.......... .

 

ĐỨC GIÁM MỤC
YVES MARIE CROC (HÒA)

Ngài sinh ngày 30.6.1829 tại làng Contréven (Pháp), học tiểu chủng viện Tréguiner và Đại chủng viện St. Brieuc, nhập Hội thừa sai Paris ngày 27.12.1851, thụ phong linh mục ngày 17.12.1853 và sang ở Giáo phận Nam Bắc Kỳ ngày 22.3.1854.

Trong mấy năm đầu, sống trong Giáo phận, Ngài phải ẩn nấp trong các tư gia hoặc trong rừng hoặc dưới ghe thuyền xuôi ngược trên các nguồn Sông Giang.

Năm 1859, lúc cuộc bách hại lên cao độ, Người theo Đức Cha Gauthier Ngô Gia Hậu đi với Đô Đốc Rigault de Genouilly phụ trách ngành thông dịch viên quân sự. Ngài đi theo làm tuyên uý cho quân đội Pháp trong cuộc đánh chiếm Sài Gòn, Chí Hoà và Bà Rịa.

Sau Hoà Ước ngày 5.6.1856, Ngài được sung vào phái đoàn thừa sai yết kiến Triều đình Huế với mục đích thăm dò dư luận để xin tái lập tự do tôn giáo ở miền Trung. Về sau Người chỉ được phép ra tới Đồng Hới tỉnh Quảng Bình và bị giữ ở đó 3 tháng. Cuối cùng Ngài bị từ chối không cho về tới Giáo phận.

Đến năm 1857, sau một cuộc thăm dò thứ hai, Người theo lệnh của Đức Gám mục Gauthier Ngô Gia Hậu phải trở vào Sài Gòn, vì sợ một cuộc bách hại thứ hai. Trong thời gian đó, Người được cử làm tuyên uý cho Dòng Carmel và Dòng Thánh Paulô tục gọi là Nhà Trắng Sài Gòn.

Lúc trở về Giáo phận, Người được Đức Cha Gauthier Ngô Gia Hậu giao đặc trách vùng Bố Chính. Năm 1866, nhân dịp đi triều yết Roma, Đức Cha Gauthier đặt thừa sai Croc Hoà làm Tổng Đại Diện thay thừa sai Barlier Tâm qua đời ngày 8.4.1865, đồng thời để quản trị Giáo phận thay cho Ngài đi vắng.

Năm 1868, Người được Đức Cha Gauthier Ngô Gia Hậu đề cử làm Giám Mục phụ tá với toà hiệu Laranda, nghĩa là cùng một toà hiệu như Đức Cha Phó Masson Nghiêm trước kia.

Đức Cha Croc Hòa Giám mục phụ tá

Lễ tấn phong diễn ra tại nhà thờ Xã Đoài ngày 7.6.1868. Sau lễ tấn phong 17 ngày, tức là ngày 24.6.1868, Đức Cha Gauthier Ngô Gia Hậu đã giao hẳn cho Đức Cha Phụ tá Croc Hoà nhiệm vụ điều tra lập án năm vị tử đạo tiên khởi Giáo phận Vinh là linh mục Tuỳ, Đức Cha Cao, linh mục Khoa, linh mục Điểm và Thầy Tự.

Sách “Truyện Sáu Ông Phúc Lộc” viết: “Đức Cha Hậu được thư ấy tháng 5.1868, liền giao việc làm án tử đạo về năm ông Đáng kính là Đức Cha Cao, Cụ Tuỳ, Cụ Điểm, Cụ Khoa, Thầy Tự cho Đức Cha phó Hoà mới chịu chức. Đức Cha cách mười bảy ngày, cùng đặt Người làm Giám tra là ngày 24.6.1868”.

“Đức Cha phó làm việc ấy, nghĩa là đòi chứng cớ chắc chắn, hỏi tra những kẻ biết việc các ông Đáng kính ấy rõ ràng và cả viết lời thưa lại, cả dịch ra tiếng Lating, cùng viết đủ bản và khảo lại, thì bốn năm đấng làm hơn ba năm mới xong là ngày 2.6.1868 cho đến ngày 26.10.1871 là ngày việc đã hoàn thành, Đức Cha Hậu viết thư lại tâu Toà Thánh: Rồi lựa dịp mà gửi một bản sang thành Roma, còn hai bản gửi nơi vững chắc mà giữ đó cho khỏi mất, là ngày 26.7.1875”. (Truyện Sáu Ông Phúc Lộc, tr. 216-217).

Chính vì công việc điều tra khó khăn, vất vả mất nhiều thời giờ như thế, cho nên trong sách “Truyện Sáu Ông Phúc Lộc” ở đầu mỗi trang tiểu sử các vị ấy trong phần chú thích đều ghi rõ vụ án của mỗi vị đã thực hiện ở đâu, do ai và mất bao nhiêu ngày tháng…Tiếc rằng mấy trang đầu tiểu sử linh mục Lê Tuỳ của hai cuốn sách hiện được dùng bị mất, nên không ai ghi được án vụ này đã được Đức Cha phó Hoà thực hiện ở đâu và bao lâu. Còn trong năm vị khác điểm này được ghi rõ ràng chính xác:

Đức cha Borie Cao : Các hồ sơ án vụ tuyên phong Á thánh của Người được Đức Cha phó Croc Hoà thừa uỷ nhiệm Đức Cha Gauthier Ngô Gia Hậu thực hiện và điều tra tại các Giáo xứ Hướng Phương, Đan Sa, Cồn Nâm, Cồn Dừa, từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1868(Truyện Sáu Ông Phúc Lộc, tr.42).

Linh Mục Phêrô Vũ Đăng Khoa : "Các hồ sơ án vụ tuyên phong Á thánh được Đức Cha phó Croc Hoà thừa uỷ nhiệm Đức Cha Gauthier, thực hiện từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1868 tại Hướng Phương và nhất là tại Cồn Dừa” (Truyện Sáu Ông Phúc Lộc, tr.151).

Linh mục Vincentê Nguyễn Thời Điểm : “Các hồ sơ án vụ tuyên phong Á thánh được Đức Cha phó Croc Hoà thừa uỷ nhiệm Đức Cha Gauthier thực hiện tại Hướng Phương, Đan Sa và Cồn Nâm từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1868. và hồ sơ về hài cốt tại Hướng Phương ngày 14.10.1771 do Đức Cha Croc Hoà phụ tá Đức Cha Gauthier” (Truyện Sáu Ông Phúc Lộc, tr.167).

Thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự : “Các hồ sơ án vụ tuyên phong Á thánh được Đức Cha phó Croc Hoà thừa uỷ nhiệm Đức Cha Gauthier thực hiện tại Bố Chính từ tháng 8 đến tháng 12 năm 1868… Một phần nữa do việc lưu trữ hài cốt của Người ở Xã Đoài từ ngày 26 đến ngày 30 tháng 4 năm 1871 do hai Đức Cha Gauthier và Đức Cha Croc Hoà” (Truyện Sáu Ông Phúc Lộc, tr.188).

Sau khi hoàn thành các vụ án tuyên thánh nói trên, đến năm 1870, Người được hân hạnh đi tham dự Công Đồng Vatican I tại Roma. Năm 1871 trở về Giáo phận, Người lại vào đặc trách vùng Bình Chánh. Năm 1875 Người đi kinh lý mục vụ trong toàn vùng, tha vạ xuất giáo cho họ giáo Cồn Ngựa, cho một số tín hữu tại Lũ Đăng tức là Tân Phong ngày nay và xây dựng nhà thờ Hướng Phương.

Đức Cha Hoà Giám Mục chính

Đức Cha Gauthier qua đời ngày 8.12.1877. Đức Cha phụ tá Croc Hoà đương nhiên trở thành Giám mục chính đúng vào những ngày toàn Giáo phận phải rơi vào một cơn dịch tả ghê gớm và một cơn đói khát kinh khủng.

Trong lá thư đề ngày 7.9.1878 gửi cho nhân viên Hội Đồng Trung Ương Truyền Bá Đức Tin, chính Người đã mô tả cuộc khủng hoảng Giáo phận gặp phải năm 1877 và công cuộc cứu trợ do Toà Thánh năm đó đã đem lại những gì yên ủi cho Người. Ngài nói:

“Kính thưa Quý Vị,
Tôi chân thành cảm ơn Quý Vị đã thương cứu trợ cho Giáo phận tôi. Việc cấp phát dồi dào trong năm vừa qua đã lau khô biết ao giòng nước mắt của những người đau khổ. Nó đã giúp cho có người dạy dỗ hàng ngàn tín hữu được rửa tội để trở thành con Chúa. Nó đã giúp nuôi dưỡng cho hàng trăm tiểu chủng sinh và giữ lấy con số 15 Đại chủng sinh thần học, 52 linh mục, 13 thừa sai, 340 thầy giảng hoặc đệ tử giúp việc các thừa sai và linh mục. Thêm vào đó là những chi phí xây cất nhà thờ, nhà nguyện, giúp đỡ những giáo dân lâm nạn và 9 tu viện Mến Thánh Giá…”.

Người còn cho biết có nhiều chương trình rất đẹp, rất khẩn thiết như chương trình mở cô nhi viện, nuôi trẻ con lương dân bị bỏ rơi, những người tàn tật goá bụa… Nhưng vì hoàn cảnh lúc này không cho phép, vấn đề kinh tế không bảo đảm, đành phải dẹp bỏ tất cả. Có lúc tí xíu nữa, nếu không có Toà Thánh giúp kịp, thì cả một chủng viện phải đóng cửa và phải giải tán chủng sinh.

Ngài nói có nhiều làng hợp nhau xin tòng giáo. Có khi đến 10.000 người cũng xin gia nhập một lượt. Người tiếc vì không đủ phương tiện, chứ nếu có đủ thì việc truyền giáo sẽ còn dễ dàng gấp 20 lần năm trước.

Qua thời gian khổ cực nói trên, Đức Cha Croc Hoà đã xây nhà Chánh toà Xã Đoài và một chủng viện đồng thời cũng mở công cuộc truyền giáo ở Châu Lào.

Lúc cuộc chiến nổ lớn ở Bắc Kỳ năm 1883 vào lúc Đức Cha Croc Hoà đã kiệt quệ và trở bệnh nặng. Người buộc lòng phải đi dưỡng bệnh một thời gian ở nhà hưu dưỡng Hồng Kông và không ngờ đã từ trần tại đó ngày 11.10.1885. Thi hài của Ngài được đem về an táng tại nhà thờ Chánh toà Giáo phận Vinh đối diện hai bên tá hữu Đức Cha Gauthier Hậu là mộ Đức Cha Masson Nghiêm và mộ của Ngài.

Khẩu hiệu của đời Ngài là “Trong mồ hôi và máu” có nghĩa là kiên nhẫn chịu đựng đau khổ.

--------------------------------------------------------

Trang nhà   |  Về trang đầu


© 2007 :: Giáo phận Vinh. Thư  từ - bài đã đánh vi tính, xin gửi trực tiếp trên website hoặc email về: gpvinh@gmail.com
hay
giaophanvinh@gmail.com

. ..........