GPVMenu

 Phim Công giáo online 

 Lịch Phụng vụ GP Vinh 

 Giờ lễ tại các nhà thờ 

 Quỹ Học bổng NTT 

 Giấy tờ - Chứng chỉ 

 ĐCV Vinh Thanh 


_READMORE
 Gia đình Web Giáo phận 
Lam Hồng (Đức tin & VH)

Phim Công giáo

Thánh Ca Online

ĐCV Vinh Thanh

Hội dòng MTG Vinh

Quỹ Học Bổng NTT

GĐ Thánh Tâm GP Vinh

Doanh nhân GP Vinh

Giáo xứ Bảo Nham

Giáo xứ Hòa Ninh

Giáo xứ Làng Rào

Giáo xứ Nghi Lộc

Giáo xứ Tân Lộc

Giáo xứ Trung Nghĩa

Sinh viên CG Vinh

CĐ Vinh Hà Nội
 Tra cứu bài viết 
Tháng Năm 2024
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
 Thống kê truy cập 
 Khách: 20
 Thành viên: 000
 Tổng cộng 020
 Lượt tr.cập 055639945
 Từ điển online 
TỪ ĐIỂN ONLINE

 Bookmark & Share 

website security
 
Diễn đàn Giáo Phận Vinh 01.05.2024
DIỄN ĐÀN GIÁO PHẬN VINH :: Xem chủ đề - Gần Cha - Xa Chúa

 Chào mừng bạn đến với diễn đàn GIAOPHANVINH.NET


 Xem bài chưa có ai trả lời 
Đăng ký làm thành viênĐăng ký làm thành viên 

gửi bài mới Trả lời chủ đề này DIỄN ĐÀN GIÁO PHẬN VINH -> Chút ngẫm nghÄ©
 Bạn đang theo dõi chủ đề ở chuyên mục : Chút ngẫm nghÄ© 
Người đăng Thông điệp
Bienluu
Thành viên
Thành viên


 

Ngày tham gia: 30/04/2009
Bài gửi: 159
Số lần cám ơn: 0
Được cám ơn 82 lần trong 78 bài viết

Bài gửigửi: 31.08.2009    Tiêu đề: Gần Cha - Xa Chúa Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

Gần cha - Xa Chúa





Trần Mỹ Duyệt

Linh mục, một đề tài cấm kỵ và tế nhị. Ít ai dám đụng chạm đến vấn đề này. Và những ai dám đụng chạm đến nó thì rất dễ được đội cho cái mũ “chống cha, chống Chúa”. Nhưng gần đây qua những bài viết của một số linh mục đã tự kiểm thảo mình và thành phần linh mục bằng những cái nhìn cởi mở, thông cảm, cũng như một số những bài viết của phía giáo dân, đặc biệt bài “Phải chăng chống cha, chống Chúa đang trở thành cúu cha, cứu Chúa” của Hoàng Quý, đã đến lúc chúng ta cần phải đối thoại, và tìm hiểu một cách trưởng thành và khách quan mối liên hệ này để cùng nhau xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô là Giáo Hội trong đó gồm cả những thành phần tận hiến và ơn gọi sống đời hôn nhân gia đình.

Nhiều người nhịn ăn, nhịn tiêu dành dụm tiền để phát triển ơn thiên triệu, để nuôi các chủng sinh trong thời gian tu học. Nhưng khi được một linh mục, thì họ lại là những người làm hư những linh mục ấy do cách cư xử đầy cảm tính và thiếu hiểu biết. Do đó, người tín hữu Việt Nam đã đến lúc cần phải xét lại lòng đạo đức và lối nhìn của mình về thánh chức linh mục và con người linh mục.

“Gần cha xa Chúa”. Bạn đọc nghĩ gì về câu nói này? Nhưng có một bài thánh ca mà tôi vẫn thường được nghe trong các thánh lễ truyền chức hay tạ ơn của các tân linh mục. Bài ca này đã ghi vào tâm trí tôi một ấn tượng mạnh đến nỗi không bao giờ có thể quyên được mỗi khi nghĩ đến phẩm chức linh mục: “Linh mục cao sang hơn các thiên thần. Đấng tế lễ vua trời cầu cho thế trần... Truyền một lời thôi, bánh thành Chúa tôi”. Nhưng rồi, cũng vào những dịp truyền chức hay thánh lễ tạ ơn, tôi cũng vẫn thường được nghe nhắc lại lời của Thánh Tiến Sỹ Têrêsa D’avila nói về linh mục: “Nền hỏa ngục được lát bằng sọ các linh mục”. Nếu không phải là câu nói của một vị thánh và là Tiến Sỹ Giáo Hội, tôi tin chắc rằng những ai nói câu đó sẽ bị ghép cho ngay một bản án: “chống Chúa, chống cha” và có khi còn bị vạ “mất phép thông công” nữa là đàng khác. Chúng ta đã nghe rất nhiều những mẩu truyện liên quan đến linh mục, đại khái có những câu truyện kể lại có người kia chống cha, chửi cha rồi bị Chúa phạt cho cả đời con, đời cháu và dòng họ phải khốn đốn.

Nếu chức linh mục khiến nhiều người phải sa hỏa ngục, thì ai mà muốn làm linh mục? Nhưng nhân loại, Giáo Hội, và cả Chúa Giêsu cũng cần có các linh mục. Vì không có linh mục thì cũng không có bí tích, không có thánh lễ, và không có Thánh Thể.



LỖI TẠI TÔI MỌI ĐÀNG

Một mặt quí trọng các linh mục, một mặt giáo dân Việt Nam vẫn đã và đang làm hư nhiều linh mục. Không phải vì hành động chống đối, coi thường các linh mục, mà vì quan niệm và cách cư xử theo tình cảm và thiếu hiểu biết.

Khi một vị chủng sinh lĩnh chức linh mục, mà từ ngữ thông thường gọi là ngày cha được phong chức, thì cũng ngày hôm đó vị tân linh mục được “phong thánh”. Chúng ta vẫn thường được nghe nào là:

- Giêsu, Maria, Giuse. Cha mới đạo đức quá!

- Giêsu lạy Chúa tôi! Cha trẻ, đẹp, và trang nghiêm quá!

- Lạy Chúa tôi! Cha giảng hay quá!

Và trăm ngàn thứ “quá” nữa được đổ vào con người ấy dù có thật hay không thật. Thế là:

- Con không dám xin phép lạy cha.
Những lời nói ấy, và những cung cách ấy chẳng khác gì như một thứ khí nhẹ được bơm vào trái bóng linh mục, cho đến khi phình ra và nổ tung, hoặc may mắn vượt khỏi tầm tay của người bơm nó, thì lại vút bay vào không trung thăm thẳm để rồi cũng nổ tung và rơi xuống đất. Và đó là cách thức mà tín hữu Việt Nam vẫn làm đối với các linh mục.

1. Môi trường xã hội: Đi tìm những nguyên nhân gây ra thái độ và cung cách trên, ta thấy ngay điều này, đó là môi trường xã hội Việt Nam đã đóng góp vào quan niệm và lối sống ấy.

Thật vậy, ngay bây giờ tại Việt Nam phần lớn những giáo dân sống bằng nghề nông, chân lấm, tay bùn. Một số ít sống bằng nghề buôn bán trung bình. Tất cả tập trung quanh một giáo xứ mà linh mục chính xứ là người được coi là học rộng hiểu nhiều nhất. Nào là cha biết tiếng Latinh, tiếng Tây, và bây giờ biết cả tiếng Mỹ nữa. Nào là cha học philô (triết), học lý đoán (thần học). Cha được qua Tây, qua Toà Thánh, qua Mỹ du học. Những cái đó càng khiến cho các tín hữu không thể phủ nhận được sự hiểu biết cao siêu và thông thái của một linh mục.

Trong xứ mù thì kẻ chột làm vua. Và đó là tâm thức sống của phần đông tín hữu Việt Nam đối với các linh mục, cũng như phần đông các linh mục đối với giáo dân mình. Nói về ảnh hưởng của những lời xiểm nịnh và tính ưa thích được nghe những lời xiểm nịnh, tâng bốc, một vị linh mục cao niên đã tự diễu mình như sau: “Cụ biết nó rim rám cụ mà cụ vẫn thích”. Có nghĩa là “cha biết nó nịnh bợ cha nhưng cha vẫn thích”.

Thích được người đời ca tụng và khen thưởng, cái thích này là cái thích của mọi người, và thích như vậy tự nó không có lỗi gì. Nhưng nếu để những lời khen, tiếng chê ảnh hưởng đến tâm trí, lời nói, và hành động của mình là một điều không tốt. Nhất là đối với các linh mục là những người đã được đặt làm mẫu gương cho nhiều người khác.

2. Ảnh hưởng Nho Giáo: Xã hội Việt Nam vốn ảnh hưởng sâu rộng bởi Nho Học. Tất cả những người có chữ nghĩa, có học vấn đều được tôn trọng và kính phục. Từ ngữ “chữ thánh hiền” luôn làm cho những ai có chút trình độ học vấn được tăng lên hàng “thánh”. Học thức được quàng cho cái mác đạo đức, trang nghiêm, và mẫu mực. Và đó chỉ là những nhận xét thông thường vẫn được gán ghép cho Nho Học.

Nhưng Nho Học bắt nguồn từ thời cổ và trung đại bên Trung Hoa. Nó bao gồm cái học của thánh hiền trong đó đề cao sự hiểu biết của lý trí và đạo đức. Sở học này sau bị lợi dụng và biến thái thành cái học của từ chương, nhằm mục đích đỗ đạt khoa cử. Theo Phan Khôi (1887-1959), khi những người khác nhìn vào Nho Học với cái ý nghĩa thánh hiền, thì một số sỹ tử lại chỉ nhìn vào Nho Học như một cái thang để tiến trên họa lộ. Ông nhận định: “Người mình coi sự học cũng như cái cục gạch để gõ cửa, khi cửa mở ra rồi thì ném cục gạch đi. Cái học của ta là để gõ cửa giàu sang, khi giàu sang rồi thì thôi không nói đến học nữa.”

Nhận xét trên nếu đem áp dụng vào các linh mục sau khi đã đạt được đến đích không sai là bao. Trong khi giáo dân luôn mang trong mình tư tưởng kính phúc các linh mục vì nghĩ rằng các vị là biểu tượng của thánh hiền, của sự hiểu biết và đức cao danh trọng, thì chính các linh mục lại không cần để ý đến những điều đó nữa, bởi vì đã thành đạt.



3. Đạo đức tình cảm: Nhưng có lẽ vì không hiểu thấu đáo thánh chức linh mục và con người linh mục. Hoặc cũng vì sống theo tình cảm và cha truyền con nối, vừa sinh ra đã được rửa tội, và suốt đời chỉ luẩn quẩn trong làng, trong xã nên sự hiểu biết về đạo hạn hẹp, để rồi từ đó phát xuất một lối sống mang nhiều cảm tính đôi khi quá khích. Cho đến bây giờ vẫn còn có người tin là cha không bao nói gì sai. Rằng cha là đại diện Chúa, cha nói là Chúa nói. Vì thế mà mỗi khi cha mẹ muốn trấn át con cái bắt chúng phải vâng lời vẫn thường nói: “Cha giảng trên tòa giảng vậy”, hay “cha bảo vậy”. Và chỉ cần cha giảng vậy hay cha bảo vậy là mọi chuyện phải êm xuôi hoặc bắt buộc phải êm xuôi.



4. Quyền lợi cá nhân: Nhưng vẫn không thiếu kẻ lợi dụng chiếc áo thâm chùng, lợi dụng sự quen thân với linh mục, hoặc trong gia đình có người làm linh mục để trục lợi, để cầu danh. Thiếu gì bác sỹ, nha sỹ, luật sỹ, và những người trong giới thương trường và ngay cả trong chính giới đã lợi dụng cha để làm giầu, để đi lên. Và chức linh mục trong những trường hợp ấy đã biến thành một cái thế cho kẻ khác lợi dụng. Những nguời này vì quyền lợi cá nhân nên bề ngoài tỏ ra rất lễ độ, tôn trọng và cung kính đối với các linh mục. Nhưng bên trong thì sao? Hãy nhìn vào một số chính trị gia sau khi được bầu vào những chức vụ dân cử rồi họ nói năng và hành động ra sao thì biết rõ.



HAI CÂY NẾN



Mỗi lần nghĩ đến chức linh mục hay đọc về linh mục, tôi lại nghĩ đến hình ảnh hai cây nến. Một cây được làm phép trong dịp lễ Nến (Lễ Mẹ Dâng Chúa vào Đền Thánh), và một cây không làm phép.

Cả hai loại nến này, nến được làm phép và nến không làm phép nếu mang đốt thì đều cháy như nhau. Điều này có nghĩa là, chức linh mục không châm chước và loại bỏ khỏi con người linh mục những bản năng và đam mê tự nhiên của một người. Và điều này cũng có nghĩa là, nếu không cẩn thận, khi có cơ hội thì linh mục cũng sa ngã, yếu đuối và phạm tội như mọi người.

Hiện tượng linh mục xâm phạm tình dục trẻ em ở Hoa Kỳ và hiện tượng linh mục làm điệp viên cho Cộng Sản ở Ba Lan đang là những nan đề tranh cãi của xã hội và Giáo Hội hiện nay.

Ngoài ra, theo tâm lý học, những ai càng bị dồn nén, thôi thúc, và kìm hãm nhiều, thì khi có cơ hội càng bùng phát và trở thành đam mê cuồng nhiệt. Một tân linh mục khi được hỏi tại sao lại uống bia, đã thản nhiên trả lời: “Bây giờ uống bia thì không ai nói, mà có nói cũng không sao. Uống bù vì trước đây khi còn là thầy thèm bia rỏ rãi mà không dám uống vì sợ không được chịu chức”.



1. Tự ái cá nhân: Chúng ta nghĩ gì khi thấy một linh mục đứng trước hàng ngàn người đang cung kính nhìn lên mình, đang lắng nghe lời mình nói, và đang theo dõi từng cử chỉ của mình trên tòa giảng và trên bàn thờ. Trong những trường hợp như thế phải khiêm nhường lắm mới không bị cám dỗ để nghĩ rằng mình là người quan trọng.

Chúng ta nghĩ gì khi thấy một vị linh mục trẻ tuổi được những người đáng tuổi ông, tuổi bà, tuổi cha, tuổi chú cung kính gọi là “cha” và xưng “con”. Cũng phải khiêm nhường lắm mới không nghĩ rằng mình đáng được tôn kính như vậy.

Như đã trình bày ở trên, ngay ngày chịu chức, hằng trăm cái nhất đã đổ dồn vào đầu của vị tân linh mục, đến nay làm sao lại có thể chấp nhận được có ai đó trong giáo xứ hay trong hàng ngũ giáo dân lại dám không coi trọng mình. Và nếu có ai hành động như vậy, lập tức tự ái của một con người sẽ bùng nổ.

2. Tự tôn và tự ty: Khi đã sống và hành động trong cái hỏa mù của tự ái, lúc này vị linh mục sẽ rất dễ trở thành tự tôn hoặc tự ty. Vị linh mục sẽ bị xoay quanh cái trục cá nhân mình để bắn ra những hành động tự tôn hay tự ty tùy vào phản ứng chung quanh và của cá nhân vị linh mục. Hành động này được coi như một lối sống ảo tưởng và ảo giác về con người thật và thánh chức mà vị linh mục đang mang trong mình. Do đó, nếu không thấm nhuần ơn thánh và thiết tha với đời sống tu đức và cầu nguyện, vị linh mục rất dễ để mình bị cuốn hút vào một trong hai trạng thái này. Đây là điều mà tác giả Hồn Tông Đồ đã nhấn mạnh khi đề cập đến tình trạng tự tôn vì những chiến thắng và tự ty do những thất bại của cuộc đời linh mục. Hai lực sống này quay quất và làm cho vị linh mục thiếu hồn tông đồ suốt ngày phải đối phó và kết quả là làm cho vị linh mục trở thành cố chấp và chủ quan.



3. Cố chấp và chủ quan: Chúng ta có thể nhìn thấy tâm lý sống này nơi một số linh mục khi không muốn nghe bất cứ ai nhận xét và đóng góp ý kiến xây dựng nào của bất cứ ai. Đối với những linh mục này, tất cả những ai dù xây dựng mà góp ý đều thuộc thành phần chống Chúa, chống cha.

Một cách hiển nhiên, những lời nhận xét ấy, những đóng góp xây dựng ấy sẽ bị vất ngoài tai. Và người đóng góp những ý kiến ấy sẽ bị “cha” ghi vào sổ bìa đen, tức loại giáo dân khô khan, nguộn lạnh, và hết sức kiêu ngạo. Nếu những người này trước đây một thời tìm hiểu và sống trong ơn gọi dấn thân, thì được xếp vào loại “tu xuất”. Thành phần bị Chúa loại bỏ. Hành động này sẽ đem đến những phán quyết hết sức chủ quan đến nỗi ít ai có thể ảnh hưởng quyết định của những linh mục này được.

4. Dùng quyền và hống hách: Đây là một trong những hình thức mà tâm lý gọi là “tự vệ”. Thông thường những người thiếu tự tin và tự ty thường hay dùng hình thức tự bảo vệ qua việc sử dụng quyền bính hoặc luật pháp.

Những người thủ lãnh tốt, những người có đủ trình độ và khả năng ít dùng “quyền”, ngược lại, những người yếu kém, những người thiếu khả năng thường hay dùng quyền để áp đặt và trấn át. Đây là hình ảnh các linh mục ưa hống hách, ưa dùng quyền để trấn át tín hữu. Đặc biệt, hay dùng danh Chúa, danh Giáo Hội như một hình thức tự bảo vệ. Thí dụ, Chúa sẽ phạt. Đây là Giáo Huấn của Giáo Hội. Hoặc Phúc Âm nói như vậy.

Những Kitô hữu chân thành và đơn sơ thường rất dễ mẫn cảm và sợ hãi khi động đến Chúa, đến Giáo Hội, đến Thánh Kinh. Và những linh mục này thường đưa những hình thức ấy ra để bắt bí, hoặc để khủng bố các tín hữu.

Một linh mục kia rất yếu kém về xã giao và giảng thuyết, nhưng để khỏa lấp sự yếu kém ấy ông tỏ ra rất khó khăn và khắt khe. Tất cả đều là luật. Một cụ già nằm nhà thương mời đi giải tội mùa Chay ông không đi, vì hôm đó không phải là ngày giải tội. Luật là luật!



CON LÀ LINH MỤC ĐỜI ĐỜI



Nhưng cái lý do làm cho nhiều linh mục ra sa sút và chểnh mảng là vì “Con là linh mục đời đời theo dòng Menchisêđê”. Đây không phải là những nhận xét của hàng giáo dân, mà là những tiếng than thở của những vị có thẩm quyền, đó là các Giám Mục. Đã có giám mục ngao ngán nói rằng: “Lúc này bảo các ông ấy chẳng ông nào nghe cả”. Nói theo kiểu nói bình dân là Giáo Hội hay Chúa đã ký cho các linh mục một tấm chi phiếu để trống mà các vị ấy muốn ghi bao nhiêu tiền vào đó cũng được.

Không như những Kitô hữu hay những người khác nếu không thăng tiến trong nghề nghiệp có thể bị mất việc, bị sa thải, và bị mất nhà, mất vợ, mất con. Vị linh mục một khi đã là linh mục thì không sợ bị mất làm linh mục trừ khi phạm những lỗi lầm rất lớn lao. Nhưng trong đời làm gì có nhiều điều rất lớn lao, mà phần đông là chúng ta chỉ có những chuyện hết sức bé nhỏ. Chỉ có những chuyện lớn lao khi những chuyện bé nhỏ tích lũy lại, mà điều này thì các linh mục không sợ. Bởi vì hễ ai đụng chạm đến, hoặc đóng góp sửa sai thì đã có những người chờ sẵn đội cho một cái mũ “chống cha, chống Chúa”.

Cũng chính vì không cần phải thăng tiến nghề nghiệp, không cần phải cạnh tranh với nghề nghiệp nên nhiều linh mục có lối sống rất thụ động và lè phè. Giảng giải lôi thôi và dài dòng. Mọi chuyện giải quyết theo cảm tình và tùy hứng, ai chịu thì chịu ai không chịu thì cũng ráng mà chịu. Cùng lắm không chịu được thì bỏ đạo, mà bỏ đạo thì đã có một bản án treo sẵn: “Mất linh hồn sa địa ngục”. Hiện tượng bỏ đạo, tha hóa ngày nay lan tràn khắp Âu Châu, và tại Mỹ Châu rất nhiều người đã bỏ đạo theo Tin Lành và các giáo phái khác, đang là một thách thức lớn lao cho Giáo Hội và sự thăng tiến “nghề nghiệp” nơi các linh mục.

Chúng ta có thể vui mừng để nói rằng ơn gọi tại Việt Nam đầy dẫy, nhưng thử hỏi sống trong một thế giới mà chỉ cần chịu chức linh mục thì đời sống trở nên huy hoàng, không những đối với mình mà cả gia đình và dòng họ, thì hỏi rằng cái ý nghĩa thực của ơn gọi chúng ta có thể tìm được nơi mấy người. Nhiều phụ huynh đã chẳng từng khuyên con: “Thà làm con chó trong nhà Đức Chúa Trời con hơn làm người trần gian” đó sao?!



GẦN CHA XA CHÚA



Gần cha xa Chúa. Đây là nhận xét của một vị tương đối đạo đức, thận trọng và có học thức. Vị này đã trao đổi với tôi về nhận xét này trong một tâm tình hết sức cởi mở, nhưng cũng rất tế nhị. Theo ông, thì thân phụ ông trước cũng từng là người cộng tác đắc lực với các linh mục, và chính thân phụ ông đã nhặn nhò ông về thái độ phải có đối với các linh mục. Đừng thần thánh, vồ vập quá kẻo rồi khi khám phá ra sự thật sẽ mất đức tin và giảm sút lòng đạo. Nhưng không được vô lễ vì như vậy là phạm đến chức thánh.



1. Khả năng hiểu biết: Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu sự thông thái và hiểu biết của các linh mục có phải là động lực làm chúng ta phải suy phục một cách mù quáng không.

Khách quan mà nhận xét, và như tôi đã trình bày ở trên, các linh mục được huấn luyện và có kiến thức tương đối cao so với rất nhiều người trong số các tín hữu. Trước năm 1975, tại miền Nam Việt Nam ít nhất cũng phải qua Trung Học và 2 năm triết học. Tiếp đó là 4 năm thần học. Những linh mục ở Hoa Kỳ chẳng hạn, phải có 4 năm đại học trước khi được nhận vào thần học. Với thời gian huấn luyện như vậy, khả năng trung bình của một linh mục có thể tương đương với lực học cao học. Và sau khi lãnh chức linh mục, nhiều vị còn được tu học để có những bằng cấp tương đương hoặc bằng tiến sỹ.

Tuy nhiên cũng phải nhận một điều là không phải hễ là linh mục là có khả năng tương đương cao học hay tiến sỹ. Các linh mục tại miền Bắc Việt Nam ngay bây giờ là một thí dụ. Nhiều linh mục học cho xong chương trình để chịu chức. Tính chất “hồng hơn chuyên” của Cộng Sản cũng được áp dụng với nhiều linh mục học chui và chịu chức chui. Đó là “lòng đạo đức bù lại”.

Ngoài ra, phần lớn các môn học của linh mục chỉ chú trọng vào luật lệ Giáo Hội gọi là Giáo Luật, hoặc những đề tài về luân lý và tôn giáo như các bằng cao học hay tiến sỹ về thần học, về luân lý, về giáo hội. Những chuyên môn khác như khoa học, chính trị, kinh tế, giáo dục, xã hội... phần lớn các linh mục không chuyên môn như những người khác.

Vậy nếu linh mục không tự nhận ra giới hạn của mình, tự cho mình là hiểu biết tất cả mà giải quyết mọi chuyện thì thật là sai lầm và hết sức thiển cận.

Một linh mục kia hay giảng và nói rất say sưa về tình dục, về đời sống vợ chồng. Một vài giáo dân có khả năng và hiểu biết thấy vậy đã âm thầm khuyên can. Kết quả những người này không được một lời cám ơn mà còn bị “chửi” cho là những con người có con mắt dục vọng và trần tục. Riêng vị linh mục này đã tỉnh bơ cho biết rằng ông không có con mắt dục vọng và trần tục nên nhìn tình dục và chuyện vợ chồng rất trong sáng và tốt đẹp.

Một vị khác đã dậy một phụ nữ cách thức làm tình với chồng trong toà giải tội. Theo linh mục này, thì người ấy cần phải biết cách làm tình sao để làm say mê chồng hầu duy trì hạnh phúc gia đình.

Không ai phủ nhận kiến thức chung của mọi người trong đó có cả các vị linh mục về đời sống tình dục và tình ái. Nhưng các linh mục này quên mất một điểm tâm lý thực dụng rất thực tế đối với chính mình, đó là tâm lý dồn nén. Chính Chúa Giêsu cũng đã nói: “Đầy trong lòng mới tràn ra bề ngoài” (Lc 6:45). Dùng toà giải tội, dùng tòa giảng mà giảng giải và nói năng như vậy thì còn chỗ nào cho Chúa, cho thánh thiện!!!



2. Đời sống tu đức: Đời sống linh mục được tôn trọng và đánh giá cao không bằng học thức, cũng không bằng những thành quả của cầu nguyện, hãm dẹp và tu đức. Phải làm sao để cho những người ngoài : “Nhìn thấy những việc các con làm mà ngợi khen Cha ở trên trời”. Và đó là đời sống và ý nghĩa của thánh chức linh mục.

Khi một người tìm đến với vị linh mục, cái lôi cuốn đầu tiên là sự thánh thiện và sức hấp hẫn tâm linh. Ngày nay ít người tìm đến một vị linh mục để hỏi về khoa học, về computer, hoặc về chính trị, kinh doanh. Họ muốn nhìn thấy Chúa Giêsu và tìm đường gặp ngài, nên họ đã đến với linh mục. Nhưng linh mục không có Chúa Giêsu trong lòng thì làm sao nói về Chúa Giêsu và chỉ cho người khác tìm gặp ngài.

Một linh mục khác đã tâm sự: “Chán lắm rồi. Làm linh mục chán lắm!”. Tôi không hỏi tiếp và cũng không muốn nghe tiếp lý do tại sao vị này chán. Nhưng dù không hỏi, tôi cũng biết chắc một điều, đó là linh mục này không có Chúa Giêsu. Đời sống linh mục mà không có Chúa Giêsu là một hỏa ngục, và một cực hình. Nói một cách đơn giản là vị linh mục ấy đã chọn nhầm nghề và không hạnh phúc.



3. Nhiệt tình với sứ vu: Giảng giải lôi thôi, chiếu lệ và ban các bí tích cũng chiếu lệ, đó là hệ quả của một cuộc đời linh mục không có Chúa Giêsu, và thiếu cầu nguyện. Nhiều vị linh mục có nhiều giờ để soạn nhạc, để thâu âm, để lo tổ chức và sinh hoạt. Nhưng khi cần đến những việc đi liền với công việc mục vụ thì rất chậm chạp, và biếng nhác. Cái biếng nhác nhất là không chuẩn bị và lo dọn bài giảng.

Nhiều linh mục dâng lễ hết sức chiếu lệ. Sau khi lang thang, rông rài trong bài giảng đến phần lễ qui thì đọc như chạy giặc. Nếu các thiên thần cần phải ghi chép cũng đôi khi thiếu sót ghi không kịp. Đọc hấp tấp, vấp váp, và vô hồn như vậy thì các tín hữu quỳ dưới kia hiểu gì và được gì? Bảo sao giáo dân ngại đi lễ, ngại đọc kinh cầu nguyện.

Sứ vụ ơn gọi lúc này đã trở thành nặng nề và hầu như phải kéo lê một cách nặng nhọc. Đây là những linh mục rất đáng thương và rất đau khổ.



CHƯƠNG TRÌNH HUẤN LUYỆN



Trong tâm tình xây dựng, chúng ta có cần nêu lên một vài đề nghị cho đề tài này không? Thiết tưởng các bề trên đã nghe và đã biết về những việc này. Và thiết tưởng chương trình giáo dục chủng sinh đã được soạn thảo theo chỉ thị cũng như hướng dẫn của Giáo Hội. Nhưng cũng xin được đề nghị một vài môn cần được thêm vào chương trình huấn luyện cho phù hợp với sự tiến bộ của nếp sống con người thời đại:



1. Tâm lý: Trong chương trình huấn luyện linh mục, ngoài chương trình tu đức, Thánh Kinh và Phụng Vụ, xin đề nghị một số khóa về tâm lý, ít nhất là tâm lý căn bản, tâm lý giáo dục, và tâm lý hôn nhân gia đình. Những môn học này sẽ giúp cho những linh mục tương lai biết cách để giao thiệp, biết cách để hiểu biết hướng dẫn và cộng tác với các gia đình trong việc duy trì ơn gọi và đời sống đạo một cách cụ thể và thiết thực hơn.

Nhiều linh mục đã không nắm được những kiến thức này nên đã có những hướng dẫn sai lạc, và kết quả là đặt thêm những gánh nặng cồng kềnh cho giáo dân mà vẫn không hay biết. Hoặc ngược lại đã làm một việc hết sức nguy hiểm đến ơn gọi của mình.

Tin về một linh mục vùng Hố Nai, Việt Nam đã tát vào mặt một nữ tu trước sự chứng kiến của nhiều giáo dân. Và tin về vị linh mục này đã một lần cở áo lễ ra về không dâng lễ cho một đám tang khi gia đình đã làm phật lòng ông, làm nhiều người Công Giáo trưởng thành cảm thấy rất xấu hổ.

Hành động như thế không chỉ chứng tỏ sự kiêu căng, tự phụ, mà còn nói lên sự thiếu trưởng thành và ấu trĩ về mặt tâm lý của vị linh mục này. Những người trưởng thành và tự chủ không bao giờ hành động lỗ mãng như vậy.



2. Xã hội: Song song với kiến thức về tâm lý, là kiến thức về xã hội. Trong những giao tiếp hằng ngày, hầu hết các linh mục ưa lẫn lộn và gò gượng giữa cái gọi là thánh chức linh mục và con người linh mục. Chính vì thế những câu chào hỏi, cách nói năng mang một hình thức và phong thái xa lạ, không hấp dẫn và chinh phục.

Các chủng sinh trước khi chịu chức cần phải qua những khóa về xã hội, để hiểu thế nào là đạo đức xã hội, là trật tự xã hội, và giao tế xã hội. Nếu không, khi ra làm linh mục sẽ bị coi như vụng về và gò bó.

Một số linh mục trẻ khi giao tiếp với những người chung quanh luống cuống, thiếu tự tin và tự chủ nên nói năng rất thiếu bình tĩnh, hoặc có những câu trò đùa hết sức vô duyên.



3. Tâm lý mục vụ: Các chủng sinh không chỉ học hỏi cách thức dâng lễ, ban các bí tích, mà cần phải đào sâu cách thức ứng dụng mục vụ trong sinh hoạt thường ngày cho phù hợp với ý nghĩa của thiên chức linh mục, và phải học biết về cách thức phục vụ hơn là được phục vụ: “Non ministrari sed ministrare”. Chúa Giêsu linh mục tối cao đã đến trần gian không để người ta phục vụ, những là phục vụ. Đây là cốt lõi của giá trị đời sống linh mục.

Người ngoài Công Giáo sẽ nghĩ gì khi một vị linh mục lấy 50$, hay 100$ đô la hoặc 100 hay 200 ngàn tiền Việt Nam khi dâng lễ cầu hồn cho một tín hữu thuộc cộng đoàn hay giáo xứ mình mới qua đời. Đối với các thân nhân và họ hàng của người quá cố kể cả bạn hữu trong trường hợp này khi đi phúng điếu, đọc kinh cầu nguyện, tham dự thánh lễ không những không nhận tiền mà còn góp nhặt để giúp nhà hiếu chi trả những phí khoản ma chay, chỉ có linh mục, người được gọi là “cha” khi dâng thánh lễ an táng cho “con” lại nhận thù lao.

Người ngoài Công Giáo cũng không thể hiểu tại sao trong những dịp vui mừng của “con chiên” như dịp tân hôn, rửa tội cho con mà linh mục người vẫn được gọi là “cha” lại lấy tiền khi dâng lễ cưới hoặc rửa tội cho các “con” của mình.

Cha mẹ phần xác không bao giờ lấy tiền con mình trong những trường hợp như vậy, tại sao cha phần hồn lại có thể làm khác đi được.Và đây là một hình thức mục vụ mang ý nghĩa tiêu cực và thấp nhất mà thiết tưởng các linh mục, Hội Đồng Giám Mục nên có một nhất thống về việc nhận bổng lễ trong ba trường hợp như vừa kể trên: cưới xin, ma chay, và rửa tội.

Các linh mục là cha linh hồn thì cũng phải vui mừng, hoặc chia sẻ sự mất mát với con thiêng liêng của mình như các cha mẹ phần xác đã chia sẻ và vui mừng trong những trường hợp như vậy. Thánh Tông Đồ Dân Ngoại đã làm gương trong trường hợp này, ngài nói: “Vui với người vui và khóc với người khóc” (Rom 12:15). Đó là một hình thức mục vụ đi vào lòng người, giúp người và thực sự chia sẻ với người.



4. Giảng thuyết: Trong thời gian còn ở Đại chủng viện, ít nhiều các đại chủng sinh cũng đã được học về khoa giảng thuyết, và về nghệ thuật chinh phục người nghe. Thực tế, chúng ta ít thấy có những nhà thuyết giảng lừng lẫy và thu hút. Vì để trở thành những nhà giảng thuyết lừng danh ngoài sự hiểu biết cao thâm, còn phải có tài hùng biện, khả năng hấp dẫn người nghe, và dáng điệu bề ngoài nữa.

Nhưng điều mà giáo dân mong đợi nơi các linh mục không phải là tài hùng biện, khả năng thu hút, và sự hiểu biết uyên thâm. Điều mà tín hữu mong mỏi nơi các vị linh mục qua các bài giảng là làm sao họ có thể hiểu được Chúa Giêsu, biết được ngài, thấy được ngài và yêu mến ngài. Mà những thứ này chỉ có thể tìm thấy nơi chính đời sống chứng nhân của một linh mục. Trong ngày chịu chức, khi lãnh nhận cuốn Thánh Kinh từ tay giám mục, vị tân chức được nhắc nhở rằng: “Tin những gì mình đọc. Giảng những gì mình tin. Và sống những gì mình giảng”. Đây là một lối hùng biện và hấp dẫn bằng chứng từ của cuộc sống. Linh mục sống những gì mình giảng. Giảng những gì mình tin. Và tin những gì Thánh Kinh đã mặc khải.

Vì không có Chúa Giêsu trong người. Vì Chúa Giêsu không phải là trung tâm của cuộc đời linh mục, nên nhiều linh mục giảng giải một cách khô khan và chiếu lệ. Và điều này làm cho các tín hữu khao khát lời chân lý cảm thấy rất khó chịu, thiếu hấp dẫn.

Ngoài ra, một điểm tâm lý khác nữa là, các linh mục không nhìn ra được dấu hiệu của những bài giảng của mình hay hay dở. Muốn thế, cứ nhìn thấy giáo dân duỗi chân, vươn vai, thở dài, giơ tay che miệng ngáp, lâu lâu nhìn đồng hồ, hoặc lơ đãng nhìn lên trần nhà thờ hay ra ngoài thì biết rằng đã đến lúc mình phải kết thúc bài giảng. Một là bài giảng đã quá dài, hai là bài giảng quá dở. Và cả hai đều có lý do để kết thúc sớm.



KẾT LUẬN



Gần cha xa Chúa. Thực ra đó chỉ là một cách nói để diễn tả lòng khao khát và mong mỏi tìm thấy sự thánh thiện của thánh chức linh mục được tỏ hiện nơi những người mang thánh chức này. Dĩ nhiên, khi nói đến điều này, trước tiên người Kitô hữu cũng phải tự xét mình để đừng làm hại các linh mục bằng lòng sốt sắng cảm tình và sự thiếu hiểu biết. Cần phải phân biệt thánh chức linh mục và con người linh mục. Thánh chức linh mục rất cao cả trọng vọng. Con người linh mục cũng như chúng ta cần được kính trọng, hiểu biết, nâng đỡ, và hợp tác chân thành bằng những trao đổi, góp ý và thái độ trưởng thành. Xin đừng phong thánh cho các linh mục ngay sau ngày các vị vừa được phong chức. Làm như vậy chỉ là làm hại các linh mục và làm hại Giáo Hội.



Trích Sứ Mệnh Giáo Dân số 41




"..Go into whole world and proclaim the gospel to every creature(MK 16:15)"
For question or comments please write to Dan Than magazine

"copyright @ 2006"

Dan Than Magazine, P.O Box 5474 Katy, Texas 77491-5474
For questions about this site contact our Webmaster
Xem thông tin cá nhân của thành viên gửi tin nhắn
Trình bày bài viết theo thời gian:   
« Xem chủ đề trước | Xem chủ đề kế »
gửi bài mới Trả lời chủ đề này DIỄN ĐÀN GIÁO PHẬN VINH -> Chút ngẫm nghÄ©


 
Chuyển đến
 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn
Bạn không được phép gởi kèm file trong diễn đàn
Bạn có thể download files trong diễn đàn


Copyright © 2013 GIAOPHANVINH.NET :: All rights reserved.
Email biên tập: vinhconggiao@gmail.com || Ban quản trị: quantri@giaophanvinh.net