nữ tu sĩ, 12.824 giáo lý viên, rửa tội 158.978 người, 4.682.000 giáo dân trên tổng số 48.500.000 dân (chiếm 9,65%) (x. Catholic Almanac, 2009, tr. 316-317).

Vài con số thống kê sau đây để thấy bước phát triển của Công giáo và Tin Lành ở Nam Hàn:

- Năm 1949: Công giáo và Tin Lành chỉ chiếm 1% dân số ở Hàn Quốc.
- Năm 2009: Công giáo 9,6% và Tin Lành 26%. Cả nước có 35,6% theo Kitô giáo.
- Chỉ trong vòng 60 năm dân số Công giáo tăng từ 1% lên 9,65% và trong 10 năm (1999-2009) tăng từ 7,73% lên 9,65% (x. Bảng Thống kê Giáo hội Hàn Quốc, 1999-2009).

2.3. Phân tích sự thành công của việc truyền giáo ở Nam Hàn

Giáo hội Hàn Quốc có thể là một trường hợp điển hình trong công việc truyền giáo cho nhiều giáo hội khác, đặc biệt là cho Giáo hội Việt Nam vì hai giáo hội có nhiều nét tương đồng về bối cảnh lịch sử: chịu ảnh hưởng của Tam giáo Đông Phương và văn hoá Trung Hoa, bị chia đôi đất nước, có nội chiến Nam Bắc với hai ý thức hệ đối kháng và đang mở ra cho nền văn hoá Tây phương. Tuy nhiên, kết quả truyền giáo trong vòng 60 năm ở hai nước thật khác nhau: trong khi Hàn Quốc từ năm 1949-2009, tỷ lệ dân số Công giáo tiến từ 1% lên 9,6% thì ở Việt Nam từ 1960-2007, tăng từ 6,9% lên đến 7,1% (x. Thống kê Giáo hội Việt Nam, 1933-2007, Phụ lục, tr. 26, Bảng 12).

Sự phát triển của Giáo hội Hàn Quốc có thể do những tác nhân sau đây:

* Hàng giáo phẩm của Giáo hội Hàn Quốc được tuyển chọn kỹ lưỡng và ít bị tác động bởi chính quyền dân sự. Việc tuyển chọn các giám mục có sự nhất trí cao nên dẫn đến sự vâng phục hầu như tuyệt đối trong cộng đồng tín hữu vì người Hàn Quốc rất kính trọng người trên, coi trọng tôn ti trật tự. Trong một số nước hiện nay, luôn luôn có sự can thiệp của chính quyền dân sự, thậm chí của cả những phe nhóm trong nội bộ Giáo Hội đối với việc tuyển chọn giám mục nên dẫn đến sự thiếu đoàn kết trong cộng đồng giáo hội địa phương. Người ta vẫn dùng chính sách “chia để trị” khi muốn can thiệp vào những cộng đồng tôn giáo. Tuy nhiên, sự suy yếu của cộng đồng tín hữu, dù chỉ là thiểu số, cũng dẫn đến sự suy yếu của cộng đồng dân tộc.

* Việc đào tạo linh mục, tu sĩ ở Hàn Quốc rất nghiêm túc và được mọi người quan tâm đóng góp. Hầu như tất cả các sách quan trọng, cần thiết hay có giá trị của Giáo Hội đều được dịch sang tiếng Hàn để tạo điều kiện cho việc đào tạo này. Nhiều gia đình Công giáo Hàn Quốc hiện nay hầu như chỉ có 1 hoặc 2 con nhưng sẵn sàng hiến dâng cho Chúa. Những linh mục, tu sĩ đó rất ý thức về sứ mạng của mình và luôn hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần kỷ luật cao.

* Giáo dân Hàn quốc đóng góp tích cực cho giáo hội địa phương, tự nguyện đảm nhận những công việc điều hành tại giáo phận và giáo xứ. Giáo hội Hàn Quốc làm theo các anh em Tin Lành trong việc yêu cầu tín hữu tự nguyện đóng góp từ 5-10% thu nhập cá nhân. Nhiều tín hữu nghèo không bị buộc đóng góp nhưng vẫn sẵn sàng tham gia bằng công sức lao động của mình cho công việc chung. Nhờ vậy Giáo hội Hàn Quốc tự lập về tài chính, không bao giờ đi xin các tổ chức hay giáo hội khác, ngược lại còn giúp đỡ những tổ chức này. Giáo hội tự trang trải tất cả các chi phí như trả lương cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân trong công tác truyền giáo, dù nhiều người không muốn nhận.

* Giáo hội Hàn Quốc coi trọng giáo dân vì ngay từ đầu lịch sử, chính giáo dân đảm nhiệm công tác truyền giáo. Các hội đoàn Công giáo Tiến hành, nhất là Legio Mariae, được tổ chức chặt chẽ và hoạt động hăng say với những chương trình đào tạo rõ ràng và cụ thể. Trong giáo xứ, nhiều cộng đồng cơ bản được thành lập để thúc đẩy mối liên kết giữa các gia đình tín hữu với nhau: các thành viên trong cộng đồng chia sẻ niềm vui bằng cách hội họp để cầu nguyện và sau đó cùng giải trí, xem ti vi chung với nhau. Người làm bác sĩ thì khám bệnh, người làm kỹ sư thì sửa chữa máy móc, điện nước cho những thành viên trong cộng đồng với giá rẻ hoặc không lấy tiền. Từ đó, người dân cảm nghiệm được tình bác ái liên kết thật sự trong cộng đồng Giáo Hội.

* Người tín hữu được đào tạo cẩn thận, được huấn luyện để trưởng thành với những kỹ năng sống, đặc biệt là giới trẻ. Những người này được huấn luyện từ cách ăn nói, đi đứng, tổ chức công việc và đời sống cho đến các kỹ năng làm chủ cảm xúc, thời giờ, tiền bạc… Nhiều thanh niên Công giáo sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, trước khi đi nghĩa vụ quân sự hay vào đại học thường dành một tháng hè để phục vụ cộng đồng. Họ đăng ký với một cha xứ ở miền xa hay các điểm truyền giáo (năm 2002 có 1.042 điểm) để đến dạy học cho người mù chữ, sinh hoạt hội đoàn, giúp đỡ người nghèo, người tàn tật… Những thanh niên nam nữ Công giáo này thường trở thành những người cuốn hút các bạn trẻ trong cộng đồng địa phương, nhờ đó đạo Công giáo được biết đến và nhiều người tin theo qua đời sống chứng nhân. Những chương trình đào tạo này được thực hiện trong các trường lớp ngày Chủ Nhật mà giáo phận nào cũng thực hiện. Năm 2000 có 267.742 trường Chủ Nhật, năm 2002 có 260.724 trường (x. Niên giám Giáo hội Hàn Quốc 2000-2002, tr. 15). Ngoài ra, ta còn phải kể thêm 13 đại học Công giáo với 34.470 sinh viên, vào năm 2002 (x. Thống kê Giáo hội Hàn Quốc 2000-2002, Phụ lục, Bảng 30).

* Giáo hội Hàn Quốc chú ý nhiều đến việc sử dụng những phương tiện thông xã hội trong công tác truyền giáo. Xứ đạo nào cũng có phòng truyền thông với những sách báo, phim ảnh cho tín hữu mượn đọc hay sử dụng. Có bản tin nội bộ của xứ đạo, bản văn phụng vụ cho các ngày Chủ Nhật, sách hát, sách lễ dùng trong cộng đồng với giá rất rẻ. Giáo phận nào cũng có đài phát thanh, truyền hình hoặc chương trình phát thanh, truyền hình riêng của giáo phận dành cho cộng đồng tín hữu.

Giáo hội Công giáo và Tin Lành ở Hàn Quốc đã ảnh hưởng mãnh liệt vào nền văn hoá dân tộc để chuyển đổi thái độ trọng nam khinh nữ, phân biệt giai cấp xã hội (Yangban, Chunging, Sangmin, Chonmin) sang thái độ tôn trọng nhân phẩm, bình đẳng nam nữ, vượt qua thái độ thù hận với các nước láng giềng, yêu thích khoa học kỹ thuật Tây phương và lòng bác ái Kitô giáo. Trong đường hướng văn hoá mới này, Nam Hàn đã có bước tiến vượt bật để từ một nước kiệt quệ về kinh tế sau cuộc chiến Nam Bắc đã trở thành một nước có nền kinh tế phát triển với tổng thu nhập quốc dân (GDP) năm 2006 là 18.340 USD so với Việt Nam là 723 USD, với Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa 2.016 USD, Thái Lan 3.252 USD, Philippines 1.362 USD, Đài Loan 15.569 USD (x. Tổng cục Thống kê, Niên giám Thống kê 2007, NXB Thống Kê, tr. 687-688).

3. XÂY DỰNG MỘT NỀN VĂN HOÁ NHÂN BẢN MỚI CHO TÍN HỮU VIỆT NAM

Từ kinh nghiệm truyền giáo của người tín hữu Kitô giáo ở Việt Nam và Hàn Quốc, chúng ta thấy người Công giáo Việt Nam có thể đóng góp rất nhiều cho xã hội khi giới thiệu cho đồng bào mình một nền văn hoá với các giá trị mới mẻ của Tin Mừng Chúa Kitô để rồi từ đó thay đổi và làm phát triển xã hội trong mọi lĩnh vực. Đó cũng là yêu cầu của việc hội nhập văn hoá mà ĐTC Gioan Phaolô II đã nhắc đi nhắc lại qua từ “văn hoá” (125 lần) và “hội nhập văn hoá” (21 lần) trong Tông huấn Giáo Hội tại châu Á để nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này trong công cuộc loan báo Tin Mừng.

3.1. Xây dựng một nền văn hoá mới cho dân tộc

Chúng ta có thể nói rằng người tín hữu Kitô đã giới thiệu cho đồng bào mình ở Việt Nam và Hàn Quốc một nền văn hoá mới. Đó là nền văn hoá Công giáo với các giá trị mới về nhân phẩm của con người trong một nền quân chủ chuyên chế độc tài, về bình đẳng nam nữ trong một xã hội chấp nhận chế độ đa thê, trọng nam khinh nữ, về sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi giữa những tôn giáo Đông Phương không biết đến Ngài, về cấu trúc của con người với hồn và xác do Thiên Chúa dựng nên để sống mãi mãi với Chúa thay vì tan rã như vạn vật tự nhiên hoặc thay đổi trong vòng luân hồi của kiếp người, về cách tổ chức làng xóm thành những xứ đạo với luật lệ dựa vào lòng bác ái và khoan dung của Thiên Chúa, về cách tổ chức gia đình cho có tôn ti trật tự nhưng vẫn tràn đầy niềm vui và tự do, về cách tổ chức đời sống cá nhân để không chiều theo những dục vọng thấp hèn mà vẫn phát triển nhiều khả năng của con người. Tất cả tập trung cho con người trong những mối tương quan cơ bản của mình. Đây là nền văn hoá nhân bản mới.

Những giá trị này lại được thể hiện qua những kỹ năng sống mới phù hợp với khoa học kỹ thuật Tây Phương tạo nên những con người khoẻ mạnh, thông minh, đẹp đẽ, những gia đình an vui, hạnh phúc và những cộng đồng sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau dù có bị chính quyền lên án và cộng đồng xã hội ghét bỏ vì họ chưa biết hay chưa quen với những giá trị mới mẻ ấy. Tuy nhiên, một khi cảm nghiệm được giá trị của chúng nơi chính bản thân, gia đình và cộng đồng thì nền văn hoá mới này lại thu hút người ta đến nỗi dù biết theo tôn giáo mới là chắc chắn sẽ gặp nguy hiểm, có khi còn mất mạng nữa, nhưng họ vẫn theo đuổi, tuân giữ vì nó thật sự mang lại những điều tốt đẹp cho con người. Rồi khi đa số dân chúng chọn lựa những giá trị ấy, chúng trở thành nền văn hoá của dân tộc, của quốc gia mà nhiều khi người đời sau không còn nhớ đến cội nguồn của chúng nữa.

Đó là trường hợp của nền văn hoá Việt Nam với những giá trị mới mẻ nhận được từ đạo Công giáo. Sự chọn lựa của người dân Việt đối với đạo Công giáo ở miền Nam Việt Nam là một thí dụ điển hình. Từ giữa thế kỷ XVII, nhiều người ở miền Trung và miền Nam đã biết đến đạo Công giáo. Đến giữa thế kỷ XVIII đã có nhiều tín hữu Công giáo, trong đó có cả ba anh em nhà Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ) nhưng chính đoàn quân Tây Sơn lại có những hành động cướp bóc, giết hại đối với dân chúng và bách hại cả người Công giáo (x. HĐGMVN, Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2005, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 212; Nguyễn Phương, Việt Nam thời bành trướng Tây Sơn, Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1968).

Người dân Việt đón nhận những giá trị của nền văn hoá thể hiện qua cách sống đạo của tín hữu Công giáo, qua thứ chữ viết mới lạ mà ta gọi là chữ Quốc Ngữ, nhanh chóng đến không ai ngờ vì ngay từ năm 1865, miền Nam đã có tờ báo tiếng Việt đầu tiên, trong khi triều đình Huế vẫn coi chữ Hán là văn tự chính thức cho đến đầu thế kỷ XX. Từ miền Nam, chữ Việt lại lan dần ra miền Trung và miền Bắc. Chính sự đón nhận những giá trị mới này đã là một trong những nguyên nhân chính yếu tạo nên sự thù ghét của các nho sĩ, khơi dậy phong trào Văn Thân chống Pháp và giết hại người Công giáo sau này.

Như thế, đạo Công giáo được người dân Việt tiếp nhận và chọn lựa với tất cả ý thức về giá trị chứ không phải vì lòng thiện cảm hay thù hận đối với người này hay kẻ khác.

3.2. Tầm quan trọng của văn hoá trong công cuộc truyền giáo

Từ những thí dụ trên đây, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của văn hoá và việc đưa Tin Mừng hội nhập vào nền văn hoá dân tộc. Chúng ta đã biết văn hoá là tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc kia từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động (Federico Mayor, Tổng Giám đốc UNESCO). Hơn nữa, Công đồng Vatincan II còn xác định một cách rộng rãi hơn: văn hoá là phương cách đặc thù mà mỗi người, mỗi dân tộc dựa vào để tổ chức các quan hệ của mình với thiên nhiên, với anh chị em đồng loại, với bản thân mình và với Thiên Chúa, để có được một cuộc sống nhân đạo trọn vẹn (x. CĐ. Vat. II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 53). Còn việc hội nhập văn hoá chính là nỗ lực của Kitô hữu muốn đưa Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô thâm nhập vào trong mọi lĩnh vực xã hội để làm cho xã hội ấy tốt đẹp hơn theo đúng ý Thiên Chúa.

Trong lĩnh vực truyền giáo, trước hết, nội dung Tin Mừng là Lời Thiên Chúa đã hoà nhập vào thế giới này, trở thành một con người cụ thể là Đức Giêsu Nazareth, đón nhận nền văn hoá Do Thái. Người là gương mẫu cho tất cả những ai muốn loan báo Tin Mừng cần phải biết quên mình để hoà nhập. Tin Mừng cũng là những lời giảng dạy của Đức Giêsu trong Tân Ước được biên soạn và viết bằng chữ Hy Lạp, với ảnh hưởng của văn hoá Hy-La thời đó nên cần được hiểu đúng và giải thích rõ ràng cho người nghe. Tiếp theo, người rao giảng Tin Mừng cũng có sẵn một nền văn hoá diễn tả trong cách sống của mình. Nếp sống này phải phù hợp với Tin Mừng thì mới thu hút được người khác theo Đức Kitô. Cuối cùng, người nghe Tin Mừng cũng đang có sẵn một nền văn hoá bản địa cần thay đổi để phù hợp với Tin Mừng.

Người Công giáo Việt Nam sau khi giới thiệu những giá trị của nền văn hoá mới cho dân tộc và được đồng bào đón nhận trong những giai đoạn đầu của công cuộc truyền giáo thì dường như đã ngủ quên trong chiến thắng và bỏ mất vai trò tiên phong của mình trong việc xây dựng nền văn hoá mới cho dân tộc. Trước đây, người tín hữu không có nhà thờ, xứ đạo, trường học hay cơ sở xã hội thì họ diễn tả các giá trị mới này bằng chính đời sống của mình. Ngày nay, họ lại quá tập trung sức lực cho việc xây dựng cơ sở vật chất, cho những nghi lễ phụng tự hoành tráng, những giờ kinh cầu nguyện công khai dường như chỉ dành cho Thiên Chúa mà quên mất con người, ngoại trừ một vài dịp đóng góp cho việc từ thiện. Người ngoài Kitô giáo nhận thấy rằng theo đạo Kitô thì đời sống thường ngày cũng chẳng thay đổi bao nhiêu mà còn thêm những ràng buộc về lễ lạy, đóng góp tốn phí!

Trước đây, người Công giáo nào cũng chăm chỉ học hành để phổ biến chữ Quốc Ngữ với những bài thơ, bài văn, những tuồng kịch, câu đố, câu hò… Nhưng khi chữ Quốc Ngữ đã được dân tộc đón nhận thì dường như người tín hữu Công giáo Việt Nam lại không còn hứng thú để học hành, sáng tác. Hoạ hiếm lắm mới tìm thấy được nhà thơ, nhà văn Công giáo có tầm cỡ như Hàn Mạc Tử. Nhiều cuốn sách Công giáo còn viết sai chính tả. Các sách triết học, thần học dành cho người Công giáo thật là khan hiếm và sử dụng những từ chuyên môn thật khó hiểu đối với dân chúng.

Đến những vùng hay xứ đạo có nhiều người Công giáo sống tập trung, người ta cũng không tìm ra những nét đặc biệt của nếp sống Công giáo, buôn bán thì cũng nói thách, nói dối, với đủ loại hàng giả hàng thật lẫn lộn nhau, gia đình thì cũng xào xáo, chửi rủa, đánh lộn, ly thân, ly hôn như các người không Công giáo. Thanh niên nam nữ cũng chưa chứng tỏ một nếp sống văn hoá Công giáo để ăn nói nhã nhặn, thanh lịch, khoẻ mạnh với những bài tập thể dục, những trò chơi thể thao, những thái độ dấn thân hy sinh vì đại nghĩa như đã từng có trước đây. Người Công giáo với lịch sử 2000 năm đã có rất nhiều những suy tư nhận thức nhưng lại chưa biến chúng thành những kỹ năng sống cụ thể.

Hậu quả là số người tin vào Đức Kitô không còn gia tăng nhanh chóng như trong thời buổi đầu của thời kỳ mở đạo. Tại một số nước trên thế giới, số tín hữu Công giáo còn giảm sút. Có thể là vì những Kitô hữu này đã bỏ mất những ân huệ Thánh Thần mà Đức Kitô vẫn trao ban cho tất cả những ai tin vào Người. Chính vì thế mà Giáo Hội toàn cầu đang mời gọi tín hữu Công giáo trở về với Đức Kitô để học lại bài học loan báo Tin Mừng của mình và xây dựng một nền nhân bản thật sự mới mẻ và toàn diện cho con người mà chúng tôi sẽ giới thiệu nơi bài nghiên cứu khác.

3.3. Xây dựng một nền văn hoá nhân bản

Muốn cho công cuộc truyền giáo có hiệu quả nhanh chóng và lớn lao như ở Việt Nam thời trước và Hàn Quốc gần đây, chúng ta phải quan tâm xây dựng những giá trị mới mẻ để tạo nên một nếp sống văn hoá Công giáo vừa phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng Đức Giêsu Kitô lại vừa đáp ứng với những nhu cầu của con người thời nay.

Đây là công việc lớn lao đòi hỏi sự cộng tác mật thiết của các nhà thần học, triết gia, các nhà văn hoá, giáo dục cũng như các nhà chuyên môn khác. Các nhà văn hoá giới thiệu bản sắc của nền văn hoá dân tộc mà chúng ta có thể tìm thấy một số nét khái quát trong những công trình nghiên cứu của các nhà chuyên môn như Trần Ngọc Thêm (x. Tìm về Bản sắc Văn hoá Việt Nam, NXB TP.Hồ Chí Minh, xuất bản lần 4, 2004), Toan Ánh (x. Bộ Nếp Cũ, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1992), Lê Văn Chưởng (x. Cơ sở Văn hoá Việt Nam, NXB Trẻ, TP.HCM, 1999), Cao Xuân Hạo (x. Chữ Việt, Văn Việt, Người Việt, NXB Trẻ, TP.HCM, 2001), Thạch Phương, Hồ Lê, Huỳnh Hứa, Nguyễn Quang Vinh (x. Văn hoá Dân gian người Việt ở Nam bộ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1992)…

Những đặc điểm trong văn hoá nhận thức, văn hoá tổ chức đời sống cá nhân và tập thể, văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên và xã hội, văn hoá giáo dục thẩm mỹ sẽ được các nhà thần học, triết học và văn hoá Công giáo tìm ra những điểm tốt đẹp phù hợp với Tin Mừng để có thể hội nhập với nền nhân bản Kitô giáo, cũng như tìm ra những điểm yếu kém cần bổ sung hay sai trái hoặc đi ngược với Tin Mừng để loại trừ. Điểm quan trọng là các nhà giáo dục cần phối hợp với các nhà văn hoá và thần học để biến những suy tư, nhận thức thành những bài học cụ thể và áp dụng vào đời sống Kitô hữu. Những bài học này trở thành những kỹ năng sống để chuyển giao cho những thế hệ tiếp theo.

Nếu nếp sống văn hoá Công giáo thời xưa giới thiệu Thiên Chúa như Người Cha Tối Cao (Thượng phụ) so với vua chúa là người cha ở giữa (Trung phụ) và người cha trong gia đình ở bậc dưới (Hạ phụ) trong nhận thức “Tam Phụ” của linh mục Đắc Lộ trong Phép giảng Tám ngày để bảo vệ nhân phẩm trong xã hội theo quân chủ chuyên chế độc tài, thì trong xã hội dân chủ ngày nay lại cần phải tìm ra một hình ảnh người cha khác gần gũi hơn, thiết thực hơn. Nếu quan niệm của người xưa về các mối quan hệ với trời, với đất, với người (Tam tài: thiên-địa-nhân) còn yếu kém và thiếu sót, nền văn hoá Công giáo cần phải giới thiệu cho con người thời nay một cái nhìn đầy đủ hơn. Trời không còn là một năng lực mơ hồ nhưng là một ngôi vị thật sự, nguồn của chân thiện mỹ, của sự sống vĩnh hằng và hạnh phúc vô biên. Còn người không phải chỉ là anh em ở khắp năm châu mà còn là những con người có mặt trong vũ trụ; và đất, hay vạn vật, không phải là những thụ tạo vô tri vô giác nhưng là những đứa em bé nhỏ được Người Cha Tạo Hoá giao cho con người săn sóc, quản lý, yêu thương. Có thái độ như thế, người ta mới có thể nói cho gió yên biển lặng, bánh cá hoá nhiều như Đức Giêsu đã làm thuở trước và nhiều vị thánh nhân vẫn còn thực hiện thời nay.

Câu hỏi đặt ra cho chúng ta bây giờ là chúng ta sẽ phải chọn nền văn hoá nào. Mỗi dân tộc đều có những nét đặc sắc trong nền văn hoá của mình. Các dân tộc làm nông nghiệp lúa nước như ở vùng Đông Nam Á chúng ta có đặc điểm “trọng văn, trọng đức, trọng tình, trọng nghĩa, trọng nữ”, trong khi nền văn hoá kỹ thuật Tây Phương của các dân tộc du mục thời xưa lại có những đặc điểm “trọng võ, trọng tài, trọng lý, trọng vật, trọng nam”. Nền văn hoá Công giáo mà chúng ta muốn xây dựng cho người Công giáo Việt Nam, và qua đó cho dân tộc Việt Nam, là một nền văn hoá nhân bản toàn diện với các mối tương quan đầy đủ của con người mà Giáo hội Công giáo đã giới thiệu qua Công đồng Vatican II (1962-1965) và Học thuyết Xã hội của mình (2004) để người Công giáo trở thành những con người văn võ cao siêu, lý tình hoà hợp, tài đức vẹn toàn. Đó không phải là một lý tưởng xa vời, tự mãn của người Công giáo nhưng là một mục tiêu phải tiến tới để trở thành hình ảnh sống động của Đức Kitô, con người hoàn hảo, mà Người Cha Tạo Hoá muốn cho tất cả con cái mình đạt được khi ban Con Một của Ngài cho chúng ta (x. Ga 3,16-17).

KẾT LUẬN

Khi trình bày công cuộc truyền giáo và hiệu quả truyền giáo ở Việt Nam và Hàn Quốc trong một vài thời điểm lịch sử, chúng tôi chỉ muốn nêu lên tầm quan trọng của văn hoá trong công cuộc loan báo Tin Mừng để mời gọi mỗi tín hữu Việt Nam cùng tham gia xây dựng nền văn hoá mới. Nếu người tín hữu Kitô giáo Hàn Quốc đã có thể biến đổi nhanh chóng đất nước chậm tiến, nghèo nàn của mình trở thành một nước phát triển, có nền kinh tế giàu mạnh, nhờ sự góp phần lớn lao của nền văn hoá Công giáo, thì người tín hữu Việt Nam có quyền hy vọng mình cũng có thể làm cho đất nước Việt Nam phát triển, dân tộc hùng mạnh nếu cùng nhau xây dựng và thể hiện nền văn hoá mới mẻ và toàn diện qua đời sống gắn bó với Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô.


Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

(Nguồn: VietCatholic News)



  In bài này    Lưu dạng file    Gửi bài này qua Email


Những bài khác:



Gửi bài
Lên đầu trang
  Tin - bài mới nhất 
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Các bài suy niệm & chú giải Lời Chúa
Văn phòng TGM: Thông báo về Thánh lễ cao điểm Năm Thánh kỷ niệm 100 năm thành lập Tuần Chầu Lượt
Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp Giáo chủ Giáo hội Chính thống Czech và Slovak
Giáo xứ Yên Đại: Khai mạc Tuần Chầu lượt trong Năm Thánh Thể Giáo Phận
Vòng loại Cuộc thi Tri thức Tôn giáo Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội 2018: Cử hành và Sống Đức Tin
Chúa nhật Lễ Chúa Thăng Thiên, năm B: Các bài suy niệm & chú giải Lời Chúa
Hội Dòng Chị Em Bác Ái Gioanna Antida Thouret: Thông báo tuyển sinh năm 2018
Giáo xứ Hòa Ninh: Khánh thành nhà thờ giáo họ Minh Lệ
Tòa Giám mục Giáo phận Vinh: Thông báo Lễ Truyền chức Phó tế cho các Đại Chủng sinh khóa XII
Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh: Thông báo Khóa học âm nhạc hè 2018
Thiên chức làm Mẹ của Đức Maria
Di dân Giáo phận Vinh tại Miền Nam: Bế mạc Giải Bóng đá Truyền thống Cúp Phục Sinh lần thứ VII
Thư Rao về việc truyền chức Phó tế cho Thầy G.B. Đoàn Văn Huy
Tuần Chầu lượt tại các giáo xứ Nghi Lộc, Làng Anh và Vĩnh Phước (Hà Tĩnh)
Thánh lễ Cao điểm Tuần Chầu giáo xứ Kẻ Mui: 14 tân tòng lãnh nhận các Bí Tích Khai Tâm

  Hỗ trợ Web GPVinh 

  Nghe Lời Chúa 


  5 phút suy niệm 


  Các Giờ Kinh Phụng Vụ 


  Vị Thánh trong ngày 


  Web Lam Hồng 


  Đăng nhập/Đ. ký 
Bí danh
Mật khẩu
Mã kiểm traMã kiểm tra
Lặp lại mã kiểm tra
Ghi nhớ

  Giáo Lý - Đức Tin 


  Bác ái xã hội - Caritas 


  Tài liệu mới 
  Danh sách các thầy khóa XII được truyền chức Phó tế
  ThÆ° Rao Truyền chức Phó tế khóa XII
  ThÆ° Rao Truyền chức Phó tế khóa 12
  HÆ°á»›ng dẫn Mục vụ Thánh nhạc
  "Sống Và Yêu Thật Lòng" / Lm. Micae – Phaolô Trần Minh Huy, PSS
  Tông Huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu ThÆ°Æ¡ng) của Đức Phanxicô
  Yêu ThÆ°Æ¡ng là sứ mệnh của chúng ta - Để gia đình sống dồi dào
  Văn bản Đàng Thánh Giá do ĐTC chủ sá»± ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 03/04/2015
  Æ n Gọi Và Sứ Mạng Của Gia Đình Trong Giáo Há»™i Và Trong Thế Giá»›i Ngày Nay
  ÄÃ ng Thánh Giá thứ Sáu Tuần Thánh năm Tân Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ - 2015
Xem tiếp...

  Radio Công giáo 



Copyright © 2013 GIAOPHANVINH.NET :: All rights reserved.
Email biên tập: vinhconggiao@gmail.com || Ban quản trị: quantri@giaophanvinh.net