Giáo Phận Vinh Online http://www.giaophanvinh.net

Niên biểu Giáo Hội (1)
18.04.2008

.

NIÊN BIỂU GIÁO HỘI

   THẾ KỶ I

Khoảng (K) năm 30. Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ và môn đệ Đức Giêsu. Thánh Phêrô rao giảng ở Jerusalem. Khoảng 3.000 người trở lại xin rửa tội và họp thành cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên.

36-37 (?). Thánh Stephanus, phó tế, bị ném đá chết tại Jerusalem. Ngài là vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội. Một phần cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi phải phân tán đi khắp nơi. Sau đó ít lâu, Thánh Phaolô trở lại. Ngài trước tên là Saul, từng bách hại Giáo Hội; sau khi trở lại, ngài nhập đoàn các tông đồ thực hiện 3 cuộc truyền giáo lớn khắp vùng Tiểu Á và được mệnh danh là Tông đồ Dân ngoại.

39. Cornelius và gia đình được Thánh Phêrô rửa tội. Biến cố này nói lên sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội cho mọi dân tộc.

42. Vua Herod Agrippa bách hại Kitô hữu tại Palestine. Thánh Giacôbê Tiền là vị tông đồ đầu tiên tử đạo năm 44; Thánh Phêrô bị tống ngục; nhiều tín hữu trốn đến Antioch xứ Syria. Chính nơi đây, những người tin theo Đức Kitô được gọi là Kitô hữu.

45-49. Hành trình truyền giáo đầu tiên của Thánh Phaolô đến Antioch, Cyprus, Antioch xứ Pisidia, Listra…

48-49. Công đồng Chung đầu tiên ở Jerusalem không đòi buộc lương dân trở lại phải giữ luật Môsê.

49. Hoàng đế Claudius buộc người Do Thái phải rời khỏi Roma, vì người Do Thái và Kitô hữu tranh chấp với nhau về Đức Kitô (sử gia Sueton).

K.50. Tin Mừng truyền miệng đầu tiên được biên soạn thành văn bản, đó là bản Tin Mừng theo Thánh Matthêu bằng tiếng Aram, nhưng sau đó bị thất lạc.

50-52. Hành trình truyền giáo lần thứ 2 của Thánh Phaolô đi Listra, Phrygia, Galatia, Philippi ở Macedonia, Athens, Corinth.

51. Thánh Phaolô viết các thư gửi tín hữu Thessalonica.

53-58. Hành trình truyền giáo thứ 3 của Thánh Phaolô: Ephesus, Corinth, Galatia, Phrygia, Macedonia, Philippi, Jerusalem; trong thời kỳ này, Thánh Phaolô viết rất nhiều thư gửi các cộng đoàn.

58-63. Thánh Phaolô bị bắt ở Caesarea, rồi được giải sang Roma; ngài bị giam giữ ở Roma từ năm 61-63, sau đó được thả.

64. Hoàng đế Nero đốt thành Roma và đổ tội cho người Kitô hữu, dẫn đến cuộc bách hại dã man. Thánh Phêrô tử đạo trong dịp này.

65. Bản Tin Mừng theo Thánh Marcô được biên soạn.

65-67. Thánh Phaolô đi giảng ở Ephesus, Macedonia; sau đó, bị bắt tại Roma và bị chém đầu.

70. Titus chiếm đóng thành Jerusalem, sau đó đốt đền thờ.

K.80. Bản Tin Mừng theo Thánh Matthêu, Luca và Công Vụ Tông Đồ được biên soạn.

88-97. Triều đại Giáo hoàng Clemens I, ngài là giám mục Roma và đã gửi thư cho tín hữu Corinth.

K.95. Sách Khải Huyền, Tin Mừng theo Thánh Gioan và các thư của ngài được biên soạn. Hoàng đế Domitianus cấm đạo gắt gao ở Roma.

K.100. Thánh Gioan Tông đồ chết ở Ephesus, chấm dứt thời Tông đồ và thế hệ đầu tiên của Kitô giáo.

THẾ KỶ II

107. Thánh Ignatius thành Antioch tử đạo tại Roma. Ngài là văn sĩ đầu tiên dùng từ “Giáo hội Công giáo”.

111. Cấm đạo và bắt bớ tín hữu ở Bithinia. Thư của Pliny gửi hoàng đế Trajanus (98-117).

112. Hoàng đế Trajanus ra lệnh cho Plinius, thống đốc xứ Bithinia, đừng trục xuất Kitô hữu mà chỉ nên phạt nếu họ không chịu tế thần.

117-138. Cuộc bách hại dưới thời hoàng đế Hadrianus.

K.125. Thuyết Ngộ Đạo lan rộng. Thuyết này có từ thời các tông đồ, phủ nhận cuộc tạo dựng là công trình của Thiên Chúa, từ chối Cựu Ước, thần tính của Đức Kitô và cả sự hoàn tất cánh chung.

144. Marcion bị dứt phép thông công, vì chủ trương một thuyết Nhị Nguyên tương tự như thuyết Ngộ Đạo, có sự đối nghịch hoàn toàn giữa Cựu Ước và Tân Ước.

155. Thánh Policarpus đến Roma. Ngài là giám mục thành Smyrna, là môn đệ Thánh Gioan; sau đó, tử đạo dưới triều Marcus Aurelius (161-180).

161-180. Cơn bách hại rất nặng nề dưới triều hoàng đế Marcus Aurelius.

K.165. Thánh Justinus tử đạo; ngài là triết gia gốc Palestine đến định cư ở Roma, thúc đẩy Kitô giáo và văn minh Hy Lạp xích lại gần nhau.

170. Phong trào cực đoan do Montan khởi xướng từ miền Phrygia, Mysia và Tiểu Á. Từ việc nói tiên tri và sống khổ hạnh cho đến tham vọng thể hiện một Giáo hội duy nhất của Thần Khí, rồi tự do giải thích Thánh Kinh, Montan còn cho mình là đấng bảo trợ đến bổ túc cho sự mạc khải của Đức Kitô. Phong trào lôi cuốn cả Tertulianus, nhưng bị Thánh Giáo hoàng Zephirinus (199-217) lên án.

177. Thánh Ireneus, giám mục thành Lyon, là một nhà thần học danh tiếng về việc Phúc Âm hoá và chống lạc giáo. Ngài mất năm 202.

196. Sách Didache là sách dạy giáo lý cho người dự tòng được biên soạn. Tiếng La Tinh được dùng trong phụng vụ ở phương Tây. Phương Đông vẫn dùng tiếng Aram hoặc Hy Lạp.

THẾ KỶ III

202. Hoàng đế Septimius Severus muốn lập một tôn giáo chung trên toàn đế quốc Roma, nên bách hại đạo rất dã man.

206. Tertullianus (K.160-230), là văn sĩ La Tinh đầu tiên trở lại đạo năm 197. Ông viết nhiều sách thần học về khoa hộ giáo, chống lạc giáo; về luân lý, ông đã góp phần quan trọng vào việc hình thành ngôn ngữ thần học La Tinh.

215. Văn hào Clemens thành Alexandria qua đời. Ông là thầy của Origenes, đã trở lại Kitô giáo, viết nhiều sách cho thấy Chúa dùng triết học Hy Lạp để dọn đường cho Kitô giáo; ông sáng lập trường phái Alexandria.

220. Triều đại nhà Hán ở Trung Quốc chấm dứt. Trung Quốc bị chia thành nhiều nước nhỏ, chiến tranh liên miên đến năm 590 mới thống nhất.

232-253. Origenes (K.185-254) sinh ở Ai Cập, chuyên nghiên cứu khoa Thánh Kinh và huấn giáo, hoạt động ở Alexandria, rồi sang Caesarea miền Palestine. Công trình nghiên cứu của ông có ảnh hưởng sâu rộng trên các giáo phụ Đông và Tây Phương.

235. Thánh Hippolytus tử đạo. Ngài là vị linh mục thông thái ở Roma, xung đột với Giáo hoàng Zephirinus và Callixtus, đã có nhiều công trình nghiên cứu giá trị về thần học, chú giải Thánh Kinh và đời sống Kitô giáo ở Roma.

240-277. Lạc giáo Manicheus xuất hiện và bắt đầu lan tràn. Manicheus (K.216-277) ở Ba Tư; sau 2 lần thị kiến, bắt đầu rao giảng một giáo thuyết sai lạc gắn liền với thuyết Ngộ Đạo, siêu hình học Nhị Nguyên, phối hợp với thuyết Khổ Hạnh, bi quan đối với thân xác.

249-251. Cuộc bách hại đạo của hoàng đế Decius, nhiều người phải chối đạo vì sợ hãi, họ đã xin tha thứ và đền tội. Thánh Giáo hoàng Cornelius đồng ý với Thánh Cyprianus ban ơn đại xá sau khi các hối nhân đền tội, nhưng Novatianus chống lại sự khoan dung này và vận động được bầu làm giáo hoàng để chống lại. Thượng Hội đồng Giám mục tại Carthage đã tuyên án tuyệt thông Novatianus năm 251.

250-300. Thuyết Plato Mới do Plotinus và Porphiry chủ xướng được một số người theo.

256. Thánh Giáo hoàng Stephanus công nhận phép Rửa tội do những người lạc giáo làm cũng thành sự.

257. Hoàng đế Valerianus bách hại và muốn huỷ diệt Giáo Hội; Thánh Cyprianus tử đạo.

260. Thánh Lucianus lập trường học Thánh Kinh ở Antioch. Thánh Giáo hoàng Dionysius lên án lạc thuyết của Sabellius.

261. Hoàng đế Gallienus ra sắc chỉ tha cấm đạo.

K.292. Hoàng đế Diocletianus chia đế quốc Roma thành hai miền Đông và Tây do sự khác nhau về chính trị, văn hoá, xã hội..., tạo nên sự phát triển khác nhau giữa 2 miền trong chính Giáo Hội. Đế quốc ở phía Tây bắt đầu suy yếu.

THẾ KỶ IV

303. Cuộc bách hại khốc liệt dưới đời hoàng đế Diocletianus, nhất là vào năm 304.

305. Thánh Antonius (Antôn) sống đời ẩn tu gần Biển Đỏ bên Ai Cập và gợi hứng cho đời tu của các ẩn sĩ sau này.

K.306. Công đồng Elvira họp ở miền Nam Tây Ban Nha, công bố các điểm giáo luật về kỷ luật liên quan đến đời sống luân lý của xã hội Kitô giáo, như luật độc thân của giáo sĩ, luật không được ly dị của vợ chồng Công giáo.

311. Sắc chỉ tha đạo của hoàng đế Galerius chấm dứt sự bách hại ở Tây Phương, nhưng vẫn còn ở Đông Phương.

313. Sắc chỉ Milan của Constansti-nus Đại Đế và Licinius nhìn nhận Công giáo là tôn giáo hợp pháp trên toàn đế quốc Roma.

314. Công đồng ở thành Arles lên án phái Donatus, do Donatus là giám mục Numidia ở châu Phi chủ trương không công nhận phép Rửa tội và bí tích do thừa tác viên bất xứng ban. Công đồng còn nhấn mạnh hiệu quả bí tích bắt nguồn từ chính Đức Kitô.

318. Thánh Pachomius lập tu viện đầu tiên sống đời cộng đoàn ở Ai Cập, song song với đời ẩn sĩ.

320. Chandragupta thống nhất Ấn Độ, mở đầu chế độ phong kiến. Văn học Hindu phát triển.

325. Công đồng Chung Nicaea I lên án lạc thuyết Arius. Arius là một linh mục ở Alexandria giảng dạy sai lầm về thần tính của Đức Kitô. Công đồng soạn bản tuyên xưng đức tin (gọi là kinh Tin Kính) Nicaea xác quyết Con Thiên Chúa đồng bản tính với Chúa Cha.

326. Nhờ sự giúp đỡ của Thánh Helena, Giáo Hội tìm được Thánh Giá Chúa Giêsu.

337. Hoàng đế Constantinus nhận bí tích Rửa tội và băng hà.

361-363. Hoàng đế Julianus Phản Giáo muốn khôi phục ngoại giáo, sùng bái ngẫu tượng thay vì Kitô giáo. Cơn bách hại đạo dữ dội.

365. Sắc chỉ cấm đạo của hoàng đế Valens ở Đông Phương.

374-397. Thánh Ambrosius (340-397) là giám mục Milan, một trong 4 vị tiến sĩ vĩ đại của Giáo hội La Tinh. Ngài là con một gia đình quý tộc Roma, dù mới là dự tòng, dân chúng vẫn phấn khởi chọn ngài làm giám mục. Được rửa tội và tấn phong năm 374, ngài đã bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội trước sự chèn ép của chính quyền, ngài đã viết nhiều sách về mục vụ.

K.376. Cuộc xâm lăng của dân Man Di (Barbari) bắt đầu ở Tây Phương.

379. Thánh Basilius (K. 330-397) là giáo phụ Hy Lạp thời danh, lập nên các đan viện, khởi đầu ở Caesarea.

381. Công đồng Chung Cons-tantinople I lên án các lạc thuyết.

382. Thánh Giáo hoàng Damasus ra sắc lệnh về danh mục những sách linh hứng được Giáo Hội công nhận (gọi là Thư Quy Thánh Kinh).

382-406. Thánh Jerome (Hiero-nymus, K. 340-420) dịch bản Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước sang tiếng La Tinh (bản Vulgata) với nhiều chú giải giá trị.

392. Thánh Augustinus (354-430) làm giám mục ở Hippo (Bắc Phi). Ngài sinh ở Thagaste, dạy khoa hùng biện ở Milan, chống lại các giáo phái của Manicheus, Donatus và Pelagius, đã viết nhiều tác phẩm thần học có giá trị, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng Kitô giáo.

395. Hoàng đế Roma Theodosius chia đất nước cho 2 con: Tây Roma (gồm châu Âu và châu Phi) lấy Roma làm thủ đô và Đông Roma lấy Constantinople (Istambul ngày nay) làm thủ đô.

THẾ KỶ V

406-409. Quân Man Di xâm lăng miền Gaul và Tây Ban Nha.

410. Quân Visigoths do Alaric điều khiển, vây thành Roma.

431. Công đồng Chung Ephesus giải quyết cuộc tranh luận về ngôi vị trong Đức Kitô, nhìn nhận tước hiệu Mẹ Thiên Chúa nơi Đức Maria.

432. Thánh Patrick (K. 385-K. 461), người Anh, tới truyền giáo tại Ireland. Khi ngài mất đi, hầu như cả nước đã theo đạo, nhiều tu viện và cả hàng giáo phẩm được thiết lập.

451. Công đồng Chung Chalcedon xác định Đức Giêsu có hai bản tính trong một ngôi vị duy nhất.

452. Thánh Giáo hoàng Leo Cả thuyết phục được Attila là người Hung Nô tha cho thành Roma. Ngài đóng vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức phụng vụ Roma.

455. Quân Vandal dưới sự chỉ huy của Geiseric cướp phá Roma.

484. Acacius là giáo chủ thành Constantinople bị phạt vạ tuyệt thông, vì công khai chống lại giáo hoàng và theo phái Nhất Tín.

494. Thánh Giáo hoàng Gelasius I gửi đến hoàng đế Anastasius một bức thư công bố rằng: giáo hoàng có quyền lực trên hoàng đế trong lĩnh vực thiêng liêng.

496. Clovis (481-511), vua nước Pháp, trở lại đạo và được rửa tội. Nước Pháp theo Kitô giáo, sau khi vua Clovis và nữ hoàng Clotilde chiến thắng quân Alamani ở Tolbiac (496).

THẾ KỶ VI

520. Các tu viện ở Ireland phát triển mạnh về đời sống thiêng liêng, việc đào tạo truyền giáo và các hoạt động trí thức.

529. Công đồng Orange II lên án phái Bán-Pêlagius về một số điểm tín lý.

K.529. Thánh Benedictus (480?-543?) lập khu đan viện rất nổi tiếng tại núi Cassino. Ngài đã viết ra bộ luật cho các đan sĩ Tây Phương và tạo nên sự phát triển đời sống tu trì thời Trung Cổ.

533. Đức Joannes II là vị giáo hoàng đầu tiên đổi tên mình khi lên ngôi. Tập tục này mãi đến thời Đức Sergius IV (1009) mới phổ biến.

533-534. Hoàng đế Justinianus công bố bộ Dân Luật (Corpus Iuris Civilis) cho toàn đế quốc Roma. Bộ luật này ảnh hưởng tới bộ Giáo luật sau này.

K.545. Dionysius Exiguus qua đời. Ông là người đầu tiên có sáng kiến chia lịch sử thành hai thời kỳ trước Đức Kitô (B.C.: Before Christ) và sau Đức Giêsu Kitô (A.D.: Anno Domini). Ông lấy năm sinh của Đức Kitô làm chuẩn. Nhưng cách tính của ông lại sai mất vài năm.

553. Công đồng Chung Cons-tantinople II được triệu tập.

585. Thánh Columban, người Ireland (540-615), lập đan viện Luxeuil. Tu viện còn là nơi để học tập và nghiên cứu. Đây là hình thức trường học Công giáo đầu tiên. Ngài còn lập nhiều tu viện cho các nữ tu sống đời cộng đoàn.

589. Công đồng Toledo được triệu tập ở Tây Ban Nha. Người Visigoth từ bỏ lạc giáo Arius và Thánh Léander bắt đầu phục hưng Giáo hội ở Tây Ban Nha. Ngài viết bản luật dòng đầu tiên cho các nữ đan sĩ.

590. Thánh Giáo hoàng Gregorius Cả (590-604) củng cố giáo quyền ở Tây Phương, thiết lập mối liên hệ với các vương quốc Man Di, khuếch trương nỗ lực truyền giáo, thiết lập phụng vụ Roma, cổ vũõ mạnh mẽ luật cho các tu sĩ và luật độc thân giáo sĩ. Nhạc Bình ca mang tên ngài.

596. Giáo hoàng Gregorius sai Thánh Augustinus miền Canterbury cùng với 40 thầy dòng sang truyền giáo tại nước Anh.

597. Thánh Columban (521-597) qua đời. Ngài là vị truyền giáo nhiệt thành người Ireland, và truyền giáo rất thành công ở Scotland.

THẾ KỶ VII

622. Năm đầu tiên của kỷ nguyên Hồi giáo do Đức Mohamed (K.570-632) sáng lập khi chuyển đến Medina (Hegira). Đức Mohammed sinh tại Mecca. Với tư cách là sứ giả của Đức Allah, ngài nhắc đến sự phán xét gần đến của Thiên Chúa và chủ trương một thuyết độc thần chặt chẽ. Vào cuối thế kỷ này, Hồi giáo đã lan rộng khắp miền Trung Đông.

629. Hoàng đế Đông Phương Heraclius chuộc lại được Thánh Giá từ tay người Ba Tư.

636. Thánh Isidore (K. 560-636) là giám mục Seville ở Tây Ban Nha, được coi như vị giáo phụ sau cùng của Giáo hội Tây Phương, đã soạn nhiều tác phẩm tôn giáo, nhất là cuốn Bách Khoa về thế giới Hy Lạp và Roma ngoại giáo, là người có ảnh hưởng rất lớn trong thời Trung Cổ.

664. Thượng Hội đồng Giám mục Anh ở Whitby chấp nhận những luật lệ trong phụng vụ Roma, nhất là thời gian biểu cho việc mừng lễ Phục Sinh.

680-681. Công đồng Chung Constantinople III được triệu tập, chấm dứt cuộc tranh luận về thuyết Nhất Ý, xác quyết hai ý chí và hai loại hoạt động nơi Đức Kitô.

692. Thượng Hội đồng Trullan họp ở Constantinople: các giám mục Đông Phương ấn định các vấn đề kỷ luật trong Giáo Hội, như luật độc thân cho giáo sĩ, chấp thuận cho lập gia đình trước khi nhận chức phó tế và ngăn cấm tái hôn sau khi vợ chết. Các giáo hoàng bác bỏ một phần các kỷ luật này. Sự đối lập giữa Giáo hội Đông Phương và Tây Phương trở nên gay gắt.

THẾ KỶ VIII

711. Quân đội Hồi giáo bắt đầu xâm chiếm Tây Ban Nha.

723. Thánh Boniface (K.675-K.745), đan sĩ người Anh, sinh ở Winfrid, được thăng chức giám mục, đã có công đưa dân Phổ (Đức) trở lại Kitô giáo và lập hàng giáo phẩm tại đây. Ngài tử đạo ở Frise năm 755.

726. Hoàng đế Leo III tạo nên phong trào chống việc tôn kính ảnh thánh và di hài các thánh, đó là phái Phá Huỷ Ảnh Thánh.

731. Giáo hoàng Gregorius III trong Thượng Hội đồng ở Roma lên án phái Phá Huỷ Ảnh Thánh và tuyên bố việc tôn kính ảnh tượng hợp với truyền thống Công giáo.

732. Charles Martel thắng quân Hồi giáo ở Poitiers, chặn đường tiến quân của họ về phía Tây.

744. Thánh Sturmi lập đan viện Fulda. Ngài là môn đệ của Thánh Boniface. Tu viện này góp phần tích cực trong việc truyền bá Tin Mừng sang Đức.

750. Thánh Joannes Damascenus, đan sĩ đan viện Sabas ở Jerusalem, qua đời. Ngài được coi là vị Giáo phụ Hy Lạp cuối cùng bảo vệ việc tôn kính ảnh thánh.

754. Giáo hoàng Stephanus III trao vương miện cho hoàng đế Pépin cai trị nước Pháp. Pépin từng sang Ý hai lần giải vây cho giáo hoàng bị quân nhà Lombard bao vây; chiếm được nơi nào ông đều dâng kính giáo hoàng. Vua Charlemagne (768-814), con của ông sau này cũng chiếm và cho thêm đất đai(733). Từ đó, hình thành nên nước của Toà Thánh.

781. Alcuin (735-804), nhà thần học và là văn sĩ người Anh, được vua Charlemagne trao nhiệm vụ tổ chức quốc tử giám, nơi đây trở thành trung tâm đào tạo các trí thức lãnh đạo đất nước.

787. Công đồng Chung Nicaea II lên án phái Phá Huỷ Ảnh Thánh và thuyết Dưỡng Tử. Đây là Công đồng được Giáo hội Chính Thống công nhận.

THẾ KỶ IX

800. Giáo hoàng Leo III đội vương miện cho vua Charlemagne vào ngày lễ Giáng Sinh.

813. Hoàng đế Đông Phương Leo V, người Armenia, lại ủng hộ phái Phá Huỷ Ảnh Thánh.

843. Hoà ước Verdun chia vương quốc Pháp cho ba người cháu của vua Charlemagne cai trị, hình thành nước Pháp-Phổ.

844. Tranh luận về sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể từ sách của Paschasius Radbertus, Ratramnus và Rabanus Maurus; nhờ đó, các từ ngữ thần học phát triển.

846. Quân đội Hồi giáo xâm lăng nước Ý và tấn công Roma.

848. Công nghị ở Mainz (Đức) lên án Gottschalk về thuyết Tiền Định; sau đó, công nghị ở Quierzy năm 853 cũng vậy.

863. Thánh Cyrillus (827-869) và Thánh Methodius (+885) truyền giáo cho dân tộc Slave, lập ra chữ Nga và dịch Thánh Kinh ra tiếng bản quốc.

865. Người Bulgari theo Kitô giáo.

867. Photius (810-891) truất quyền giáo chủ Constantinople của Đức Ignatius và tuyệt giao với các giáo hoàng ở Roma, làm trầm trọng thêm mối giao hảo kém tốt đẹp giữa Đông và Tây. Người Serbia theo Kitô giáo.

869-870. Công đồng Chung Constantinople IV lên án phái Phá Huỷ Ảnh Thánh và truất quyền thượng phụ giáo chủ Photius. Đây là Công đồng cuối cùng được tổ chức ở Đông Phương.

871-900. Triều đại vua Alfred Đại Đế. Ông là vị vua độc nhất của nước Anh được xức dầu tấn phong ở Roma.

THẾ KỶ X

910. Quận công William lập tu viện Cluny dòng Benedictin, về sau trở thành trung tâm canh tân đời tu sĩ và giáo sĩ, đặc biệt tại Pháp.

911. Rollo được rửa tội. Ông là tướng của quân Normandy, đã chiếm Paris từ năm 886. Người dân Normandy theo Kitô giáo.

915. Giáo hoàng Joannes X đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy quân Saracens ra khỏi miền Trung và Nam nước Ý.

955. Thánh Olga, thuộc hoàng gia Nga, được rửa tội.

962. Otto I, đại đế nước Đức, được Giáo hoàng Joannes XII đội vương miện. Ông làm sống lại vương quốc của vua Charlemagne và sau này thành vương quốc Roma.

966. Mieszko, nhân vật hàng đầu thuộc hoàng tộc Ba Lan, được rửa tội. Ông đem tinh thần Kitô giáo La Tinh vào Ba Lan.

985. Thánh Stephanus, vua nước Hungari, được rửa tội. Ngài giúp thiết lập hàng giáo phẩm và dân nước này theo Kitô giáo. Ngài lên ngôi vua năm 997.

988-989. Đại công tước Vladimir của miền Kiev (Nga) ký hoà ước với hoàng đế Đông Phương, ông đã trở lại đạo, chịu phép Rửa tội; và người Nga đón nhận Tin Mừng.

993. Giáo hoàng Joannes XV ấn định thể thức tuyên thánh cho toàn thể Giáo Hội khi phong thánh cho Giám mục Ulrich miền Augsburg.

999. Đức Sylvester II là người Pháp đầu tiên lên ngôi giáo hoàng.


Xem tiếp



URL của bài này::http://www.giaophanvinh.net/modules.php?name=News&op=viewst&sid=2073

© Giáo Phận Vinh Online contact: admin1@giaophanvinh.net