GPVMenu

 Phim Công giáo online 

 Lịch Phụng vụ GP Vinh 

 Giờ lễ tại các nhà thờ 

 Quỹ Học bổng NTT 

 Giấy tờ - Chứng chỉ 

 ĐCV Vinh Thanh 


_READMORE
 Gia đình Web Giáo phận 
Lam Hồng (Đức tin & VH)

Phim Công giáo

Thánh Ca Online

ĐCV Vinh Thanh

Hội dòng MTG Vinh

Quỹ Học Bổng NTT

GĐ Thánh Tâm GP Vinh

Doanh nhân GP Vinh

Giáo xứ Bảo Nham

Giáo xứ Hòa Ninh

Giáo xứ Làng Rào

Giáo xứ Nghi Lộc

Giáo xứ Tân Lộc

Giáo xứ Trung Nghĩa

Sinh viên CG Vinh

CĐ Vinh Hà Nội
 Tra cứu bài viết 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
 <  > 
 Thống kê truy cập 
 Khách: 24
 Thành viên: 000
 Tổng cộng 024
 Lượt tr.cập 055478560
 Từ điển online 
TỪ ĐIỂN ONLINE

 Bookmark & Share 

website security
 
Diễn đàn Giáo Phận Vinh 24.04.2024
DIỄN ĐÀN GIÁO PHẬN VINH :: Xem chủ đề - Nói móc (chuyện phiếm Gã Siêu)

 Chào mừng bạn đến với diễn đàn GIAOPHANVINH.NET


 Xem bài chưa có ai trả lời 
Đăng ký làm thành viênĐăng ký làm thành viên 

gửi bài mới Trả lời chủ đề này DIỄN ĐÀN GIÁO PHẬN VINH -> Phiếm luận - Phiếm đàm
 Bạn đang theo dõi chủ đề ở chuyên mục : Phiếm luận - Phiếm đàm 
Người đăng Thông điệp
dangngocan
Quản trị viên
Quản trị viên


 

Ngày tham gia: 13/11/2007
Bài gửi: 2466
Số lần cám ơn: 1
Được cám ơn 295 lần trong 287 bài viết

Bài gửigửi: 20.05.2010    Tiêu đề: Nói móc (chuyện phiếm Gã Siêu) Trả lời với trích dẫn nội dung bài viết này

NÓI MÓC


Hồi còn bé, gã đã thích thú khi đọc câu chuyện, cũng như khi xem cuốn phim về Đavít và Goliát. Theo Kinh thánh, lúc bấy giờ người Do Thái và quân Philitinh đang dàn trận đánh nhau. Bên quân Philitinh có Goliát, một tên khổng lồ; còn bên người Do Thái, có Đavít, một cậu bé chăn chiên. Sáng nào cũng thế, Goliát đều đến trước doanh trại của người Do Thái mà khích bác:

- Sao chúng bay không xông ra trận? Hãy chọn lấy một người và nó hãy xuống đây với ta. Nếu ta mạnh hơn nó và hạ được nó, thì chúng bay sẽ làm nô lệ và hầu hạ chúng tao.

Vua Saun và toàn thể dân Do Thái nghe những lời ấy, thì sợ hãi lắm. Nhưng Đavít nói với nhà vua:

- Xin đừng ai ngã lòng vì hắn ta. Tôi tớ ngài đây sẽ đi chiến đấu với tên Philitinh ấy.
Khi nhìn thấy Đavít, Goliát liền tỏ vẻ khinh dể và nói:

- Tao là chó hay sao mà mày cầm gậy đến với tao…Tao sẽ đem thịt mày làm mồi cho chim trời và dã thú.

Đavít bảo Goliát rằng:

- Mày mang gươm mà đến với tao. Còn tao đến với mày nhân danh Đức Chúa các đạo binh. Ngay hôm nay, Đức Chúa sẽ nộp mày vào tay tao và tao sẽ làm cho đầu mày lìa khỏi thân.

Khi Goliát bắt đầu xông lên, Đavít liền thọc tay vào bị, lấy ra một hòn đá, rồi dùng dây phóng mà ném trúng vào trán Goliát. Hòn đá cắm sâu vào trán, khiến hắn ngã sấp mặt xuống đất. Thế là Đavít đã chiến thắng Goliát chỉ nhờ một dây phóng và một viên đá cuội. Nhưng vì trong tay không có gươm, Đavít bèn chạy đến, đứng trên xác hắn, lấy gươm của hắn mà chặt đầu hắn.

Theo truyện “Tam quốc chí diễn nghĩa” do Tử Vi Lang dịch, thì vào cuối đời nhà Hán, Trung Hoa lục địa bị phân thành ba nước, làm nên cái thế “chia ba chân vạc”, đó là nước Thục ở phía tây do Lưu Bị cai quản, nước Ngô ở phía đông do Tôn Quyền cầm đầu và nước Nguỵ ở phía bắc do Tào Tháo thống lãnh. Chiến tranh và loạn lạc xảy ra trong khắp cả thiên hạ. Tuy nhiên, có điều gã nhận thấy đó là trước mỗi cuộc giao tranh, bên này thường khích bác bên kia, còn bên kia lại thường chửi bới bên này một cách thậm tệ. Giống như một lượng dầu được đổ vào lửa và làm cho ngọn lửa bùng lên, thì những lời khích bác và chửi bới ấy cũng đã làm cho binh lính của cả đôi bên hăng tiết vịt. Và thế là họ hùng hổ xông ra chiến trận và hăng say chém giết lẫn nhau.

Từ những sự việc kể trên gã đi vào đề tài của mục chuyện phiếm hôm nay bàn về “nghệ thuật nói móc”. Hẳn rằng mọi người đều biết ngôn ngữ và tiếng nói là một thứ quà tặng, được Thượng Đế trao ban cho con người, để họ dùng làm phương tiện liên hệ với nhau. Vì thế, chúng ta có thể xác quyết một cách mạnh mẽ: Người là một con vật có ngôn ngữ, có tiếng nói.

Dĩ nhiên, gã không phủ nhận nơi con vật cũng có một thứ ngôn ngữ, một thứ tiếng nói nào đó, để diễn tả những ước muốn của chúng, nhưng dầu sao thì thứ ngôn ngữ và tiếng nói ấy, cứ tạm gọi là như thế, vẫn còn ở trong tình trạng ấu trĩ. Chỉ có ngôn ngữ và tiếng nói nơi con người mới thực sự liên tục phát triển và tiến tới một trình độ nghệ thuật mà thôi.

Thế nhưng, tuỳ theo phương thức sử dụng, ngôn ngữ và tiếng nói có thể mang tính cách xây dựng hay phá đổ. Thực vậy, có những lời nói chân thành, những lời nói an ủi và khích lệ đã làm cho con người hiểu nhau hơn, nhờ đó xích lại gần nhau hơn. Nhưng đồng thời cũng có những lời nói độc địa, những lời nói vu khống và cáo gian, làm cho người khác bị thân bại danh liệt, khơi rộng mối hận thù, vốn dĩ đã từng âm ỉ trong cõi lòng mỗi người.

Và theo thiển ý của gã, một trong những loại ngôn ngữ đem lại hậu quả tàn phá, đó là nói móc. Thực vậy, mở bất kỳ một cuốn tự điển Việt Nam ra đễ tra cứu, gã đều thấy phạm trù “nói” của người mình thật là phong phú. Chẳng hạn trong cuốn “Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức, gã đếm được cả thảy hơn sáu trăm chữ được ghép với chữ “nói”, từ “nói ấm ớ” đến “nói xiên nói xéo”…Quả là tuyệt vời! Vậy thế nào là nói móc? Tuỳ theo mức “đậm đặc” và ý đồ đen tối của đương sự, nói móc có những cấp bậc khác nhau. Đầu tiên là nói bóng nói gió, tức là nói một cách xa xôi để người ta hiểu ngầm, thường là với những lời hai ý. Tiếp đến là nói mát, tức là mỉa mai người ta một cách nhẹ nhàng cho thoả nỗi tức giận của mình. Thế nhưng đó mới chỉ là những món khai vị, còn món chính thì gồm có: Nói kháy là nói với giọng điệu khiêu khích; nói móc là cố ý chọc tức, nói thế nào cho người ta phải bực bội. Cũng trong phạm vi này, còn có nói xỏ, nói xóc, nghĩa là chọc cho người ta tức, nói cho người ta giận. Sau cùng, theo ngôn ngữ của người Hà Nội, còn có nói đểu, nghĩa là nói với đầy ác ý cốt để cho người khác phải tức giận đã đành, mà còn bồi thêm một cú mỉa mai và khinh bỉ.

Theo một vài nhà “ngâm kíu”, thì nói móc là một thứ đặc sản của dân ta. Nó không phải chỉ là “tuyệt chiêu” của các bà các cô, mà nhiều lúc còn trở thành “độc chiêu” của giới mày râu nữa. Thí dụ: Ta chẳng ưa gì một anh hàng xóm, nhưng lại không dám nói thẳng ra, và thế là ta bèn nói kháy, nói móc, khiến cho hắn tức như bị bò đá mà vẫn cứ phải nín khe. Hắn càng bực, càng tức, thì ta lại càng hả hê, khoái cái miệng và sướng cả cõi lòng.

Thí dụ: Một đứa bé học trò nghịch ngợm trong lớp, bị ông thầy đánh cho ba roi. Trong khi ông thầy quất cái roi xuống, đứa bé theo phản xạ bèn đưa tay ra đỡ. Chẳng may cái roi dụng phải cái móng tay đứa bé và làm cho nó chảy máu. Đứa bé nước mắt lưng tròng chạy về nhà kể lể và tả oán với bố nó. Ông bố cáu tiết bèn làm một màn nói móc và chửi đổng. Ông ta vừa chạy dọc theo con đường duy nhất trong làng, vừa quát tháo ầm ĩ :

- Tiên sư bố nó! Nó không đẻ, nó không đau, nó dám đánh con người ta như thế kia à. Tiên sư bố nó!

Thậm chí ngay cả quí vị con nít cũng học đòi bắt chước người lớn mà nói móc, nói kháy. Thí dụ: Tí đến nhà Tèo chơi. Vì đang học đàn, nên Tèo hí hửng lấy cây guitar và gẩy biểu diễn mấy bài liền, sau đó quay sang hỏi Tí:

- Bạn thấy bài nào hợp với mình nhất?

Suy nghĩ một lát, Tí lắc đầu và nói:

- Trong số những bài này, thì mình không hay, nhưng mình biết có một bài rất hợp với bạn.

Tèo mừng húm:

- Bài nào vậy?

Tí tỏ vẻ bí mật, nói nhỏ vào tai Tèo:

- Bài “Đập vỡ cây đàn”.

Nói xong, Tí ôm bụng cười ngặt nghẹo, còn Tèo thì bực tức, muốn cho thằng bạn xỏ lá xơi mấy cú đấm vào mặt.

Như trên gã đã xác quyết: nói móc là một trong những cách thức mau chóng phá đổ tình nghĩa trong lãnh vực đời thường, cũng như trong phạm vi cuộc sống gia đình và để lại những hậu quả thảm khốc, khó mà lường nổi, nhất là khi người ta móc quá sâu và quá đậm. Gã xin mượn đỡ một vài kinh nghiệm của tác giả Trần Triều trong bài “Bệnh kháy”, được đăng tải trên báo “Phụ Nữ Thứ Ba” số ra ngày 18.8.2009, để minh chứng cho sự thật trên.

Trước hết là trong lãnh vực đời thường.

Một tốp thanh niên ngồi uống bia trong quán, một tốp khác cũng vào và ngồi ở bàn bên cạnh. Tốp này “kháy” với tốp kia:

- Chúng mày muốn uống bia thì phải gọi chúng tao bằng ông nội, không thì ăn đòn.

Một tên tốp kia hung hăng tiến tới, nhưng bất ngờ bị ngáng chân té lăn cù trên đất. Tốp này cười ồ lên. Thế là cả tốp kia rút lui có trật tự, nhưng chỉ một lát sau liền trở lại với dao phay và mã tấu. Hỗn chiến xảy ra, khiến một em chết liền tại chỗ!!!

Tiếp đến là trong phạm vi cuộc sống gia đình

Hai vợ chồng đang ngồi xem phim với nhau, đến đoạn nhân vật nam ngoại tình, chị vợ bèn phán:

- Cái thứ đàn ông mèo mả gà đồng, trăng hoa cho lắm. Một vợ thì nằm giường lèo, hai vợ thì nằm chèo queo, ba vợ thì ra chuồng heo mà nằm.

Anh chồng nóng mặt vì thừa biết chị mượn nhân vật trong phim để “bóp” cái vết thương cũ của mình. Một năm trước, anh theo công trình xây dựng xuống Kiên Giang, và ở đây anh đã léng phéng với cô bán cà phê, nhưng đã giải quyết dứt điểm. Chuyện tuy đã qua, nhưng hễ có dịp là chị vợ lại “móc” cho một phát. Phim đến đoạn nhân vật nữ nổi cơn ghen, anh liền “tung đòn”:

- Cái thứ đàn bà mà ghen quá đáng, có ngày mất chồng không hay. Thằng này đã bực lên rồi thì bỏ hết, bất chấp tất cả.

Từ chỗ đang cùng ngồi coi phim một cách đầm ấm, bỗng cả hai quay ra hầm hè, cố tìm những cách nói làm “đối phương” càng đau, thì mình càng “đã”. Từ chỗ anh anh, em em, bỗng biến thành thằng nọ, con kia. Chuyện chưa kết thúc. Bực mình chị vùng vằng bỏ vào buồng, nhưng không quên quăng lại một câu:

- Coi cái phim này, khối thằng đàn ông sáng mắt ra, bồ bịch lăng nhăng thì cứ chuồng heo mà nằm.
Anh nổi điên:

- Nằm chuồng heo còn hơn nằm với con đàn bà điêu ngoa. Thật hết chịu nổi.

Chỉ vì mấy câu nói móc mà vợ chồng đang sống chung hoà bình, bỗng chuyển biến thành chiến tranh!

Một trường hợp tương tự khác. Anh tay trắng từ miệt vườn lên Saigon lập nghiệp, cưới được chị là con gái một gia đình khá giả. Thế nhưng, mẹ ruột anh lại có tính hay “bòn”, mỗi lần lên thăm anh, đều xin một vài món lặt vặt trong nhà, mà bà cho rằng các con “thừa”, không dùng đến. Chị thì chỉ “bằng mặt chứ không bằng lòng”. Còn anh thì lại chẳng quan tân đến mấy chuyện vặt vãnh đó. Vấn đề là sau mỗi lần mẹ chồng ra về, chị lại móc:

- Tôi ghét nhất mấy kẻ đến đâu cũng góp góp nhặt nhặt. Đồ của người ta mà cứ nghĩ là không dùng đến, rồi năn nỉ ỉ ôi.

Anh nghe mà nổi nóng, vì thấy mẹ mình bị xúc phạm:

- Cô muốn gì, thì nói thẳng ra, chứ đừng bóng gió như thế.

Chị trêu ngươi:

- Tôi nói vu vơ vậy đó. Ai có tật thì giật mình.

Anh lại càng tức điên lên, nhưng nếu mắng mỏ thì xoàng quá, phải móc lại mới được. Anh nhẹ nhàng bảo:

- Ừ, họ gom hết đồ của con trai về xài, còn hơn cái ngữ lén chồng, gom của nhà mình đưa về nhà mẹ. Mà nhà mẹ có khó khăn gì đâu, rặt một lũ lười chảy thây ra đó.

Đến lượt chị tức anh ách, nhưng đành phải nín thinh bỏ đi một mạch, bởi vì anh biết chị lén “tiếp tế” cho nhà ngoại từ lâu, nhưng làm thinh, vì nghĩ chuyện cũng chẳng đáng gì. Nhưng khi bị vợ “nói đểu”, anh đã không dằn lòng được.

Một lần khác, anh tỏ ra hào hiệp cho người bạn thân vay tiền mua xe. Biết có “xin”, thì chị cũng chẳng “cho”, nên anh bèn “tiền trảm hậu tấu”. Sau khi nghe anh “tấu”, thì điều thật lạ lùng, đó là chị không nổi giận mà lại tỏ ra dửng dưng, khinh khỉnh. Biết mình có lỗi, anh bấm bụng cho qua, coi như “kết thúc vụ án”. Vậy mà một lần chị bâng quơ nói với con:

- Khi lớn, con cố mở to mắt ra mà nhìn, chứ đừng có khôn nhà dại chợ nhé con.
Chỉ nghe câu nói đó, anh đã hất chiếc tivi bể tan, đập bẹp thêm chiếc quạt máy, rồi hầm hầm bỏ đi.

Kinh nghiệm cho thấy: Khi mâu thuẫn xảy ra, thà rằng hét toáng lên cho hả giận, hoá ra lại hay hơn là nhẹ nhàng “sửa lưng nhau”, bởi vì việc cãi vã to tiếng sẽ sớm đi vào lãng quên, còn nói kháy lại gây nên những vết thương lòng âm ỉ và dai dẳng. Những cặp vợ chồng xung đột trực tiếp, xem ra lại ở bền với nhau hơn những cặp chơi trò nói móc. Nhiều khi cái “bệnh móc” này thấm sâu vào lục phủ ngũ tạng, đến nỗi một chuyện nhỏ cũng trở thành chuyện lớn. Chẳng hạn, anh chồng húp bát canh thấy mặn, thay vì nói thẳng, thì lại kháy:

- Canh hôm nay nhạt nhỉ?

Chị vợ bực vì bị chồng “nói đểu”, tức vì đã là vợ chồng với nhau mà lại không trao đổi thật lòng. Chuyện nhỏ bị móc sẽ hoá thành chuyện lớn. Và chuyện lớn bị móc thêm, sẽ dễ nổ tung như lựu đạn.

Một anh chồng đã tâm sự như sau: Hồi mới cưới, chúng tôi cũng đã từng nói kháy với nhau dữ lắm. Tôi quyết tâm sửa là vì sau mỗi lần nói móc, dù đạt được mục đích tức thời là làm cho vợ tức điên lên, nhưng sau đó ngẫm lại, tôi thấy bản thân mình cứ hèn hèn sao ấy… Ngược lại, vợ bóng bóng gió gió, tôi cũng tức điên lên và ghét cay ghét đắng cái tật ấy. Từ đó, mỗi lần vợ mở miệng ra định móc, tôi liền cương quyết:

- Muốn nói gì thì nói thẳng, hoặc đừng nói gì cả.

Dần dần thói quen nói thẳng và nói thật được hình thành. Ngồi vào bàn ăn thấy thiếu tương ớt thì nói thẳng:

- Em ơi, còn thiếu tương ớt.

Chứ hồi mắc bệnh “móc”, thế nào tôi cũng kháy:

- Hình như độ này em chăm làm đẹp quá, sợ mặt nổi mụn nên kiêng ăn tương ớt đó à?

Tóm lại, các cụ ta ngày xưa đã bảo:

- Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật.

Hay như một câu danh ngôn cũng đã khuyên nhủ:

- Hãy ngoáy lưỡi bảy lần trước khi nói.
Có nghĩa là hãy thận trọng trong lời nói, để mỗi lời chúng ta nói ra sẽ là một góp phần vào xây dựng bầu khí hoà thuận và bắc được một nhịp cầu cảm thông:

- Lời nói chẳng mất tiền mua,

Liệu lời mà nói cho vừa lòng nhau.



Xem thông tin cá nhân của thành viên gửi tin nhắn
Trình bày bài viết theo thời gian:   
« Xem chủ đề trước | Xem chủ đề kế »
gửi bài mới Trả lời chủ đề này DIỄN ĐÀN GIÁO PHẬN VINH -> Phiếm luận - Phiếm đàm


 
Chuyển đến
 
Bạn không có quyền gửi bài viết
Bạn không có quyền trả lời bài viết
Bạn không có quyền sửa chữa bài viết của bạn
Bạn không có quyền xóa bài viết của bạn
Bạn không có quyền tham gia bầu chọn
Bạn không được phép gởi kèm file trong diễn đàn
Bạn có thể download files trong diễn đàn


Copyright © 2013 GIAOPHANVINH.NET :: All rights reserved.
Email biên tập: vinhconggiao@gmail.com || Ban quản trị: quantri@giaophanvinh.net