GPVMenu

 Phim Công giáo online 

 Lịch Phụng vụ GP Vinh 

 Giờ lễ tại các nhà thờ 

 Quỹ Học bổng NTT 

 Giấy tờ - Chứng chỉ 

 ĐCV Vinh Thanh 


Xem tiếp...
 Gia đình Web Giáo phận 
Lam Hồng (Đức tin & VH)

Phim Công giáo

Thánh Ca Online

ĐCV Vinh Thanh

Hội dòng MTG Vinh

Quỹ Học Bổng NTT

GĐ Thánh Tâm GP Vinh

Doanh nhân GP Vinh

Giáo xứ Bảo Nham

Giáo xứ Hòa Ninh

Giáo xứ Làng Rào

Giáo xứ Nghi Lộc

Giáo xứ Tân Lộc

Giáo xứ Trung Nghĩa

Sinh viên CG Vinh

CĐ Vinh Hà Nội
 Tra cứu bài viết 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
 <  > 
 Thống kê truy cập 
 Khách: 25
 Thành viên: 000
 Tổng cộng 025
 Lượt tr.cập 055544709
 Từ điển online 
TỪ ĐIỂN ONLINE

 Bookmark & Share 

website security
 
Chuyên mục » Chuyện đạo, chuyện đời 27.04.2024
Xã hội tiêu thụ
13.07.2007

Xem hình
“Hãy nói theo cách của bạn” là khẩu hiệu đi kèm với nhãn hiệu Viettel mà ta vẫn thấy trên trang quảng cáo của công ty này. Đó chỉ là một trong những ví dụ về cách thức khuyến khích sử dụng và sử dụng “vô tư” đối với một loại sản phẩm hay dịch vụ nào đó. Tuy nhiên điều này chỉ đúng với những ai có tiền, còn đối với nhiều người, nhất là người nghèo, thì điều đó vẫn còn là một giấc mơ. Chỉ một số người giàu có sinh sống tại các thành thị hoặc những khu vực phát triển mới thực sự là đối tượng cho mẫu quảng cáo vừa nêu, còn đa phần dân chúng vẫn là những người nghèo, thậm chí họ còn không đủ tiền chi tiêu cho những nhu cầu căn bản như cơm ăn, áo mặc và học hành thì khó mà nói tới chuyện có khả năng liên lạc bằng điện thoại di động, ngay cả điện thoại cố định vẫn còn vượt quá tầm tay họ. Những loại quảng cáo như vừa nói, là một biểu hiện của xu hướng xã hội tiêu thụ.

Bối cảnh Việt Nam hiện nay

Năm 2007, Việt Nam đã chính thức là thành viên của tổ chức thương mại thế giới. Nền kinh tế Việt Nam đang thực sự chuyển theo hướng kinh tế thị trường, tức để cho những qui luật kinh tế vận hành và điều tiết, với hy vọng đạt được mức độ phát triển ngày một cao và thực sự hòa nhập được vào nền kinh tế thế giới và khu vực. Thực ra, kể từ thập niên 90 của thế kỷ trước, đường hướng quản trị kinh tế theo kiểu thị trường đã được nhìn nhận và triển khai thực hiện. Nền kinh tế mở như thấy hiện nay có thể được coi là kết quả bước đầu của sự chuyển biến. Để cho nền kinh tế tự vận hành theo các qui luật thị trường - dĩ nhiên, sự kiểm soát của chính phủ trong các lĩnh vực trọng yếu là điều hoàn toàn hợp lý và cần thiết - có nghĩa là chấp nhận tổ chức điều hành nền kinh tế dựa trên qui luật cung cầu và những qui luật khác của thị trường. Về phần “cung”, người ta có thể thấy rõ rằng với việc mở cửa nền kinh tế thì khoa học kỹ thuật và các ứng dụng của nó sẽ đáp ứng nhanh và mạnh cho sản xuất và dịch vụ, nhằm đáp ứng tốt nhất cho mọi nhu cầu của con người. Không có vấn đề về “cung”. Còn về phần “cầu”, với một thị trường 80 triệu dân, tuy không quá lớn nhưng cũng đủ để thu hút rất nhiều chú ý của giới làm ăn, thì sức mua thật đáng kể. Vấn đề đặt ra là làm sao để khai thác hết tiềm năng sức mua của xã hội, làm sao cho toàn bộ khả năng mua sắm đó trở thành thực lực cho nền kinh tế phát triển. Để tạo điều kiện cho mỗi người dân trở thành một khách hàng thực sự, ngoài việc đảm bảo cho họ có được một mức thu nhập hợp lý và, nếu có thể, càng cao càng tốt, thì việc tìm cách đáp ứng nhu cầu của họ và khuyến khích họ mua sắm, tiêu dùng là điều thực sự phải được xã hội quan tâm.

Trong một bối cảnh như vậy, với ý muốn vươn lên cho bằng người khác, khi điều kiện cho phép, mỗi người đều sẽ cố gắng tìm cách làm tăng thu nhập cho mình đồng thời cũng tìm cách cho mình hưởng thụ được những tiện nghi tốt nhất có thể. Nói cách khác, người ta sẽ cố vươn lên cả về mặt thu nhập lẫn mặt thỏa mãn đời sống vật chất đến mức tối đa. Điều đó, một cách nào đó, đã hình thành nên nếp suy nghĩ hướng tới tìm kiếm sự hưởng thụ, có thể gọi đó là xu hướng hưởng thụ hay xu hướng tiêu thụ.

Xu hướng xã hội tiêu thụ hay chủ nghĩa tiêu thụ vốn là một loại quan niệm sống được chủ trương bởi một số người theo thuyết duy thực dụng, họ mong muốn có một cuộc sống thoải mái và thích hưởng thụ. Tuy nhiên, xét về mặt kinh tế học, nó cũng góp phần đáng kể trong việc làm cho nền kinh tế phát triển (sẽ giải thích sau).

Lối suy nghĩ theo xu hướng tiêu thụ, tuy ít được nói đến một cách chính thức và rõ ràng, nhưng đã dần dần lan rộng và ăn sâu vào trong tâm trí của nhiều người để rồi, ngày nay, nó đã trở thành một yếu tố tham gia điều khiển lối cư xử, hành vi và cách sống của nhiều người, thuộc nhiều thành phần xã hội và nhiều vùng địa lý khác nhau - không phải chỉ có ở các quốc gia tư bản chủ nghĩa và phát triển vốn đề cao sở hữu và chiếm hữu, mà ngay cả, tại những quốc gia chưa phát triển và thậm chí tự khẳng định đi theo hướng xã hội chủ nghĩa, cụ thể như Việt Nam chúng ta. Thực vậy, có vẻ, ngày nay, lối suy nghĩ kiểu đề cao tiêu thụ này đã thành “thời thượng” và định hướng cách sống của nhiều người trong xã hội, thậm chí giới nhà tu, hình như, cũng không thoát được ra khỏi não trạng này, cho dù đã có tiếng nói cảnh tỉnh từ phía huấn quyền Giáo Hội.

Trong thực tế cuộc sống, hằng ngày, người ta vẫn thường nghe thấy những cụm từ “ngày hội mua sắm”, “cuộc sống chất lượng”, “khách hàng là thượng đế”, “mua ngay trúng vàng” v.v., đó chính là những cách thức biểu hiện của xu hướng xã hội tiêu thụ.

Chúng ta đang sống trong tầm ảnh hưởng của kiểu suy nghĩ nói trên nhưng, có lẽ, không có nhiều người hiểu rõ nó thực sự là gì và có tác dụng ra sao trong đời sống xã hội, nói chung, và trên từng con người, nói riêng. Vì vậy, thiết tưởng, cũng nên dành chút ít thời giờ suy nghĩ và tìm hiểu đôi chút, ngõ hầu giúp chúng ta có thể chủ động hơn trong việc điều chỉnh lối suy nghĩ và cách hành xử của mình sao cho quân bình hơn và phù hợp hơn với tinh thần đạo đức xã hội và với hướng dẫn của huấn quyền, đối với người Công giáo Việt Nam, đặc biệt trong năm sống đạo do Hội đồng Giám mục Việt Nam kêu gọi.

Thực chất, xu hướng này là gì? Về mặt chuyên môn thuộc lĩnh vực kinh tế học, ta có thể thấy các lý thuyết gia kinh tế chỉ nói đến thuyết xã hội tiêu thụ hay thuyết xã hội hậu công nghiệp và chủ nghĩa tiêu thụ. Giáo huấn xã hội Công giáo có đề cập tới cái gọi là xã hội tiêu thụ và đưa ra những cảnh tỉnh cho Kitô hữu về mặt trái của nó.

Vì tính chất hai mặt và phức tạp của vấn đề, vì không thể đơn giản nói rằng xu hướng xã hội tiêu thụ là tốt hay xấu, tức là khó có thể trình bày vấn đề chỉ thuần theo một hệ tư tưởng, nên xin được bàn luận vấn đề theo kiểu một cuộc hội thoại giữa hai lập trường, bênh vực và phê bình, để có thể phần nào giúp hiểu thêm đôi chút về đề tài xã hội tiêu thụ.

Xã hội tiêu thụ ?

Ngày nay, về mặt kinh tế học, người ta nhận thấy thuyết xã hội tiêu thụ là một trong những xu hướng hiện đại đang thịnh hành trong lý luận xã hội học và tương lai học Phương Tây. Theo lý thuyết về xã hội tiêu thụ, xã hội loài người phát triển qua ba giai đoạn cơ bản: giai đoạn thứ nhất - xã hội truyền thống (hoặc còn gọi là xã hội nông nghiệp), giai đoạn thứ hai - xã hội công nghiệp, và giai đoạn thứ ba - xã hội tiêu thụ (còn gọi là xã hội hậu công nghiệp)(1).

Thuyết xã hội hậu công nghiệp là một thuyết kinh tế tư sản do nhà xã hội học người Mỹ D. Bell đề xướng, cho rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đang chuyển sang ‘xã hội hậu công nghiệp’, trọng tâm kinh tế đã chuyển sang lĩnh vực dịch vụ - khoa học. Các cơ quan khoa học - kỹ thuật và những cá nhân có nhiều tài năng do xã hội đề bạt lên nắm quyền hành ngày càng lớn. Thuyết xã hội hậu công nghiệp phủ định chủ nghĩa tư bản hiện tại, khẳng định một xã hội sau xã hội công nghiệp (xã hội tư bản) văn minh tiến bộ hơn, lấy mục tiêu phát triển làm động lực chính. Thuyết này tuyệt đối hoá vai trò của khoa học, đặc biệt là cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật hiện nay, phủ nhận tính giai cấp của xã hội hiện đại và tính tất yếu của cách mạng xã hội; về thực chất là phản ánh về mặt lý luận của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước(2).

Nhìn một cách lịch sử hơn thì chủ nghĩa tiêu thụ bắt đầu phát triển từ thập niên 1960, ở Hoa Kỳ, với những hoạt động hướng tới việc đòi hỏi quyền lợi của các cá nhân, các nhóm và các tổ chức với tư cách là những khách hàng. Cụ thể, năm 1962, tổng thống John F. Kennedy đã công bố một ‘sứ điệp đặc biệt về bảo vệ lợi ích người tiêu dùng’, trong đó ông đưa ra bốn quyền cơ bản của người tiêu dùng: quyền được an toàn, quyền được thông tin, quyền được chọn lựa và quyền được lắng nghe. Tiếp theo đó, người ta thấy ra đời nhiều văn bản nhằm bảo vệ quyền của người tiêu dùng trên các lãnh vực sức khoẻ, an toàn trong điều khiển phương tiện giao thông v.v. Sau Kennedy, tổng thống Lyndon B. Johnson đẩy mạnh hơn theo hướng nhận trách nhiệm về phía chính phủ để đảm bảo an toàn cho công dân(3).

Chủ nghĩa tiêu thụ, thực ra, vốn nhắm đến việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Với chủ thuyết này vị trí của người tiêu dùng ngày càng được đề cao, và dần dần những nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ đã chọn lựa giải pháp đáp ứng tối đa cho nhu cầu, cho thị hiếu và cho lợi ích của khách hàng. Chính sự lựa chọn này sẽ đảm bảo trở lại cho bản thân nhà cung cấp và nhà sản xuất một sự phát triển ổn định và chắc chắn về nhiều mặt, từ sự ổn định sản xuất đến việc đảm bảo tuân thủ luật pháp. Trong kinh doanh sản xuất, ngoài việc đầu tư cho sản xuất, thì “đầu ra” vốn luôn là điều quan trọng, nên việc đề cao và chăm sóc chu đáo cho khách hàng phải trở thành phương châm hoạt động của nhà sản xuất hay nhà cung cấp. Một hãng sản xuất xe hơi của Nhật đóng tại Pháp, để đạt được hiệu quả tối đa, đã đưa ra mô hình hệ thống “Taðchi Ohno” trong ngành công nghiệp xe hơi, với ba yêu cầu, gọi là “3D”, đó là: “zéro stock”, không có tồn kho bất cứ sản phẩm nào; “zéro délai”, không kỳ hạn cho bất cứ yêu cầu nào của khách hàng; và “zéro défaut”, không có lỗi cho sản phẩm xuất xưởng(4). Hãng này đã chọn phương châm phục vụ tốt nhất cho bất cứ khách hàng nào đến với họ. Xem ra, chủ trương này rất hay vì người tiêu dùng được lợi, nhưng vô hình chung nó đã vắt kiệt sức công nhân tham gia dây chuyền sản xuất vì, một cách nào đó, người sản xuất đã bị trói chặt vào việc làm sao thoả mãn tối đa cho khách hàng.

Có lẽ, vì thế mà, ngày nay, khi nghe nói tới chủ thuyết tiêu thụ, người ta thường nghĩ đến một xã hội lấy tiêu thụ làm phương châm cho sự tồn tại và phát triển, mọi thứ đều có thể được đánh giá ngang qua tiêu thụ và người ta tìm mọi cách để khuyến khích tiêu thụ hay hưởng thụ càng nhiều càng tốt. Đối lại với duy hưởng thụ, người ta nghĩ đến tiết kiệm.

Tiết kiệm

Tinh thần tiết kiệm là một đức tính. Theo cách nhìn Kitô Giáo thì tiết kiệm là một nhân đức. Tiết kiệm còn là quốc sách đối với nhiều quốc gia, “tiết kiệm là quốc sách” hay “tiết kiệm là yêu nước” là những khẩu hiệu thường thấy. Đặc biệt theo quan điểm Kitô Giáo, tiết kiệm là một nhân đức mà khi tuân thủ người ta có điều kiện để vượt thắng chính bản thân trong việc đáp ứng lại những đòi hỏi quá độ và nhắm tới việc thực hiện công bằng khi biết đem chia sẻ những gì tiết kiệm được cho những người bất hạnh hơn mình.

Khi muốn thể hiện tinh thần sống nghèo người ta chọn giải pháp tiết kiệm bằng cách cắt bỏ hoàn toàn các chi tiêu không cần thiết và kể cả giảm tới mức tối thiểu mọi thứ chi tiêu cần thiết, hoặc khi muốn chia sẻ cho những người bất hạnh hơn mình người ta cần thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu về mọi mặt có thể, để có điều kiện san sẻ càng nhiều càng tốt. Ví dụ, trong Mùa Chay, các Kitô hữu được mời gọi tiết kiệm trên những chi tiêu không cần thiết, thậm chí cả chi tiêu cần thiết nữa, để góp phần chia sẻ cho những nhu cầu thiết yếu của những anh chị em bất hạnh hơn mình. Khi có thiên tai bão lụt, người ta kêu gọi sự chia sẻ và thường nhấn mạnh tới tinh thần tiết kiệm để có thể đóng góp được nhiều hơn và có ý nghĩa hơn.

Khi muốn tập trung sức người và sức của vào một công trình có ý nghĩa hay mang tính chiến lược người ta kêu gọi tiết kiệm trên mọi lĩnh vực khác cách tối đa đến mức có thể để dồn sức lo tiến hành thực hiện công trình đó. Ví dụ, một Giáo phận muốn tập trung tài lực và nhân lực cho một chương trình mang tính truyền giáo, cần phải hạn chế chi tiêu cho các sinh hoạt khác đến mức tối thiểu, trong một thời gian đủ dài để có thể bắt đầu và hoàn thành chương trình kia.

Khi chưa đủ khả năng cung ứng một loại hàng hoá hay dịch vụ nào đó cho một nhu cầu thiết thực, hoặc khi không đủ khả năng chi tiêu cho một nhu cầu cụ thể, người ta kêu gọi tiết kiệm để có thể cân đối cho việc cung ứng hoặc cân đối thu chi trong một khoảng thời gian cần thiết. Ví dụ, vừa qua, do thiếu khả năng cung ứng đủ điện theo nhu cầu trong mùa nắng hạn, ở Việt Nam, mọi người dân được kêu gọi sử dụng điện tiết kiệm điện để đảm bảo duy trì các sinh hoạt cần thiết ở mức cho phép, cho tới khi khả năng cung ứng được phục hồi trở lại.

Ngày nay, ngoài những lời hiệu triệu kêu gọi tiết kiệm, người ta còn thấy những loại khẩu hiệu khác được giương cao tại các khu mua sắm hoặc trên các trang quảng cáo dày cộm của các tờ báo, những khẩu hiệu này nhằm khuyến khích người ta mua sắm nhằm thỏa mãn nhu cầu và sở thích của mình, thậm chí người ta còn gợi ý rằng khi mua một sản phẩm là đã góp phần làm giàu cho đất nước qua việc đóng thuế mua hàng và thúc đẩy phát triển sản xuất. Điều này cũng không hoàn toàn sai, bởi vì, nếu có thể tóm gọn lại rằng tiết kiệm nhằm mục đích làm một việc gì lợi ích hơn cho người khác hoặc cho xã hội, nhằm đảm bảo một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người, thì thay vì nói đến tiết kiệm, có lẽ, ngày nay, người ta muốn nhấn mạnh hơn tới tính hiệu quả, nhất là trong một xã hội theo chủ thuyết duy kinh tế và thực dụng.

Đối với xu hướng này, vấn đề không còn phải là tiết kiệm hay hạn chế sử dụng cái này cái kia mà là liệu việc sử dụng đó có thực sự cần thiết và đem lại lợi ích lớn hơn không? Cần lưu ý ngay là, trong sản xuất, tiết kiệm, tức là việc tìm cách sử dụng ở mức thấp nhất hay chỉ sử dụng tới mức cần thiết các nguyên vật liệu nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất xưởng, vốn là một yêu cầu rất quan trọng. Trở lại với câu hỏi được đặt ra, nếu không đáp ứng được cho câu hỏi đặt ra này thì cho dù có sử dụng tiết kiệm đến đâu cũng có thể bị coi là chưa thực sự tiết kiệm, vì nó khiến cho mọi nỗ lực của xã hội đang cùng dồn vào để hoàn thành công việc đó đều không đạt được hiệu quả mong đợi, đó là một sự phí phạm. Ví dụ, gần đây, Chính phủ Việt Nam cấm không cho các cơ quan nhà nước tổ chức các cuộc hội họp tổng kết để báo cáo hàng năm, lý do là những cuộc hội họp kiểu như vậy chỉ tổ lãng phí. Sự lãng phí ở đây rõ ràng không phải chỉ là do chi tiêu nhiều tiền cho bằng những cuộc hội họp như vậy chỉ mang thuần tính hình thức và làm nặng thêm căn bệnh thành tích mà thôi, chứ không có một tác dụng nào và không đem lại một hiệu quả hay lợi ích thiết thực nào.

Việc quan tâm và cố gắng đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng một cách tốt nhất (như cung ứng nhiều sản phẩm và dịch vụ tốt phục vụ người tiêu dùng, đảm bảo cho khách hàng được hưởng tối đa quyền lợi của họ) sẽ đem lại mọi thứ tiện ích vật chất cho con người, giúp giải thoát con người khỏi những ràng buộc của thời tiết (với xe hơi, máy lạnh...), khỏi những hạn chế về không gian (với máy bay, internet), khỏi những thao tác hoặc tính toán thủ công ít hiệu quả (với máy vi tính, máy tính), v.v. Chính những tiện ích đó góp phần thúc đẩy quá trình làm tăng nhanh sản lượng sản phẩm và dịch vụ cung ứng cho xã hội khiến xã hội phát triển nhanh chóng hơn, đem lại đời sống sung túc hơn cho nhiều người. Nói cách khác, xu hướng xã hội tiêu thụ đã góp phần làm cho cuộc sống con người đạt mức chất lượng ngày một cao hơn, làm cho xã hội phát triển hơn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là vẫn còn rất nhiều người chưa có đủ điều kiện tiếp cận được những dòng sản phẩm và dịch vụ cao cấp.

Tiết kiệm chỉ có ý nghĩa khi mang lại sự phát triển và là sự phát triển đích thực cho xã hội và cho mọi người.

Phát triển

Nếu đạt được sự phát triển kinh tế xã hội thì sẽ mang lại ấm no hạnh phúc cho nhiều người. Nhưng có lẽ cũng nên xác định lại xem phát triển đích thực là gì. Nhất là, trong năm 2007 này, năm kỷ niệm 40 năm ngày đức Phaolô VI ban hành bức thông điệp xã hội mang tên Phát triển các dân tộc, ngày 26/03/1967, thì việc tìm hiểu này càng có ý nghĩa.

Theo bản văn thông điệp nói trên, ở số 14, Đức Giáo Hoàng đã khẳng định: “Sự phát triển không chỉ nhằm nguyên việc mở mang kinh tế. Bởi vì sự phát triển đích thực là sự phát triển toàn diện, nghĩa là thăng tiến tất cả mọi người và toàn thể con người. Một chuyên viên lỗi lạc đã nói rất đúng về điều đó: ‘Chúng tôi không chấp nhận việc tách rời kinh tế khỏi vấn đề của con người, việc tách rời vấn đề phát triển khỏi nền văn minh liên hệ’. Điều đáng kể đối với chúng ta là con người, là mỗi người, là mỗi đoàn người cho đến toàn thể nhân loại(5).

Và ở số 19: “Đối với một dân tộc, cũng như đối với một cá nhân, có thêm nhiều của hơn không phải là mục đích tối hậu. Mỗi một sự thăng tiến đều có hai mặt: nó cần thiết để con người được nên người hơn, nhưng đồng thời nó cũng giam hãm con người một khi nó trở thành giá trị cao cả thật, không còn cho thấy giá trị nào khác. Lúc đó, lòng người trở nên chai đá và tinh thần khép kín lại, con người không còn đến với nhau vì tình nghĩa, nhưng chỉ vì lợi lộc. Lợi lộc dễ làm cho con người chống đối nhau và chia rẽ nhau. Vì thế nếu chỉ tìm của cải mà thôi thì không những sẽ làm cản trở cho sự phát triển của con người, mà còn phản lại sự cao cả bẩm sinh của con người. Đối với một quốc gia, cũng như đối với một con người, tội tham lam là một hình thức lộ liễu nhất của tình trạng luân lý thấp kém”.

- Phát triển kinh tế và việc tăng tốc tiêu thụ. Hai điều này có mối quan hệ khá chặt với nhau, nhất là trong nền kinh tế thị trường. Nếu phát triển là đạt được mức tăng trưởng cao hơn đồng thời số lượng của cải vật chất tăng thêm đó được đem phân phối công bằng cho mọi thành phần trong xã hội, có nghĩa là mọi thành viên đều nhận được lợi ích do phát triển đem lại và có được một cuộc sống tốt đẹp và thoải mái hơn, thì hệ quả mang lại là sức mua trong xã hội sẽ tăng lên tương ứng. Khả năng tiêu thụ tăng sẽ kích thích trở lại trên nền sản xuất kinh doanh của xã hội. Thực vậy, hiện tượng tăng sức tiêu thụ sẽ khiến cho yêu cầu về nhu cầu hàng hoá trở nên đa dạng hơn, do đòi hỏi của một cuộc sống tiện nghi hơn, điều này đòi hỏi và thúc đẩy quá trình sản xuất các loại sản phẩm phải được cải tiến để có thể cung cấp ngày càng nhiều và chất lượng càng cao cho xã hội. Tiêu thụ tăng cũng khiến cho chu kỳ sống của sản phẩm được rút ngắn đi do chúng được chuyền từ tay nhà sản xuất, qua khâu phân phối, đến tay người tiêu dùng để được sử dụng trở nên ngắn hơn, thời gian nằm trong kho của nhà sản xuất và trên kệ hàng của các nhà phân phối được giảm xuống, tiết kiệm được chi phí và mang lại hiệu quả cao. Quá trình này sẽ tạo ra một mức độ tăng trưởng về kinh tế cao hơn do yêu cầu đầu tư vào sản xuất kinh doanh tăng tương ứng, điều này có nghĩa là cơ cấu nền kinh tế sẽ được nới rộng ra thêm và đa dạng hơn. Nếu đem so với thời gian trước đó, người ta sẽ thấy được khoảng chênh lệch tăng hơn, gọi là sự phát triển về kinh tế.

- Tiêu thụ và việc ứng dụng khoa học kỹ thuật. Tiêu thụ tăng sẽ thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật càng nhiều và càng mạnh mẽ. Bởi lẽ, yêu cầu đa dạng hơn của thị trường về sản phẩm cung ứng, mong muốn sử dụng những tiện nghi cao hơn để có một cuộc sống thoải mái hơn, chính là những yếu tố quan trọng kích thích việc ứng dụng tối đa những thành tựu khoa học kỹ thuật vào trong các sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng. Điều này cũng thúc đẩy các nhà sản xuất kinh doanh đầu tư nhiều hơn vào việc tìm kiếm những thành tựu mới và ứng dụng chúng vào đời sống, tức là thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học kỹ thuật nhiều hơn. Một khi các nhà sản xuất có thể cung ứng sản phẩm và dịch vụ cao cấp và tiện nghi hơn, nó sẽ tác động trở lại trên người tiêu dùng. Người ta sẽ thích mua sắm hơn (dĩ nhiên là phải tính tới khả năng thu nhập của họ tăng tương ứng) làm cho sức mua của xã hội tăng lên. Điều này được thấy rõ trong thị trường TP.HCM trong thời gian vừa qua, xu hướng mua sắm các mặt hàng tiện nghi và cao cấp tăng rất nhanh, cho dù giá cả có cao hơn khá nhiều so với các loại kém phẩm chất, và người ta cũng chuộng mua những mặt hàng có ứng dụng kỹ thuật cao, với giá cao hơn. Đến lượt sức mua tăng sẽ tác động trở lại trên việc nghiên cứu khoa học kỹ thuật và ứng dụng chúng vào sản xuất. Người ta có thể nói rằng đó là biểu hiện của một nền kinh tế phát triển.

Thử tìm hiểu xem các chuyên gia kinh tế nói gì ?

Trong lịch sử các tư tưởng kinh tế, John Maynard Keynes (1883-1946), một lý thuyết gia kinh tế nổi tiếng, đã cung cấp một ý tưởng mới để giải quyết vấn đề khủng hoảng kinh tế thừa và tình trạng suy thoái kinh tế của Âu Châu vào thời đó. Keynes đã nhận ra tầm quan trọng của việc quay nhanh vòng đời sản phẩm. Ý tưởng căn bản của ông dựa trên việc làm sao cho có nhiều việc làm cho mọi người. Vì với tâm lý có việc làm, nghĩa là có thu nhập ổn định, người ta sẽ không ngại mua sắm những gì mình cần, và cả những gì mình thích, tuỳ theo khả năng tài chính của bản thân và gia đình. Do đó khả năng tiêu thụ của xã hội sẽ tăng lên. Chính điều này sẽ kích thích nền sản xuất phát triển, và đây là một yếu tố giúp tạo ra thêm việc làm cho xã hội. Việc làm tăng nhiều lại càng đảm bảo cho thu nhập cá nhân ổn định, và nhu cầu tiêu thụ lại tăng thêm. Cứ như thế mà nền kinh tế được phục hồi và trở nên ổn định. Cách làm của ông đã thành công trong việc giúp giải quyết tình trạng suy sụp kinh tế và đem lại sự cân bằng giữa sản xuất và tiêu dùng(6). Sau này, với ý thức rằng cần có sự can thiệp của chính phủ vào việc điều tiết sản xuất giữa các ngành nghề, kinh tế học đã giúp kiểm soát được tình trạng khủng hoảng kinh tế thừa trên phạm vi toàn thế giới. Nền kinh tế thế giới được kiểm soát vẫn đang tăng trưởng và phát triển.

Tiếp theo Keynes, người ta lại thấy Paul Anthony Samuelson (sinh 1915), giải nobel kinh tế năm 1970, với lý thuyết đem lại sự thoả mãn cho cuộc sống con người bằng cách đáp ứng nhiều nhất có thể nhu cầu vật chất, cùng với cái nhìn vượt ra khỏi biên giới trong việc cân đối nguồn vốn, ông đã khuyến khích việc thúc đẩy tăng “cầu” của xã hội để có thể đạt tới mức tăng trưởng kinh tế ngày một cao hơn(7). Và sau đó, Robert M. Solow (sinh 1924), giải nobel kinh tế năm 1987, cũng đã góp phần hoàn thiện lý thuyết của Keynes trong việc cân đối nền kinh tế và thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phục vụ nhu cầu con người(8).

Mặt trái của vấn đề

Nếu đẩy xa hết mức dòng suy nghĩ trên, với cái nhìn tổng quát và toàn diện trên vấn đề, ta sẽ nhận thấy, dường như, nhân loại đang bị vắt kiệt sức để làm ra mọi thứ được yêu cầu hầu thỏa mãn cho nhu cầu tiêu thụ luôn tăng một cách thiếu điều độ của con người.

Ngày nay, kiểu suy nghĩ duy tiêu thụ này, dường như, đã trở nên quá quen thuộc với những người làm kinh tế theo xu hướng thị trường. Họ tìm cách thúc đẩy tiêu thụ bằng những thành tựu của ngành khoa học về quảng cáo và khoa tâm lý xã hội. Một số người còn tìm cách tạo ra những loại nhu cầu “giả tạo”, nghĩa là những nhu cầu mà khi được đáp ứng thì chẳng những không làm cho một người được sống và sống tốt hơn, trái lại còn phá hỏng cuộc đời người đó (như cờ bạc, thuốc lắc, ma tuý...). Đức Gioan Phaolô II đã nói rõ về điều này trong Thông điệp Bách chu niên của ngài như sau: “Ma túy là một trường hợp rõ ràng về một sự tiêu thụ giả tạo, có hại cho sức khỏe và phẩm giá con người và chắc chắn là khó kiểm soát được. Sự lan rộng của ma túy là một dấu hiệu thiếu hiệu năng của hệ thống xã hội, nó giả thiết một ‘não trạng’ duy vật, và theo một nghĩa nào đó, hủy hoại các nhu cầu của con người. Như vậy, các khả năng đổi mới nền kinh tế tự do, cuối cùng, lại được thực hiện một cách độc đoán và không thích hợp. Ma túy, và cả các sách báo khiêu dâm và các hình thức tiêu thụ khác, nhằm khai thác sự dòn mỏng của những người yếu đuối, là một cách tìm lấp đầy khoảng trống tâm linh đang diễn ra” (số 36).

Nhưng ngay cả trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học kỹ thuật và tìm cách ứng dụng tối đa vào việc phục vụ cho đời sống tiện nghi ngày một hơn của con người cũng đã vô tình, một cách nào đó, huy động toàn bộ năng lực nhân loại và của cải trên trái đất vào việc sản xuất ra một lượng sản phẩm vừa rất đa dạng vừa quá lớn. Có vẻ như, toàn bộ sức lao động của nhân loại trên toàn thế giới, hiện nay, đều được huy động để tham gia vào cái vòng quay dường như vô tận giữa sản xuất và tiêu thụ. Chính điều này đang dần vắt kiệt sức của nhiều người. Tất cả chỉ vì mục tiêu nhằm cung ứng đến mức tối đa cho nhu cầu của một xã hội chẳng biết đâu là “đủ” và luôn hô hào kêu gọi người ta hãy sử dụng một cách “vô tư” để có một cuộc sống thoải mái. Cỗ máy này vẫn đang vận hành với những bánh xe khổng lồ của nó và nó cứ cuốn hút và ngốn tất cả mọi nỗ lực lao động của con người vào trong vòng quay của nó, không biết bao nhiêu cho vừa. Con người lao động với đôi tay và khối óc của mình là để đảm bảo cho sự tồn vong và phát triển, đây là điều chính đáng và cần thiết, nhưng một khi bị trở thành nô lệ cho chính công cuộc lao động của mình thì quả thật con người đang đánh mất chính mục đích sống của mình, người ta chỉ còn biết làm việc và làm việc một cách điên cuồng đến nỗi chẳng còn đủ thời gian để nghỉ ngơi và tận hưởng những thành quả do lao động của mình đem lại, có chăng chỉ là một ảo tưởng.

Có thể thấy rõ điều này khi quan sát thấy cường độ làm việc của người lao động thời nay, người lao động chân tay cũng như lao động trí óc, đã trở nên quá nhiều và quá căng thẳng khiến họ gần như chẳng còn thời gian cho bất cứ việc gì khác ngoài công việc. Nếu có dịp đến thăm những khu nhà trọ của các công nhân nhập cư đến từ các vùng nông thôn, gặp bất cứ công nhân nào, ta cũng sẽ được nghe bộc bạch về hoàn cảnh sống của họ vốn chẳng còn một chút thời giờ nào cho các việc gì khác ngoài: đi làm, ăn uống, vệ sinh cá nhân, ngủ nghỉ (đương nhiên, còn cần phải kể đến yếu tố tiền lương của họ nữa, mà ta không bàn ở đây). Đó là trường hợp của các công nhân, còn những người khác thì sao? Tôi có quen một người làm lái xe cho một công ty nước ngoài, anh cho biết ít khi có giờ rảnh (mặc dù anh ta chẳng phải làm gì ngoài việc ngồi chờ để lái xe đưa xếp đi, theo yêu cầu), anh phải đi làm từ sớm như mọi người, nhưng anh ít khi được về nhà sớm hơn 9 giờ tối, và nhiều khi còn đến quá nửa đêm vì “bận” phải chờ xếp nhậu nhẹt ăn chơi hơi trễ. Chỉ vì đồng lương, vì cuộc sống mà anh phải chấp nhận việc làm như vậy, vì dù sao thì vẫn còn hơn nhiều việc khác. Còn những người làm công việc điều hành thì sao? Có lẽ, chẳng cần nói thêm nữa, ai cũng có thể nhận thấy và tự nhận thấy sự tất bật và bận rộn với rất nhiều công việc cần phải làm đến nỗi nhiều khi chẳng còn thời giờ cho bản thân, cho gia đình. Làm sao có thể yên tâm mà nói rằng những người này có thể quan tâm chăm lo đến nhu cầu tinh thần, và nhất là tâm linh, của bản thân và gia đình họ. Đó là một điều đáng kể phải lo đến.

Charles Chaplin, vào thời của ông, cách đây hơn ¾ thế kỷ, cũng đã phản ánh việc giới chủ vắt sức người công nhân bằng mô hình sản xuất theo kiểu Taylor, trong bộ phim “Thời đại tân kỳ”. Ngay này, không còn phải là giới chủ nữa mà là cái guồng máy xã hội tiêu thụ đang làm chuyện này trên tất cả mọi người, không kể là chủ hay thợ.

Còn một điều khó chấp nhận khác nữa, với trình độ và khả năng sản xuất lớn như vậy, người ta đã làm ra rất nhiều sản phẩm vật chất đáp ứng nhu cầu con người, nhưng trong thực tế, còn quá nhiều người không được hưởng dùng những thành quả đó của nhân loại mà họ là thành viên. Đó là những người nghèo. Một trong những nguyên nhân cơ bản, đó là thiếu công bằng trong phân phối. Điều này đã được các Đức Giáo Hoàng nói tới trong các thông điệp xã hội để cảnh tỉnh con người đang quá say mê trong hoạt động sống của mình và kêu gọi mọi người hãy quan tâm đến nhau nhiều hơn trong việc chia sẻ của cải trái đất.

Quan điểm của Giáo Hội Công giáo

Thực ra, huấn quyền không có nhiều văn bản nói về chuyện này. Ta có thể tìm thấy một vài đoạn có liên quan trực tiếp. Và, ở đây, chỉ xin trích lại để tham khảo, chứ không phân tích mở rộng thêm.

Mở đầu chương III nói về “Đời sống kinh tế xã hội”, Hiến chế mục vụ Giáo hội trong thế giới ngày nay (07/12/1965), số 63, đã có nhận định như sau: “Đây là một vài đặc điểm của nền kinh tế hiện đại cũng như của các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội: con người càng ngày càng chế ngự thiên nhiên nhiều hơn, sự liên lạc và nương tựa lẫn nhau giữa các công dân, đoàn thể, quốc gia càng ngày càng nhiều và rộng lớn hơn, và mỗi ngày sự can thiệp của các chính quyền ngày càng trở thành thường xuyên; đồng thời, với đà tiến bộ của các phương pháp sản xuất và trao đổi sản phẩm cũng như dịch vụ, kinh tế đã trở thành một công cụ thích hợp để thỏa mãn cách khả quan những nhu cầu chồng chất của gia đình nhân loại.

Tuy nhiên, không thiếu những lý do gây nên lo ngại. Nhiều người, nhất là trong những miền có nền kinh tế tiến bộ, nhưng bị đời sống kinh tế chi phối hoàn toàn, đến nỗi trong các quốc gia theo kinh tế tập sản cũng như trong các quốc gia khác, hầu như cả đời sống cá nhân cũng như xã hội của họ đều bị thấm nhiễm một thứ chủ nghĩa duy kinh tế. Trong thời đại mà sự phát triển đời sống kinh tế nếu được điều khiển và phối hiệp cách hợp lý và nhân đạo, có thể giảm thiểu những chênh lệch trong xã hội, thì nhiều khi lại làm cho những chênh lệch ấy trở thành trầm trọng hơn, hoặc ở một vài nơi còn trở thành sự thoái hóa địa vị xã hội của những người yếu thế và miệt thị những kẻ nghèo túng. Ngay trong những vùng kém mở mang, giữa lúc đại đa số vẫn còn thiếu những nhu cầu thiết yếu, thì một thiểu số lại sống dư dật, phung phí. Xa hoa và cùng cực kề cận nhau. Trong khi một thiểu số được quyền định đoạt rất lớn, thì đa số lại hầu như không thể hành động theo sáng kiến riêng và không được thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình, nhiều khi còn phải chịu đựng trong những hoàn cảnh sinh sống và làm việc bất xứng với phẩm giá con người”.

Đức Gioan Phaolô II, trong Thông điệp Bách chu niên, ngày 01/05/1991, kỷ niệm 100 năm ngày công bố thông điệp xã hội đầu tiên bởi Đức Lêô XIII, ở số 34, bàn về “Nền kinh tế thị trường”, ta đọc thấy: “Trong mọi quốc gia cũng như trong các mối quan hệ quốc tế, hình như thị trường tự do là phương tiện thích dụng nhất để phân chia các nguồn lợi và đáp ứng hữu hiệu các nhu cầu cuộc sống. Nhưng điều đó chỉ đúng với các nhu cầu ‘có thể thanh toán bằng tiền’, vì người ta có khả năng mua sắm, cũng như việc các nguồn lợi ‘có thể bán được’, có thể đổi lấy nhờ trả một giá chính đáng nào đó. Tuy nhiên có nhiều nhu cầu của con người không thể thỏa mãn được trong thị trường. Đây là một nghĩa vụ nghiêm chỉnh về công bằng và chân lý là làm sao cho các nhu cầu căn bản của con người được thỏa mãn và giúp cho những người phải thiếu thốn không bị diệt vong. Ngoài ra, những người trong cảnh túng quẫn này phải được giúp đỡ để có được những kiến thức, để gia nhập vào hệ thống các mối liên hệ và để họ phát triển năng lực của mình hầu có thể phát triển những khả năng và nguồn vốn cá nhân của mình. Bên trên sự hợp lý của những trao đổi bình đẳng và những hình thức công bằng chi phối các sự trao đổi đó, còn có một món nợ với con người, bởi vì họ là con người, do phẩm giá cao quý của họ. Món nợ này bao gồm một cách không thể tách lìa cái khả năng sống còn và khả năng đem lại một sự đóng góp tích cực cho thiện ích chung của nhân loại”.

Sau đó, ngài đã vạch rõ “những thái quá của xã hội tiêu thụ”, ở số 36, như sau: “Giờ đây, cần phải lưu ý tới các vấn đề đặc biệt và những đe dọa xảy ra trong nội bộ các nền kinh tế tiến bộ nhất và gắn liền với các đặc tính của các nền kinh tế ấy. Trong những giai đoạn trước khi phát triển, con người luôn sống trong sự nghèo khổ. Những nhu cầu của họ rất ít, một cách nào đó, giới hạn trong những cấu trúc khách quan của sự cấu tạo thể lý của họ mà thôi, và hoạt động kinh tế được quan niệm là để thỏa mãn những nhu cầu đó. Ngày nay, rõ ràng vấn đề không phải chỉ là cung cấp cho con người một lượng đủ về của cải, nhưng là đáp ứng cho nhu cầu về phẩm: phẩm chất của hàng hóa được sản xuất và tiêu thụ, phẩm chất của dịch vụ mà người ta cần đến, phẩm chất của môi trường và của đời sống, nói chung.

Yêu cầu có một cuộc sống thỏa mãn hơn về phẩm chất và giàu có hơn, tự nó, là điều chính đáng. Nhưng người ta phải lưu ý tới các trách nhiệm mới và tới các nguy hiểm gắn liền với giai đoạn lịch sử này. Trong cách thức nảy sinh các nhu cầu mới và cách thức xác định các nhu cầu đó, luôn luôn có một quan niệm hơn kém chính đáng về con người, và về sự thiện đích thực của con người. Trong những chọn lựa sản xuất và tiêu thụ, xuất hiện một nền văn hóa nào đó, nó nói lên một quan niệm về toàn bộ đời sống. Chính khi đó xuất hiện hiện tượng tiêu thụ. Khi người ta xác định các nhu cầu mới, các phương pháp mới để làm thỏa mãn các nhu cầu đó, người ta cần phải cảm nhận một hình ảnh toàn diện về con người, hình ảnh tôn trọng tất cả những chiều kích của con người, và coi chiều kích thể lý, bản năng là những điều tùy thuộc vào những chiều kích nội tại và thiêng liêng. Ngược lại, nếu người ta qui chiếu trực tiếp vào các bản năng, và nếu người ta bỏ qua, cách này hay cách khác, thực tại của một con người có ý thức và tự do, thì điều đó có thể đưa tới những thói quen tiêu thụ và những kiểu sống khách quan không chính đáng và thường là tai hại cho sức khỏe thể lý và tinh thần. Một hệ thống kinh tế không bao gồm trong khuôn khổ riêng của nó những tiêu chuẩn cho phép phân biệt đúng đắn các hình thức mới và cao nhất để thỏa mãn các nhu cầu của con người cũng như các nhu cầu mới được khơi dậy ngăn cản con người đạt tới sự trưởng thành nhân cách. Như vậy cần thiết và khẩn cấp phải có một công việc rộng lớn về giáo dục và văn hóa, gồm việc huấn luyện các người tiêu thụ biết sử dụng quyền chọn lựa một cách có trách nhiệm, huấn luyện một cảm quan bén nhạy về tinh thần trách nhiệm cho những người sản xuất và nhất là cho những chuyên viên về truyền thông xã hội, chưa kể tới sự can thiệp cần thiết của chính quyền”.

Nhìn chung, giáo huấn xã hội Công giáo đã cho một cái nhìn có thể gọi là quân bình trong vấn đề này. Những hướng dẫn này sẽ giúp con người thời đại ngày nay điều chỉnh cho đúng lối suy nghĩ và cách hành xử của họ trong cuộc sống, với điều kiện là họ được đọc và thực sự muốn đón nhận chúng như những lời giáo huấn chân thành xuất phát tự lòng yêu mến và muốn xây dựng của Giáo Hội.

Đó là về mặt lý thuyết, nhưng trong thực tế, có lẽ, chúng ta cũng cần tìm lý giải đôi điều gặp thấy trong đời sống.

Một vài hiện tượng thực tế cần lý giải

- Khuyến mãi là một hình thức khuyến khích người tiêu dùng mua (tiêu thụ) một hoặc nhiều sản phẩm nào đó của công ty hoặc cơ sở sản xuất hàng hoá. Có các hình thức khuyến mãi như: giảm giá, tặng thêm, tặng phẩm, vận chuyển miễn phí, giảm cước v.v.(9) Ví dụ, trong mấy ngày cận Tết Đinh Hợi, công ty Thiên Hoà đã tung ra chiến dịch khuyến mãi với khẩu hiệu “Lễ hội mua sắm” đi kèm với những bảng niêm yết giảm giá đến 50% (nhưng trên thực tế chỉ có một số chủng loại sản phẩm “hết thời” và cũng chỉ còn một vài chiếc cho việc giảm giá mà thôi) và những đợt xổ số trúng thưởng. Trong mấy ngày đó, người ta đến cửa hàng rất đông đến nỗi cửa hàng phải chuyển bãi gởi xe sang nhờ chỗ của một công ty bạn kế bên. Hàng năm, họ có nhiều đợt khuyến mãi như vậy. Ta có thể thấy hiện tượng này tại nhiều công ty, cửa hàng, siêu thị ở khắp nơi. Kết quả là người tiêu dùng đã đến mua sắm rất nhiều, lượng hàng hoá tiêu thụ tăng cao, nhất là trong mấy ngày cận Tết và cả sau Tết.

- “Khách hàng là thượng đế” là một khẩu hiệu được thấy nhiều. Nó vừa biểu hiện tính quan tâm và tôn trọng của nhà cung cấp đối với người tiêu dùng. Ngày nay, nó đã trở thành một phương châm hoạt động cho các nhà kinh doanh, bù lại cho kiểu cách coi thường và bất cần của người bán đối với người mua, trước kia. Coi “Khách hàng là thượng đế” đã trở thành một phong cách hoạt động được nhiều nhà kinh doanh áp dụng nhằm tạo thêm uy tín cho thương hiệu của mình và với mong muốn đạt mức tiêu thụ cao hơn và cao nhất. Khi niêm yết phương châm này, các nhà kinh doanh mong muốn rằng, một mặt, nó đem lại sự yên tâm và thoải mái cho người mua vì biết rằng mình sẽ được chăm sóc chu đáo khi đồng ý sử dụng một loại sản phẩm hay dịch vụ, nó khiến cho người tiêu dùng cảm thấy được kính trọng như là “thượng đế”, vì đã mang lại lợi nhuận cho nhà cung cấp; mặt khác, nó lại chỉ là một chiêu bài của nhà cung cấp để thu hút khách hàng về phía mình trong tư thế cạnh tranh gay gắt với các nhà cung cấp khác, cho nên một khi khách hàng không còn là đối tượng để đạt mục đích như vừa nói thì nhà cung cấp sẽ chẳng còn lý do gì để quan tâm đến việc tôn trọng đối với khách hàng, có chăng chỉ là phép lịch sự tối thiểu mà thôi.

Vì vậy, có lẽ, điều tốt nhất cho người tiêu dùng không phải là việc có được coi là “thượng đế” hay không mà là được thông tin đầy đủ và chính xác về những dịch vụ hay sản phẩm họ muốn sử dụng. Họ mong đợi nơi nhà cung cấp một chữ “tín” thực sự trong việc làm ăn kinh doanh chứ không cần một sự ca tụng giả tạo nào, vì lợi ích chính của người tiêu dùng là được hưởng dùng những thành quả khoa học kỹ thuật ứng dụng vào đời sống cụ thể của họ một cách thiết thực và hiệu quả.

- Người nghèo trong xã hội tiêu thụ

Theo cha Alain Durand, OP., trong quyển La foi chrétienne aux prises avec la modialisation, (L’histoire à vif), Les Editions du Cerf, Paris, 2003, trang 27tt, thì con số những người nghèo không tăng lên đều nhau trong mọi xứ sở và, ở những nơi mà họ tăng số, thì nhịp độ cũng không giống nhau. Trong thực tế, con số này đã tăng rất nhanh trong tại châu Phi thuộc vùng sa mạc Sahara từ con số 180 triệu lên đến 301,6 triệu từ 1985 đến 1998. Sự gia tăng cũng nhanh như vậy trong các xứ Đông Âu. Nhìn chung, con số những người sống trong thế giới có thu nhập thấp hơn 1 USD mỗi ngày đã tăng, vẫn tính từ 1985 đến 1998, từ 1,116 tỷ lên 1,175 tỷ người(10).

Còn về phần những bất bình đẳng về thu nhập, vào năm 1960, 20% những người giàu nhất thế giới sở hữu một mức thu nhập gấp 30 lần hơn số 20 % những người nghèo nhất. Chưa đầy 40 năm sau, vào năm 1997, con số so sánh đã chuyển thành 74 lần(11). Chỉ có 225 người giàu nhất thế giới đại diện cho mức tương đương về thu nhập hàng năm của 47% những cá nhân người nghèo nhất của dân số thế giới, ứng với 2,5 tỷ người(12). Khoảng 25% cư dân của địa cầu chia nhau 75% thu nhập thế giới(13).

Thật vậy, trong mọi xã hội, phát triển hay đang phát triển, luôn còn có người nghèo. Nghèo ở đây chủ yếu muốn nói tới sự so sánh giữa những người giàu vốn có mọi thứ họ muốn, cho dù là chúng không hoàn toàn thuộc nhu cầu thực thụ của bản thân, với những người không có đủ điều kiện để có được những nhu cầu cần thiết, tùy theo mức độ của mỗi xã hội. Ví dụ ở Pháp, những nghèo không phải là những người chẳng có gì để ăn để mặc cho bằng họ không có điều kiện để tiếp cận những loại dịch vụ thuộc loại đắt tiền và xa xỉ, vì vậy họ đã bị loại, một cách nào đó khỏi xã hội. Họ ở trong một tâm lý chán nản và bất ổn vì nhận thấy mình chỉ là “cặn bã” trong xã hội, chỉ là những người ăn bám vào quỹ an sinh xã hội mà thôi. Vì vậy, dần dần họ bị rơi vào tình trạng mất tự tin và đi đến tự hủy hoại đời mình trong say sưa, rồi đánh mất chính mình hay hạ thấp nhân phẩm của mình. Người nghèo còn mãi, theo lời Đức Giêsu, chính là một thực trạng vốn là hậu quả của sự phân hoá trong xã hội, xuất phát từ khả năng khác nhau của mỗi người cộng với tính ích kỷ chỉ lo vun vén cho riêng mình của nhân loại nói chung.

Trong xã hội tiêu thụ, người ta đề cao những người có khả năng chi trả cho nhu cầu tiêu thụ của mình, thì người nghèo là những người bị coi thường hay bị “bỏ rơi” vì không có khả năng đó. Thật vậy, họ vốn không đủ điều kiện chi trả để đáp ứng cho nhu cầu của mình nên họ không phải là đối tượng được coi là “thượng đế” mà các nhà cung cấp nhắm tới, có chăng họ chỉ là những người cần phải được chăm lo ở mức tối thiểu để cho một xã hội có thể được coi là đạt mức phát triển nào đó. Việc chăm lo này thuộc về chính phủ và các thành phần khác trong xã hội vốn có trách nhiệm liên đới cách nào đó. Như thế, người nghèo đã vô tình trở thành gánh nặng cho xã hội.

Tạm kết

“Cuộc hội thoại” trên đây không thể bao quát được hết mọi khía cạnh của vấn đề, cũng không thể đào sâu cách thấu đáo từng điểm nêu ra. Đây chỉ là một cố gắng gợi lên vài ý tưởng làm điểm tựa giúp cho mỗi người suy nghĩ sâu rộng hơn, nếu đây là vấn đề họ thực sự quan tâm.

Tiêu thụ hay đúng hơn là việc đề cao tiêu thụ vừa là một cách thúc đẩy sản xuất dẫn đến phát triển và đem lại một đời sống tốt hơn về mặt vật chất cho con người. Điều vừa nói góp phần làm cho nhân phẩm con người được đề cao hơn, nhưng cũng vừa đẩy đưa con người đến tình trạng quên mất những giá trị khác cao trọng hơn, để rồi chỉ còn biết sống theo kiểu chủ nghĩa duy vật chất, không còn biết nghĩ đến những người anh em bất hạnh chung quanh mình, có chăng cũng chỉ là một chút hình thức bên ngoài mà thôi. Ta có thể gọi đó là tính hai mặt của hiện tượng xã hội tiêu thụ.

Người ta khó có thể đưa ra một chỉ dẫn dứt khoát là nên phản ứng thế nào trước hiện tượng này, có chăng là nên tìm hiểu rõ thực chất của vấn đề và tự chọn cho mình cách ứng xử sao cho phù hợp, nghĩa là vừa đảm bảo khai thác được tối đa mặt tích cực của nó trong việc thúc đẩy phát triển, và là phát triển đích thực cho xã hội và cho mọi người, lại vừa hạn chế được đến mức làm vô hiệu hoá tính tác hại lôi kéo con người ngày càng xa rời những giá trị cao trọng hơn, nhất là các giá trị tôn giáo và tâm linh.

Có lẽ, chỉ có thể nêu ra một gợi ý như trên cho những anh chị em Kitô hữu muốn tìm lời giải đáp cho mình trong việc sống đạo trong một xã hội đang ngày càng hướng theo xu hướng xã hội tiêu thụ hiện nay, ở Việt Nam.

Giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II, trong Thông điệp Bách chu niên, sẽ cho chúng ta một cái nhìn tạm gọi là một lời kết cho những gì được thảo luận từ đầu đến giờ: “Ước muốn sống tốt hơn không phải là xấu, nhưng điều xấu [do xã hội tiêu thụ mang lại, ở đây] là một mẫu sống tốt hơn [được giới thiệu] lại hướng tới ‘cái có’ chứ không hướng tới ‘cái là’, và khi người ta muốn ‘có’ nhiều hơn không phải để được ‘là’ nhiều hơn, nhưng là để lấp đầy cuộc sống bằng một sự hưởng thụ, và coi đó như chính mục đích của cuộc đời (14). Như vậy, cần phải nỗ lực để tạo ra một mẫu sống mà trong đó các yếu tố quyết định cho các lựa chọn tiêu thụ, tiết kiệm và đầu tư, phải là sự tìm kiếm điều chân thiện mỹ, cũng như sự thông hiệp với những người khác để tạo nên một sự phát triển chung. Về vấn đề này, tôi không chỉ bằng lòng với một lời kêu gọi thi hành nghĩa vụ của đức ái, nghĩa là nghĩa vụ trao tặng những cái ‘dư thừa’, và đôi khi cả những cái ‘cần thiết’ của mình để trợ giúp cuộc sống của người nghèo. Tôi muốn nói tới sự kiện là ngay cả sự lựa chọn đầu tư ở nơi này hơn là nơi kia, trong một ngành sản xuất này hơn là ngành sản xuất khác, luôn là một lựa chọn có tính cách luân lý và văn hóa. Một khi có đủ một số điều kiện cần thiết trong lãnh vực kinh tế và để tạo nên một thế chính trị chắc chắn, thì quyết định đầu tư, nghĩa là trao tặng cho một dân tộc có một cơ hội để thể hiện công việc của mình cho có giá trị, cũng chịu ảnh hưởng do một thái độ thiện cảm và niềm tin tưởng nơi Đấng Quan Phòng, những thái độ này cho thấy phẩm chất nhân bản của người quyết định (số 36).



(1) Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam, lấy trên mạng internet.

(2) SÄ‘d.

(3) Xem O. C. Ferrell, John Fraedrich and Linda Ferrell, Business ethics. Ethical decision making and cases, sixth edition, Houghton Mifflin Company, Boston – New York, 2006, trang 10.

(4) Xem Monique Seyler, trong Esprit, Revue internationale, số 328, Octobre 2006, Paris, trang 213-216.

(5) L. J. Lebret, “Dynamique concrète du développement”, Paris, 1961, trang 28. Có thể xem thêm trong Hiến chế mục vụ Giáo hội trong thế giới ngày nay của Công đồng Vaticano II, số 64, nói về: phát triển kinh tế để phục vụ con người.

(6) Xem Histoire des pensées économiques. Les Fondateurs, collection dirigée par Alain Gélédan, Editions Dalloz, Paris, 1993, trang 366tt.

(7) Xem Histoire des pensées économiques. Les contemporains, collection dirigée par Alain Gélédan, Editions Sirey, Paris, 1988, trang 40-47.

(8) Xem SÄ‘d., trang 48-57.

(9) Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam, lấy trên mạng internet.

(10) Những dữ liệu này được cung cấp bởi Ngân hàng thế giới. Xin xem chủ đề này của Francine MESTRUM,Mondialisation et pauvreté. De l’utilité de la pauvreté dans le nouvel ordre mondial, Paris, L’Harmattan, 2003, tr. 56.

(11) PNUD, Rapport mondial sur le développement humain 1999, tr. 36.

(12) SÄ‘d., 1998, tr. 33.

(13) SÄ‘d., 2001, tr. 19.

(14) x. GS, 35; PP, 19.


Lm. Anbêtô Nguyễn Lộc Thọ, OP.

(Nguồn: Hiệp Thông, số 40)



  In bài này    Lưu dạng file    Gửi bài này qua Email


Những bài khác:



Gửi bài
Lên đầu trang
  Tin - bài mới nhất 
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: Các bài suy niệm & chú giải Lời Chúa
Văn phòng TGM: Thông báo về Thánh lễ cao điểm Năm Thánh kỷ niệm 100 năm thành lập Tuần Chầu Lượt
Đức Giáo hoàng Phanxicô gặp Giáo chủ Giáo hội Chính thống Czech và Slovak
Giáo xứ Yên Đại: Khai mạc Tuần Chầu lượt trong Năm Thánh Thể Giáo Phận
Vòng loại Cuộc thi Tri thức Tôn giáo Cộng đoàn Vinh tại Hà Nội 2018: Cử hành và Sống Đức Tin
Chúa nhật Lễ Chúa Thăng Thiên, năm B: Các bài suy niệm & chú giải Lời Chúa
Hội Dòng Chị Em Bác Ái Gioanna Antida Thouret: Thông báo tuyển sinh năm 2018
Giáo xứ Hòa Ninh: Khánh thành nhà thờ giáo họ Minh Lệ
Tòa Giám mục Giáo phận Vinh: Thông báo Lễ Truyền chức Phó tế cho các Đại Chủng sinh khóa XII
Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh: Thông báo Khóa học âm nhạc hè 2018
Thiên chức làm Mẹ của Đức Maria
Di dân Giáo phận Vinh tại Miền Nam: Bế mạc Giải Bóng đá Truyền thống Cúp Phục Sinh lần thứ VII
Thư Rao về việc truyền chức Phó tế cho Thầy G.B. Đoàn Văn Huy
Tuần Chầu lượt tại các giáo xứ Nghi Lộc, Làng Anh và Vĩnh Phước (Hà Tĩnh)
Thánh lễ Cao điểm Tuần Chầu giáo xứ Kẻ Mui: 14 tân tòng lãnh nhận các Bí Tích Khai Tâm

  Hỗ trợ Web GPVinh 

  Nghe Lời Chúa 


  5 phút suy niệm 


  Các Giờ Kinh Phụng Vụ 


  Vị Thánh trong ngày 


  Web Lam Hồng 


  Đăng nhập/Đ. ký 
Bí danh
Mật khẩu
Mã kiểm traMã kiểm tra
Lặp lại mã kiểm tra
Ghi nhớ

  Giáo Lý - Đức Tin 


  Bác ái xã hội - Caritas 


  Tài liệu mới 
  Danh sách các thầy khóa XII được truyền chức Phó tế
  ThÆ° Rao Truyền chức Phó tế khóa XII
  ThÆ° Rao Truyền chức Phó tế khóa 12
  HÆ°á»›ng dẫn Mục vụ Thánh nhạc
  "Sống Và Yêu Thật Lòng" / Lm. Micae – Phaolô Trần Minh Huy, PSS
  Tông Huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu ThÆ°Æ¡ng) của Đức Phanxicô
  Yêu ThÆ°Æ¡ng là sứ mệnh của chúng ta - Để gia đình sống dồi dào
  Văn bản Đàng Thánh Giá do ĐTC chủ sá»± ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 03/04/2015
  Æ n Gọi Và Sứ Mạng Của Gia Đình Trong Giáo Há»™i Và Trong Thế Giá»›i Ngày Nay
  ÄÃ ng Thánh Giá thứ Sáu Tuần Thánh năm Tân Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ - 2015
Xem tiếp...

  Radio Công giáo 



Copyright © 2013 GIAOPHANVINH.NET :: All rights reserved.
Email biên tập: vinhconggiao@gmail.com || Ban quản trị: quantri@giaophanvinh.net