GPVMenu

 Phim Công giáo online 

 Lịch Phụng vụ GP Vinh 

 Giờ lễ tại các nhà thờ 

 Quỹ Học bổng NTT 

 Giấy tờ - Chứng chỉ 

 ĐCV Vinh Thanh 


Xem tiếp...
 Gia đình Web Giáo phận 
Lam Hồng (Đức tin & VH)

Phim Công giáo

Thánh Ca Online

ĐCV Vinh Thanh

Hội dòng MTG Vinh

Quỹ Học Bổng NTT

GĐ Thánh Tâm GP Vinh

Doanh nhân GP Vinh

Giáo xứ Bảo Nham

Giáo xứ Hòa Ninh

Giáo xứ Làng Rào

Giáo xứ Nghi Lộc

Giáo xứ Tân Lộc

Giáo xứ Trung Nghĩa

Sinh viên CG Vinh

CĐ Vinh Hà Nội
 Tra cứu bài viết 
Tháng Năm 2024
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
 Thống kê truy cập 
 Khách: 23
 Thành viên: 000
 Tổng cộng 023
 Lượt tr.cập 056080769
 Từ điển online 
TỪ ĐIỂN ONLINE

 Bookmark & Share 

website security
 
Chuyên mục » Suy tÆ°, chia sẻ 19.05.2024
Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa
26.03.2016

GIÁO HỘI NHƯ LÀ GIA ĐÌNH THIÊN CHÚA

Dẫn Nhập

Mặc khải Kinh Thánh Cựu Ước cho chúng ta biết rằng, từ nguyên thủy, Thiên Chúa sáng tạo muôn vật muôn loài, đồng thời, sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, để họ được chia sẻ sự sống và tình yêu của Người. Tuy nhiên, bản tính và phẩm giá con người trên bình diện cá nhân cũng như gia đình đã bị hư tổn vì tội lỗi. Để thực hiện chương trình phục hồi và cứu độ con người, Thiên Chúa bắt đầu bằng việc chọn Dân Do Thái làm Dân Riêng của Người, đồng thời, Người cho họ biết, Người là Cha của họ và là Cội Nguồn của muôn vật muôn loài. Từ Dân Riêng của Người, Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa đã đến với gia đình nhân loại, qua gia đình Na-da-rét.

Trong sứ mệnh của mình ở trần gian, Đức Giê-su mặc khải rằng Thiên Chúa là Cha của Người Con Duy Nhất là chính Người, đồng thời, Người cũng mặc khải về Chúa Thánh Thần. Đức Giê-su còn mặc khải về sự duy nhất của Chúa Cha, Chúa Thánh Thần và Người trong chương trình cứu độ nhân loại. Cùng với Chúa Cha, Người gửi Chúa Thánh Thần đến với các môn đệ Người để tiếp tục chương trình của Thiên Chúa. Như vậy, theo mặc khải của Đức Giê-su, Thiên Chúa vừa là Một, vừa là Ba Ngôi, vừa là Duy Nhất, vừa là Gia Đình và sự hiện diện của Đức Giê-su ở trần gian chính là sự hiện diện của Gia Đình Thiên Chúa. Các giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại trong lịch sử diễn ra trong bối cảnh gia đình (gia đình A-đam, gia đình Nô-ê, gia đình Áp-ra-ham, gia đình Mô-sê, gia đình Đa-vít) là những hình ảnh báo trước giao ước mới giữa Gia Đình Thiên Chúa và gia đình nhân loại được thực hiện bởi Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người. Trong sứ mệnh dương thế của mình, Đức Giê-su Ki-tô đã thiết lập Giáo Hội, để Giáo Hội tiếp tục sự hiện diện của Người ở trần gian.

Chủ đề bài viết ‘Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa’ là chủ đề rộng lớn, liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau từ thần học đến nhân loại học, từ xã hội học đến đạo đức học. Chúng ta giới hạn việc tìm hiểu chủ đề thông qua những điểm chính yếu thuộc nội dung đức tin Ki-tô Giáo, đồng thời, khai triển hình ảnh Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa và sứ mệnh của Gia Đình Thiên Chúa giữa lòng nhân loại. Nội dung bài viết theo thứ tự như sau: (1) Khái niệm gia đình, (2) Gia Đình Thiên Chúa theo mặc khải Kinh Thánh, (3) Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa, (4) Gia Đình Giáo Hội loan báo Tin Mừng Gia Đình Thiên Chúa, (5) Gia Đình Giáo Hội phục vụ gia đình nhân loại và (6) Ưu điểm trong việc hiểu Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa.

1. Khái niệm gia đình

Là con người, ai cũng có kinh nghiệm về gia đình, tuy nhiên, sẽ không bao giờ có câu trả lời xác đáng cho câu hỏi ‘gia đình là gì?’, bởi vì, khái niệm này diễn tả thực thể (hay những thực thể) vừa tĩnh, vừa động, vừa cụ thể, vừa trừu tượng, vừa thuộc phạm trù văn hóa xã hội, vừa thuộc phạm trù kinh tế chính trị, vừa thuộc phạm trù triết học, vừa thuộc phạm trù thần học. Dạng thức chính yếu của gia đình, gia đình cơ bản, gia đình theo nghĩa thuần túy, gia đình như là tế bào của xã hội (cell of society) hay gia đình hạt nhân (nuclear family) là gia đình bao gồm một vợ một chồng (monogamous model) và con cái của họ chưa đến tuổi thành hôn. Đây là môi trường, nơi các đặc tính của con người như ngôi vị, tương quan, xã hội, văn hóa, truyền thống được đón nhận, sống và chuyển tải.

Gia đình mở rộng bao gồm gia đình cơ bản cùng với những người liên quan khác theo huyết tộc, chẳng hạn, ông, bà, cháu, chắt. Gia đình mở rộng cũng bao gồm những người họ hàng khác nữa, chẳng hạn, chú, bác, cậu, dì. Gia đình mở rộng còn có nghĩa là gia đình của những người thuộc cùng chủng tộc, bộ tộc hay thị tộc. Ngoài gia đình cơ bản, gia đình mở rộng còn có gia đình hỗn hợp. Đây là hình thức gia đình mà vợ hoặc chồng hoặc cả hai có những hôn nhân mới cùng với con cái và các thành phần trong gia đình chung sống với nhau. Một số dân tộc trên thế giới còn duy trì hình thức gia đình đa thê (polygynous family), là gia đình trong đó người chồng cùng lúc có nhiều người vợ hay đa phu (polyandrous family), là gia đình trong đó người vợ cùng lúc có nhiều người chồng.[1]

Trong những thập kỷ gần đây, nghĩa gia đình cơ bản truyền thống bị biến dạng, người ta hiểu và sống bầu khí gia đình theo cảm nhận tự do của mình. Ở một số nơi, pháp luật dân sự cho phép họ thực hiện điều đó nhân danh tự do, nhân phẩm và dân quyền. Theo nghĩa này, gia đình không nhất thiết bao gồm cha mẹ và con cái chưa kết hôn mà còn bất cứ hình thức nào, có thể là gia đình của những người đồng ý sống với nhau và lìa bỏ nhau bất cứ lúc nào hay những người sống với nhau theo lối ‘hợp đồng’. Khi ly thân, họ có thể sống một mình hoặc nếu có con, họ trở thành cha đơn thân nuôi con (single daddy) hay mẹ đơn thân nuôi con (single mom). Xem ra, xã hội hiện đại dễ dàng cổ xúy cho các hình thức gia đình này.

Ngoài gia đình liên quan đến vợ chồng, con cái, người ta còn dùng khái niệm gia đình để chỉ những thực thể khác trong môi trường nhân loại. Chẳng hạn, gia đình gắn liền yếu tố địa lý, như gia đình của những người trong một thôn, một xã, một huyện, một tỉnh, một quốc gia, một châu lục, toàn thế giới (gia đình nhân loại). Người ta cũng thường dùng khái niệm gia đình để chỉ các hội đoàn, tổ chức, tôn giáo, chẳng hạn, gia đình những người trong giáo họ, giáo xứ, giáo phận, gia đình đại chủng viện, gia đình dòng tu. Mỗi hình thức gia đình này lại bao gồm nhiều ‘lớp gia đình’ khác nữa, chẳng hạn, gia đình các tu sĩ chiêm niệm, gia đình các tu sĩ ẩn tu, gia đình các tu sĩ lo việc bác ái tông đồ.[2]

Gia đình không chỉ mang tính sinh học, văn hóa, xã hội mà còn mang tính tâm linh và tôn giáo sâu sắc. Nhiều người, nhiều dân tộc trên thế giới xem mình là ‘hậu duệ của các thần minh’ và họ có tương quan mật thiết với các thần minh. Đời sống của họ mang đậm âm hưởng của các thần minh. Họ đón nhận, sống và chuyển tải những giá trị niềm tin, truyền thống và thực hành liên quan đến thần minh qua các thế hệ. Hình thức gia đình này có thể bao gồm những người cùng hay không cùng huyết tộc, bởi vì, sự liên kết giữa họ không dựa vào những gì thuộc thế giới khả giác mà thuộc thế giới thần minh. Những yếu tố thần minh này quan trọng hơn là những yếu tố huyết tộc hay bất cứ yếu tố nào trong thế giới khả giác.

Đối với họ, những người trong gia đình qua đời không đi vào cõi tiêu diệt, nhưng được vinh thăng cùng thế giới thần minh, thế giới đáng trân trọng và đáng sống hơn thế giới khả giác. Việc tưởng nhớ ông bà tổ tiên không phải là quay về với kỷ niệm xa xưa mà là hiện thực hóa sự liên kết giữa người sống và người qua đời trong cùng gia đình. Các thành phần của gia đình có thể xa tận thủy tổ và kéo dài mãi trong dòng lịch sử. Chẳng hạn, việc tưởng nhớ ông bà tổ tiên của nhiều dân tộc Châu Á là dịp để mọi người tỏ lòng tri ân, báo hiếu thế hệ trước, đồng thời, xin sự bầu cử của thế hệ trước cho mình và các thế hệ mai sau. Sự suy vong hay phồn thịnh của thế hệ sau được xem là hệ quả của thế hệ trước hay sự bất xứng của thế hệ sau đối với thế hệ trước. Theo họ, gia đình hữu hình là tạm thời, còn gia vô hình luôn bền vững.

Mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng gia đình là thể chế đầu tiên, ngay từ buổi đầu sáng tạo và là thể chế căn bản nhất của nhân loại. Gia đình là hình thức tập thể, hình thức cộng đoàn bền vững hơn bất cứ hình thức tập thể, hình thức cộng đoàn nào khác trong nhân loại. Gia đình được thiết lập, hiện diện, hoạt động và tiếp tục trong dòng lịch sử cho đến tận thế. Chúng ta có thể nói rằng ‘cũ như gia đình’ và cũng có thế nói rằng ‘mới như gia đình’. Gia đình cũ vì ‘tuổi của gia đình’ nhiều hơn tuổi của bất cứ thể chế nào. Tương tự như thế, gia đình luôn mới, vì tương lai của gia đình dài hơn bất cứ tương lai của thể chế nào. Khi gia đình suy vong cũng là khi nhân loại không còn tồn tại.

Nội dung đức tin Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng gia đình được thiết lập để đón nhận, sống và chuyển tải mặc khải của Thiên Chúa. Mọi người trong gia đình bình đẳng với nhau về phẩm giá và được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa trong việc sáng tạo cũng như chăm sóc thế giới thụ tạo. Mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại và toàn thể thụ tạo được diễn tả qua hình ảnh gia đình.

Con người không thể hiện diện mà không có gia đình. Con người không thể là mình đúng nghĩa nếu không có kinh nghiệm về gia đình. Con người không thể là thành phần của xã hội đúng nghĩa bao lâu chưa ý thức rằng mình thuộc về gia đình và có trách nhiệm đối với gia đình. Theo Công Đồng Vatican II, “gia đình là một trường học phát triển nhân tính.”[3] Từ gia đình, nền tảng cấu trúc xã hội (social foundation), mỗi người được nuôi dưỡng, được học hành, được làm quen với chuẩn mực xã hội và được định hình về nhân cách cũng như những kinh nghiệm quí giá cho cuộc sống trong xã hội.[4] Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định rằng “chính trong gia đình, người ta học biết làm việc với sự nhẫn nại và niềm vui, yêu thương huynh đệ, quảng đại tha thứ luôn, nhất là phụng thờ Thiên Chúa qua kinh nguyện và hy lễ đời sống.”[5] Gia đình là nơi con người nhận ra căn tính của mình như là thực tại có khả năng thể hiện tình yêu và cảm nhận tình yêu từ những người khác cách đúng nghĩa nhất.

Không nghi ngờ gì nữa, lịch sử gia đình nhân loại có được sự chuyển biến tích cực nhờ mặc khải Ki-tô Giáo. Quả thật, Kinh Thánh Ki-tô Giáo đặt nền tảng cho những khám phá, suy tư và thực hành đời sống gia đình cách đúng nghĩa nhất. Hơn ai hết, Đức Giê-su Ki-tô đã mặc khải về Gia Đình Thiên Chúa và đặt nền tảng vững chắc cho gia đình cơ bản cũng như các hình thức gia đình khác trên thế giới. Người thiết lập Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian là Giáo Hội để phục vụ tất cả mọi người. Trong bối cảnh thế giới khủng hoảng về gia đình hay không có ý thức đủ về tầm quan trọng của gia đình, việc tìm hiểu nội dung đức tin Ki-tô Giáo cho phép chúng ta nhận thức đúng đắn hơn về căn tính, đời sống và sứ mệnh của các hình thức gia đình trong hành trình dương thế.

2. Gia Đình Thiên Chúa theo mặc khải Kinh Thánh

a. Gia đình Thiên Chúa trong Cựu Ước

Theo Kinh Thánh Cựu Ước, trong buổi đầu sáng tạo, Thiên Chúa không nói rằng "ta hãy làm ra con người theo hình ta, giống như ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất", nhưng nói rằng "chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất" (St 1,26). Ở đoạn khác trong Sách Sáng Thế cũng tương tự như vậy, Thiên Chúa nói rằng "này con người đã trở thành như một kẻ trong chúng ta, biết điều thiện điều ác” (St 3,22). Chủ từ của hành động ‘nói’ là Thiên Chúa ở số nhiều (chúng ta). Các nhà chú giải tranh luận sôi nổi về những câu Kinh Thánh trong đó Thiên Chúa diễn tả chính mình ở số nhiều, ngôi thứ nhất. Những người muốn bảo vệ niềm tin độc thần cách nghiêm ngặt cho rằng Thiên Chúa nói như vậy với các thiên thần trong tâm trí hoặc cho rằng tác giả Sách Sáng Thế, cách nào đó, còn ảnh hưởng não trạng đa thần. Tuy nhiên, chúng ta có thể xem đây như là ‘những mặc khải sơ khởi’ về Gia Đình Thiên Chúa. Mặc khải này dần được biểu lộ trong các sách khác của Kinh Thánh Cựu Ước và rõ ràng hơn trong Biến Cố Đức Ki-tô của Tân Ước.

Chúng ta biết rằng từ ‘gia đình’ theo cách hiểu hiện đại không được dùng trong Kinh Thánh Cựu Ước, tuy nhiên, nghĩa ‘gia đình’ lại rất phổ biến, ngay từ những trang đầu của Sách Sáng Thế.[6] ‘Con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa’ được xem là mặc khải tột đỉnh về căn tính và phẩm giá con người theo Kinh Thánh Cựu Ước. Con người không phải là Thiên Chúa, nhưng cũng không xa lạ với Thiên Chúa. Con người là thụ tạo của Thiên Chúa, nhưng trổi vượt trên tất cả thụ tạo khác. Tác giả Thánh Vịnh đã thốt lên rằng ‘Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy’ (Tv 8,6). Chúng ta có thể giải thích ‘hình ảnh Thiên Chúa’ ở đây không chỉ nói về những con người đơn lẻ, những cá nhân, những ngôi vị riêng biệt, mà còn là hình ảnh ‘con người tập thể’, ‘con người cộng đoàn’, con người trong tương quan, hiệp nhất, yêu thương, nói cách khác ‘con người gia đình’. Theo nghĩa này, chúng ta có thể suy luận rằng ‘Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa’, đồng thời, Người cũng ‘sáng tạo gia đình con người theo hình ảnh Gia Đình Thiên Chúa’.

Cả hai trình thuật sáng thế (St 1,1-2,4 và St 2,5-25) đều diễn tả gia đình đầu tiên, trong đó, trình thuật thứ nhất nói đến người nam và người nữ rằng “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27), còn trình thuật thứ hai nói đến ‘con người’ và ‘vợ mình’ rằng “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người” (St 2,22). Trình thuật thứ nhất nhấn mạnh đến sự phân biệt giữa nam và nữ, đồng thời, đề cao sự kết hợp của nam và nữ trong việc sinh hoa kết trái để làm cho gia đình nhân loại ngày càng phát triển. Trình thuật thứ hai nhấn mạnh đến sự bổ trợ cần thiết giữa nam và nữ vì ‘con người ở một mình thì không tốt’ (St 2,18). Người nam cần người nữ và ngược lại, người nữ cần người nam và họ trở nên ‘một xương một thịt’ nhằm làm cho đời sống của họ được phong phú và cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình của Người.[7]

Trong khi chúng ta có ít kinh nghiệm về Gia Đình Thiên Chúa, chúng ta lại có nhiều kinh nghiệm về gia đình con người, bởi vì, tất cả chúng ta ai cũng là ‘con người của gia đình’. Sách Sáng Thế không dùng từ ‘gia đình’, tuy nhiên, nghĩa của gia đình thực sự đã được diễn tả cách cụ thể rằng “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24). Họ được mời gọi để tạo nên gia đình và “sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất… làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất" (St 1,28). Cấu trúc cơ bản của gia đình bao gồm cha mẹ và con cái đã được Thiên Chúa thiết lập và chúc phúc ngay từ buổi đầu sáng tạo và cấu trúc này tiếp tục trong hành trình lịch sử nhân loại cho đến tận thế.

Trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, muôn vật muôn loài không được tạo dựng như là những thực tại riêng lẻ, nhưng là những thực tại liên đới, lệ thuộc lẫn nhau và hiệp thông với nhau. Đối với con người, sự hiệp thông và phụ thuộc lẫn nhau được diễn tả qua bối cảnh gia đình của A-đam và E-và, gia đình đầu tiên của nhân loại. Gia đình này vừa là hình ảnh của gia đình cơ bản, gia đình hạt nhân, tế bào xã hội, vừa là hình ảnh của gia đình nhân loại rộng lớn. Nói cách khác, A-đam và E-và trở thành thủy tổ của nhân loại và những gì thuộc về A-đam và E-và cũng thuộc về toàn thể nhân loại trên bình diện cá nhân cũng như tập thể.

Câu chuyện A-đam và E-và, câu chuyện của gia đình đầu tiên vẫn còn nguyên giá trị đối với các hình thức gia đình trong nhân loại. Sự yếu đuối, tự do, phẩm giá và trách nhiệm của A-đam và E-và vẫn còn đó trong tâm tính của tất cả mọi người qua muôn thế hệ. Như A-đam và E-và, con người có thể chọn lựa giữa trung tín và bất tín, giữa tình yêu chân thực của Thiên Chúa và cám dỗ của ma quỉ, thế gian, xác thịt: Cám dỗ để khám phá, cám dỗ để khẳng định mình, cảm dỗ để được tự lực tự cường, tự quyết định số mệnh của mình, cám dỗ để không còn bị ràng buộc nào, cảm dỗ để thoát khỏi các tương quan lành mạnh.

Câu hỏi đặt ra ‘đâu là hình ảnh Thiên Chúa điển hình nhất trong nhân loại’? Thưa đó chính là tình yêu. Người nam và người nữ yêu thương nhau, bổ túc cho nhau. Tình yêu của họ trổ sinh bông hạt là con cái diễn tả rõ nét nhất tình yêu của Thiên Chúa. Cấu trúc gia đình bền vững và được Thiên Chúa đặt ở bậc ‘giao ước’ chứ không phải ở bậc ‘liên kết’, ‘hợp đồng’, ‘tương quan tạm thời’ hay bất cứ thứ bậc nào trong xã hội loài người. Mục đích của ‘giao ước’ là để người nam và người nữ trọn đời hiệp nhất yêu thương nhau, đồng thời, trở thành chỗ dựa vững chắc cho con cái. Như thế, hình ảnh người nam, người nữ và con cái họ được xem là hình ảnh rõ nhất cho phép chúng ta suy niệm và tiếp cận Thiên Chúa. Kinh Thánh nói rằng ‘con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa’ chứ không nói rằng ‘người nam (hay người nữ) được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa’.

Phần đầu Sách Sáng Thế (St 1-11) trình bày việc sáng tạo muôn loài cũng như con người với những nhân vật như A-đam và E-và, Ca-in và A-ben, Nô-ê và con cháu ông cùng những người xây tháp Ba-ben mang nghĩa tiên trưng và ẩn dụ.[8] Phần kế tiếp của Sách Sáng Thế trình bày lịch sử của dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn với người đại diện là Áp-ra-ham, trong đó Thiên Chúa diễn tả mình như người Cha, còn Áp-ra-ham và con cháu ông là Dân Người (St 12-50). Tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Người là tương quan gia đình. Đây là điều mới mẻ của mặc khải Do Thái Giáo so với các tôn giáo tồn tại trong lịch sử nhân loại trước đó hay cùng thời. Đối với đa số các tôn giáo quanh vùng Địa Trung Hải lúc bấy giờ, Hữu Thể Tối Cao, Thượng Đế, Thiên Chúa, Đấng Siêu Việt hoặc là quá xa xôi đối với con người hoặc mang những đặc tính như con người vậy, nghĩa là, có giận hờn, ghen ghét, tranh giành ảnh hưởng trong thế giới thụ tạo. Thiên Chúa của Dân Do Thái là Thiên Chúa yêu thương, Thiên Chúa của tương quan lành thánh, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp và ‘nhà Ít-ra-en’ là ‘nơi Thiên Chúa ngự’.

Kinh Thánh Cựu Ước còn cho chúng ta biết về Áp-ra-ham và vai trò của ông trong lịch sử của Thiên Chúa đối với Dân Do Thái. Hình ảnh Áp-ra-ham không phải là hình ảnh của một hoàng đế hay vua chúa. Hình ảnh của Áp-ra-ham cũng không phải là hình ảnh của người chỉ huy hay người lãnh đạo, không phải hình ảnh một tư tế hay ngôn sứ. Trước hết, hình ảnh Áp-ra-ham là hình ảnh của người cha trong gia đình. Hơn thế nữa, Áp-ra-ham không chỉ là hình ảnh của người cha trong một gia đình đơn lẻ, gia đình cơ bản, mà còn là người cha chung của muôn người (St 12,3).

Thiên Chúa bày tỏ mục đích của Người đối với Áp-ra-ham rằng “Ta đã chọn nó, để nó truyền cho con cái nó và gia tộc nó sau này phải giữ đường lối của Đức Chúa mà thực hiện điều công minh chính trực” (St 18,19). Thiên Chúa yêu thương, kêu gọi và làm cho Áp-ra-ham trở thành cha của Dân Người, cha của tất cả những kẻ tin.[9] Như thế, chương trình của Thiên Chúa đối với Áp-ra-ham, đối với Dân Do Thái là chương trình gia đình trước bất cứ chương trình nào khác. Đến lượt mình, Áp-ra-ham ý thức điều đó, đồng thời, ông luôn vâng lệnh Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, ngay cả việc sát tế đứa con duy nhất nối dõi tông đường, để duy trì sự tồn tại và phát triển của gia đình, ông vẫn không chối từ.

Điều đáng chúng ta quan tâm là gia đình Do Thái trong Cựu Ước được hiểu theo nghĩa gia đình mở rộng hơn là gia đình cơ bản, chẳng hạn, Thiên Chúa nói với Mô-sê rằng "Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp" (Xh 3,6). Áp-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp không trực tiếp sinh ra Mô-sê, tuy nhiên, họ là cha của Mô-sê cũng như cha của toàn thể con cái Ít-ra-en cho dù khoảng cách giữa những con người này là hàng trăm năm lịch sử. Áp-ra-ham luôn được hiểu là tổ phụ của Dân Do Thái theo huyết thống và là tổ phụ của tất cả mọi người tin vào Thiên Chúa mà Áp-ra-ham và con cháu ông tin, nhờ Áp-ra-ham muôn dân được phúc lành của Thiên Chúa.[10]

Khi đề cập đến các giới răn trong Cựu Ước, đặc biệt đối với Mô-sê, chúng ta thấy rằng lời của Mô-sê với Dân Do Thái được đặt trong bối cảnh gia đình mở rộng. Chẳng hạn, đối với giới răn quan trọng nhất, giới răn mến Chúa, Mô-sê nói rằng “nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), hết lòng hết dạ, hết sức anh (em). Những lời này tôi truyền cho anh (em) hôm nay, anh (em) phải ghi tạc vào lòng. Anh (em) phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy” (Dnl 6,4-7). Mô-sê luôn quan tâm đến hiệu lực của giới răn Thiên Chúa trong đời sống của gia đình Dân Do Thái. Mô-sê hiểu rằng giới răn luôn đồng hành cùng gia đình Dân Do Thái trong khi các cá nhân lần lượt ra đi.

Kinh Thánh Cựu Ước còn dùng hình ảnh hôn nhân gia đình để diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Do Thái. Hôn nhân giữa Thiên Chúa và Dân Do Thái bền vững về phía Thiên Chúa, nhưng lại dễ bị tổn thương về phía Dân Do Thái. Người chồng yêu thương người vợ diễn tả Thiên Chúa yêu thương Dân Do Thái. Sự trung tín vợ chồng diễn tả sự trung tín của Dân Do Thái đối với Thiên Chúa. Tương tự như vậy, sự bất tín vợ chồng diễn tả sự bất tín của Dân Do Thái đối với Thiên Chúa. Trong mọi hoàn cảnh, Thiên Chúa sống tinh thần giao ước còn Dân Do Thái sống tinh thần hợp đồng. Thiên Chúa đề cao những giá trị vĩnh cửu, Dân Do Thái đề cao những giá trị tạm thời và chạy theo bóng dáng của những gì vinh hoa thế tục hão huyền. Trong Sách Tiên Tri Giê-rê-mi-a, Thiên Chúa nói rằng “người đàn bà thất trung với bạn mình làm sao, thì, hỡi nhà Ít-ra-en, các ngươi cũng thất trung với Ta như vậy” (Gr 3,20). Tuy nhiên, lịch sử Cựu Ước cho chúng ta thấy rằng sự bất tín của Dân Do Thái nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung không thể phá vỡ chương trình tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại và thế giới thụ tạo. Gia đình nhân loại bị méo mó, băng hoại, tuy nhiên, không bị triệt tiêu, trái lại, được khôi phục nhờ tình yêu vô biên của Thiên Chúa, tình yêu vượt thắng tội lỗi nhân loại.

Dân Do Thái nhận thức rằng Thiên Chúa là Cha của dân tộc họ. Do đó, Thiên Chúa luôn yêu thương họ cho dù họ lắm phen ngỗ nghịch, bất xứng. Đối với họ, sự trở về với Thiên Chúa, sự trở về với Cha mình luôn là điều cần thiết để đón nhận sự tha thứ và phúc lành của Người, bởi vì, càng xa rời Thiên Chúa bao nhiêu, họ càng lâm cảnh lầm than cơ cực bấy nhiều. Hơn thế nữa, càng xa rời Thiên Chúa, họ càng dễ rơi vào tay của những thế lực ngoại bang và gần hơn với sự hủy diệt. Kinh nghiệm lịch sử dạy cho họ rằng Thiên Chúa luôn kiên nhẫn với họ và giữ lời hứa với cha ông họ qua muôn ngàn thế hệ.

b. Gia đình Thiên Chúa trong Tân Ước

Như đã được đề cập ở trên, trong Cựu Ước, Thiên Chúa mặc khải là Cha của Dân Do Thái và là nguồn gốc của muôn vật muôn loài.[11] Những người thuộc Do Thái Giáo và Ki-tô Giáo đều tuyên xưng Thiên Chúa duy nhất, nhưng ý niệm Thiên Chúa Ba Ngôi thì chưa hề tồn tại trong Do Thái Giáo. Hơn thế nữa, khi nói Thiên Chúa là gia đình và Đức Giê-su Ki-tô từ Gia Đình Thiên Chúa đến với gia đình nhân loại để thiết lập Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian thì lại càng xa lạ đối với những người Do Thái Giáo. Thực ra, việc nhận thức Thiên Chúa là Gia Đình và Thiên Chúa thiết lập Gia Đình của Người trong môi trường nhân loại không phát xuất từ suy tư của con người, nhưng từ mặc khải căn bản của Tân Ước.

Chúng ta biết rằng tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Do Thái trong bối cảnh gia đình đạt tới đỉnh điểm trong Biến Cố Đức Ki-tô, khi thời gian tới hồi viên mãn. Với Biến Cố này, Thiên Chúa thiết lập gia đình Người ở trần gian để gia đình Người lớn mạnh và lan rộng khắp nơi. Gia Đình Thiên Chúa đã được tiên báo ngay từ buổi đầu sáng tạo (St 3,15), hiện diện trong lịch sử nhân loại, đặc biệt, lịch sử gia đình Dân Do Thái. Với Biến Cố Đức Ki-tô, Thiên Chúa mặc khải rằng Người không chỉ là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác, Gia-cóp và con cháu của họ, mà còn là Thiên Chúa của muôn dân muôn nước.

Với Gia Đình Thiên Chúa hiện diện ở trần gian, Thiên Chúa ‘không liên lạc với nhân loại từ xa’ như Người đã thực hiện qua những người lãnh đạo Do Thái hay các tiên tri trong Cựu Ước, nhưng qua Con của Người, Đức Giê-su Ki-tô. Nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa đã trở thành Em-ma-nu-en, Thiên Chúa trở thành Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Người hiện diện và hoạt động trong gia đình nhân loại để thông phần bấp bênh, bất hòa hợp và đau khổ của gia đình nhân loại trong hành trình tiến về Gia Đình Thiên Chúa sung mãn. Đức Giê-su Ki-tô mặc khải cho nhân loại biết rằng gia đình nhân loại được hình thành, hiện diện và tiếp tục trong dòng lịch sử là nhờ Gia Đình Thiên Chúa.

Đức Giê-su cũng tỏ cho nhân loại thấy rằng Người là Con Thiên Chúa, Đấng là nguyên ủy và cứu cánh của mọi người cùng toàn thể thế giới thụ tạo. Hơn thế nữa, Đức Giê-su còn mặc khải về Chúa Thánh Thần. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16) và rằng “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26). Thiên Chúa là Cha của Đức Giê-su Ki-tô và Chúa Thánh Thần phát xuất từ Thiên Chúa Cha và từ Đức Giê-su Ki-tô. Karl Rahner (1904-1984), nhà thần học xuất chúng thế kỷ XX, thuộc Dòng Tên, nói rằng “Chúa Ba Ngôi cứu độ chính là Chúa Ba Ngôi nội tại và ngược lại.”[12] Theo cách hiểu của Karl Rahner và với ngôn ngữ gia đình, chúng ta có thể nói rằng ‘Gia Đình Chúa Ba Ngôi trong chương trình cứu độ cũng chính là Gia Đình Chúa Ba Ngôi nội tại’. Như vậy, nhờ Đức Giê-su Ki-tô và trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa mặc khải cho nhân loại những điều mà với khả năng tự nhiên, nhân loại không thể nhận thức được. Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi, Thiên Chúa là một và là cộng đoàn các Ngôi Vị, Thiên Chúa là gia đình.

Từ muôn thuở, Đức Giê-su thuộc Gia Đình Thiên Chúa. Với Biến Cố Nhập Thể, Người cũng thuộc gia đình nhân loại và trở thành thành phần trong gia đình nhân loại.[13] Vốn dĩ thuộc về môi trường Thiên Chúa, Đức Giê-su mặc khải cho nhân loại về môi trường này, đồng thời, Người làm cho toàn thể mọi người trong gia đình nhân loại được nối kết với Gia Đình Thiên Chúa. Khi thuộc về môi trường gia đình nhân loại, Đức Giê-su đã học cho biết môi trường này. Tác giả Thư Gửi Tín Hữu Do Thái nói rằng “dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8). Với Người, gia đình nhân loại không còn phải bước đi trong cảnh mù tối của thế gian, của sự dữ, nhưng được bước đi trong ánh sáng ban sự sống của Người. Đồng thời, Đức Giê-su còn mở ra cho nhân loại hừng đông mới về Gia Đình Thiên Chúa viên mãn.

Đức Giê-su sinh ra và lớn lên trong gia đình Na-da-rét. Dưới nhãn quan những người đương thời, Người có bố làm nghề thợ mộc, tên là Giu-se, mẹ là Ma-ri-a, anh chị em họ hàng của Người là Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn, Giu-đa (Mt 13,55). Đức Giê-su lịch sử hiện diện ở trần gian 33 năm thì 30 năm sống với gia đình.[14] Người sinh ra và lớn lên trong bối cảnh tôn giáo và văn hóa Do Thái. Người được giáo dục để tuân giữ và thực hành các tập tục Do Thái. Thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a thi hành đầy đủ các bổn phận của những người Do Thái đối với bản thân mình cũng như đối với Đức Giê-su. Khi trưởng thành, Đức Giê-su vào đền thờ trong những ngày Sa-bát. Người tuân giữ và khuyến khích người khác tuân giữ luật Thiên Chúa. Hơn thế nữa, Đức Giê-su chỉ cho mọi người biết đâu là điểm căn bản trong việc tuân giữ lề luật Thiên Chúa (Mt 5,17-48).

Đức Giê-su cho chúng ta biết sự liên kết giữa Người và Chúa Cha sâu thẳm đến nỗi Người với Chúa Cha là một (Ga 10,30; Ga 17,22). Người cũng muốn rằng tất cả nhân loại, cùng với Người, trở nên một trong Chúa Cha. Sự liên kết này bền vững và sâu nhiệm hơn bất cứ sự liên kết gia đình nào mà chúng ta có thể cảm nhận được. Đó là lý do tại sao Người nói “anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (Mt 23,9). Chúng ta đạt được sự liên kết này khi chúng ta thực thi giới răn mới của Người (Ga 13,34-35; Ga 15,15). Người dạy các môn đệ cũng như những ai theo Người qua muôn thế hệ cầu nguyện với câu mở đầu thân thương rằng ‘lạy Cha chúng con ở trên trời’. Câu mở đầu này gợi lên hai điểm chính: (1) Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người và (2) mọi người là anh chị em của nhau. Như thế, mỗi người trong nhân loại vừa là con cái của một gia đình cá biệt nào đó hay thuộc về những hình thức gia đình mở rộng nào đó, vừa là con cái của Gia Đình Thiên Chúa.

Tương quan giữa nhân loại và Thiên Chúa là tương quan Cha con, tương quan gia đình chứ không là tương quan của những người trong một hội đoàn hay tổ chức văn hóa xã hội nào đó, cũng không phải là tương quan giữa vua chúa với thần dân, cũng không phải tương quan giữa những người lãnh đạo và thuộc cấp của mình. Do đó, khi nói sự yêu thương của Thiên Chúa đối với nhân loại cần được hiểu là sự yêu thương được diễn tả qua hình ảnh của người cha hay người mẹ đối với con cái chứ không phải là sự yêu thương theo một hình thức nào khác. Sự tha thứ của Thiên Chúa đối với nhân loại cũng vậy, cần được hiểu qua hình ảnh sự tha thứ của người cha hay người mẹ đối với con cái mình, chứ không phải là sự tha thứ nào khác.

Dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu (Lc 15,11-32) kể về sự bất xứng ‘hết thuốc chữa’ của người con và lòng nhân từ ‘không thể hơn nữa’ của người cha. Người con nhận ra sự bất xứng của mình đến nỗi không dám nhận mình là con của người cha. Trong khi đó, tâm trí người cha không bao giờ vắng bóng người con, hình ảnh người con vẫn còn đó cho dù người con bất tuân và ngỗ nghịch tột độ. Người con đánh mất phẩm giá của mình vì sự tự do ích kỷ, còn người cha hồi phục phẩm giá cho người con theo cách mà người con không bao giờ nghĩ tới.

Dụ ngôn này cho phép chúng ta suy tư về A-đam, người con hoang đàng trong buổi đầu sáng tạo, về Dân Do Thái và toàn thể nhân loại trong dòng lịch sử, hiện tại cũng như tương lai. Thiên Chúa chính là người Cha nhân hậu luôn kiên nhẫn chờ đợi sự trở về của những người con, những người con xa lánh người Cha vì Tội Nguyên Tổ, tội cá nhân, tội tập thể. Gia đình của người cha còn trống trải, còn giá lạnh bao lâu những người con hoang đàng chưa trở về sum họp. Hình ảnh người con hoang đàng là hình ảnh của tất cả chúng ta, bởi vì, không ai trong chúng ta lại miễn nhiễm tính cách của người con hoang đàng trong dụ ngôn Đức Giê-su trình bày.

Với dụ ngôn này, Đức Giê-su cho chúng ta thấy rằng Tình yêu Thiên Chúa đối với con người không phải là thứ tình yêu trừu tượng, tình yêu xa lạ, nhưng là tình yêu mà con người có thể cảm nghiệm được, bởi vì, ai cũng có kinh nghiệm về tình yêu của những người trong gia đình, đặc biệt, tình yêu giữa cha mẹ và con cái. Trong bối cảnh văn hóa Do Thái, Đức Giê-su dùng hình ảnh tình yêu giữa người cha đối với người con để diễn tả tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Điều này không ngăn cản chúng ta hiểu cách tương tự rằng tình yêu giữa người mẹ và người con cũng là hình ảnh diễn tả tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Với dụ ngôn này cùng nhiều hình ảnh hay biểu tượng khác, Đức Giê-su mở ra cho chúng ta thấy tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với con người, tình yêu tha thứ vô điều kiện.

Tân Ước mặc khải rằng Thiên Chúa đã cho thế gian chính Con của Người để mọi người có thể trở thành con Thiên Chúa. Khi Đức Giê-su ở tuổi mười hai, lần đầu tiên lên Giê-ru-sa-lem, Người mặc khải chính mình là Con Thiên Chúa (Lc 2,41-52) trước sự ngỡ ngàng của Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se. Đức Giê-su đã nói với Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se rằng “sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói” (Lc 2,49-50). Chúng ta thấy rằng trong khi Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se chỉ để tâm đến Đức Giê-su là con của mình mà chưa ý thức đủ rằng, trước hết, Người là Con Thiên Chúa và cần thi hành bổn phận Gia Đình Thiên Chúa, còn bổn phận gia đình Na-da-rét là hiệu quả của bổn phận Gia Đình Thiên Chúa.

Thánh Mác-cô kể lại rằng, khi đám đông đang ngồi chung quanh Đức Giê-su thì có mẹ và anh em của Người đứng ở ngoài báo tin về sự hiện diện của họ, Đức Giê-su đã đặt câu hỏi: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" (Mc 3,33). Sau đó, Người nói với những người chung quanh rằng “ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (Mc 3,35). Chúng ta thấy rằng trong khi Đức Giê-su không hề xem nhẹ gia đình tự nhiên, Người không hề nói rằng Đức Ma-ri-a không phải là mẹ mình hoặc rằng người mẹ tự nhiên không quan trọng bằng người mẹ siêu nhiên. Thực ra, Đức Giê-su mặc khải cho chúng ta biết rằng ngoài gia đình tự nhiên, còn có gia đình siêu nhiên. Trong khi gia đình tự nhiên bị giới hạn bởi không gian, thời gian, huyết tộc và nhiều yếu tố khác nữa, thì gia đình siêu nhiên là gia đình không biên giới, gia đình siêu vượt không gian thời gian, gia đình bao gồm người sống, kẻ chết, người thánh thiện, kẻ bất lương, gia đình mà không một chuẩn mực nào trong thế giới thụ tạo có thể đo lường được. Dù vậy, theo một nghĩa nào đó, Tân Ước cho chúng ta thấy rằng dường như có sự ‘căng thẳng’ giữa gia đình theo nghĩa chặt, gia đình tự nhiên và gia đình theo nghĩa rộng, gia đình siêu nhiên mà Đức Giê-su mời gọi mọi người.

Trong sứ mệnh của mình, Đức Giê-su quan tâm đặc biệt tới những nạn nhân của gia đình đổ vỡ, những người ‘bên lề’ của gia đình chính thống hay những người bị loại bỏ, khinh chê. Chẳng hạn, Đức Giê-su thăm nhà ông Gia-kêu, ở lại ăn uống với mọi người trong gia đình ông. Người quan tâm đến những người đầu đường xó chợ, những người lang thang phiêu bạt, những người nghèo khổ không có nhà đúng nghĩa. Cuộc sống của Đức Giê-su trong thời gian rao giảng cũng là ‘cuộc sống không nhà’. Chính Người nói rằng “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu" (Mt 8,20). Đức Giê-su đã trải qua kinh nghiệm cuộc sống không nhà để để dạy cho mọi người ngôi nhà đúng nghĩa nhất, Nhà Thiên Chúa, đồng thời, Người dạy các môn đệ của mình xưa kia cũng như tất cả mọi người trong dòng lịch sử biết mở rộng tâm hồn đón nhận gia đình của Người.

Đức Giê-su kêu gọi các môn đệ đầu tiên khi họ đang thi hành công việc gia đình mình (Mc 1,16-20; Mt 4,18-22; Lc 5,1-11). Người ở với họ để dạy dỗ, hướng dẫn và trao ban sứ mệnh tiếp tục chương trình của Người ở trần gian. Đức Giê-su cũng quan tâm đặc biệt tới gia đình của họ, chẳng hạn, Người đến thăm gia đình mẹ vợ Phê-rô (Mt 8,14-15). Người yêu mến mọi người trong gia đình Ma-ri-a, Mác-ta và La-da-rô (Ga 11,1-44). Chúng ta nhận thức rằng tương quan gia đình trong cộng đoàn của Đức Giê-su là tương quan chiếm ưu thế so với các tương quan khác, chẳng hạn, tương quan giữa thầy và trò, tương quan giữa người đứng đầu và những người còn lại trong cộng đoàn. Đây được xem là giai đoạn khởi đầu của việc Đức Giê-su thiết lập Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian. Đối với Đức Giê-su, Gia Đình Thiên Chúa siêu vượt các biên giới và rào cản của gia đình nhân loại: Biên giới huyết tộc, bộ tộc, dân tộc, quốc gia, châu lục, phái tính, đẳng cấp trong xã hội loài người. Các thành phần của Gia Đình Thiên Chúa cần mở rộng tâm hồn đối với gia đình này, đồng thời, trung tín với gia đình này trong cuộc sống và ơn gọi của họ.

Theo tường thuật của thánh Gio-an, thì dấu lạ đầu tiên Đức Giê-su thực hiện trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Người đó là dấu lạ xảy ra trong bối cảnh gia đình, dấu lạ làm cho nước trở nên rượu tại tiệc cưới Ca-na (Ga 2,1-12). Chính Đức Ma-ri-a là người nhận ra sự khó xử của gia chủ tổ chức đám cưới đối với khách tới dự và nhờ Đức Ma-ri-a, dấu lạ nước trở nên rượu được thực hiện và đem lại niềm vui cho cả gia chủ lẫn thực khách. Kinh nghiệm dấu lạ này là động lực thúc đẩy mọi người tham dự tiệc cưới Ca-na xưa kia cũng như tất cả chúng ta hôm nay quan tâm hơn đến những khó khăn trong đời sống gia đình và sự cần thiết nâng đỡ nhau để có thể vượt qua những khó khăn này. Cũng trong tiệc cưới Ca-na, Đức Giê-su gọi Đức Ma-ri-a là ‘bà’. Người muốn mặc khải rằng gia đình của Người siêu vượt gia đình huyết thống hay các hình thức gia đình mở rộng theo nghĩa nhân học.

Chúng ta tìm được khá nhiều trình thuật trong Kinh Thánh Cựu Ước rằng tất cả mọi người đều được kêu mời trở thành con cái trong Gia Đình Thiên Chúa. Chẳng hạn, Đức Giê-su nói rằng “phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9). Thánh Gio-an Tông Đồ thì nói rằng “những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người [Đức Giê-su], thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Thánh nhân cũng nói với các tín hữu rằng “anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1 Ga 3,1). Thánh Phao-lô chỉ ra rằng “nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô” (Gl 3,26). Thánh nhân cũng đề cập đến vai trò của Chúa Thánh Thần trong việc làm cho các môn đệ của Đức Giê-su trở thành con cái của Thiên Chúa rằng “phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,14) hay “chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rm 8,16). Những trích đoạn này giúp chúng ta nhận thức rằng Thiên Chúa luôn yêu thương toàn thể mọi người. Vấn đề còn lại là sự đáp trả của mỗi người đối với tình yêu của Thiên Chúa. Sự hiện diện của Đức Giê-su là để “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11,52). Như vậy, khi so sánh mặc khải Thiên Chúa trong Cựu Ước và Tân Ước, chúng ta thấy rằng mặc khải con người là ‘con Thiên Chúa’, ‘em Đức Giê-su Ki-tô’, ‘bạn Đức Giê-su Ki-tô’ của Tân Ước trổi vượt hơn mặc khải ‘con người là hình ảnh của Thiên Chúa’ trong Cựu Ước.[15]

Bữa Tiệc Ly của Đức Giê-su và các môn đệ Người chính là bữa ăn gia đình xét trên bình diện tự nhiên cũng như siêu nhiên. Trên bình diện tự nhiên, đây cũng tương tự như bao bữa ăn khác trong các gia đình. Trên bình diện siêu nhiên, đây là bữa ăn trước khi Đức Giê-su bước vào cuộc khổ nạn, bữa ăn này không chỉ ‘ăn để nuôi sống thể xác’ mà còn ‘ăn để nuôi sống tâm hồn’. Hơn nữa, Đức Giê-su nhắc nhở các môn đệ rằng ‘hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy’. Đây chính là bữa ăn tưởng nhớ Biến Cố Đức Ki-tô, bữa ăn quá khứ, bữa ăn hiện tại, bữa ăn tương lai, bữa ăn cánh chung. Đức Giê-su nói với các môn đệ Người rằng trong khi họ ăn nhiều thứ trong cuộc sống, họ cần ‘ăn chính Người’ để được sống đời đời.[16] Bữa ăn này nối kết trời với đất, nối kết tất cả mọi người với nhau trong quá khứ, hiện tại và tương lai, đồng thời, định dạng căn tính, đời sống và sứ mệnh của những người ăn trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Bữa ăn này diễn tả sứ mệnh của Đức Giê-su Ki-tô là “tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Tác giả Thư Gửi Tín Hữu Do Thái diễn tả Đức Giê-su Ki-tô là ‘con đầu của nhà Thiên Chúa’ (Dt 3,6). Ở nơi khác, Đức Giê-su Ki-tô được giới thiệu là ‘tư tế cao trọng đứng đầu nhà Thiên Chúa’(Dt 10,21). Thánh Phao-lô nói về tương quan giữa Đức Giê-su Ki-tô và các tín hữu rằng “những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,29). Thánh nhân còn diễn tả cách rõ ràng hơn về Gia Đình Giáo Hội, cộng đoàn được Đức Giê-su Ki-tô thiết lập rằng “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại, để trong mọi sự Người đứng hàng đầu” (Cl 1,18). Trong bất cứ hoàn cảnh nào Đức Giê-su cũng là người của gia đình, Gia Đình Thiên Chúa vĩnh cửu và Gia Đình Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại là chính Giáo Hội để qua Giáo Hội, Người tiếp tục chương trình cứu độ của Thiên Chúa cho đến tận thế.

3. Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa

a. Nền tảng thần học và đặc tính Gia Đình Giáo Hội

Như đã được đề cập ở trên, Kinh Thánh Cựu Ước cho chúng ta biết rằng các giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại dễ bị tổn thương do sự bất tín của nhân loại. Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa thiết lập giao ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và nhân loại nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người. Thông thường, các giao ước trong xã hội nhân loại được thiết lập giữa các bên tương đương về phẩm giá, quyền lợi và trách nhiệm. Các giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại được diễn tả trong Kinh Thánh không theo thể thức đó, nhưng là do Thiên Chúa khởi xướng với tư cách và phẩm vị trổi vượt ngàn trùng. Điều đáng chúng ta quan tâm là các giao ước giữa Thiên Chúa và nhân loại luôn diễn ra trong bối cảnh gia đình.

Các giao ước này gắn liền với Lời của Thiên Chúa: Lời sáng tạo, Lời sự sống, Lời phục hồi, Lời hi vọng, Lời cứu chuộc, Lời thánh hóa. Thiên Chúa tạo dựng muôn loài bằng Lời của Người, Thiên Chúa đối thoại với nhân loại bằng Lời của Người và Thiên Chúa cứu chuộc nhân loại cũng bằng chính Lời của Người, Lời Nhập Thể. Ở đây, chúng ta để ý đến ‘năm Lời’ quan trọng trong Kinh Thánh, cả năm Lời đều thực hiện qua gia đình. Lời thứ nhất liên quan đến việc khởi đầu gia đình nhân loại: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta" (St 1,26). Lời thứ hai, liên quan đến gia đình Nô-ê: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất” (St 9,1). Lời thứ ba liên quan đến gia đình Áp-ra-ham: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1). Lời thứ tư liên quan đến gia đình Đức Giê-su, được ngôn sứ I-sai-a tiên báo: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là ‘Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta’" (Mt 1,23; Is 7,14).[17] Lời thứ năm là chính Lời của Đức Giê-su liên quan đến Gia Đình thiêng liêng, gia đình mở rộng của Người: "Thưa Bà, đây là con của Bà" (Ga 19,26).

Lời thứ năm được hiểu là Lời thiết lập Gia Đình Giáo Hội, để qua Giáo Hội, Gia Đình Thiên Chúa tiếp tục hiện diện và hoạt động giữa trần gian nhằm phục hồi căn tính và phẩm giá gia đình nhân loại bị biến dạng và hư hoại bởi Tội Nguyên Tổ và hệ lụy của tội này. Lời thứ năm được Đức Giê-su thốt ra trong bối cảnh dưới chân thập giá khi Đức Giê-su trao phó Đức Ma-ri-a cho thánh Gio-an và thánh Gio-an cho Đức Ma-ri-a, để từ đây gia đình Đức Giê-su cũng chính là gia đình của Đức Maria và thánh Gio-an cùng tất cả những ai nhận là môn đệ của Đức Giê-su qua muôn thế hệ. Sau lời trăng trối này, Đức Giê-su lịch sử thuộc gia đình Na-da-rét hoàn thành sứ mệnh của mình và nói rằng ‘thế là đã hoàn tất’. Rồi ‘Người gục đầu xuống và trao Thần Khí’ (Ga 19,30). Từ đây, Chúa Thánh Thần tiếp tục công việc của Đức Giê-su qua Giáo Hội mà Đức Giê-su thiết lập. Chúa Thánh Thần trở thành ‘linh hồn’ của gia đình này và làm cho gia đình này luôn sống động giữa lòng thế giới.

Trong Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu, việc thiết lập Giáo Hội như là gia đình còn được hiểu qua Biến Cố Đức Giê-su hỏi các môn đệ: "Người ta nói Con Người là ai?”. Thánh Phê-rô được Thiên Chúa linh ứng và trả lời rằng "Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16,16). Đây chính là lời tuyên xưng về gia đình Đức Giê-su. Thánh Phê-rô biết rõ rằng Đức Giê-su thuộc gia đình Na-da-rét, Người là con Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se, tuy nhiên, thánh Phê-rô nhận được linh ứng quan trọng rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, ‘Con Thiên Chúa’ và thuộc về Gia Đình Thiên Chúa. Đó là lý do giải thích tại sao sau lời tuyên xưng của thánh Phê-rô, Đức Giê-su nói rằng “này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,17-18). Như thế, Đức Giê-su thiết lập Giáo Hội trên nền tảng thánh Phê-rô, nền tảng thể hiện qua lời tuyên xưng của thánh Phê-rô rằng Đức Giê-su chính là Đấng Ki-tô, Đấng được Thiên Chúa xức dầu, Đấng là Con Thiên Chúa đến mặc khải cho nhân loại về Gia Đình Thiên Chúa, đồng thời là Đấng thiết lập Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian này.

Chúng ta cũng nhận thức rằng hình ảnh Giáo Hội như là gia đình không phải là hình ảnh mới mẻ, mà là hình ảnh bén rễ sâu trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa. Công Đồng Vatican II chỉ ra rằng “trong Cựu Ước, việc mạc khải Nước Thiên Chúa thường được trình bày bằng hình bóng; cũng thế, ngày nay bản tính thâm sâu của Giáo Hội được diễn tả bằng nhiều hình ảnh lấy từ đời sống du mục, canh nông, kiến trúc, hoặc gia đình và hôn lễ.”[18] Đồng thời, Công Đồng cũng chỉ ra rằng “Giáo Hội cũng thường được gọi là tòa nhà của Thiên Chúa (1 Cr 3,9). Chúa Ki-tô đã tự ví Người như viên đá mà các thợ xây loại bỏ, nhưng đã trở thành viên đá góc (Mt 21,42). Trên nền móng này, các Tông Ðồ đã xây dựng Giáo Hội (1 Cr 3,11) và Giáo Hội được bền vững, liên kết nhờ nền móng đó. Tòa nhà này còn được gọi bằng nhiều tên khác: Nhà Thiên Chúa (1 Tm 3,15), nơi gia đình Người cư ngụ.”[19] Việc đào sâu và diễn tả Giáo Hội như là Nhà Thiên Chúa hay Gia Đình Thiên Chúa được các Giáo Phụ cũng như truyền thống Giáo Hội quan tâm qua dòng thế kỷ.[20]

Hình ảnh Giáo Hội như là gia đình được quảng diễn cách mạnh mẽ trong 4 thế kỷ đầu của Ki-tô Giáo, đặc biệt, trong những thập niên đầu khi Giáo Hội vừa khai sinh. Dần dần, Giáo Hội được ‘xã hội hóa’ hay ‘luật hóa’ và trở thành tổ chức qui cũ như các tổ chức khác giữa lòng nhân loại để có thể diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh đích thực của mình.[21] Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng những yếu tố bên ngoài của Giáo Hội, hay nói cách khác, chiều kích hữu hình của Giáo Hội như là một ‘xã hội có phẩm trật’ không thể che khuất tính gia đình của Giáo Hội. Những yếu tố xã hội hay những yếu tố bên ngoài phát sinh trong sự tiến triển của Giáo Hội nhằm làm cho Giáo Hội có thể phục vụ nhân loại cách xứng hợp hơn. Giáo Hội có được kinh nghiệm rằng khi Giáo Hội dựa vào cấu trúc và coi cấu trúc là căn bản, Giáo Hội gặp muôn vàn khó khăn. Chúng ta tiếp tục khai triển thêm để trả lời cho câu hỏi: ‘Đâu là nền tảng của Gia Đình Giáo Hội?’.

Trong bài giảng tại Đại Chủng Viện Palafox, Puebla de Los Angeles (Mexico), ngày 28 tháng 1 năm 1979, thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nói rằng trong mầu nhiệm sâu thẳm nhất, Thiên Chúa không phải là Đấng cô độc, nhưng là Gia Đình, đồng thời, ngài cũng nhấn mạnh rằng căn tính Gia Đình Thiên Chúa là tình yêu. Giáo lý Chúa Ba Ngôi của Ki-tô Giáo cho chúng ta nhận thức rằng trong Gia Đình Thiên Chúa, không Ngôi nào hơn, không Ngôi nào kém: Ba Ngôi cùng một bản tính, phẩm giá, phân biệt về Ngôi Vị, đồng thời, Ba Ngôi luôn hiệp thông, luôn mở ra và luôn trao ban tình yêu vô tận. Chúa Cha chỉ có thể là mình đúng nghĩa trong sự hiệp thông với Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Con chỉ có thể là mình đúng nghĩa trong sự hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Tương tự như thế, Chúa Thánh Thần chỉ có thể là mình đúng nghĩa trong sự hiệp thông với Chúa Cha và Chúa Con. Gia Đình Chúa Ba Ngôi là khởi nguyên của gia đình thế giới thụ tạo, tuy nhiên, gia đình thế giới thụ tạo bị biến dạng và bất hòa hợp do sự bất tuân và lạm dụng tự do của con người. Niềm hi vọng của toàn thể nhân loại cũng như thế giới thụ tạo đạt đỉnh điểm trong Biến Cố Đức Ki-tô, Biến Cố bởi đó Gia Đình Chúa Ba Ngôi hiện diện và tiếp tục trong Giáo Hội.

Tại hội nghị đặc biệt năm 1994, các Giám Mục Châu Phi nói rằng Gia Đình Giáo Hội có nguồn gốc từ Chúa Ba Ngôi và Chúa Thánh Thần là mối dây hiệp thông trong Giáo Hội. Vì Giáo Hội như là gia đình, Chúa Cha đã đi bước trước trong việc tạo dựng A-đam. Vì Giáo Hội như là gia đình, Đức Ki-tô, A-đam Mới và Người Thừa Kế các dân tộc, thiết lập Giáo Hội bởi Mình và Máu Người. Vì Giáo Hội như là gia đình biểu lộ giữa lòng thế giới, Chúa Thánh Thần được Chúa Con gửi tới từ Chúa Cha để tất cả được thông hiệp với nhau.[22] Những ý tưởng của các Giám Mục Châu Phi gợi lên trong chúng ta căn tính, đời sống và vai trò của Giáo Hội trong việc diễn tả kinh nghiệm của mình về Gia Đình Chúa Ba Ngôi cho toàn thể nhân loại.[23]

Là hình ảnh của Gia Đình Chúa Ba Ngôi, Gia Đình Thiên Chúa, Giáo Hội giúp mọi người nhận thức rằng tương quan của tất cả mọi người trong nhân loại với Thiên Chúa không phải là tương quan được diễn tả bằng ngôn ngữ triết lý, trừu tượng, chẳng hạn, tương quan giữa con người với Đấng Tuyệt Đối, Đấng Tối Cao, Đấng Toàn Năng, nhưng là tương quan giữa con cái với Cha mình. Mặc khải Thiên Chúa là Cha đối với Dân Do Thái trong Cựu Ước và Thiên Chúa là Cha của Đức Giê-su Ki-tô và là Cha của tất cả mọi người trong Tân Ước là trọng tâm của nội dung đức tin Ki-tô Giáo mà Giáo Hội diễn tả, sống và loan truyền. Hành trình của Gia Đình Giáo Hội cũng chính là hành trình của Gia Đình Thiên Chúa đối với Dân Mới, Dân được Đức Giê-su Ki-tô cứu chuộc bằng chính Máu châu báu của mình.

Sự duy nhất và đa dạng của Chúa Ba Ngôi chính là nguồn gốc và khuôn mẫu cho sự duy nhất và đa dạng của Giáo Hội. Hiển nhiên, sự duy nhất và đa dạng của Chúa Ba Ngôi là sự duy nhất và đa đạng hoàn hảo, còn sự duy nhất và đa dạng của Giáo Hội là sự duy nhất và đa dạng được định hướng về sự hoàn hảo trong Chúa Ba Ngôi. Bao lâu, Giáo Hội còn trên đường lữ hành trần thế, bấy lâu Giáo Hội cần đến sự nâng đỡ của Chúa Ba Ngôi trong việc duy trì cách hòa hợp giữa tính duy nhất và đa dạng để Giáo Hội có thể thánh hóa nhân loại cũng như các thực thể trong thế giới thụ tạo.

Về mặt thực hành, Giáo Hội luôn ý thức rằng trong trường hợp có sự xung khắc giữa ‘duy nhất’ và ‘đa dạng’ thì ưu tiên hướng về duy nhất. Chẳng hạn, sự duy nhất về giáo lý phải là ưu tiên so với sự đa dạng trong cách hiểu giáo lý đó, bằng không, tính công giáo (catholicity) và tính toàn thể (universaltiy) của giáo lý Giáo Hội Công Giáo sẽ bị phương hại. Đó cũng là lý do giúp chúng ta hiểu tại sao trong Kinh Tin Kính không có câu ‘Giáo Hội đa dạng’. Không đề cập đến tính đa dạng trong Kinh Tin Kính, nhưng ai cũng nhận thức và kinh nghiệm thực trạng này của Giáo Hội. Giáo Hội luôn duy nhất trong đa dạng, do đó, vấn đề đặt ra không phải là Giáo Hội hoặc là duy nhất hoặc là đang dạng.

Giáo Hội diễn tả chính mình là Ít-ra-en Mới, là Dân Mới của Thiên Chúa. Ít-ra-en hay Dân Thiên Chúa cũ được thiết lập trên nền tảng đức tin của gia đình Áp-ra-ham với hậu duệ là mười hai chi tộc và toàn bộ con cái huyết tộc Ít-ra-en. Giáo Hội, Dân Thiên Chúa mới, được thiết lập trên nền tảng Đức Giê-su với hậu duệ là mười hai tông đồ và tất cả những ai đón nhận Đức Giê-su và thực thi giáo huấn của Người. Dân của Gia Đình Giáo Hội, Dân Thiên Chúa là tất cả những ai được sinh lại bởi Bí Tích Rửa Tội nhân danh Chúa Ba Ngôi.[24] Dân này cùng tuyên xưng rằng ‘chỉ có một thân thể, một Thần Khí, một niềm hy vọng, một Chúa, một niềm tin, một phép rửa, một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người’ (Ep 4,4-6).[25]

Như đã được đề cập ở trên, trong sứ mệnh của mình, Đức Giê-su bày tỏ cho các môn đệ rằng họ không chỉ là con cái của những gia đình đơn lẻ ở trần gian, mà còn là con cái của cùng một Cha ở trên trời. Điều này được Đức Giê-su minh chứng và thực hiện trong hành trình rao giảng của Người. Các môn đệ sống với gia đình mới của Đức Giê-su như là những anh em trong một nhà. Họ cũng nhận thức sự khác biệt giữa họ và Đức Giê-su so với những phe nhóm, tổ chức hay các hội đoàn đương thời. Họ được Đức Giê-su mặc khải rằng Người là Thầy, là Chúa, là Bạn Hữu của họ (Ga 13,13; Ga 15,15). Những lời trăng trối của Đức Giê-su trước khi bước vào cuộc khổ nạn biểu lộ tình yêu tận cùng của Người đối với họ hơn cả tình yêu của người trong gia đình đối với thân quyến trước khi đi xa.

Đức Giê-su đi vào lịch sử để con người làm quen với Thiên Chúa và Người thiết lập Gia Đình Giáo Hội để con người làm quen với Gia Đình Thiên Chúa. Hoa trái của Biến Cố Đức Ki-tô là chính Giáo Hội, gia đình được tái tạo. Trong nhãn quan của thánh Phao-lô, Đức Giê-su thiết lập Gia Đình Giáo Hội để đón nhận mặc khải, sống mặc khải và chuyển tải mặc khải đến với tất cả mọi người. Giáo Hội tiếp tục sự hiện diện của Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa ở trần gian. Giáo Hội minh chứng rằng Con Thiên Chúa sinh ra từ gia đình, sống trong bầu khí gia đình, chết trong bầu khí gia đình, Phục Sinh trong bầu khí gia đình và thiết lập Giáo Hội như là gia đình để tiếp tục công trình cứu độ của Người. Như thế, ‘dấu ấn gia đình’ không khi nào vắng bóng hay đứt quãng trong Biến Cố Đức Ki-tô giữa lòng nhân loại từ Nhập Thể tới Phục Sinh. Gia đình Thiên Chúa tiếp tục hiện diện và hoạt động giữa lòng nhân thế trong Gia Đình Giáo Hội.[26]

Gia Đình Giáo Hội vừa đề cao tương quan cá nhân, vừa đề cao tương quan cộng đoàn. Trên bình diện cá nhân, các tín hữu được mời gọi đi vào sự hiệp thông thân tình với Thiên Chúa. Mối tương quan giữa họ với Thiên Chúa là mối tương quan liên vị. Trên bình diện cộng đoàn, gia đình Đức Giê-su thiết lập đòi hỏi mọi người chung tay xây dựng đời sống cộng đoàn. Các thành phần trong cộng đoàn được liên kết với nhau chặt chẽ hơn các thành phần trong các tổ chức hay hội đoàn khác. Các thành phần trong cộng đoàn làm nên Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô mà mỗi người là chi thể. Các chi thể cần cho nhau như các bộ phận trong một thân thể cần cho nhau vậy. Trong thân thể này, Đức Giê-su vừa là đầu, vừa là toàn thể. Điều này được thánh Phao-lô diễn tả mạch lạc rằng “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh” (Cl 1,18) và rằng “cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Ki-tô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể” (Rm 12,4-5). Chính Đức Giê-su Ki-tô trao ban, nuôi dưỡng và làm tăng trưởng sự sống của các thành phần trong thân thể Người.

Ngôn ngữ Giáo Hội là ngôn ngữ gia đình. Do đó, nói rằng ‘chúng ta là con cái trong Gia Đình Giáo Hội’ xem ra phù hợp với kinh nghiệm của chúng ta hơn nói rằng ‘chúng ta là những người trong cộng đoàn Giáo Hội’. Nói rằng ‘chúng ta là con cái Thiên Chúa’ xem ra phù hợp với kinh nghiệm chúng ta hơn nói rằng ‘chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng’. Nói rằng ‘chúng ta là em của Đức Giê-su’ xem ra phù hợp hơn nói rằng ‘Đức Giê-su là Vua chúng ta’. Tương tự như thế, nói rằng ‘toàn thể gia đình thế giới thụ tạo ngóng trông sự hòa nhập trong Gia Đình Thiên Chúa’ xem ra phù hợp hơn nói rằng ‘vũ trụ sẽ được biến đổi trọn vẹn bởi Thiên Chúa trong thời cánh chung’.

Mầu nhiệm gia đình Na-da-rét cũng chính là mầu nhiệm của Gia Đình Giáo Hội. Điều này có nghĩa là những khó khăn, trăn trở của những người trong gia đình Na-da-rét cách đây hơn hai ngàn năm cũng chính là những khó khăn, trăn trở của con cái Giáo Hội trong thế giới hôm nay, có khác chăng cũng là hình thức và mức độ. Như thế, bao lâu Giáo Hội còn trên đường lữ hành, bấy lâu Giáo Hội còn đương đầu với nhiều gian truân, bất cập, thách đố. Quãng đường từ làng quê Na-da-rét tới kinh thành Giê-ru-sa-lem không xa xôi lắm, tuy nhiên, hành trình của Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem là hành trình khó khăn, đau khổ: Hành trình đúc kết lịch sử mỗi cá nhân, lịch sử Giáo Hội của Người, lịch sử nhân loại, lịch sử vũ trụ từ đau khổ tới vinh quang trong Nước Thiên Chúa viên mãn.

Gia Đình Giáo Hội chính là Nước Thiên Chúa ở trần gian, Nước gắn liền với Biến Cố Đức Ki-tô và tiếp tục hiện diện giữa lòng nhân loại. Nước Thiên Chúa không thể hiện bằng trương độ nhưng bằng những giá trị vĩnh cửu. Đức Giê-su nói rằng người ta không thể chỉ Nước Thiên Chúa ở đây hay ở kia, nhưng những ai đón nhận Người và sống theo giáo huấn của Người thì trở thành công dân của Nước này. Khi những người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su bao giờ Nước Thiên Chúa đến thì Người trả lời: "Nước Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: ‘Ở đây này!’ hay ‘Ở kia kìa!’, vì này Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông" (Lc 17,19-21). Nước Thiên Chúa ở giữa nhân loại, nhưng câu hỏi đặt ra: ‘Có chăng toàn thể mọi người trong nhân loại ở trong Nước Thiên Chúa?’ Đây là câu hỏi lớn cho Giáo Hội cũng như con cái Giáo Hội.

Như là Gia Đình Thiên Chúa hay Nước Thiên Chúa ở trần gian, Giáo Hội luôn là thực thể năng động và tiến triển giữa những mưu mô ác độc của ma quỉ và thế lực sự dữ. Ý thức mình là dấu chỉ và khí cụ của Nước Thiên Chúa, Giáo Hội không bao giờ dừng lại để ‘chiêm ngắm mình’ nhưng là chiêm ngắm Nước Thiên Chúa. Bao lâu Giáo Hội trên đường lữ hành cùng với các thực thể khác trong thế giới thụ tạo, bấy lâu Giáo Hội không đánh mất ý thức sự cần thiết của ơn lành từ Thiên Chúa. Do đó, Giáo Hội không ngừng dạy bảo con cái mình luôn tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa. Giáo Hội không ngừng giúp con cái mình biết hướng về phía trước, biết nhìn xa trông rộng hơn những gì hiện tại và biết mở rộng cửa lòng cho sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa.

Giáo Hội vừa như là Gia Đình Thiên Chúa giữa thế gian, vừa là Mẹ và là Hiền Thê của Đức Ki-tô. Do đó, Giáo Hội hoàn toàn lệ thuộc vào Đức Ki-tô. Ánh mắt, con tim và toàn bộ cuộc sống của Giáo Hội dõi theo Đức Ki-tô để nhờ Đức Ki-tô hướng dẫn, Giáo Hội có đủ năng lực để tồn tại và phát triển bền vững giữa thế gian. Gia sản của Giáo Hội thuộc Gia Đình Thiên Chúa, do đó, Giáo Hội không thể tầm thường hóa mình trong những gì thuộc về thế gian. Điều này được Đức Giê-su tỏ bày cách thân thương và sâu nhiệm cùng Chúa Cha trong những giây phút cuối cùng trước khi bước vào cuộc khổ nạn (Ga 17,12-19). Trên đường lữ hành, Giáo Hội diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội cho tất cả mọi người trong khi vẫn luôn thi hành đầy đủ bổn phận đối với con cái mình.

b. Gia Đình Giáo Hội thông ban sự sống và nuôi dưỡng con cái mình

Giáo Hội được mời gọi để thông ban sự sống, phục vụ sự sống và mở ra cho sự sống.[27] Như đã được đề cập ở trên, Gia Đình Giáo Hội được hình thành với Biến Cố Thập Giá khi người lính lấy lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn Đức Giê-su, máu và nước chảy ra trước sự chứng kiến của Đức Ma-ri-a và người môn đệ Chúa yêu. Hình ảnh nước và máu là hình ảnh của Bí Tích Rửa Tội và Bí Tích Thánh Thể, trong đó, Bí Tích Rửa Tội là bí tích nhờ đó người lãnh nhận trở thành con cái trong Gia Đình Giáo Hội, còn Bí Tích Thánh Thể là bí tích nhờ đó con cái Gia Đình Giáo Hội được nuôi dưỡng bằng chính Mình và Máu Đức Giê-su Ki-tô. Cả hai bí tích này diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, tình yêu Thiên Chúa tha thứ tội lỗi và tình yêu nuôi dưỡng con người bằng của ăn thiêng liêng.[28]

Kinh Thánh Tân Ước nói về việc cần thiết của Bí Tích Rửa Tội để trở thành con cái trong Gia Đình Giáo Hội. Thánh Mát-thêu trình bày lời của Đức Giê-su căn dặn các môn đệ mình sau khi Phục Sinh rằng “anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Còn thánh Gio-an nói về việc thánh Gio-an Tẩy Giả thực hành Phép Rửa kêu gọi sự ăn năn thống hối (Ga 1,24-28; Ga 3,22–23; Ga 10,40–41). Thánh Gio-an Tẩy Giả cũng đề cập đến việc Đức Giê-su làm Phép Rửa trong Thánh Thần (Ga 1,33). Đặc biệt, trong cuộc đối thoại với Ni-cô-đê-mô, Đức Giê-su khẳng định việc ‘sinh ra một lần nữa bởi ơn trên’, ‘sinh ra bởi nước và Thần Khí’ (Ga 3,2-8).

Trong sứ mệnh của mình, ngay từ buổi sơ khai, các Tông Đồ Đức Giê-su đã thực hành việc thông ban sự sống thần linh cho những người gia nhập Gia Đình Giáo Hội qua việc cử hành Bí Tích Rửa Tội. Thánh Phê-rô nói với các tín hữu sơ khai về hình ảnh gia đình ông Nô-ê được cứu thoát khỏi nước lũ rằng “nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em. Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô” (1 Pr 3,21). Chúng ta gặp nhiều trình thuật về việc các môn đệ Đức Giê-su cử hành Bí Tích Rửa Tội (Cv 3,28; Cv 8,12; 1 Cr 12,13; Tt 3,5). Như thế, ngay từ buổi đầu, Giáo Hội đã ý thức về sự cần thiết của Bí Tích Rửa Tội trong việc thông ban sự sống cho con cái mình. Giáo Hội ý thức rằng nhờ Bí Tích Rửa Tội, người lãnh nhận được tháp nhập vào Gia Đình Giáo Hội. Họ trở thành thành phần của Giáo Hội và góp phần mình cho sự tăng trưởng của Giáo Hội về mọi mặt.

Việc cử hành bí tích này đặt nền tảng trên sự nhận thức rằng mỗi người sinh ra ở trần gian này đều mang tội lỗi của gia đình đầu tiên, gia đình A-đam và E-và. Để gia nhập gia đình mới, Gia Đình Giáo Hội, Gia Đình Thiên Chúa, họ phải được tẩy rửa tội lỗi để trở nên những thụ tạo mới. Giáo Hội cho con cái mình biết rằng mỗi người sinh ra trong trần gia này là hồng ân cao quí, tuy nhiên, được tái sinh trong Gia Đình Giáo Hội lại là hồng ân cao quí hơn. Người lãnh nhận Nhờ Bí Tích Rửa Tội thuộc về Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian là chính Giáo Hội, trong khi vẫn thuộc gia đình huyết thống của mình. Nhờ Bí Tích Rửa Tội, cuộc sống của họ được sung mãn hơn vì được thông phần ân sủng dồi dào của Thiên Chúa qua Gia Đình Giáo Hội.

Là thành phần trong gia đình của Dân Thiên Chúa mới, những người lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội được hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với anh chị em mình. Đồng thời, họ được trở nên thành phần trong Nhiệm Thể Đức Ki-tô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Cùng nhau, họ tham dự các buổi cầu nguyện, cử hành phụng vụ để diễn tả căn tính và đời sống mình, đặc biệt, cùng nhau họ cử hành các bí tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể để lãnh nhận của ăn thiêng liêng nuôi sống họ trên đường lữ hành. Ở đâu Bí Tích Thánh Thể được cử hành ở đó có Gia Đình Giáo Hội, ở đâu có Gia Đình Giáo Hội, ở đó có Gia Đình Thiên Chúa. Như thế, Gia Đình Giáo Hội, Gia Đình Thiên Chúa không còn lệ thuộc vào điều kiện địa lý hay xã hội, nhưng hiện diện bất cứ nơi đâu Bí Tích Thánh Thể được cử hành.

Các Tin Mừng Nhất Lãm đều trình bày việc Đức Giê-su lập Bí Tích Thánh Thể trong bối cảnh gia đình, trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn (Mt 26,25-29; Mc 14,22-25; Lc 22,19-20). Thánh Phao-lô cũng tường thuật cách cặn kẽ việc Đức Giê-su thiết lập bí tích này (1 Cr 11,23-25). Thánh Gio-an không trình bày việc Đức Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể như các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm. Theo ý kiến của một số nhà chú giải Kinh Thánh, thánh Gio-an viết Tin Mừng vào những năm cuối thế kỷ thứ nhất, sau khi đã có các bản văn của Tin Mừng Nhất Lãm, ưu tiên của thánh Gio-an là những điều mới mẻ khởi đi từ suy tư và kinh nghiệm của mình, người môn đệ Chúa yêu. Vào thời điểm thánh nhân viết Tin Mừng, các tín hữu đã làm quen với việc cử hành Bí Tích Thánh Thể. Điều đáng chúng ta quan tâm về Bí Tích Thánh Thể theo thánh Gio-an là trình thuật của thánh nhân trong ‘Diễn Từ Bánh Trường Sinh’ (Ga 6,1-15.22-66). Chẳng hạn, “ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy… Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời" (Ga 6,54-58). Trong Diễn Từ này, Đức Giê-su bày tỏ mình như là Mô-sê mới và chính Người là Man-na mới, Man-na đích thực, Man-na vĩnh cửu của Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian. Người cũng là Đấng ‘khơi nguồn sự sống’, đồng thời, là Đấng nuôi sống muôn người (Cv 3,15).

Đối với thánh Gio-an, thay vì tường thuật việc Đức Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong bữa ăn tối, bữa ăn cuối cùng giữa Đức Giê-su và các môn đệ của Người, thánh nhân tường thuật tinh thần phục vụ lẫn nhau trong gia đình của những người theo Đức Giê-su Ki-tô. Chính trong bữa ăn cuối cùng này, Đức Giê-su quì xuống rửa chân cho các môn đệ. Cũng trong bữa ăn này, Đức Giê-su mặc khải cho các ông ‘giới răn mới’: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

Hai bài học quan trọng cho những ai thuộc gia đình Đức Giê-su Ki-tô và được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu của Người là (1) khiêm nhường phục vụ anh chị em mình và (2) thương yêu anh chị em mình như chính Đức Giê-su đã yêu thương. Trong thực tế, chúng ta thấy rằng ai trong chúng ta cũng có thể thực hiện được một số cử chỉ khiêm nhường, tuy nhiên, khiêm nhường như Đức Giê-su, Vị Thiên Chúa cúi xuống rửa chân cho môn đệ mình là điều không thể tưởng nỗi. Tương tự như thế, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về tình yêu, tuy nhiên, yêu như Đức Giê-su yêu, yêu đến nỗi hi sinh mạng sống vì người mình yêu, là điều vượt quá khả năng chúng ta. Khiêm nhường và yêu thương như Đức Giê-su luôn là khuôn mẫu tối thượng cho tất cả con cái trong Gia Đình Giáo Hội cũng như toàn thể nhân loại qua muôn thế hệ. Ai khiêm nhường như Đức Giê-su thì cũng yêu thương như Người và ngược lại, ai yêu thương như Đức Giê-su thì cũng khiêm nhường như Người. Đối với Đức Giê-su, khiêm nhường và yêu thương trở nên một. Mục đích của việc Đức Giê-su thiết lập Bí Tích Thánh Thể là cho tất cả mọi người trong Gia Đình Giáo Hội không chỉ lãnh nhận những ân sủng do Người ban tặng mà còn lãnh nhận chính mình Người để ngày càng được Người biến đổi nhiều hơn.

Với Bí Tích Thánh Thể, tình yêu của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng hôm qua, hôm nay và luôn mãi được biểu lộ.[29] Đức Giê-su ban tặng chính mình Người cho tất cả con cái Gia Đình Giáo Hội. Bí tích này lôi kéo tất cả mọi người trong Gia Đình Giáo Hội đến với Người và đến với nhau, đồng thời, nhắc nhở mọi người rằng lối sống gia đình phải là lối sống ưu tiên hơn các lối sống khác trong xã hội loài người. Các thành phần trong Gia Đình Giáo Hội chỉ có thể là mình khi biết ‘ra khỏi mình’ để sống cho người khác theo khuôn mẫu của các Ngôi Vị Thiên Chúa. Giáo Hội xét như là một gia đình chỉ có thể là mình thực thụ khi biết trông cậy hoàn toàn vào Thiên Chúa và khi mọi người sống với nhau và cho nhau trong tình anh em.

Vương Quốc Thiên Chúa được trình bày qua hình ảnh tất cả mọi người đều chung nhau trong bữa tiệc cánh chung, bữa tiệc gia đình.[30] Như đã được đề cập ở trên, khởi thủy của Bí Tích Thánh Thể chính là bữa ăn cuối cùng giữa Đức Giê-su và các môn đệ của Người, trước khi Đức Giê-su bước vào cuộc khổ nạn. Chính Bí Tích Thánh Thể là bữa tiệc của Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian, trong đó, mọi người được nếm thử bữa tiệc vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa, bởi vì, họ được nhận lấy Đức Giê-su, được liên kết với Người và anh chị em mình một cách mật thiết nhất. Đồng thời, cùng nhau họ chia sẻ niềm hi vọng vào ‘bữa tiệc vĩnh cửu’ trong trời mới đất mới khi Thiên Chúa qui tụ và đổi mới muôn vật muôn loài trong Con yêu dấu của Người, Đức Giê-su Ki-tô.

Như thế, dấu chỉ rõ nét nhất của Giáo Hội như là gia đình được thể hiện qua việc cử hành Bí Tích Thánh Thể. Các thành phần trong Gia Đình Giáo Hội cùng nhau qui tụ trong tinh thần cầu nguyện, đọc Lời Chúa và suy niệm Lời Chúa. Họ hiệp thông, chia sẻ với nhau trong cùng một Bánh và một Chén, chính là Mình và Máu Đức Giê-su Ki-tô. Trong Bí Tích Thánh Thể, họ được rước lấy Đức Giê-su Ki-tô, cũng chính là rước lấy Gia Đình Giáo Hội trong đó mình là thành phần. Ở đây, Giao Ước Sự Sống Vĩnh Cửu được cử hành, được chia sẻ, được lãnh nhận. Hơn thế nữa, cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể cũng là cộng đoàn sống hiệu quả của bí tích này cách đầy đủ nhất. Tác giả Sách Công Vụ Tông Đồ kể rằng “tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai, của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,44-47).

Giáo Hội cho con cái mình biết rằng hơn cả các thành phần trong gia đình nữa, họ là các bộ phận của cùng thân thể hay nói như thánh Phao-lô rằng các Ki-tô hữu ‘là phần thân thể của nhau’ (Ep 4,25).[31] Do đó, bổn phận của họ là nâng đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh. Về phần mình, Giáo Hội luôn quan tâm đến mọi người trong gia đình mình, đặc biệt những người khó khăn, thiếu thốn nhu cầu vật chất cũng như tinh thần. Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI nói rằng, là Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian, trong khi thi hành tác vụ diễn tả tình yêu hoàn vũ của Thiên Chúa, Giáo Hội đặc biệt quan tâm đến các thành phần con cái mình và không để bất cứ ai trong con cái mình phải túng thiếu. Để diễn tả rõ hơn điều này, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI trích dẫn Thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Ga-lát rằng “bao lâu còn thời giờ, chúng ta hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho những anh em trong cùng đại gia đình đức tin” (Gl 6,10).[32] Như thế, việc cử hành Bí Tích Thánh Thể đi đôi với việc thực thi công lý, công bình và bác ái.

Giáo Hội vừa như là Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian, vừa là Thầy và là Mẹ đối với toàn thể con cái mình.[33] Trong tư cách là Thầy, Giáo Hội không ngừng dạy bảo con cái mình dựa trên nội dung đức tin đã được Thiên Chúa ủy thác để suy tư, khai triển và áp dụng. Giáo Hội chỉ cho con cái mình đâu là những hiểm nguy tiềm tàng có thể phương hại đức tin chân chính của họ. Giáo Hội luôn đặt mình dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo Hội thi hành sứ vụ của mình cách trung tín nhất. Trong tư cách là Mẹ, Giáo Hội luôn gần gũi con cái mình để nhận biết, để cảm thông, để đồng hành, để nâng đỡ con cái mình trong mọi hoàn cảnh, đặc biệt, trong những lúc con cái mình gặp khó khăn thiếu thốn. Giáo Hội, người Mẹ khôn ngoan và dồi dào kinh nghiệm biết trao ban những gì tốt đẹp nhất nhằm làm cho cuộc sống con cái mình luôn được bình an giữa những khó khăn của cuộc sống hằng ngày.

Giáo Hội là nơi con cái mình cùng chia sẻ những buồn vui và hi vọng. Giáo Hội cũng là nơi con cái mình nhận thức tầm quan trọng của bản thân và tầm quan trọng của người khác cũng như sẵn sàng nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Giáo Hội luôn ý thức về căn tính và phẩm giá của con cái mình, đồng thời, Giáo Hội cũng biết rằng con cái mình là những người yếu đuối, lầm lỡ và tội lỗi cần được sửa dạy. Giáo Hội hiểu rằng những vấn đề nảy sinh liên quan đến con cái mình không chỉ được giải quyết dựa vào ngôn ngữ Giáo Luật, mà còn dựa vào ngôn ngữ Kinh Thánh, ngôn ngữ mục vụ và đặc biệt ngôn ngữ gia đình nữa. Chúng ta có kinh nghiệm rằng ưu tiên trong hành động của cha mẹ đối với con cái là yêu thương. Do đó, khi con cái lầm lỗi, bổn phận của cha mẹ là đưa con cái trở về ‘đường ngay nẻo chính’ hơn là dựa vào những luật lệ định sẵn để áp dụng cho con cái hay phó thác con cái cho pháp luật dân sự hay bất cứ hình thức pháp luật nào khác. Đây cũng là phương cách mà Thiên Chúa đã áp dụng với Dân Người trong Cựu Ước, trong đó, Thiên Chúa không phó thác Dân Người cho các thế lực bên ngoài, nhưng rộng lòng tha thứ và đón nhận Dân Người trở về quĩ đạo yêu thương của Người.

Trong khi sinh hạ con cái mình nhờ Bí Tích Rửa Tội, nuôi dưỡng con cái mình nhờ Bí Tích Thánh Thể và thánh hóa con cái mình qua các bí tích khác, Giáo Hội đồng hành với con cái mình trên mọi nẻo đường. Giáo Hội luôn ý thức rằng mình được mời gọi để không ngừng trao ban sự sống cho tất cả mọi người. Dĩ nhiên, đây không phải là sự sống tự thân, nghĩa là sự sống bởi chính Giáo Hội mà là sự sống của Thiên Chúa được trao ban cho nhân loại thông qua Giáo Hội. Trong khi thi hành các tác vụ giảng dạy, quản trị và thánh hóa, Giáo Hội đặc biệt quan tâm đến gia đình của con cái mình, bởi vì, gia đình con cái mình chính là môi trường diễn tả căn tính, đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội cách cụ thể nhất.

c. Gia Đình Giáo Hội chăm sóc mục vụ gia đình con cái mình

Như đã được đề cập ở trên, Giáo Hội nhận thức rằng theo mặc khải Kinh Thánh khi nam nữ kết hợp với nhau, họ không chỉ nên một xương một thịt mà còn nên một gia đình.[34] Giáo Hội vừa đóng vai trò quan trọng trong việc khai sinh gia đình con cái mình nhờ Bí Tích Hôn Nhân, vừa phục vụ gia đình con cái mình trong suốt hành trình sống của họ. Phục vụ gia đình con cái mình luôn là ưu tiên trong đời sống Giáo Hội, bởi vì, gia đình con cái mình diễn tả tình yêu Thiên Chúa cách cụ thể trong môi trường thụ tạo.

Trong Tông Huấn Familiaris Consortio, thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nói rằng “gia đình có sứ mệnh gìn giữ, biểu lộ, thông truyền tình yêu và đây là sự phản chiếu sinh động và chia sẻ đích thực tình yêu Thiên Chúa cho nhân loại và tình yêu của Đức Ki-tô cho Giáo Hội, Hiền Thê của Người.”[35] Với Thông Điệp Deus Caritas Est, Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI diễn tả cách khúc chiết rằng tình yêu mang nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên, tình yêu giữa người nam và người nữ khi hồn xác của họ liên kết với nhau bất khả phân ly trở thành mẫu hình cho các hình thức tình yêu khác.[36] Cũng trong Thông Điệp này, Đức Giáo Hoàng nói rằng “hôn nhân đặt nền tảng trên tình yêu đơn nhất và dứt khoát trở thành hình ảnh của tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Người và ngược lại. Cách thức Thiên Chúa yêu thương trở thành tiêu chuẩn cho tình yêu nhân loại.”[37]

Giáo Hội không ngừng dạy bảo con cái mình rằng nhờ tình yêu Thiên Chúa tạo dựng gia đình nhân loại. Cộng đoàn đầu tiên này là cộng đoàn thông hiệp sự sống của Thiên Chúa và được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa trong việc trao ban sự sống, trao ban tình yêu. Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nhấn mạnh rằng “con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người vẫn là hữu thể không hiểu được đối với chính mình, cuộc sống con người vô nghĩa, nếu con người không nhận được mặc khải tình yêu, nếu con người không gặp gỡ tình yêu, nếu con người không kinh nghiệm tình yêu và sở đắc tình yêu, nếu con người không tham dự cách mật thiết vào tình yêu.”[38] Tình yêu mà thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nói ở đây là tình yêu Thiên Chúa, tình yêu vĩnh cửu, tình yêu sáng tạo, tình yêu mà con người vừa có thể cảm nghiệm được, vừa luôn khao khát trong hành trình trần thế của mình.

Giáo Hội, hình ảnh Chúa Ba Ngôi có hình thức cụ thể nơi gia đình con cái mình. Điều này đã được thể hiện qua giáo huấn của Giáo Hội cùng những khai triển của nhiều thần học gia. Trong Tông Huấn Giáo Hội Châu Đại Dương Ecclesia in Oceania, thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nói rằng gia đình là hình ảnh sự hiệp thông khôn dò của Chúa Ba Ngôi.[39] Như đã được đề cập ở trên rằng con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa không chỉ trên bình diện cá nhân, mà còn trên bình diện cộng đoàn, bình diện gia đình nữa. Gia đình mang trong mình dấu ấn của Đấng Sáng Tạo và là hình ảnh yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi. Các cá nhân riêng lẻ trong gia đình không thể diễn tả mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cách đầy đủ bằng sự kết hợp giữa họ. Cũng như Chúa Thánh Thần là Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con, con cái là tình yêu của người chồng và người vợ. Chúa Thánh Thần liên kết Chúa Cha và Chúa Con, con cái liên kết người chồng và người vợ. Gia đình được xem là hình ảnh tốt nhất cho phép chúng ta tiếp cận mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm của sự duy nhất trong đa dạng trọn hảo.

Sự nên một của A-đam và E-và, sự nên một của Đức Ki-tô và Giáo Hội và sự nên một của chồng và vợ trong gia đình liên kết chặt chẽ với nhau để trao ban sự sống, trao ban tình yêu và trao ban hi vọng. Giáo Hội ý thức rằng người nam và người nữ là những người phân biệt nhau, nhưng trong bối cảnh gia đình, họ là chồng, là vợ, họ trở nên một thân xác, cái ‘tôi’ của mỗi người tìm được trong cái ‘chúng ta’ của gia đình. Khi trở thành ‘chúng ta’, thực thể này trổ sinh hoa trái và cùng với con cái, ‘chúng ta’ của gia đình ngày càng lớn mạnh hơn. Những ‘người khác’ trong gia đình phân biệt với những ‘người khác’ trong các tổ chức dân sự, chính trị, xã hội. Tình liên đới, tình yêu thương của các thành phần trong gia đình phân biệt với tình liên đới, tình yêu thương của những ‘người khác’ không thuộc gia đình.

Tầm quan trọng của gia đình luôn được Giáo Hội đề cao và bảo vệ. Trong Thông Điệp Centesimus Annus, thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nói: “Thật là cần thiết để nhìn nhận gia đình như là cung thánh của cuộc sống. Gia đình thực sự là thánh thiêng: Đó là nơi mà sự sống – quà tặng của Thiên Chúa - có thể được đón nhận cách đúng đắn cũng như được bảo vệ khỏi những cuộc tấn công phá hủy và có thể phát triển phù hợp nhằm làm cho con người trưởng thành đích thực. Đối diện với văn hóa sự chết, gia đình là trung tâm văn hóa sự sống.”[40] Với Giáo Hội, bảo vệ sự toàn vẹn gia đình theo mặc khải Ki-tô Giáo như là bảo vệ chính Giáo Hội vậy, bởi vì, như đã được đề cập ở trên rằng căn tính, đời sống và sứ mệnh của Gia Đình Giáo Hội thể hiện nơi căn tính, đời sống và sứ mệnh của gia đình con cái mình.

Tân Ước cho chúng ta biết rằng gia đình chính là thực tại đầu tiên, địa chỉ đầu tiên của Đấng Em-ma-nu-en, Con Thiên Chúa Nhập Thể, Đức Giê-su Ki-tô. Gia đình con cái Giáo Hội là địa chỉ đầu tiên đón nhận, sống và diễn tả các giá trị Tin Mừng cũng như công bố nội dung đức tin của Giáo Hội. Tác giả Sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật rằng “mỗi ngày, trong Đền Thờ và tại tư gia, các ông không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Ki-tô Giê-su” (Cv 5,42). Thánh Phao-lô giải bày với các Ki-tô hữu sơ khai rằng “anh em biết tôi đã không bỏ qua một điều gì có ích cho anh em; trái lại tôi đã giảng cho anh em và dạy anh em ở nơi công cộng cũng như tại chốn tư gia” (Cv 20,20) hay “tôi còn làm phép rửa cho gia đình Tê-pha-na nữa. Ngoài ra, tôi không biết có làm phép rửa cho ai khác nữa hay chăng” (1 Cr 1,16). Thánh Phao-lô còn quan tâm đến từng cá nhân trong các gia đình, chẳng hạn, “các Hội Thánh A-xi-a gửi lời chào anh em. A-qui-la và Pơ-rít-ca cùng với Hội Thánh họp tại nhà họ gửi lời chào anh em trong Chúa” (1 Cr 16,19) hay “Phao-lô, kẻ bị tù vì Đức Ki-tô Giê-su, cùng với người anh em là Ti-mô-thê, gửi anh Phi-lê-môn, cộng sự viên thân mến của chúng tôi, cùng chị Áp-phi-a và anh Ác-khíp-pô, chiến hữu của chúng tôi, đồng thời kính gửi Hội Thánh họp tại nhà anh” (Plm 1-2). Một lần nữa, chúng ta cần lặp lại rằng mô hình chính yếu của Giáo Hội sơ khai là gia đình chứ không là gì khác. Mô hình gia đình này không chỉ hiện diện ở Palestine mà còn nhiều nơi quanh vùng Địa Trung Hải.[41]

Theo Công Đồng Vatican II, “chính gia đình đã lãnh nhận từ Thiên Chúa sứ mệnh trở nên tế bào đầu tiên và sống động của xã hội. Gia đình sẽ chu toàn được sứ mệnh đó nếu gia đình tỏ ra như một đền thờ của Giáo Hội trong nhà mình nhờ yêu thương nhau và cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa.”[42] Trong Tông Huấn Ecclesia in Asia, thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nói rằng gia đình là nơi sự thật của Tin Mừng trở thành chuẩn mực cho đời sống của những người trong đó. Cũng theo Tông Huấn Ecclesia in Asia, gia đình không chỉ là đối tượng của việc truyền giáo, tái truyền giáo, chăm sóc mục vụ của Giáo Hội mà còn là nhân tố của việc truyền giáo. Những người trong gia đình được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng giữa những khó khăn của cuộc sống.[43] Gia đình làm cho Đức Giê-su Ki-tô và Tin Mừng của Người được tiếp cận, được lắng nghe, được suy niệm, được thực hành trong những hoàn cảnh cụ thể.[44]

Lịch sử Giáo Hội luôn đề cao vai trò của gia đình, bởi vì, như Công Đồng Vatican II nhấn mạnh: ‘Gia đình như một Giáo Hội nhỏ’, Giáo Hội tại gia (ecclesia domestica).[45] Giáo Hội và gia đình định dạng lẫn nhau. Giáo Hội hiện diện và hoạt động nơi giáo hội tại gia và làm cho giáo hội tại gia trở thành những viên đá sống động xây nên Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa. Giáo hội tại gia ý thức rằng căn tính và đời sống của mình được diễn tả đúng nghĩa chỉ khi hiệp thông với Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa. Nói cách rõ hơn, giáo hội tại gia không phải là thực thể độc lập, nhưng là thực thể liên đới và hiệp thông với Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa, Gia Đình Giáo Hội hoàn vũ.[46]

Trong bối cảnh thế giới hôm nay, giữa những bão táp phương hại đến căn tính hôn nhân gia đình, Giáo Hội khẳng định sự bất khả phân ly vợ chồng theo giáo huấn Đức Giê-su. Khi những người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giê-su về sự ly dị, Người trả lời họ rằng vợ chồng trong giao ước hôn nhân trở nên ‘một xương một thịt (Mt 19,5) và rằng ‘sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly’ (Mt 19,6). Những người Pha-ri-sêu viện cớ Mô-sê cho phép ly dị để bắt bẻ Đức Giê-su và Người trả lời họ rằng “vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu” (Mt 19,8). Đối với thánh Phao-lô, gia đình Ki-tô Giáo đặt nền tảng yêu thương trên khuôn mẫu yêu thương giữa Đức Ki-tô và Giáo Hội. Theo thánh nhân, chồng ‘hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh’, hay ‘chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình’ (Ep 5,25-32). Con cái ‘hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa’; cha mẹ ‘hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy’ (Ep 6,1-4).

Như thế, trong gia đình, người vợ là hình ảnh của Giáo Hội, người chồng là hình ảnh Đức Ki-tô. Vợ chồng cùng phẩm giá, tuy nhiên, trật tự giữa vợ và chồng vẫn luôn tồn tại, dựa trên khuôn mẫu Đức Ki-tô và Giáo Hội. Trong gia đình, hình ảnh của người vợ là hình ảnh của sự bao dung, nhẹ nhàng để chăm sóc con cái, còn hình ảnh người chồng là hình ảnh mạnh mẽ, quyết đoán để hướng dẫn và bảo đảm sự an toàn cho tất cả các thành phần. Ở nhiều dân tộc trên thế giới, thông thường, người vợ đảm đương những việc nhẹ nhàng ở nhà, còn người chồng đảm đương những việc nặng nhọc khác để lo cuộc sống cho các thành phần trong gia đình. Sự tương đồng về quyền và phẩm giá của người chồng và người vợ không làm phương hại tính đặc thù của người chồng và người vợ trong gia đình, nghĩa là người chồng và người vợ không nhất thiết phải có chức năng giống nhau trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Giáo Hội ý thức sự phân công lao động phù hợp giữa chồng và vợ, đồng thời, chống lại sự phân biệt đối xử bất công giữa họ.

Khi chăm sóc mục vụ, Giáo Hội ý thức về những khó khăn trong các gia đình con cái mình giữa trào lưu và những quan niệm sai lạc về hôn nhân gia đình, chẳng hạn, ly dị, tái hôn, gia đình đơn lẻ.[47] Trong thế giới hôm nay, nhiều người xem hôn nhân như là một khế ước cá nhân, họ không màng sự chứng nhận của bất cứ thẩm quyền nào. Có những người xem hôn nhân như là bản hợp đồng (contract) chứ không như là giao ước (covenant) được Thiên Chúa thiết lập và chúc phúc. Có những người xem hôn nhân như là sự biểu lộ cảm tính, khi không còn nữa thì có thể bỏ nhau bất cứ lúc nào, bởi vì, cảm tính thay đổi tùy theo lứa tuổi cũng như những bấp bênh trong đời sống cá nhân, xã hội. Lại có những người chủ trương rằng hôn nhân một vợ một chồng xem ra chỉ đúng cho quá khứ, không đúng cho thế giới hiện đại nữa. Hôn nhân được xem như một công việc (job) toàn thời hoặc bán thời chứ không phải là ơn gọi (vocation) yêu thương, chung thủy, duy nhất và trọn đời.

Như đã được đề cập ở trên, Đức Giê-su Ki-tô quan tâm cách đặc biệt đến các gia đình trong sứ mệnh lịch sử của mình. Từ Biến Cố Nhập Thể đến Biến Cố Phục Sinh, tất cả những gì liên quan đến Đức Giê-su đều gắn liền với gia đình. Do đó, chăm sóc mục vụ gia đình luôn là bổn phận của Giáo Hội, bí tích của Đức Giê-su Ki-tô. Đây không phải là bổn phận tạm thời hay bán thời mà là bổn phận gắn liền với căn tính, đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội. Do đó, bao lâu Giáo Hội trên đường lữ hành, bấy lâu Giáo Hội chăm sóc mục vụ gia đình cách chu đáo theo gương Đức Giê-su Ki-tô. Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta biết rằng Đức Giê-su Ki-tô không đến để gặp gỡ và qui tụ những người khác như gặp gỡ và qui tụ một đám đông, nhưng là đến với họ cách mật thiết, quan tâm đến gia đình của họ, đồng thời, cho họ biết họ được mời gọi để sống những giá trị của Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian.

Kinh nghiệm lịch sử cho Giáo Hội ý thức rằng gia đình con cái Giáo Hội không chỉ mong muốn Giáo Hội thi hành vai trò lãnh đạo, mà cần thiết hơn là vai trò đồng hành. Có như thế, Giáo Hội thực sự là Giáo Hội lữ hành cùng với gia đình, nghĩa là những biến cố xảy ra trong đời sống gia đình đều có sự hiện diện và nâng đỡ của Giáo Hội. Những khó khăn hay thuận lợi trong gia đình cũng chính là những khó khăn hay thuận lợi của Giáo Hội. Sự cảm thông chia sẻ của Giáo Hội đối với những thách đố của gia đình giúp Giáo Hội một mặt thể hiện ‘lòng thương xót’ của Chúa đối với gia đình, mặt khác, giúp Giáo Hội có được những kinh nghiệm quí báu để phục vụ gia đình cách tốt đẹp hơn.

Như đã được đề cập ở trên, Giáo Hội ý thức rằng gia đình con cái mình là hình ảnh Gia Đình Thiên Chúa. Tuy nhiên, gia đình con cái mình dễ bị tổn thương vì chính tội lỗi của các thành phần trong gia đình cũng như trong môi trường nhân loại. Giáo Hội mời gọi những người trong gia đình sống giá trị Tin Mừng giữa muôn vàn khó khăn nảy sinh từ những quan niệm lệch lạc về phái tính hay những sai lầm khác không chỉ theo nghĩa đạo đức, luân lý mà còn theo nghĩa tự nhiên, tâm lý, bệnh hoạn. Gia Đình Giáo Hội cũng như gia đình con cái mình không ngừng hướng về Gia Đình Thiên Chúa để kín múc năng lực cần thiết cho cuộc sống hằng ngày.

Trong Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Con Người Redemptor Hominis (1979), thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nói rằng con người là con đường của Giáo Hội.[48] Cách tương tự, trong Thư Gửi Các Gia Đình Letter to Families, thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nói rằng gia đình là con đường của Giáo Hội.[49] Quả thật, con người là con đường của Giáo Hội, tuy nhiên, con người được sinh ra và trưởng thành từ gia đình. Do đó, con người phải đi con đường của gia đình và được triển nở từ con đường gia đình. Gia đình quan trọng đến mức, theo lời của thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, gia đình chính là tương lai của Giáo Hội cũng như thế giới.[50] Do đó, gia đình phải là nơi lòng thương xót Chúa hiện diện và hoạt động, đồng thời, cũng là nơi quan trọng nhất, từ đó lòng thương xót Chúa được loan báo và chuyển tải. Như vậy, Giáo Hội vừa chăm sóc mục vụ gia đình con cái mình, vừa khuyến khích con cái mình biết luôn cộng tác với nhau và với toàn thể Gia Đình Giáo Hội để loan báo Tin Mừng Gia Đình Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại.

4. Gia Đình Giáo Hội loan báo Tin Mừng Gia Đình Thiên Chúa

Gia Đình Giáo Hội loan báo Tin Mừng Gia Đình Thiên Chúa, Tin Mừng Sự Sống cho toàn thể nhân loại rằng hậu duệ của A-đam bị tổn thương do tội lỗi, tuy nhiên, được cứu sống nhờ Đức Giê-su Ki-tô. Con người được Thiên Chúa yêu thương đến nỗi Con Thiên Chúa đã Nhập Thể để thông phần đau khổ với họ và qui tụ họ về với Gia Đình Thiên Chúa. Gia Đình Giáo Hội loan báo Tin Mừng rằng tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn sự chết và lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của con người. Với Đức Giê-su Ki-tô, sự chết không còn là tiếng nói cuối cùng của con người nữa, nhưng là sự sống, sự phục sinh vinh hiển theo khuôn mẫu của Người. Quê hương của toàn thể nhân loại không còn là quê hương của đau khổ và thất vọng, nhưng là Quê Hương của sự công chính, bình an và hoan lạc vĩnh cửu trong Thánh Thần.[51] Tin Mừng mà Gia Đình Giáo Hội loan báo chính là Tin Mừng về việc con người được trở thành con Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su Ki-tô và giáo huấn của Người.

Như đã được đề cập ở trên, trong sứ vụ rao giảng của mình, Đức Giê-su mặc khải rằng Thiên Chúa là Cha của Người cũng là Cha của những ai theo Người. Không chỉ một mình Đức Giê-su gọi Thiên Chúa là Cha mà tất cả những ai đến với Đức Giê-su và sống giáo huấn của Người cũng được gọi Thiên Chúa là Cha (Abba/Daddy). Chẳng hạn, Người căn dặn các môn đệ trở nên nhân chứng của Thiên Chúa Cha rằng “anh em là ánh sáng cho trần gian… ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,14-16). Đề cập đến những người tội lỗi, Đức Giê-su nói rằng “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,14). Khi dạy dỗ các môn đệ tránh thói giả hình, Đức Giê-su nói rằng “anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời” (Mt 23,9). Liên quan đến việc tha thứ, Đức Giê-su khuyên bảo họ rằng “nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mc 11,26).[52] Các môn đệ ý thức rằng họ được kêu gọi trở nên thành phần trong cộng đoàn được Đức Giê-su thiết lập và ủy thác nhằm làm cho Tin Mừng của Người thấm nhập tất cả các chiều kích của cuộc sống con người.

Theo thánh ký Gio-an, sau khi Phục Sinh, Đức Giê-su gặp bà Ma-ri-a Mác-đa-la và dặn bà rằng “hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em”” (Ga 20,17). Lời của Đức Giê-su ‘Cha của Thầy cũng là Cha của anh em’ chính là Tin Mừng Gia Đình Thiên Chúa được mặc khải cách cụ thể nhất cho các môn đệ của Đức Giê-su Phục Sinh. Đức Giê-su chính là Con Thiên Chúa, thuộc Gia Đình Thiên Chúa và Người mặc khải cho các môn đệ của Người rằng chính họ được mời gọi trở nên con cái trong Gia Đình này.

Ngay từ buổi đầu, trong sứ vụ loan báo Tin Mừng Gia Đình Thiên Chúa, các môn đệ Đức Giê-su hiểu rằng họ được mời gọi để trở thành “những kẻ lưới người như lưới cá" (Mt 4,19). Họ sẵn lòng từ bỏ gia đình huyết tộc của mình để loan báo Gia Đình Thiên Chúa, gia đình vô biên vô tận. Họ ý thức sứ mệnh của mình là làm cho Gia Đình Thiên Chúa ngày càng được nhận biết giữa lòng thế giới. Để sứ mệnh này được thực hiện, các môn đệ Đức Giê-su luôn ý thức phẩm giá cao trọng của mình là môn đệ và tông đồ của Đức Giê-su Ki-tô giữa lòng thế giới. Họ nhiệt tâm loan báo Tin Mừng Gia Đình Thiên Chúa trong những hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm nhất. Đặc biệt, họ luôn sẵn sàng chịu chết để Tin Mừng Gia Đình Thiên Chúa được đón nhận, được sống và chuyển tải từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Hơn ai hết, thánh Phao-lô đã cảm nghiệm được Tin Mừng Gia Đình Thiên Chúa và trình bày cách cụ thể trong các Thư của mình. Trong lời mở đầu Thư Gửi Tín Hữu Rô-ma, thánh Phao-lô viết “xin Thiên Chúa là Cha chúng ta và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an” (Rm 1,7). Chúng ta cũng gặp những lời tương tự trong các Thư khác nữa, chẳng hạn, 1 Cr 1,3; 2 Cr 1,2; Gl 1,3; Ep 1,2; Pl 1,2. Thánh Phao-lô còn diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa Cha và Đức Giê-su Ki-tô trong việc sáng tạo và gìn giữ con người cũng như vạn vật. Thánh nhân nói rằng “chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giê-su Ki-tô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu” (1 Cr 8,6). Như vậy, chúng ta có thể nói rằng, đối với thánh Phao-lô, Tin Mừng của Đức Giê-su cũng chính là Tin Mừng Gia Đình Thiên Chúa. Ngài cảnh báo tín hữu Ga-lát rằng “nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi!” (Gl 1,8). Tin Mừng Gia Đình Thiên Chúa, Tin Mừng Bình An, còn được trình bày trong các Thư khác nữa trong thời Giáo Hội sơ khai, chẳng hạn, Tt 1,4; Dt 1,5; Gc 3,9; 1 Pr 1,17; 2 Ga 1,3; Gđ 1,1.

Sau cuộc khổ nạn và sự chết của Đức Giê-su, thay vì thất vọng để trở về với gia đình riêng của mình, các môn đệ Đức Giê-su tụ họp cùng nhau để cầu nguyện trong bầu khí gia đình và Đức Giê-su Phục Sinh đã đến cùng họ. Với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần, họ đã loan báo Tin Mừng Gia Đình Thiên Chúa cho mọi dân nước (Cv 2,1-13). Để có thể thực hiện sứ mệnh của mình, các môn đệ Đức Giê-su cũng như các tín hữu sơ khai đã sống với nhau như là anh chị em trong cùng gia đình và tình hiệp thông liên đới giữa họ còn hơn tình hiệp thông liên đới của anh chị em trong gia đình huyết thống nữa. Tác giả Sách Tông Đồ Công Vụ kể lại rằng “các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung...Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu” (Cv 4,32-35). Như thế, Tin Mừng Gia Đình không chỉ được loan báo mà còn được minh chứng bằng chính cuộc sống và hành động cụ thể của các Tông Đồ và những người mới gia nhập đạo.

Cuộc sống của thánh Phao-lô sau khi trở lại là cuộc sống diễn tả mặc khải Gia Đình Thiên Chúa cho các dân tộc quanh vùng Địa Trung Hải. Chúng ta nhận thức rằng những hình ảnh hay đời sống gia đình đã được thánh nhân quan tâm khi diễn tả thực tại được Đức Giê-su thiết lập là Giáo Hội, chẳng hạn, Giáo Hội là Hiền Thê của Đức Ki-tô, Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, Giáo Hội là Tòa Nhà của Thiên Chúa. Đặc biệt, thánh nhân trình bày Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô và sự liên kết của mọi người trong Gia Đình Giáo Hội chính là sự liên kết của họ trong Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô. Khi dùng hình ảnh con cái trong Gia Đình Giáo Hội như là các bộ phận trong một thân thể, thánh Phao-lô cho thấy sự liên kết của con cái trong Gia Đình Giáo Hội mật thiết với nhau hơn các thành phần trong gia đình huyết thống hay bất cứ hình thức gia đình nào mà con người có thể kinh nghiệm trong môi trường văn hóa, xã hội. “Anh em là thân thể Đức Ki-tô và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12,27), thánh Phao-lô nói vậy. Do đó, Tin Mừng mà thánh nhân loan báo thật là Tin Mừng lớn lao cho tất cả mọi người, bởi vì, họ không chỉ được kêu gọi để trở thành thành phần của một hình thức gia đình mở rộng nào đó, mà là gia đình trong đó mỗi người là bộ phận của nhau trong Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô.

Đối với thánh Phao-lô, rao giảng Tin Mừng và làm cho mọi người trở thành con cái trong Gia Đình Thiên Chúa cũng chính là làm cho họ trở thành thành phần trong Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô. Với tín hữu Ê-phê-xô, ngài viết “chính Người [Đức Ki-tô] là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do-thái và dân ngoại, thành một” (Ep 2,14) và “trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3,6). Với tín hữu Ga-lát, thánh nhân viết “nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Áp-ra-ham, những người thừa kế theo lời hứa” (Gl 3,29). Như thế, trong nhãn quan của thánh Phao-lô, hình ảnh Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa và như là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô bổ túc và giải thích cho nhau để nói lên sự liên kết nhiệm mầu và phẩm vị của con cái Thiên Chúa giữa lòng nhân loại.

Là thực thể tiếp tục sứ mệnh của Đức Giê-su Ki-tô ở trần gian, Giáo Hội luôn ý thức việc loan báo Tin Mừng Gia Đình Thiên Chúa rằng tương quan giữa con người và Thiên Chúa là tương quan Cha – con. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhận thức rằng tương quan giữa con người với nhau là tương quan anh chị em. Hơn thế nữa, tương quan Cha – con hay tương quan anh chị em trong Gia Đình Giáo Hội là tương quan sâu nhiệm hơn bất cứ tương quan nào trong thế giới thụ tạo. Tin Mừng này quan trọng, bởi vì, Thiên Chúa không chỉ cho phép con người được hiện hữu theo hình ảnh Người, mà còn cho phép họ trở thành con cái Thiên Chúa, trở thành một thân thể, trong khi con người hoàn toàn bất xứng. Thân phận con người yếu đuối nhưng phẩm giá con người thật cao trọng, bởi vì, Con Thiên Chúa đã mang lấy thân phận con người để mặc khải cho họ biết về Gia Đình Thiên Chúa, đồng thời, hy sinh mạng sống mình để cứu chuộc họ.

Khi loan báo Tin Mừng, Giáo Hội ý thức rằng đặc tính công giáo (catholicity) của mình gắn liền với đặc tính công giáo của Gia Đình Thiên Chúa được thực hiện qua Biến Cố Đức Ki-tô để cứu chuộc muôn người. Do đó, đặc tính công giáo này thuộc về bản chất và sứ mệnh của Giáo Hội. Đặc tính này này mang chiều kích vĩnh cửu, siêu vượt không gian, thời gian, bao trùm thế giới hữu hình và vô hình, đồng thời, hướng tới tất cả mọi người từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Đặc tính công giáo của Gia Đình Giáo Hội không lệ thuộc hay bị cản trở bởi bất cứ môi trường thụ tạo nào, chẳng hạn, môi trường địa lý, văn hóa, chủng tộc, xã hội.[53] Gia Đình Giáo Hội được ủy thác đến với mọi người trong hoàn cảnh sống của họ và cho họ biết rằng Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian để kêu mời và qui tụ tất cả mọi người.[54]

Giáo Hội loan báo Tin Mừng rằng sự hiện diện của Đức Giê-su chính là sự hiện diện của Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian. Khi rao giảng về Nước Thiên Chúa, cũng chính là Gia Đình Thiên Chúa, Đức Giê-su thường dùng những dụ ngôn để diễn tả sự phát triển của gia đình này, chẳng hạn, Đức Giê-su dùng dụ ngôn hạt cải, ruộng lúa, men trong bột (Mt 13,24-30, Mc 4,26-34, Lc 13,18-21). Ý thức sự hiện diện của mình chính là sự hiện diện của Nước Thiên Chúa, của Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian, Giáo Hội sống và đề cao những giá trị của Gia Đình Thiên Chúa, đồng thời, làm cho những giá trị của Gia Đình Thiên Chúa ngày càng thấm đượm mọi chiều kích của cuộc sống con người trong hành trình trần thế của họ.

Giáo Hội ý thức rằng Gia Đình Giáo Hội không ngừng lớn lên nhờ sự tham dự và đóng góp nhiệt tâm của các thành phần trong Giáo Hội. Điều này đã được thánh Phao-lô diễn tả rất khúc chiết rằng “Đức Ki-tô đã ban ơn cho kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ. Nhờ đó, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô” (Ep 4,11-13). Trên đường dương thế, sự lớn lên của Gia Đình Giáo Hội lệ thuộc vào sự song hành giữa sứ mệnh bên trong (missio ad intra), tức là Giáo Hội chăm lo đời sống con cái mình, cũng như sứ mệnh bên ngoài (missio ad extra), tức là Giáo Hội loan báo Tin Mừng Gia Đình Thiên Chúa cho tất cả mọi người. Gia Đình Giáo Hội luôn ý thức rằng chính sứ mệnh bên trong của Giáo Hội đặt nền tảng và có tính quyết định cho sứ mệnh bên ngoài của Giáo Hội.

Để có thể loan báo Tin Mừng Gia Đình Thiên Chúa cách hữu hiệu hơn, Giáo Hội không ngừng xây dựng đời sống nội tại của gia đình mình dựa trên khuôn mẫu của Giáo Hội sơ khởi. Chẳng hạn, thánh Phao-lô khuyên dạy các thành phần trong Giáo Hội rằng họ phải “thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12,10) hay “mang gánh nặng cho nhau” (Gl 6,2) hay “dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan” (Cl 3,16). Để ngày càng xứng đáng hơn là con cái trong Gia Đình Thiên Chúa, tác giả Thư Gửi Tín Hữu Do Thái đưa ra lời khuyên “anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?” (Dt 12,7) hay “anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ” (Dt 13,17). Gia Đình Giáo Hội luôn xác tín rằng các tín hữu chỉ có thể loan báo Tin Mừng Gia Đình Thiên Chúa khi chính bản thân họ là những người đầu tiên sống những giá trị của Tin Mừng ấy một cách trung tín và quảng đại nhất trong môi trường cụ thể của mình giữa lòng nhân loại.

5. Gia Đình Giáo Hội phục vụ gia đình nhân loại

Là Bí Tích của Đức Giê-su Ki-tô, Giáo Hội chính là món quà Thiên Chúa ban cho gia đình nhân loại để đồng hành và phục vụ gia đình nhân loại. Nhờ Giáo Hội và qua Giáo Hội, tất cả mọi người có khả năng đến với Thiên Chúa và trở thành con cái của Người. Công Đồng Vatican II nhấn mạnh rằng “khi nhận lấy bản tính nhân loại chính Người đã nối kết toàn thể nhân loại với Người thành một gia đình bằng một tình liên đới siêu nhiên.”[55] Đồng thời, Công Đồng cũng khẳng định rằng “Chúa Ki-tô, khi bị treo lên khỏi đất, đã kéo mọi người đến với mình. Khi từ kẻ chết sống lại, Người đã sai Thánh Thần ban sự sống đến với các môn đệ và nhờ Thánh Thần thiết lập thân thể Người là Giáo Hội như bí tích phổ quát cứu rỗi.”[56] Như vậy, sự hiện diện của Giáo Hội là để phục vụ cho ơn cứu độ hoàn vũ của Thiên Chúa được Đức Giê-su Ki-tô thực hiện.

Thiên Chúa hằng hoạt động trong Giáo Hội, để nhờ Giáo Hội toàn thể nhân loại nhận biết căn nguyên và cứu cánh của mình là từ Thiên Chúa và đến với Thiên Chúa.[57] Tại hội nghị đặc biệt năm 1994, các Giám Mục Châu Phi nói rằng “Thiên Chúa hằng sống, Đấng tạo dựng trời đất và Chúa của lịch sử là Cha của gia đình nhân loại rộng lớn trong đó tất cả chúng ta là thành phần.”[58] Điều này cũng được thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II lặp lại trong Tông Huấn Ecclesia in Africa (2000).[59] Với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội được mời gọi để phục vụ và qui tụ tất cả mọi người trong nhân loại. Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI khẳng định rằng “Chúa Thánh Thần cũng là nguồn lực biến đổi ‘tâm hồn’ của cộng đoàn Giáo Hội, để cộng đoàn này trở thành nhân chứng tình yêu của Chúa Cha giữa lòng thế giới, Đấng muốn làm cho nhân loại thành một gia đình trong Con Yêu Dấu của Người.”[60] Nhờ Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa hoàn tất chương trình cứu độ của Người trong Biến Cố Đức Ki-tô và được tiếp diễn bởi Giáo Hội để Giáo Hội đem lại sự sống đời đời cho mọi người trong gia đình nhân loại.

Như đã được đề cập ở trên, Giáo Hội là thực tại không ngừng lớn lên. Bao lâu còn trên đường lữ hành, Giáo Hội vẫn là thực tại rồi mà chưa (already and not yet) cũng như tất cả mọi người trên dương gian đều là những thực tại ‘rồi mà chưa’, bởi vì, bao lâu còn sống trên dương gian, bấy lâu con người còn bất xứng, tội lỗi, còn xa với con người thực thụ như lòng Chúa mong muốn. Giáo Hội chỉ đạt đến tầm mức viên mãn trong thời cánh chung cũng như tất cả mọi người đạt tầm mức viên mãn trong thời cánh chung khi Thiên Chúa qui tụ muôn loài muôn vật trong Đức Giê-su Ki-tô (Ep 1,3-10). Gia Đình Giáo Hội hiện diện và hoạt động để dưỡng nuôi và thánh hóa con cái mình cũng như thi hành sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa và phục vụ xã hội loài người theo tinh thần của Tin Mừng.

Gia Đình Giáo Hội hiện diện trong lịch sử nhưng siêu vượt lịch sử: Lịch sử Do Thái Giáo, lịch sử Ki-tô Giáo, lịch sử các tôn giáo và cả lịch sử thế giới thụ tạo. Gia Đình Giáo Hội siêu vượt không gian, thời gian cũng như mọi nhận thức và diễn tả của con người. Vương quốc Thiên Chúa mà Giáo Hội là dấu chỉ siêu vượt tất cả vương quốc đã, đang và sẽ hiện diện trong dòng lịch sử. Tính hoàn vũ của Giáo Hội bao trùm tất cả mọi người từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế. Tính hoàn vũ này hiện diện cách cụ thể tại Biến Cố Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và siêu vượt tất cả những gì thuộc trương độ mà nhân loại có thể kinh nghiệm được.

Gia Đình Giáo Hội không ngừng quan tâm đến tất cả chiều kích của đời sống con người. Tinh thần phục vụ con người cách toàn thể của Giáo Hội căn bản dựa trên giáo huấn của Đức Giê-su là đem lại sự sống sung mãn cho tất cả mọi người (Ga 1,4; Ga 3,16; Ga 11,25). Trong Thông Điệp Dives in Misericordia, thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II khẳng định rằng chương trình của Thiên Chúa về ‘dân được tuyển chọn’ không chỉ dành cho những ai thuộc dòng tộc Áp-ra-ham theo huyết thống, mà là tất cả mọi người trong gia đình nhân loại.[61] Chúng ta có thể khai triển ý tưởng này rằng Gia Đình Giáo Hội lớn hơn và siêu việt hơn gia đình của những người thuộc Ki-tô Giáo hay gia đình của những người thuộc các tôn giáo trên thế giới hay gia đình toàn thể nhân loại đang trên đường lữ hành, bởi vì, Gia Đình Giáo Hội tiếp tục thông ban ơn cứu độ mà Đức Giê-su thực hiện một lần cho tất cả ‘once and for all’ (Rm 6,10; Dt 7,27; Dt 10,10).

Như là Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian, Giáo Hội là thực tại sống động (a living reality) mở ra với tất cả mọi người và luôn quan tâm đến căn tính và phẩm giá cao trọng của họ. Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nói rằng “tất cả mọi người nam nữ đều mang hình ảnh Thiên Chúa và được mời gọi sum họp trong cùng gia đình được cứu độ nhờ Máu của Đức Ki-tô.”[62] Như là thực tại sống động, Giáo Hội có một trái tim, Giáo Hội được Thiên Chúa ủy thác đến với mọi người bằng cả trái tim mình để cảm thông, để chia sẻ, để hướng dẫn và đồng hành với tất cả mọi người. Sứ mệnh của Giáo Hội là kêu mời họ sống đúng với căn tính, phẩm giá, cũng như ơn gọi của mình qua sự hiệp nhất, liên đới, yêu thương và hòa hợp với nhau bất luận sự khác biệt về tôn giáo, văn hóa và nhiều hình thức xã hội khác.

Giữa thế giới đầy dẫy những bất công, lãnh đạm, Giáo Hội là khí cụ đem lại công lý và thông truyền lòng thương xót của Gia Đình Thiên Chúa. Theo Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, “chúng ta cần nhấn mạnh niềm xác tín rằng chúng ta là một gia đình nhân loại. Không có bất cứ biên giới hay rào cản nào, chính trị hay xã hội, mà chúng ta có thể ẩn mình, lại càng ít khoảng trống cho toàn cầu hóa sự lãnh đạm.”[63] Tại hội nghị đặc biệt năm 1994, các Giám Mục Châu Phi nói rằng “Giáo Hội như là Gia Đình được định hướng tới việc xây dựng xã hội mà Giáo Hội thổi vào đó luồng sinh khí của các Mối Phúc [Beatitudes].”[64] Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI thì khẳng định rằng lòng bác ái yêu thương của Gia Đình Thiên Chúa giữa lòng thế giới phải luôn vượt qua các biên giới của Giáo Hội và rằng dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành luôn là tiêu chuẩn diễn tả tình yêu hoàn vũ của Giáo Hội cho những người thiếu thốn, đau khổ, bất hạnh.[65]

Trong khi phục vụ gia đình nhân loại, Giáo Hội luôn khơi dậy ý thức cộng đoàn trong gia đình này, bởi vì, giữa lòng thế giới, không ai là một ốc đảo.[66] Theo thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, “con người không được tạo dựng để sống một mình. Họ được sinh ra trong một gia đình và từ gia đình này họ lớn lên, dần dần tham gia vào xã hội thông qua hoạt động của họ.”[67] Chúng ta cũng có thể nói như vậy về Giáo Hội rằng Giáo Hội không được thiết lập ‘để sống một mình’ với những người đã được xác định, mà cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại. Do đó, Giáo Hội có sứ mệnh kêu gọi mọi người hãy ra khỏi vỏ bọc của mình để đến với người khác trong gia đình nhân loại rộng lớn này. Descartes cho rằng ‘ego cognito, ego sum’ (tôi suy tư nên tôi hiện hữu).[68] Trong thực tế, chúng ta thấy đúng hơn là ‘tôi thuộc về gia đình, nên tôi hiện hữu’. Như đã được đề cập ở trên, mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng trước khi có cái ‘tôi’ của con người thì đã có ‘Chúng Ta Vĩnh Cửu’ là Thiên Chúa: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta” (St 1,26). ‘Tôi thuộc về gia đình, nên tôi hiện hữu’, điều này đúng, bởi vì, không ai có thể hiện hữu và tồn tại độc lập với gia đình. Chúng ta nhận thức rằng tất cả mọi người là ‘sản phẩm của gia đình’. Tất cả mọi người đều sinh ra từ gia đình, lớn lên từ gia đình và từ biệt cõi đời trong bối cảnh gia đình. Điều này có nghĩa rằng sống là ‘sống với’, sống là liên vị, sống là tương quan, sống luôn mang nghĩa cộng đoàn trước khi mang nghĩa cá nhân.

Giáo Hội luôn ý thức rằng mình không phải là một tổ chức, phe nhóm hay bất cứ hình thức tổ chức văn hóa xã hội đặc thù nào của nhân loại để cạnh tranh quyền lợi hay vị thế.[69] Trong khi thi hành tác vụ chính yếu của mình là đem lại ơn cứu độ muôn đời cho toàn thể gia đình nhân loại, Giáo Hội đặc biệt chú tâm đến những ai bị bỏ rơi bên lề xã hội, những nạn nhân của bất công và muôn hình thức bất hòa hợp khác trong gia đình nhân loại. Giáo Hội luôn ghi nhớ rằng trong khi rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su Ki-tô ưu tiên những người nghèo, những người cô thế cô thân, những người bị bách hại hay nạn nhân của các hình thức áp bức trong xã hội loài người. Do đó, dung mạo Giáo Hội là dung mạo của Đức Giê-su Ki-tô, ‘Người Tôi Tớ đau khổ’ của Thiên Chúa, giữa lòng nhân loại, để chia sẻ, cảm thông, đồng hành và an ủi họ.[70]

Trong bối cảnh hiện tại, gia đình nhân loại đang phải trải qua những khó khăn và lạm dụng nảy sinh do những nhận thức phiến diện về con người. Nhân phẩm, nhân quyền và tự do của con người đang bị tổn thương nghiêm trọng vì sự phân biệt đối xử bất công của những người nhân danh chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa thực dụng, lợi ích quốc gia, đảng phái hay thể chế chính trị. Nền văn hóa sự chết lan tỏa đến mọi ngõ ngách của cuộc sống con người. Phục vụ gia đình nhân loại, Giáo Hội cổ vũ nền văn hóa sự sống, khởi đi từ gia đình, trung tâm của nền văn hóa này.[71] Trong Tông Huấn Ecclesia in Asia, thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nói rằng “trong khi phục vụ gia đình nhân loại, Giáo Hội quan tâm đến tất cả mọi người nam nữ mà không phân biệt đối xử, cố gắng cùng họ xây dựng nền văn minh tình thương đặt nền tảng trên những giá trị hoàn vũ về hòa bình, công lý, liên đới và tự do tìm được sự sung mãn của chúng trong Đức Ki-tô.”[72] Trong Tông Huấn Ecclesia in Africa, thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nhấn mạnh rằng “mỗi cá nhân cần được bảo đảm tiếp cận các nguồn lực tài nguyên của thế giới mà Thiên Chúa tặng ban tất cả mọi người.”[73] Như là Gia Đình Thiên Chúa hiện diện ở trần gian, Giáo Hội mời gọi tất cả mọi người cùng chung tay góp sức nhằm làm cho thế giới ngày một tốt đẹp và nhân bản hơn để phẩm giá và ơn gọi của mỗi người được tôn trọng cách xứng hợp.

Giáo Hội nhận thức rằng nhờ vào truyền thông, phương tiện di chuyển và trao đổi thương mại trên thế giới, tần suất giao thoa văn hóa ngày càng tăng, các biểu tượng hay tính đặc sắc của mỗi nền văn hóa ngày càng được học hỏi, tích hợp và chia sẻ cách rộng rãi. Đó đây vẫn còn xung đột, phân cách, chia rẽ, nhưng nhân loại trở nên một gia đình ngày càng rõ nét hơn và không thể đảo ngược.[74] Chúng ta thấy rằng trong bối cảnh hiện nay, con người có thể thực hiện tình yêu thương bác ái mà không quá bị lệ thuộc nhiều vào không gian thời, gian như trước. Những người ở xa về mặt địa lý có thể là người thân cận của mình, trong khi những người ở gần, ngay sát vách tường nhà mình cũng có thể là người xa lạ.[75] Theo Công Đồng Vatican II, trong khi phục vụ gia đình nhân loại, “Giáo Hội khuyến cáo các con cái mình và hết mọi người: hãy vượt qua mọi tranh chấp giữa các quốc gia, chủng tộc trong tinh thần gia đình con cái Thiên Chúa và củng cố các hiệp hội nhân loại chính đáng.”[76] Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nói rằng “như là Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian, Giáo Hội phải là dấu chỉ sống động và công cụ hiệu quả của tình liên đới hoàn vũ trong việc xây dựng một cộng đồng thế giới yêu chuộng công lý và hòa bình. Một thế giới tốt đẹp hơn sẽ xuất hiện chỉ khi được đặt nền tảng vững chắc trên các nguyên lý đạo đức và tinh thần lành mạnh.”[77]

Trong khi phục vụ gia đình nhân loại, Giáo Hội ý thức rằng tương quan giữa Giáo Hội cũng như tất cả mọi người trong nhân loại không phải tương quan theo hình ảnh đường một chiều (one-way traffic), nghĩa là từ Giáo Hội tới mọi người mà là tương quan hai hay nhiều chiều (two-way traffic or multi-way traffic). Giáo Hội không chỉ sống và chuyển tải những giá trị thuộc nội dung đức tin của mình, mà còn học hỏi từ môi trường nhân loại những giá trị luân lý và tôn giáo cũng như những điều tốt đẹp, lành thánh mà Thiên Chúa đã gieo vãi trong môi trường nhân loại nhằm làm cho Giáo Hội ngày càng được ‘giàu có thêm’ trong hành trình dương thế của mình.[78] Do đó, sứ mệnh phục vụ gia đình nhân loại cũng là sứ mệnh hội nhập văn hóa của Giáo Hội theo nghĩa đầy đủ nhất.

Nhiều nguyên nhân dẫn tới sự xuống cấp của các gia đình trong thế giới hôm nay, tuy nhiên, chúng ta có thể nêu lên một số nguyên nhân chính sau đây: (1) chủ nghĩa cá nhân, (2) chủ nghĩa thế tục, (3) không nhận thức đủ về sự thánh thiêng và phẩm giá của gia đình, (4) những khó khăn xuất phát từ đời sống gia đình, chẳng hạn, điều kiện kinh tế, công ăn việc làm, trách nhiệm đối với con cái. Đây không nhất thiết là những rào cản sứ mệnh của Giáo Hội, mà là cơ hội cho phép Giáo Hội suy tư, lượng định, đánh giá tương quan giữa Giáo Hội và các gia đình trong thế giới, để Giáo Hội có thể phục vụ các gia đình cách tốt hơn. Tiếng nói ngôn sứ của Giáo Hội về gia đình không chỉ là tiếng nói sửa dạy, chỉ trích, phê bình mà còn là tiếng nói chia sẻ, cảm thông, khích lệ các gia đình giữa những khó khăn của họ, đồng thời, cung cấp cho các gia đình viễn cảnh phù hợp với nội dung đức tin mà Giáo Hội có sứ mệnh loan truyền giữa những biến chuyển của thời đại.

Trong bài giảng khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Ngoại Thường về Gia Đình tại Vatican (05-10-2014), Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô nói rằng Chúa kêu mời chúng ta chăm sóc gia đình, thực thể ngay từ ban đầu là phần thiết yếu trong chương trình tình yêu của Người cho toàn thể nhân loại.[79] Giáo Hội luôn ý thức rằng gia đình chính là địa chỉ phục vụ của Giáo Hội. Do đó, những gì liên quan đến gia đình đều liên quan đến Giáo Hội. Trong bối cảnh hiện tại, khi các gia đình phải đương đầu với muôn vàn thách đố, cũng là khi Giáo Hội và toàn thể nhân loại trên khắp hoàn cầu được mời gọi xem xét, lượng định, đánh giá tác vụ của mình. Tương lai nhân loại lệ thuộc vào sự nhận diện, đánh giá và đưa ra những giải pháp cụ thể để trả lời cho những thách đố nhằm duy trì sự thánh thiêng và phát triển ổn định của gia đình.

Như đã được đề cập ở trên, mầu nhiệm gia đình Na-da-rét tiếp tục hiện diện trong gia đình nhân loại. Điều này có nghĩa là không giây phút nào gia đình nhân loại miễn nhiễm những bấp bênh, thách đố trên đường dương thế. Giáo Hội thâm tín rằng gia đình Na-da-rét là khuôn mẫu cho gia đình nhân loại. Nghĩa là, những thay đổi, bấp bênh, đau khổ do hậu quả của tội lỗi mà tất cả mọi gia đình trong nhân loại gặp phải cũng là những thay đổi, bấp bênh, đau khổ mà gia đình Na-da-rét xưa kia phải hứng chịu cho dù gia đình Na-da-rét là ‘Thánh Gia’. Gia Đình Giáo Hội được mời gọi cộng tác với Thiên Chúa để khôi phục và đổi mới những gì biến dạng do Tội Nguyên Tổ và những hệ lụy của Tội Nguyên Tổ trong gia đình nhân loại. Hơn nữa, Gia Đình Giáo Hội được mời gọi trở thành kim chỉ nam cho toàn thể nhân loại trong việc nhận ra hướng đích phải tới của tất cả mọi người.

Gia Đình Giáo Hội không bao giờ vơi niềm hi vọng vào sự thành toàn chung cuộc của Giáo Hội nhờ vào ơn Chúa.[80] Trong khi phục vụ gia đình nhân loại, Giáo Hội diễn tả mình như là dấu chỉ của niềm hi vọng đích thực giữa những thất vọng, chán chường của nhiều người trong gia đình nhân loại. Những cơn khủng hoảng xảy ra trong môi trường gia đình, môi trường xã hội, môi trường văn hóa, môi trường thiên nhiên đã làm cho nhiều người mất niềm hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Giáo Hội ý thức về những khủng hoảng đó và hiểu được nguyên nhân sâu xa của những khủng hoảng đó trong nhãn quan của mặc khải Ki-tô Giáo, trong đó, nguyên nhân chính vẫn là ‘bóng đêm của tội lỗi và sự dữ’ trong thế giới thụ tạo cũng như những yếu đuối của con người. Đồng thời, Giáo Hội cũng ý thức và vững tin rằng mình được ủy thác để trao ban niềm hi vọng cho toàn thể nhân loại, niềm hi vọng rằng tương lai của nhân loại được định hướng và tiếp tục triển nở tốt đẹp nhờ ân sủng và sự quan phòng của Thiên Chúa.[81]

Trong khi phục vụ gia đình nhân loại, Giáo Hội luôn ý thức rằng Thiên Chúa là nguồn gốc từ đó muôn vật muôn loài được dựng nên, tồn tại, biến đổi và phát triển (1 Cr 8,6; Ep 4,6). Do đó, việc qui tụ ‘con cái’ của mình trong Biến Cố Đức Ki-tô bao gồm việc qui tụ và đổi mới toàn thể thế giới thụ tạo nữa. Thánh Phao-lô diễn tả rằng “muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,20-21). Tác giả sách Khải Huyền trình bày về sự biến đổi chung cuộc bao gồm sự biến đổi của toàn thể thế giới thụ tạo rằng “bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất và biển cũng không còn nữa… Đấng ngự trên ngai phán: "Này đây Ta đổi mới mọi sự" (Kh 21,1-5).[82] Giáo Hội luôn mời gọi tất cả mọi người chăm sóc và bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái, môi trường cho phép gia đình nhân loại hiện diện và hoạt động trong hành trình dương thế của mình.

Tiếp tục truyền thống các Giáo Phụ, Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo khẳng định rằng “vũ trụ được tạo dựng vì Giáo Hội. Thiên Chúa đã sáng tạo để vũ trụ được hiệp thông vào đời sống thần linh của Người.”[83] Thiên Chúa thiết lập gia đình của Người ở trần gian có tên là ‘Giáo Hội’, để qua Giáo Hội, nhân loại cũng như muôn loài muôn vật nhận biết và ngợi khen Thiên Chúa. Ý tưởng của Công Đồng Vatican II cách đây hơn 50 năm vẫn còn nguyên giá trị rằng “tình trạng thế giới hiện nay đặt nhân loại trong một hoàn cảnh mới, vì thế, Giáo Hội, là muối đất và ánh sáng trần gian, càng được kêu mời khẩn thiết hơn để cứu rỗi và canh tân mọi loài, hầu mọi sự được tái lập trong Chúa Ki-tô và nơi Ngài mọi người họp thành một gia đình và một Dân Chúa duy nhất.” Dù mang trong mình những phần tử tội lỗi, bất xứng, nhưng Gia Đình Giáo Hội được mời gọi không ngừng thanh luyện để trở nên gương phản chiếu tình yêu, sự trung tín và lòng bao dung của Thiên Chúa cũng như chương trình của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người cùng toàn thể thế giới thụ tạo.

6. Ưu điểm trong việc hiểu Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa

Những khai triển và trình bày trên đây cho phép chúng ta hiểu thêm rằng hình ảnh Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian vừa có nền tảng Kinh Thánh, Truyền Thống, Huấn Quyền vững chắc, vừa phù hợp với kinh nghiệm của tất cả mọi người trong nhân loại. Hình ảnh này được đề cập nhiều trong những thập kỷ gần đây được xem như là hiệu quả tất yếu của Công Đồng Vatican II và sự khai triển của Huấn Quyền Giáo Hội. Hình ảnh Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa cho phép chúng ta hiểu rõ hơn bản chất của Giáo Hội và quan tâm hơn tới các tương quan trong đời sống Giáo Hội trên bình diện thần học cũng như mục vụ. Đây cũng là hình ảnh giúp Giáo Hội ý thức hơn về vai trò của Giáo Hội giữa lòng thế giới là liên đới và đồng hành với tất cả mọi người trong gia đình nhân loại để xây dựng một thế giới nhân bản hơn.

Hình ảnh Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa không tương phản hay đối nghịch với bất cứ hình ảnh Giáo Hội nào từ nội dung đức tin của Giáo Hội cũng như sự đón nhận, sống và diễn tả nội dung đức tin đó theo dòng lịch sử Giáo Hội. Xem ra hình ảnh Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa tích hợp được nhiều yếu tố từ các hình ảnh Giáo Hội khác, chẳng hạn, đoàn chiên, những viên đá sống động, tòa nhà, hiền thê, người mẹ, thụ tạo mới, hiệp nhất giữa những người Do Thái và dân ngoại. Đặc biệt, hình ảnh này liên kết chặt chẽ với bốn hình ảnh được Công Đồng Vatican II nhấn mạnh: Vương Quốc Thiên Chúa ở trần gian, Dân Thiên Chúa, Thân Thể Đức Ki-tô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần.[84]

Trong Tông Huấn Ecclesia in Africa, thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nói rằng Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa được xem là việc diễn tả đúng đắn căn tính của Giáo Hội, đặc biệt trong bối cảnh Giáo Hội Châu Phi. Theo thánh Giáo Hoàng, việc loan báo Tin Mừng nhằm mục đích xây dựng Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa là cách tốt nhất để trả lời cho những chủ trương sai lạc về chủng tộc cũng như chủ nghĩa vị chủng ‘ethnocentrism’ khá thịnh hành ở đại lục này. Đồng thời, việc hiểu Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa sẽ là câu trả lời đúng đắn nhất cho những ai chủng trương chủ nghĩa đặc thù ‘particularism’ nhằm đề cao các đặc tính văn hóa địa phương trong việc diễn tả đức tin của Giáo Hội hơn là tính chất hoàn vũ của đức tin này. Chúng ta biết rằng niềm tin của Giáo Hội không lệ thuộc vào cách diễn tả đặc thù nào, trái lại, phù hợp với tất cả các nền văn hóa trên thế giới. Do đó, bổn phận của các tín hữu trong các nền văn hóa địa phương là cần đào sâu và diễn tả tính duy nhất và tính hoàn vũ của niềm tin Ki-tô Giáo cũng như thực thể Giáo Hội sao cho phù hợp với nền văn hóa mình.[85]

Khi Giáo Hội được hiểu là gia đình của Thiên Chúa ở trần gian thì không có sự ngăn cách nào giữa những người trong gia đình này. Tất cả mọi người đều đồng tâm nhất trí xây dựng Gia Đình Giáo Hội và ý thức rằng căn tính, đời sống và sứ mệnh của Gia Đình Giáo Hội cũng chính là căn tính, đời sống và sứ mệnh của con cái Giáo Hội. Biên giới tuổi tác, trình độ văn hóa hay những dị biệt khác không còn quan trọng nữa mà là sự hòa hợp của những con người cùng phẩm giá, nhưng khác biệt về chức năng trong Gia Đình Giáo Hội. Theo thánh Phao-lô, tương quan giữa những người lãnh đạo và các tín hữu cũng là tương quan trong gia đình. Ngài nói với tín hữu Cô-rin-tô rằng “tôi nói với anh em như nói với con cái: anh em cũng hãy mở rộng tấm lòng” (2 Cr 6,13).

Việc đào sâu, tìm hiểu căn tính, đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa cho phép Giáo Hội trả lời cho những thách đố nảy sinh trong thế giới hôm nay liên quan đến đời sống nội tại của Giáo Hội, chẳng hạn, (1) vai trò của cá nhân trong Giáo Hội, (2) vai trò của Gia Đình Giáo Hội, (3) vai trò của các hình thức gia đình khác trong Giáo Hội. Việc đào sâu, tìm hiểu này cũng giúp Gia Đình Giáo Hội trả lời cho những thách đố khác đối với các gia đình cơ bản nói chung, chẳng hạn, (1) thách đố về quan niệm gia đình, (2) thách đố về đời sống gia đình, (3) thách đố về thần học gia đình, (4) thách đố về mục vụ gia đình, (5) thách đố về định đường hướng gia đình, (6) thách đố về vai trò của gia đình trong xã hội. Hơn thế nữa, việc đào sâu, tìm hiểu căn tính, đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa còn cho phép Giáo Hội cung cấp hi vọng và viễn cảnh chính xác hơn cho toàn thể mọi người trong gia đình nhân loại. Đồng thời, cho phép Giáo Hội có được tiếng nói trong những vấn đề cụ thể như phân biệt đối xử bất công dựa trên văn hóa, sắc tộc, màu da, phái tính, đẳng cấp, tuổi tác hay hạn chế sinh sản bằng các phương thức trái tự nhiên, trái đạo lý hay nạn ly dị, tái hôn, lạm dụng tính dục và các hình thức ‘bần cùng hóa gia đình’ đang nảy sinh trong xã hội hôm nay.[86]

Kinh nghiệm cuộc sống cho chúng ta nhận thức rằng những người trong gia đình yêu thương và liên đới với nhau cách chân thành và đúng đắn hơn những người thuộc các tổ chức tập thể khác. Bởi vì, ngôn ngữ gia đình là ngôn ngữ both/and (cả hai/và), ngôn ngữ của tương quan, liên đới, phụ thuộc lẫn nhau, nói cách khác, ngôn ngữ gia đình là ngôn ngữ tình yêu. Khi các Ki-tô hữu ý thức rằng họ là anh chị em trong cùng một gia đình thì trách nhiệm của họ đối với nhau luôn cụ thể và thiết thực. ‘Máu loãng hơn nước lã’, các Ki-tô hữu là những người cùng chung ‘dòng máu’, cùng chung ‘dòng sự sống’ khởi từ Thiên Chúa. ‘Dòng máu’, ‘dòng sự sống’ này tích hợp và định hình ‘dòng máu sinh học’, ‘dòng máu chủng tộc’, ‘dòng máu quốc gia’ hay bất cứ dòng máu nào khác.

Khi các Ki-tô hữu hiểu Giáo Hội như là gia đình thì sự quan tâm của họ đối với Giáo Hội sẽ khác đi. Họ không đến với Giáo Hội như đến với một câu lạc bộ. Họ không đến với Giáo Hội như là khán giả của một buổi hòa nhạc hay thể thao. Họ không đến với Giáo Hội như là một nghĩa vụ. Họ không đến với Giáo Hội theo những thời điểm rời rạc, nhưng là toàn bộ sự hiện hữu và cuộc sống họ. Các Ki-tô hữu đến với Giáo Hội bằng con tim đầy nhiệt tâm, yêu mến của họ, đồng thời, họ vững tin rằng chính nhờ Giáo Hội và qua Giáo Hội họ tìm được nguồn hạnh phúc và bình an đúng nghĩa, bình an của Thiên Chúa, giữa những khó khăn, bất trắc của cuộc sống hằng ngày (Ga 14,27).

Khi các Ki-tô hữu nhận thức rằng nhờ Bí Tích Rửa Tội, họ trở thành con cái Thiên Chúa và anh chị em trong Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian, thì cũng là khi họ nhận ra sự cần thiết để thúc đẩy tiến trình hiệp nhất Ki-tô hữu trên toàn thế giới (ecumenism). Tiến trình hiệp nhất này sẽ được triển nở khi các Ki-tô hữu nhận thức rằng họ là anh chị em một nhà. Sự chia rẽ trong Giáo Hội bởi các giáo phái khác nhau không làm mất đi căn tính gia đình của thực tại được Đức Giê-su thiết lập ở trần gian là chính Giáo Hội. Như đã được đề cập ở trên, Gia đình Giáo Hội luôn lớn hơn bất cứ cộng đoàn Ki-tô hữu nào: Công Giáo, Tin Lành, Anh Giáo, Chính Thống cũng như những cộng đoàn khác nhau phát sinh từ bốn nhánh chính này. Lời cầu nguyện của Đức Giê-su trước khi bước vào cuộc khổ nạn cho sự hiệp nhất của những ai bước theo chân Người vẫn còn vang vọng trong đời sống của các cộng đoàn tin nhận Đức Giê-su vào thực thi giáo huấn của Người.[87]

Một trong những vấn nạn được nhiều người quan tâm hiện nay đó là chủ nghĩa khủng bố. Nhìn bên ngoài, chúng ta thấy rằng khủng bố như là một hiện tượng chính trị, xã hội, nhưng tận căn, chúng ta thấy rằng khủng bố đúng hơn là vấn nạn tôn giáo. Chính sự lạm dụng tôn giáo, tôn giáo quá khích dẫn tới khủng bố. Khi mà người ta cho rằng Thượng Đế đứng về phía họ, khi mà người ta cho rằng Thượng Đế của họ là vĩ đại nhất, khi mà người ta không công nhận sự tự do lương tâm, khi mà người ta cho rằng ai muốn an toàn thì phải suy nghĩ và hành động như họ, bởi vì, họ được Thượng Đế hướng dẫn,…, khi đó người ta sẽ tìm mọi cách để hủy diệt người khác. Trái lại, khi người ta nhìn nhận rằng tất cả mọi người trong gia đình nhân loại đều là con của cùng một Cha Trên Trời và tất cả mọi người là anh chị em của nhau, người ta sẽ có những suy nghĩ và hành động tích cực hơn. Lịch sử nhân loại minh chứng rằng tôn giáo cực đoan, tôn giáo quá khích không bao giờ là câu trả lời cho những đau khổ, bất an của gia đình nhân loại. Bao lâu con người chưa tìm được tiếng nói chung và không nhận nhau như anh chị em trong Gia Đình Thiên Chúa, bấy lâu con người còn phải chứng kiến những đau thương gây nên bởi anh em đồng loại.

Việc nhận thức Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian, đồng thời, nhận thức rằng ân sủng của Thiên Chúa hiện diện và hoạt động cách kỳ diệu nơi các tôn giáo khác cho phép Giáo Hội dấn thân trong việc đối thoại liên tôn cách hiệu quả hơn (interreligious dialogue). Khi đối thoại liên tôn được đặt nền tảng trên sự đối thoại giữa những người trong cùng gia đình nhân loại, cùng trăn trở về những chủ để như Thượng Đế, vũ trụ và con người thì hiệu quả của việc đối thoại sẽ phong phú hơn là việc đối thoại đặt nền tảng trên sự khác biệt về thần học hay thực hành tôn giáo với những khái niệm và ngôn ngữ trừu tượng. Khi mọi người thuộc các tôn giáo khác nhau đều nhìn nhận rằng chỉ có một Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo muôn vật muôn loài và rằng toàn thể mọi người trong gia đình nhân loại từ tạo thiên lập địa cho đến tận thế đều chung một khởi điểm, một lịch sử, một hướng đi và một đích đến thì tiến trình đối thoại liên tôn sẽ vượt qua mọi rào cản.

Như là Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian, Giáo Hội kêu mời tất cả mọi người trong gia đình nhân loại quan tâm, chăm sóc lẫn nhau trên bình diện cá nhân cũng như tập thể. Trong thế giới hôm nay, sự lãnh đạm của con người ngày càng phổ biến và lan rộng. ‘Toàn cầu hóa lãnh đạm’ (globalisation of indifference) được xem là hệ quả tất yếu của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa giải thiêng, chủ nghĩa thế tục và một số hình thức chủ nghĩa khác nảy sinh từ não trạng và lối sống thực dụng. Khi người ta khước từ Thiên Chúa, khước từ sự thánh thiêng, khước từ những giá trị trường cửu và không nhìn nhận nhau như anh chị em trong ngôi nhà chung của gia đình nhân loại, cũng là khi các hình thức chủ nghĩa như vậy nảy sinh và phát huy tác dụng. Lãnh đạm dẫn tới sự xuống cấp của đời sống gia đình trong xã hội loài người và làm cho con người ngày càng qui ngã trong khi thờ ơ với tha nhân cũng như không màng tới thế giới quanh mình.

Như là Gia Đình Thiên Chúa ở trần gian, Giáo Hội trở thành phương dược làm cho chủ nghĩa lãnh đạm và các hình thức chủ nghĩa khác ngày càng phai nhạt trong thế giới nhân sinh. Dõi theo Đức Giê-su và Tin Mừng của Người, Giáo Hội kêu mời tất cả mọi người trong gia đình nhân loại biết quan tâm phục vụ lẫn nhau trong hành trình tiến về Gia Đình Thiên Chúa sung mãn muôn đời.

Kết luận

Những xem xét, đánh giá và tổng hợp trên đây cho phép chúng ta nhận thức rằng bản chất của Giáo Hội là gia đình, đồng thời, cho phép chúng ta hiểu biết hơn về tương quan mật thiết giữa năm hình thức gia đình: Gia Đình Thiên Chúa, gia đình thế giới thụ tạo, gia đình nhân loại, Gia Đình Giáo Hội, gia đình cơ bản (cell of society/ecclesia domestica). Từ khởi thủy, gia đình nhân loại vừa là đỉnh cao vừa là trung tâm của chương trình Thiên Chúa sáng tạo. Người chúc phúc và thánh hóa gia đình nhân loại để gia đình nhân loại cùng cộng tác với Người trong việc sáng tạo và chăm sóc thế giới thụ tạo. Mặc dù gia đình khởi thủy của nhân loại bất xứng, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương nâng đỡ. Trải qua thăng trầm lịch sử, gia đình nhân loại được Thiên Chúa dẫn dắt và khi tới thời viên mãn, Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa đã trở nên Con của gia đình nhân loại trong gia đình Na-da-rét để thông phần đau khổ và cứu độ gia đình nhân loại.

Trong sứ mệnh của mình, Đức Giê-su Ki-tô mặc khải về Gia Đình Thiên Chúa. Người cho các môn đệ của mình biết rằng Thiên Chúa, Cha của Người, cũng là Cha của họ và của những ai đón nhận Người và Tin Mừng của Người qua muôn thế hệ. Với Đức Giê-su Ki-tô, Gia Đình Thiên Chúa hiện diện và hoạt động giữa lòng nhân thế. Người đã thiết lập Giáo Hội như là Thân Thể Người, để Gia Đình Thiên Chúa tiếp tục hiện diện và hoạt động nhờ Giáo Hội. Ngay từ buổi đầu, các môn đệ Đức Giê-su đã sống bầu khí gia đình này. Sau khi Đức Giê-su Phục Sinh và với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, họ đã ra đi loan báo Tin Mừng Gia Đình Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại. Việc nhận thức Giáo Hội như là Gia Đình Thiên Chúa giúp chúng ta hiểu căn tính, đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội ở trần gian là qui tụ tất cả mọi người về với Gia Đình Thiên Chúa.

Như là Gia Đình Thiên Chúa, Giáo Hội thông ban sự sống và nuôi dưỡng con cái mình bằng Lời Chúa, các bí tích và đời sống phụng tự, đồng thời, Giáo Hội phục vụ gia đình con cái mình giữa những khó khăn trong đời sống họ. Giáo Hội khuyến khích toàn thể con cái mình luôn hiệp thông với Giáo Hội và với nhau để loan báo Tin Mừng Gia Đình Thiên Chúa giữa môi trường sống của mình. Trong khi loan báo Tin Mừng Gia Đình Thiên Chúa, Giáo Hội phục vụ gia đình nhân loại bằng chính những giá trị của Gia Đình Thiên Chúa mà Giáo Hội lãnh nhận, sống và được ủy thác trao ban. Giáo Hội diễn tả Gia Đình Thiên Chúa cách trung thực nhất và luôn thâm tín rằng Gia Đình Thiên Chúa là khởi thủy, niềm hi vọng và cùng đích của gia đình nhân loại cùng toàn thể thế giới thụ tạo.

Pet. Nguyễn Văn Viên

____________

[1] Ở một số nước Hồi Giáo, đặc biệt ở Trung Đông, gia đình đa thê không chỉ thuộc văn hóa, truyền thống mà còn được pháp luật cho phép và bảo vệ.

[2] Xa hơn nữa, người ta cũng dùng từ ‘gia đình’ để chỉ thế giới động, thực vật (gia đình sư tử, gia đình gấu, gia đình khỉ, gia đình cây dương xỉ, gia đình cây tùng) hay gia đình thế giới thụ tạo.

[3] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Gaudium et Spes 52 (1965).

[4] Xêm thêm Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, Thông Điệp Laudato Si’ 213 (2015).

[5] Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo 1657.

[6] Trong Kinh Thánh Cựu Ước, thay vì dùng từ gia đình (family) theo nghĩa hiện đại, người ta thường dùng từ như nhà cha (father’s house) hay những người sống chung dưới mái nhà hay trong một nơi nào đó với người chủ là nam giới (household). Gia đình được hiểu theo nghĩa rộng nhiều hơn, chẳng hạn, những người cùng dân tộc, bộ tộc, thị tộc.

[7] Xem thêm Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo 372; 1642.

[8] Nô-ê được mô tả là “người công chính, hoàn hảo giữa những người đồng thời và ông đi với Thiên Chúa” (St 6,9).

[9] Xem thêm Rm 4,11-12.16-17.

[10] Xem thêm Cv 3,25; Rm 9,6; Gl 3,29.

[11] Xem thêm Ep 3,14-15.

[12] Karl Rahner, in God as Trinity, ed. by Ted Peters (Louisville: John Knox Press, 1973), 22 (the economic Trinity is the immanent Trinity, and vice-versa).

[13] Đức Giê-su hiện diện giữa nhân loại, tuy nhiên, Người vẫn luôn thuộc về Gia Đình Thiên Chúa. Với việc Nhập Thể, Đức Giê-su vừa thuộc về Gia Đình Thiên Chúa, vừa thuộc về gia đình nhân loại.

[14] Xem thêm thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Familiaris Consortio 86 (1981).

[15] Xem thêm Rm 8,14; 1 Ga 3,2; Gl 3,26 và St 1,26-27; St 9,6.

[16] Xem thêm Ga 6,47-51.

[17] Is 7,14: “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Em-ma-nu-en.” Như thế, Is 7,14 không có phần giải thích ‘Em-ma-nu-en nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta‘ như Mt 1,23.

[18] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Lumen Gentium 6 (1964).

[19] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Lumen Gentium 6.

[20] Xem thêm Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est 25 (2005).

[21] Xem thêm Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Lumen Gentium 8.

[22] Xem Hội Đồng Giám Mục Châu Phi: Message of the Synod 24 (1994).

[23] Xem thêm Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Gaudium et Spes 22.

[24] Xem Giáo Luật (1983) 204.

[25] Xem thêm Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, Evangelii Gaudium 47 (2013).

[26] Xem thêm Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Lumen Gentium 9.

[27] Xem thêm thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Familiaris Consortio 28.

[28] Xem thêm Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Lumen Gentium 11.

[29] Xem thêm Dt 13,7-16.

[30] Xem thêm Is 25,6-10; Mt 8,11; Mt 22,1-14; Lc 14,15-24.

[31] Xem thêm 1 Cr 12,12-30.

[32] Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est 25.

[33] Xem thêm Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI, Thông Điệp Ecclesiam Suam 1 (1964).

[34] Trong truyền thống và văn hóa Do Thái, khi người nữ lấy chồng thì về nhà chồng. Tuy nhiên, theo các học giả Kinh Thánh, từ xa xưa, khi người chồng lấy vợ thì về nhà vợ. Điều đó cho chúng ta thấy rằng về nhà chồng hay về nhà vợ sau khi trở thành vợ chồng không quan trọng bằng việc hai người trở thành gia đình mới.

[35] Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Familiaris Consortio 17; xem thêm Ep 5,21-33.

[36] Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est 2.

[37] Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est 11.

[38] Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Thông Điệp Redemptor Hominis 10 (1979).

[39] Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Ecclesia in Oceania 45 (2001).

[40] Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Thông Điệp Centesimus Annus 39 (1991); xem thêm Tông Huấn Ecclesia in America 46 (1999).

[41] Xem thêm Cv 12,12; Rm 16,5; Cl 4,15.

[42] Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh Apostolicam Actuositatem 11.

[43] Xem thêm thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Ecclesia in Asia 46 (1999).

[44] Xem thêm Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Lumen Gentium 35.

[45] Xem thêm Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Lumen Gentium 11.

[46] Xem thêm Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi 71 (1975).

[47] Xem thêm thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Familiaris Consortio 84

[48] Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Thông Điệp Redemptor Hominis 14.

[49] Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II Letter to Families 3 (1994).

[50] Xem thêm thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Familiaris Consortio 75 và Tông Huấn Ecclesia in Africa 50.

[51] Xem thêm Rm 14,17; Pl 3,20.

[52] Xem thêm Gl 4,4-7.

[53] Xem thêm Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi 20.

[54] Xem thêm Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI, Thông Điệp Caritas in Veritate 79 (2009).

[55] Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh Apostolicam Actuositatem 8.

[56] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Lumen Gentium 48.

[57] Xem thêm Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Gaudium et Spes 24.

[58] Hội Đồng Giám Mục Châu Phi: Message of the Synod 23 (1994).

[59] Xem thêm thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Ecclesia in Africa 66.

[60] Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est 19.

[61] Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Thông Điệp Dives in Misericordia 4 (1980).

[62] Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Ecclesia in Africa 114.

[63] Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, Thông Điệp Laudato Si’ 52.

[64] Hội Đồng Giám Mục Châu Phi: Message of the Synod 57.

[65] Đức Giáo Hoàng Bê-nê-đích-tô XVI, Thông Điệp Deus Caritas Est 25.

[66] Xem thêm Công Đồng Vatican II, Gaudium et Spes 24.

[67] Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Thông Điệp Fides et Ratio 31 (1998).

[68] Descartes (1596–1650) được xem là ‘cha đẻ’ của triết học hiện đại.

[69] Xem thêm Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Gaudium et Spes 3

[70] Xem thêm thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Familiaris Consortio 86 và Is 53,1-12.

[71] Xem thêm thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Thông Điệp Evangelium Vitae 92 (1995).

[72] Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Ecclesia in Asia 32.

[73] Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Ecclesia in Africa 114.

[74] Xem thêm Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh Apostolicam Actuositatem 8.

[75] Xem thêm Lc 10,29-37 (dụ ngôn người Sa-ma-ri tốt lành).

[76] Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Gaudium et Spes 42.

[77] Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Ecclesia in Africa 114.

[78] Xem thêm Công Đồng Vatican II, Tuyên Ngôn Nostra Aetate 2.

[79] Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, Holy Mass for the Opening of the Extraordinary Synod on the Family (Vatican Basilica, Sunday, 5 October 2014).

[80] Xem thêm Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo 1818.

[81] Xem thêm thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Ecclesia in Asia 46.

[82] Xem thêm Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô, Thông Điệp Laudato Si’ 100.

[83] Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo 760.

[84] Xem thêm Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Lumen Gentium 3, 7, 9, 17. Mỗi hình ảnh có những giới hạn nhất định. Tổng hợp các hình ảnh Giáo Hội cũng không thể diễn tả đầy đủ thực thể Giáo Hội. Nhiều hình ảnh diễn tả Giáo Hội thì tốt hơn là ít hình ảnh. Khi diễn tả Nước Thiên Chúa, Đức Giê-su không chỉ dùng một hình ảnh mà nhiều hình ảnh, chẳng hạn, hình ảnh hạt cải, men trong bột, ruộng lúa.

[85] Xem thêm thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn Ecclesia in Africa 63.

[86] Xem thêm Công Đồng Vatican II, Hiến Chế Gaudium et Spes 29.

[87] Xem thêm Ga 17,1-26.







  In bài này    Lưu dạng file    Gửi bài này qua Email


Những bài khác:



Gửi bài
Lên đầu trang
  Tin - bài mới nhất 
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Các bài suy niệm & chú giải Lời Chúa
Văn phòng TGM: Thông báo về Thánh lễ cao điểm Năm Thánh kỷ niệm 100 năm thành lập Tuần Chầu Lượt
Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp Giáo chủ Giáo hội Chính thống Czech và Slovak
Giáo xứ Yên Đại: Khai mạc Tuần Chầu lượt trong Năm Thánh Thể Giáo Phận
Vòng loại Cuộc thi Tri thức Tôn giáo Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội 2018: Cử hành và Sống Đức Tin
Chúa nhật Lễ Chúa Thăng Thiên, năm B: Các bài suy niệm & chú giải Lời Chúa
Hội Dòng Chị Em Bác Ái Gioanna Antida Thouret: Thông báo tuyển sinh năm 2018
Giáo xứ Hòa Ninh: Khánh thành nhà thờ giáo họ Minh Lệ
Tòa Giám mục Giáo phận Vinh: Thông báo Lễ Truyền chức Phó tế cho các Đại Chủng sinh khóa XII
Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh: Thông báo Khóa học âm nhạc hè 2018
Thiên chức làm Mẹ của Đức Maria
Di dân Giáo phận Vinh tại Miền Nam: Bế mạc Giải Bóng đá Truyền thống Cúp Phục Sinh lần thứ VII
Thư Rao về việc truyền chức Phó tế cho Thầy G.B. Đoàn Văn Huy
Tuần Chầu lượt tại các giáo xứ Nghi Lộc, Làng Anh và Vĩnh Phước (Hà Tĩnh)
Thánh lễ Cao điểm Tuần Chầu giáo xứ Kẻ Mui: 14 tân tòng lãnh nhận các Bí Tích Khai Tâm

  Hỗ trợ Web GPVinh 

  Nghe Lời Chúa 


  5 phút suy niệm 


  Các Giờ Kinh Phụng Vụ 


  Vị Thánh trong ngày 


  Web Lam Hồng 


  Đăng nhập/Đ. ký 
Bí danh
Mật khẩu
Mã kiểm traMã kiểm tra
Lặp lại mã kiểm tra
Ghi nhớ

  Giáo Lý - Đức Tin 


  Bác ái xã hội - Caritas 


  Tài liệu mới 
  Danh sách các thầy khóa XII được truyền chức Phó tế
  ThÆ° Rao Truyền chức Phó tế khóa XII
  ThÆ° Rao Truyền chức Phó tế khóa 12
  HÆ°á»›ng dẫn Mục vụ Thánh nhạc
  "Sống Và Yêu Thật Lòng" / Lm. Micae – Phaolô Trần Minh Huy, PSS
  Tông Huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu ThÆ°Æ¡ng) của Đức Phanxicô
  Yêu ThÆ°Æ¡ng là sứ mệnh của chúng ta - Để gia đình sống dồi dào
  Văn bản Đàng Thánh Giá do ĐTC chủ sá»± ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 03/04/2015
  Æ n Gọi Và Sứ Mạng Của Gia Đình Trong Giáo Há»™i Và Trong Thế Giá»›i Ngày Nay
  ÄÃ ng Thánh Giá thứ Sáu Tuần Thánh năm Tân Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ - 2015
Xem tiếp...

  Radio Công giáo 



Copyright © 2013 GIAOPHANVINH.NET :: All rights reserved.
Email biên tập: vinhconggiao@gmail.com || Ban quản trị: quantri@giaophanvinh.net